Saturday, April 1, 2017

LẬT ĐÒ CHẾT THẢM 16 HỌC SINH: DÂN PHẢI SẮM ÁO PHAO HAY CHÍNH QUYỀN PHẢI XÂY CẦU?

Hôm nay thong thả, ngồi giở sách sột soạt chơi, mới đọc tới một bài trong sgk văn 11: “Áo phao- chuyện không nhỏ”, thấy cắc cớ trong lòng bèn bảo học sinh đọc thử rồi soạn ra giấy nỗi cắc cớ của riêng các em. Đâu ngờ cô trò nghĩ giống nhau. Bàn một hồi đi đến chỗ Ngân sách chi vào những việc gì gì..
(Thú thật, đi dạy vui nhất là thấy các em phản biện xã hội với hiểu biết và tinh thần trách nhiệm thế này; chưa kể các em còn rất nghiêm túc và trịnh trọng, cứ như nghị sĩ trình bày trước quốc hội vậy)
Nguyên là văn bản này nhắc đến chuyện 16 học sinh đắm đò chết thảm gây đau thương trong xã hội, tác giả bài viết đau lòng mà vạch ra một kế hoạch trang bị áo phao cho học sinh, giao việc ấy cho bộ giáo dục và các nhà hảo tâm, và nhờ Nhà nước xắn tay giúp đỡ, trong bối cảnh “ngân sách chưa được cân đối, các công trình tiền tỷ vô ích và quốc nạn rút ruột công trình chưa được hạn chế”!
Và đây là những cắc cớ học sinh 11CA đã chỉ ra trong văn bản:
- Nghệ An có 114 bến đò như vậy, đến khi có người chết mới đòi trang bị áo phao, mất bò rồi mới lo làm chuồng?
- Người viết không lên án được hai tác nhân chính dẫn đến vấn nạn là bến đò và nhà nước:
+ về nhà nước: đầu tư những công trình tiền tỷ vô ích mà không đầu tư thực dụng cho cuộc sống người dân; người dân đóng thuế cho nhà nước thì nhà nước phải lo cho dân chứ, đằng này trách nhiệm thuộc về nhà nước mà lại bảo nhờ nhà nước “giúp đỡ” vậy là hiểu không đúng về vai trò của nhà nước
+ về bến đò: chở người quá tải, không trang bị áo phao, không đảm bảo được an toàn của người dân. Chủ đò tham ăn cho lắm vào, chở quá số người quy định gây tai họa thì phải chịu trách nhiệm về chuyện áo phao chứ
- Ỷ lại vào các nhà hảo tâm, mà quên mất đây là trách nhiệm của nhà nước, dân đóng thuế để làm gì mà nhà nước không trang bị nổi áo phao cho trẻ em mà phải đi kêu gọi nhà hảo tâm
- Đây là vấn đề liên quan mật thiết tới mọi người dân địa phương chứ không riêng gì học sinh, tại sao lại giao trách nhiệm giải quyết cho bộ giáo dục, nếu giao trách nhiệm đúng thì phải giao cho bộ GTVT chứ
- Người viết chỉ đưa ra được giải pháp tạm thời và bất cập chứ không giải quyết được triệt để, không thay đổi được thực trạng; chưa kể người dân nếu ỷ lại áo phao thì sẽ quên mất nhu cầu xây cầu, vậy là bình thường hóa vấn nạn của hàng chục, trăm ngàn người dân
- Kkông thể bắt mỗi gia đình sắm áo phao được, nếu họ không mua áo phao, có chuyện xảy ra thì lại đổ lỗi cho họ, trong khi họ là nạn nhân à?
- Quyên góp cho ai, ai đứng ra nhận tiền, có thể xảy ra chuyện địa phương rút tiền quyên góp không
- Ai đảm bảo các em học sinh mỗi ngày qua đò đều có áo phao, mặc áo phao đi học bất tiện lắm, mà mặc áo phao nhưng đò lật thì có chắc chắn không bị chết thảm không, các em có thể trụ trong dòng nước xiết cho đến khi có người tới cứu lên không; vậy áo phao không phải là giải pháp tối ưu
- Phải xây cầu! phải dạy học bơi! Phải phát triển nhà đò công cộng, có cứu hộ, có trang bị áo phao và quy định chặt chẽ lượng người đò chuyên chở! Phải sắm thuyền lớn, đò tốt!
Rồi sau đó các bạn ấy cho một danh sách dài các mục chi tiêu lãng nhách của quốc gia và địa phương, nếu căt bỏ đi thì có thể xây cầu cho các em học sinh vùng núi đi học:
- Xây tượng đài, quảng trường hao tốn của công
- Xây dựng nhiều công trình kỉ niệm chỉ để phơi nắng phơi mưa
- Hội nghị, họp hành, đại hội, chi phí cho ăn uống mừng lễ này nọ quá nhiều
- Trang trí đường phố đèn đuốc hoa hòe, cờ quạt quá nhiều và tốn kém, điển hình là vụ pika-long ở Hải Phòng
- Tổ chức nhiều sự kiện quá hoành tráng
- Tu sửa những cái không cần tu sửa, những cái còn đang mới và tốt( ủy ban phường em 3 năm thấy đập ra xây một lần, thêm đồi cỏ, cảnh, sảnh này nọ, trang trí ủy ban lòe loẹt dịp lễ tết, vỉa hè lâu lâu xới lên lát lại, đền đình tu sửa liên miên)
- Băng rôn tuyên truyền, áp phích đầy đường cứ như triển lãm
- Chặt cây xanh đang lớn, thay cây nhỏ vào(wtf)
- Bánh trái, ăn uống tiếp khách
- Thi đua quá nhiều, phong trào quá nhiều, tốn tiền
- Lập ra nhiều hội, thu nhiều quỹ, chi quá nhiều
- Cúng đình
- Làm cổng chào tốn tiền vô nghĩa
- Loa phường nói những chuyện thừa thãi (dự báo thời tiết chẳng hạn); đèn điện hư thì không sửa, nhưng loa phường hư lập tưc sửa ngay
- Chi tiền cho cán bộ học tập trên sài gòn
- Trả lương cho những người chẳng làm gì suốt ngày ngồi tán dóc (dân phòng)
Dưới đây là những việc mà ngân sách cần chi:
- Nâng cấp các trạm y tế, trang thiết bị y tế 
- Làm đường, đặt cống thoát nước
- Cuối cùng, đề nghị phải công khai ngân sách và các mục chi tiêu để dân theo dõi và có ý kiến

YÊU CÁC BẠN CA LẮM!!!

Ngô Thủy

No comments:


Get paid to share your links!