Saturday, December 31, 2016

CUỐI NĂM NGHE LS LÊ CÔNG ĐỊNH KỂ CHUYỆN

Kể chuyện cuối năm

Năm 2008 Đoàn Luật sư Sài Gòn lần đầu đảm nhận điều hành Hội nghị các Thủ lĩnh Luật sư đoàn châu Á. Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Sài Gòn giao trách nhiệm tổ chức hội nghị cho Luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm, và tôi là Phó Chủ nhiệm.
Nhiều luật sư đoàn ở châu Á đã liên lạc với tôi đăng ký tham gia. Sự kiện làm tôi nhớ nhất là cuộc tranh cãi xung quanh việc tham gia của Luật sư đoàn Đài Loan. Tôi gửi thư mời đến tất cả các luật sư đoàn trong vùng, trong đó có Đài Loan, nhưng cố tình phớt lờ Liên đoàn Luật sư Trung Quốc.
Các thủ lĩnh Luật sư đoàn Đài Loan đồng ý tham gia ngay, nhưng sau đó vấp phải sự rắc rối do Liên đoàn Luật sư Trung Quốc gây ra. Tổng lãnh sự quán Trung Quốc cử người liên lạc với tôi bày tỏ ý muốn đăng ký cho Liên đoàn Luật sư Trung Quốc tham gia hội nghị, đồng thời yêu cầu ban tổ chức phải đặt bảng tên ghi rõ “Đài Loan (Trung Quốc)” trên bàn của các luật sư Đài Loan trong suốt thời gian hội nghị, nhằm nhấn mạnh rằng Đài Loan là lãnh thổ thuộc Trung Quốc.
Tôi ghi nhận ý kiến của phía Trung Quốc và hỏi các đồng nghiệp Đài Loan xem họ đồng ý không, thì nhận câu trả lời phản đối. Họ chỉ chấp nhận ghi tên “Đài Loan” mà không kèm theo chữ “Trung Quốc” bên cạnh. Tôi viết thư cho Liên đoàn Luật sư Trung Quốc thông báo sự phản đối của các luật sư Đài Loan và nói rõ không thể làm theo yêu cầu vô lý về việc đặt bảng tên như vậy.
Sau khi nhận thư của tôi, Liên đoàn Luật sư Trung Quốc lập tức gọi điện thoại từ Trung Quốc đe dọa sẽ không tham gia Hội nghị các Thủ lĩnh Luật sư đoàn châu Á năm đó. Đáp lại, tôi nhã nhặn cám ơn họ và mời họ lần sau tham dự nếu lần này bất tiện. Chủ đích của tôi muốn mời các đồng nghiệp Đài Loan hơn, vì đa số thành viên điều hành Luật sư đoàn Đài Loan đều làm việc tại những hãng luật danh giá của Mỹ và châu Âu, mà tôi tin họ sẽ đóng góp nhiều hơn cho cuộc thảo luận nghề nghiệp giữa các luật sư.
Sau đó, một viên chức của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc lại gọi điện thoại cho tôi cương quyết yêu cầu tôi chấp nhận đặt bảng ghi “Đài Loan (Trung Quốc)”. Ông ta bảo Đài Loan là lãnh thổ thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và hỏi tôi biết chính sách “một nước Trung Hoa” hay không, rồi nhấn mạnh nếu tôi không làm thế sẽ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Tôi vẫn nhã nhặn giải thích rằng đây là hội nghị chia sẻ hoạt động nghề nghiệp của các luật sư, không liên quan đến chính trị hay ngoại giao tầm quốc gia, nên tôi thấy chính sách “một nước Trung Hoa” chẳng liên quan gì đến công việc tổ chức mà tôi đảm nhiệm, rồi cho ông ấy biết yêu cầu của phía Trung Quốc rất vô lý. Tôi cũng nói rằng nhà nước Việt Nam rất chú trọng quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, nhưng trong vị trí của một luật sư tôi không quan tâm mối quan hệ ngoại giao đó.
