Bài viết dưới đây về các võ sư võ cổ truyền Việt Nam tại Mỹ có nhắc đến Thầy tôi, võ sư Trần Văn Hòa. Các anh em tôi đã thọ giáo Thầy lúc năm tôi lên 13 tuổi, sau khi Thầy đi học tập cải tạo về. Ba mẹ tôi rất quý mến Thầy, và Thầy cũng kính trọng song thân tôi.
Chúng tôi trở thành các môn đệ đầu tiên của võ sư Trần Văn Hòa khi người còn ở Việt Nam. Thầy đặc biệt thương tôi và truyền thụ cẩn thận cho tôi hai môn trường côn và kiếm pháp của Tây Sơn Bình Định.
Thầy luôn kể về Hoàng đế Quang Trung và các trận đánh của ngài để giáo dục chúng tôi về tinh thần dân tộc và tinh thần thượng võ. Tôi say mê võ cổ truyền và lịch sử dân tộc nhờ thời gian ở bên cạnh Thầy.
Một lời dạy của Thầy mà tôi nhớ mãi, đó là "cao nhân tắc hữu cao nhân trị." Người giỏi đến đâu vẫn sẽ có người khác giỏi hơn mình, vậy đừng tự cao tự đại mà làm hỏng mình.
Khi Thầy vượt biên sang định cư tại Hoa Kỳ, tôi không theo học tiếp môn võ này, vì với trí óc non nớt của tôi khi ấy không ai so sánh với Thầy được.
Ở nhà, tôi vẫn luyện hai môn công phu mà Thầy truyền thụ, nhưng rồi việc học hành ở trường luật chiếm nhiều thời gian nên tôi cũng bỏ dần thói quen tập luyện, nhất là khi không có bậc minh sư bên cạnh chỉ giáo.
Hồi ở trại giam Xuân Lộc, một lần tìm được cây tre dài tương tự trường côn mà tôi tập luyện năm nào, tôi ngứa tay chân múa vài đường côn cho hai anh Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long xem giải sầu. Hai anh cứ mắt tròn mắt dẹt nhìn tôi ngạc nhiên.
Tôi nói đùa rằng cỡ công phu mà tôi đạt đến ngày xưa, tuy đã mai một nhiều theo thời gian, vẫn dư sức làm đại bàng trong buồng giam, nếu có ai dám chọc giận tôi! May mà lúc ở tù, anh em tù nhân đều quý mến mình, nên công phu của tôi vẫn tiếp tục mai một dần.
Lúc ở trại giam Chí Hòa, lâu lâu tôi vẫn lấy hai cây chổi quét sàn làm song kiếm múa để anh em bạn tù xem chơi. Có người còn đòi tôi dạy đánh kiếm để sau này ra tù có dịp "xử" mấy tay ỷ thế hiếp đáp dân lành.
Mời các bạn xem trích đoạn bài viết dưới đây trên báo Người Việt về người Thầy mà tôi luôn kính trọng, võ sư Trần Văn Hòa. Dù hàng chục năm nay không được dịp gặp lại Thầy, hình ảnh Thầy vẫn nguyên vẹn trong tâm trí tôi như thuở còn thơ.
ORANGE COUNTY, California (NV) – Võ cổ truyền Việt Nam, tuy có một lịch sử uy nghi bất khuất lâu dài từ thời cổ sử và từng bao lần giúp các bậc tiền nhân xông pha trận mạc, xua tan bất cứ đạo quân ngoại xâm lăm le chiếm lấn giải non sông gấm vóc của chúng ta, mà vẫn chỉ được rất nhiều người biết đến một cách hết sức mơ hồ qua tên gọi bình dân là “Võ Bình Định” hay“võ ta”mà thôi.
Một điều trớ trêu là trải qua hàng ngàn năm tồn tại một cách kín đáo dưới ách thống trị của Trung Hoa, rồi hàng trăm năm được lưu truyền một cách bí mật dưới gót giày đô hộ của Pháp, mà môn võ cổ truyền hào hùng của người Việt Nam vẫn tồn tại; vậy mà, khi sự đàn áp không còn như xưa thì sự phát triển của môn võ dân tộc này lại không được sung mãn như ý nữa.
