Tuesday, November 7, 2017

Nếu giờ mà đánh nhau không biết Cộng Sản chui đâu để núp.

Nhìn cảnh lũ lụt khắp nơi bỗng nhớ chuyện hồi xưa. Nói vậy nhưng cũng chỉ là mấy năm cho tới vài chục năm thôi, không ghi rõ có người lại bảo được tí tuổi bày đặt kể chuyện ngày xưa thì quê độ. 

Tháng 9 năm 2009, sau đám tang ba mình, lên xe thằng bạn để ra Hà Tĩnh tiếp tục cái công trình cho kịp khánh thành. Xe ngang cầu Đăk Mốt mình bảo lái xe dừng lại, một dòng sông đầy gỗ. 
Gỗ ken đặt từ trên đường cho tới giữa dòng sông, dân tập trung xe máy, trâu bò lại để vớt gỗ. Cả xã Diên Bình và huyện Đăk Tô tập trung tại đó. Người có phương tiện thì kéo cây to, người dùng trâu bò thì kéo cây nhỏ, ai tay không thì đi vớt củi chở xe máy đem về. Mình lẩm bẩm: Có lẽ tất cả những cánh rừng của Kon Tum trôi hết về đây. 

Thằng bạn nó móc cái điện thoại ra đưa cho coi một mớ hình. Không chỉ con sông này mà hầu như tất cả các con sông của Kon Tum đều như vậy. Toàn gỗ và gỗ, không còn nhìn thấy nước nữa. Suốt cả tuyến đường từ đó ra Đà Nẵng vẫn một hình ảnh ấy. Đó mới chỉ là loại gỗ phế mà người ta đã bỏ lại, thứ ngon tụi nó đã kéo hết rồi. 

Thằng bạn là chủ Gara, nó nắm rõ cách vận hành của đám lâm tặc nên nó nói: Từ ngày cấm cửa rừng, rừng bị triệt phá tàn bạo hơn thời gian trước đó. Khi chưa đóng cửa, kiểm lâm vào từng xưởng để kiểm tra, chung chi nặng nên người ta cũng e dè. Sau khi lệnh cấm ban hành, họ mặc định gỗ trong nội địa đều có giấy cho nên chẳng ai quan tâm tới việc xưởng xẻ gỗ gì. Với vài trăm mét khối có giấy, họ luồn vào hàng vạn khối gỗ lụi. Cửa rừng đóng, toàn bộ gỗ về là của kiểm lâm. 

Bên cạnh đó, với chiêu bài tận thu lòng hồ, tận thu khai hoang đất trồng cao su, tận thu cái gọi là đường tuần tra biên giới. Cần phá một hét ta họ phá gấp mười lần. Họ tha hồ triệt hạ mà không còn e dè như trước. Phần kiểm lâm kiểm lâm cưa, phần bộ đội, bộ đội đốn. Phần các lâm trường tranh nhau chặt phá, phần các doanh nghiệp sân sau chở gỗ về. Tất cả đều có giấy tờ hẳn hoi và toàn rừng Việt. 

Ngày mình còn nhỏ, bước ra khỏi xóm là rừng. Đến thời đi lính, từ ngã ba Đông Dương về đến Sê San, rừng bạt ngàn thăm thẳm vào tận biên giới giáp Lào, Campuchia. Ngày đó tụi mình đi hàng tháng không thấy ánh mặt trời. Cây nào cây nấy bốn năm thằng ôm không xuể. 

Thằng bạn lính giờ nó qua Mỹ ở rồi, nó nói: Rừng như vầy thì làm sao Mỹ thắng Cộng Sản nổi, với chiến thuật chiến tranh du kích, mấy ổng cứ luồn như tụi mình bây giờ thì dù cho Mỹ có trăm tai nghìn mắt cũng bó tay. Nấu cái bếp tiểu đội, không thèm đào kiểu Hoàng Cầm nhưng khói có lên cao đâu, chỉ lờn vờn phía thấp. Tán lá phủ kín như một cái mái che tầng tầng lớp lớp, mưa vừa vừa chẳng thèm đội mũ cũng không ướt nổi cái đầu, bao nhiêu nước tán cây giữ lại cả. 

Chưa đầy hai chục năm sau, chạy xe một mạch từ Ngọc Hồi về tới Gia Lai theo đường tuần tra, chỉ cách biên giới chưa đầy năm cây số chẳng còn thấy cánh rừng nào. Bốn phương tám hướng thấy toàn cao su và hồ thuỷ điện. Ngay cả cái khu bảo tồn Chư Mo Ray hùng vĩ một thời giờ cũng chỉ toàn cây bụi, lác đác mới thấy được một thân cao vút lên, đơn độc. 

Lần đó thằng bạn nó lại về, mượn chiếc U Oát chở nó đi thăm lại. Đường trải đá dăm láng mướt, những con dốc cao ngày xưa được gọi là Cổng Trời giờ cũng chỉ để số hai tằng tằng đi qua. Nó nói: Nếu giờ mà đánh nhau không biết Cộng Sản chui đâu để núp. Với địa hình này Mỹ nó quét cho ba lượt thì đến cái xác cũng chẳng còn nguyên. Tiếc là giờ Mỹ nó lại đéo thèm đánh cho. Giặc hiện nay là mỗi thằng Tàu, nhưng với Tàu thì tụi nó hai tay dâng cho chứ không cần tốn sức.
Trương Quang Thi

No comments:


Get paid to share your links!