Tuesday, March 21, 2017

Hậu quả của nền chính trị-giáo dục Đức trị Nho giáo đối với tính cách người Việt:


- luôn quy về đạo đức mọi hành vi của con người, do đó thường sỉ mắng, lăng nhục, dán nhãn người mắc lỗi là tội phạm đạo đức( đồ súc sinh, mày có tư cách gì mà nói..); mặt khác ngợi ca thái quá đạo đức con người dù họ chỉ làm đúng bổn phận xã hội hoặc làm việc đúng đắn ( công an nhặt rác, học sinh học giỏi, thầy giáo tận tụy cống hiến cho sự nghiệp giáo dục) 
- tính cách duy tình, cảm tính, coi nhẹ lí tính và tri thức( coi trọng gia đình hơn xã hội, sẵn sàng hi sinh trách nhiệm xã hội để chu toàn cho gia đình, gọi đó là hiếu đạo; đề cao những giá trị vụn vặt quẩn quanh kìm hãm sự phát triển lí tính của con người, kết hôn, sinh con, dựng vợ gả chồng, chấm hết một đời; dùng tình cảm và ràng buộc quan hệ để giải quyết các vấn đề pháp lý cộng đồng: "Anh với nó có họ với nhau đấy"-Chí Phèo) 
- đạo đức giả, giả dối tràn lan. Lấy lễ làm đức, con người trọng hình thức mà khinh tình cảm tự nhiên; sự gò ép khuôn khổ chống lại sự lành mạnh và chân thành của tình người, điều này là quá sức đối với con người, nhất là số đông con người không có sức mạnh nội tâm để vượt danh giáo. Không để lúc nào cũng đạo đức được, người ta chọn đạo đức giả, tức là lấy cái vỏ mỹ miều che đậy cái ruột hôi thối. 
-vừa nhát sợ vừa bạo lực. Sự chuyên chế của đạo đức tuyệt đối khiến con người sống có tôn ti, sợ luân lí cương thường đồng thời khủng bố, trấn áp kẻ khác bằng luân lý cương thường. Đó là nét tâm lý của kẻ yếu đuối và bất an về cái tôi. 
- đối với vật chất thì có thái độ nước đôi rất bệnh hoạn và tội lỗi: vừa làm ra vẻ khinh bỉ thanh cao lại vừa đeo đuổi đến ám ảnh. Nho giáo coi kẻ sĩ đối lập với danh lợi. Hám danh hám lợi không phải phẩm chất kẻ sĩ. Càng thanh bần thì càng đạo đức. Nhưng ai mà chẳng cần tiền. Thành thử trí thức Nho sĩ tranh thủ kiếm tiền chỉ bằng con đường làm quan. Và giờ thì chúng ta có tệ tham nhũng.

Ngô Thủy

No comments:


Get paid to share your links!