Để giữ cho bộ môn võ thuật di sản Việt Nam không bị mai một, các vị võ sư tại Orange County có tâm huyết với dân tộc phải quên mình mà âm thầm bỏ công, bỏ sức một cách bền bỉ và lâu dài để truyền bá môn võ thuật này.
Võ Sư Trần Văn Hòa (biệt hiệu Song Yến Phi)
Mở võ đường “Sa Long Cương Tiên Long Võ Đạo Bình Định” từ năm 1985 tại Stanton, ông Hòa đã đào tạo rất đông môn sinh mặc dù ông rất kén chọn người nhập môn. Với ông, võ cổ truyện Việt Nam là một di sản thiêng liêng do tổ tiên để lại nên việc truyền giảng cần phải thận trọng.
Ông nói: “Không phải ai muốn học võ, tôi cũng dạy. Tôi phải tiếp xúc với từng người để xem xét, nhận định và đánh giá coi có phải là người tốt hay không. Tôi chọn người tỉ mỉ vì lý do rất đơn giản. Tôi coi mọi môn sinh như anh em, như người trong gia đình nên không thể thu nhận một cách ồ ạt hay bừa bãi.”
Ông thêm: “Nhưng ngược lại, khi đã nhận ai rồi thì tôi sẵn sàng bỏ hết thời gian, khả năng và tâm trí để mà huấn luyện người đó sao cho thành đạt.”
Theo tôn chỉ của võ cổ truyền Việt Nam, một võ sư là người truyền bá môn võ này chỉ với mục đích là giúp đời khi thời bình và giúp nước khi loạn lạc chứ không phải như một kế sinh nhai nên ông không bao giờ đem về cho bản thân đồng nào.
“Lúc trước, tôi là kỹ sư nhu liệu cho hãng Boeing còn hiện nay tôi sống bằng lương hưu. Số tiền học phí $90 tôi thu từ môn sinh hàng tháng chỉ vừa đủ để trả tiền thuê võ đường, mua đồng phục và bù cho những người không có khả năng trả học phí. Những ai nghèo mà muốn học đều có thể đến với tôi,” ông cho biết.
Điểm đặc biệt của võ đường ông là khi bước vào, người ta không cảm thấy sự lạnh lùng như các võ đường khác mà chỉ thấy một không khí đầm ấm trên thuận dưới hòa như một xóm làng quê hương yên ổn giữa thời bình.
Ông Hòa từng nhờ nhật báo Người Việt đăng tin nhận dạy miễn phí cho tất cả cựu quân nhân QLVNCH. “Đây là thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của ông bà mình thôi,” ông nói.
Ông muốn mọi võ sinh do ông đào tạo phải trở thành những người ích nước lợi dân.
Ông Nguyễn Đức Vượng, một người theo học võ Bình Định khá lâu, nói: “Tôi theo học thầy Hòa hơn 30 năm rồi. Trong thời gian qua đã bao nhiêu lần tôi bị người khác khiêu khích, gây hấn. Nhưng nhờ võ ta cho tôi một sự bình thản nên tôi luôn luôn cảm hóa những người này thành bạn. Có người sau này thành xếp tôi và giúp đỡ tôi rất nhiều.”
Ông Hòa chia sẻ: “Tôi luôn theo lời dạy của cha ông mà truyền lại cho đời sau là ‘Kiến nghĩa bất vi, vô dũng giả; lâm nguy bất cứu, mạt anh hùng.’ Nghĩa là thấy việc nghĩa mà không làm là người không có dũng khí; thấy người gặp nạn mà không cứu thì không phải là anh hùng.”
Trong số môn đệ của ông Hòa, có hai người hiện nay theo gương ông truyền giảng môn võ dân tộc này tại Orange County là ông Nguyễn Đăng Khoa và ông Nguyễn Minh.
Lê Công Định
No comments:
Post a Comment