Cuối cùng, tôi nói ra một điều khiến vị viên chức lãnh sự Trung Quốc nổi giận, rằng “tôi có biết chính sách “một nước Trung Hoa” mà ông nhắc đến và cũng rất ủng hộ chính sách đó, nhưng theo quan điểm cá nhân của mình tôi chỉ công nhận chính quyền Đài Loan là đại diện hợp pháp của nước Trung Hoa duy nhất mà thôi.” Ông ta dập máy cái rầm. Tôi tưởng bên kia đầu dây chiếc điện thoại vỡ toang.
Tôi báo cáo lại sự tình cho luật sư Chủ nhiệm. Ông cười thích thú, và nhận xét rằng thế nào phía Trung Quốc cũng dùng đường ngoại giao can thiệp. Quả nhiên, khoảng độ một tuần sau, ông báo tôi biết Bộ ngoại giao Việt Nam đã làm việc với Thành ủy ĐCS TPHCM và yêu cầu chúng tôi phải chấp nhận theo ý muốn của phía Trung Quốc. Luật sư Chủ nhiệm đề nghị tôi phải làm theo quyết định chung của Ban Chủ nhiệm căn cứ chỉ thị của Thành ủy ĐCS TPHCM, dù bản thân ông cũng không muốn. Tôi đành thông báo điều đó cho Luật sư đoàn Đài Loan.
Sau đó vài ngày, ông Trưởng Văn phòng Kinh tế-Văn Hóa Đài Bắc tại Sài Gòn (tương đương với tòa tổng lãnh sự Đài Loan) đích thân đến văn phòng luật của tôi trao đổi sự việc vừa xảy ra. Ông bày tỏ sự tôn trọng đối với quyết định của Đoàn Luật sư Sài Gòn, nhưng thông báo rằng các luật sư Đài Loan không tham gia để phản đối sự áp đặt vô lý của phía Trung Quốc.
Tôi tường thuật hết các cuộc trao đổi giữa tôi và phía Trung Quốc cho ông Trưởng Văn phòng Kinh tế-Văn Hóa Đài Bắc nghe, kể cả quan điểm của tôi về chính sách “một nước Trung Hoa” nói trên, và nhấn mạnh với ông rằng nhân dân Việt Nam chưa bao giờ xem chính quyền cộng sản Trung Quốc là bạn, tương tự như nhân dân Đài Loan. Ông rất cảm kích sự ủng hộ của tôi đối với chính quyền Đài Loan. Từ đó chúng tôi trở thành bạn. Mỗi lần trở về từ Đài Loan ông đều mang theo một gói trà ngon dành tặng tôi.
Hội nghị các Thủ lĩnh Luật sư đoàn châu Á vẫn diễn ra tốt đẹp vào tháng 8/2008. Liên đoàn Luật sư Trung Quốc cử ông Chủ tịch của liên đoàn cùng một phiên dịch viên sang tham dự. Trong 3 ngày hội nghị, mà tôi chịu trách nhiệm điều hành các buổi thảo luận chung, vị Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Trung Quốc chỉ phát biểu đúng một lần bằng cách cầm giấy đọc bằng tiếng Trung và được phiên dịch sang tiếng Anh, trong khi các thủ lĩnh luật sư đoàn những nước khác đều trao đổi thoải mái với nhau qua lại bằng tiếng Anh.
Vị chủ tịch đoàn Trung Quốc dáng vẻ giống y một quan chức nhà nước, rất quan liêu khệnh khạng, nhưng lại thiếu tự tin giao tiếp quốc tế. Trong suốt các buổi thảo luận về nghề luật sư, tôi luôn hướng ánh mắt và đưa tay mời để khuyến khích ông phát biểu cho chúng tôi mở rộng tầm mắt, nhưng tiếc rằng ông luôn ngậm hột thị sau khi đã cầm tờ giấy đọc xong trong ngày đầu tiên.
Tiếng “lành” của tôi trong việc xử lý vấn đề đặt bảng ghi “Đài Loan (Trung Quốc)” khiến phía Trung Quốc phiền muộn đã đồn xa đến mức Thành ủy ĐCS TPHCM cương quyết gây áp lực với Đoàn Luật sư Sài Gòn loại tôi khỏi chức vụ Phó Chủ nhiệm trong cuộc bầu cử Ban Chủ nhiệm vào cuối năm 2008. Họ thừa biết rằng nếu có cơ hội ở cương vị nào đó, tôi sẽ lại “chơi” bọn Trung Cộng tới bến, mà điều đó thì bất lợi cho quan hệ tốt đẹp giữa hai đảng và hai nhà nước.

LÊ CÔNG ĐỊNH

No comments:


Get paid to share your links!