Tuesday, March 21, 2017

“ Con người được sinh ra để vui. Nếu họ không vui được về cái đẹp của bản thân, thì sẽ vui về cái xấu xí của người khác.”

Con người sinh ra đã vẹn nguyên tự do, bình đẳng và đầy đủ phẩm giá; con người chỉ quên mất, hay bị cướp mất những điều quý giá đó.
Chỉ với lòng trắc ẩn và những suy tư cá nhân, các em học sinh có thể khơi dậy những giá trị nhân văn trong lòng một xã hội tôn thờ vật chất và đầy rẫy bao lực, để trả lại cho con người vẻ đẹp vốn có.
Bài viết của hai bạn học sinh lớp 11B, chạm tới những vấn đề sâu xa nhất trong tâm thức con người: sự cuồng nộ của đám đông nhân danh công lý, niềm vui độc địa sinh ra từ bất an của con người, nỗi đau bị ruồng bỏ và sự lựa chọn đứng ngoài đám đông của những người biết vui với bản thân.
Bài viết của Phương Anh
Có câu nói “ Con người được sinh ra để vui. Nếu họ không vui được về cái đẹp của bản thân, thì sẽ vui về cái xấu xí của người khác.”
Nhân cách, nội tâm con người là cả một sự khó hiểu.
Sống, là tìm niềm vui, ý nghĩa cho mình; nhưng niềm vui đó không nên đến từ sự xấu xí của người khác. Một số đông con người, lấy niềm vui là việc tìm sự xấu xí của ai đó, rồi lăng mạ, hạ thấp họ. Nhiều người như thế, tạo nên một đám đông ích kỉ, độc ác với một người, hai người, số ít người yếu thế hơn, những người chịu sự đau buồn, xấu hổ. Hành động tệ bạc với một ai đó là không nên, nhưng nói xấu, bêu rếu bàn luận về họ là một điều ác độc không kém. Có thể họ là những người lầm lỗi. Nhưng đừng việc cái sai của họ để cho phép mình độc ác, ích kỉ. Bản thân những người “ tìm niềm vui trên sự xấu xí của người khác” sẽ không bao giờ biết được cảm giác, nỗi buồn mà họ - những người yếu thế hơn, những người bị thành chủ đề để mổ xẻ, phải chịu đựng. Tôi không nói đến những kẻ nhân cách bị tha hóa, đến ai cũng căm ghét chửi rủa mà vẫn trơ mặt lên mà vui với đời.
Xăm xia, bêu rếu một người là bắt nạt. Nhiều người làm những điều tương tự với một người là cô lập người đó, là hình thành đám đông độc ác. Không biết tự bao giờ, con người cảm thấy thỏa mãn khi bêu rếu một ai đó. Nếu nói về dẫn chứng, tôi có thể lấy quá khứ, lấy bản thân tôi là một ví dụ. Bằng một cách nào đó, vì một lý do nào đó, năm tiểu học của tôi là những ngày một mình, đôi khi lại nghe từ đâu đó những tin đồn, lời bàn tán về mình mà chẳng biết từ đâu ra. Và đương nhiên, “bạn tôi”, họ vui vì điều đó, họ tỏ ra vui vẻ, phấn khích khi làm thành một nhóm, hai nhóm bàn tán về “con nhỏ đáng ghét” ấy. Sức mạnh của tin đồn, của lời nói thật đánh sợ, đến nỗi tôi chẳng thể làm bạn với bất kì ai nữa, vì họ biết tôi qua những lời đồn. “ Bạn tôi”, họ sẽ chẳng bao giờ biết, và họ không cần biết những đứa bị cô lập, tẩy chay như tôi xấu hổ về bản thân mình như thế nào, sợ đám đông nhốn nháo như thế nào, tự ti về bản thân ra sao. Một số người mạnh mẽ, họ đứng ngoài đám đông đó và chứng tỏ bản thân mình. Nhưng những đứa dễ bị tác động, mềm yếu như tôi thì không. Đến bây giờ, từng lời nói, ánh mắt mọi người dành cho tôi, tôi còn nhớ. Và tôi ngại đám đông, ngại thể hiện bản thân mình. 
Những suy nghĩ bắt nạt, độc ác, ích kỉ đâu cần phải là người lớn mới có, những đứa trẻ 8,9 tuổi đã có thể hành xử vô tâm như vậy. Đó có thể là bản tính, là tính cách con người. Họ bàn tán về sự xấu xí của ai đó, và không bao giờ nghĩ đến việc đặt bản thân vào vị trí của họ. Một số người nhận rằng hành động của mình là công lý, là lẽ phải. Thật vậy, hay bản chất chỉ là sự độc ác. “Sự độc ác” đó xuất hiện mọi nơi, trong nhà trường, trong xã hội, trong những chuyện nhìn qua tưởng chừng như lẽ phải như chuyện của hai cô bảo mẫu bị kết án vì tội bạo hành trẻ em. Đừng tự nhận mình là con người tốt đẹp khi bản thân bạn mang ý nghĩa nhục mạ người khác làm niềm vui.
Xã hội sẽ chẳng bao giờ tốt đẹp, khi có vô số những người vui vì hạ thấp người khác. Có thể do môi trường sống của họ đầy sự độc ác, có thể do tính cách họ sẵn có. Nhưng vì bất kì lý do nào chăng nữa, niềm vui trên sự xấu xí không bao giờ là lẽ chính đáng.

Ngô Thủy

No comments:


Get paid to share your links!