Người Việt biểu tình chống Trung Quốc trước đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội ngày 08 tháng 7 năm 2012. |
Cái bóng Trung Quốc, cái bóng cộng sản
Thảm họa môi trường Vũng Áng xảy ra hầu như cùng thời gian với phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về biển Đông. Hai sự kiện lớn này phủ cái bóng lo ngại về Trung Quốc lên các trang blog tiếng Việt chưa biết chừng nào mới chấm dứt.
Nói về cái bóng Trung Quốc phủ lên xã hội Việt Nam, luật sư Lê Luân viết rằng khi nho giáo, vốn là cái cốt lõi của văn hóa Trung Hoa, và tâm lý nô lệ của người Việt chưa chấm dứt thì cái bóng của Trung Quốc vẫn còn đè nặng Việt Nam.
Một nhà nghiên cứu văn hóa Hán Nôm là Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng với cái rủi ro lịch sử lệ thuộc 1000 năm thì văn hóa Trung Hoa ảnh hưởng lên Việt Nam là điều khó tránh, nhưng khi bàn về món tiền mà công ty Formosa hứa bồi thường cho Việt Nam sau thảm họa môi trường mà họ gây ra, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện viết rằng Không có một món tiền nào có thể mua được sinh mệnh của mấy chục triệu người con đất Việt dải đất miền Trung. Không có một nhà máy thép nào có thể cho hàng triệu ngư dân cuộc sống như là biển cả.
Thảm họa môi trường biển miền Trung vừa qua đã phơi bầy toàn bộ những sự thật phũ phàng trong việc quản trị đất nước của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong thời gian qua.- Nhà báo Kami
Công ty Formosa có chủ là người Đài Loan, nhưng được cho là gắn bó rất chặt chẽ với các công ty Trung Quốc cộng sản.
Nhà báo Nguyễn An Dân nhìn lại những ảnh hưởng của các quốc gia cộng sản lớn lên nước Việt Nam trong mấy chục năm qua:
Giai đoạn 1979, do Trung Quốc xâm lược Việt Nam, Liên Xô khi đó trợ giúp chúng ta, nên chúng ta cho con em học tiếng Nga. Rồi cách đây 6-7 năm thì do Trung Quốc là bạn 16 vàng 4 tốt nên lại có đề án đưa tiếng Hoa vào hệ thống giáo dục phổ thông. Tại sao chúng ta cứ mãi ngả nghiêng như thế, mãi vọng ngoại như thế? Lại còn lập dự án phát triển viện Khổng tử, dưng lại các tượng Khổng Tử. Đó là sự thất thủ chủ quyền về giáo dục, về văn hóa tư tưởng.
Hai cuộc khủng hoảng, thảm họa môi trường Vũng Áng, và chủ quyền bị lấn lướt ngoài biển Đông đã đặt tính chính danh cầm quyền của đảng cộng sản vào một thử thách rất lớn. Nhà báo Kami bình luận:
Thảm họa môi trường biển miền Trung vừa qua đã phơi bầy toàn bộ những sự thật phũ phàng trong việc quản trị đất nước của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong thời gian qua. Đó là tình trạng chính quyền nhà nước và cán bộ lãnh đạo ở mọi cấp vô trách nhiệm đối với đất nước cũng như dân chúng. Họ đang điều hành quốc gia theo lối "sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi".
Đó là hậu quả của một thể chế chính trị độc đảng như Việt nam hiện nay, khi cơ chế kiểm soát và điều chỉnh quyền lực đã bị tê liệt và vô hiệu hóa. Vì lợi nhuận và lợi ích của cá nhân, người ta đã bất chấp tất cả, kể cả cuộc sống của dân chúng và tương lai của dân tộc này. Vì thế chúng ta phải cảm ơn Formosa, nhờ qua đó chúng ta mới biết được thực trạng của đất nước. Chúng ta cần phải đặt câu hỏi, đảng Cộng Sản Việt Nam một đảng cầm quyền duy nhất ở Việt Nam với các thành viên có ý thức như thế, thì còn xứng đáng để tiếp tục duy trì Điều 4 của Hiến pháp nữa hay không?
Bên cạnh những trách nhiệm về môi trường và chủ quyền, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cũng cho rằng chủ nghĩa cộng sản chịu trách nhiệm về những tổn hại về văn hóa và tin thần xảy ra trên đất nước Việt Nam mấy mươi năm qua.
Đấu Tranh
Một chuyển biến rõ ràng của tình hình chính trị xã hội Việt Nam trong thời gian gần đây là nhiều người đã lên tiếng công khai kêu gọi loại bỏ chủ nghĩa cộng sản. Tác giả Lê Văn viết trong lời đề tựa cho một bài viết trên trang blog Ba Sàm rằng:
Xóa bỏ chế độ cộng sản không phải là đi tiêu diệt người cộng sản mà là nhằm loại đảng cộng sản ra khỏi quyền hành bằng mọi phương tiện, mọi hình thức, mọi phương pháp ôn hoà để giành lại quyền tự quyết định cho tương lai của chính chúng ta, cho tương lai của cả dân tộc ta .
Không ít những đảng viên cộng sản rời bỏ đảng. Trang blog Bình Luận Án định nghĩa tội trạng phản đảng mà đảng cộng sản dành cho họ:
Hành vi phản bội đảng, suy cho cùng cũng chỉ mới là phản bội các đồng chí của mình, phản bội con đường hay xu hướng chính trị mà mình đã chọn. Chứ không có nghĩa là bị nhân dân hay những người ngoài đảng ghét bỏ, khinh bỉ, hay bị đánh giá là xấu…
Điều đáng lưu ý, là hành vi phản bội đảng tuy khá nghiêm trọng, nhưng rốt lại thì vẫn không phải, không bị xem là hành vi tội phạm – theo luật hình sự. Pháp luật Việt Nam, cụ thể là trong Bộ luật hình sự không có tội “phản bội đảng cộng sản”.
Nhưng những khẩu hiệu mang nội dung đòi xóa bỏ sự độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản vẫn chưa xuất hiện trên đường phố, mà thay vào đó là những lời đòi hỏi môi trường trong sạch và chủ quyền quốc gia. Tuy vậy những cuộc biểu tình đó vẫn bị đàn áp.
Trong cuộc biểu tình ngày 17 tháng bảy Luật sư Lê Luân thử chọn cách im lặng nhìn thời cuộc và ông rút ra nhận xét như sau:
Có nhiều người nói, im lặng có thể cũng được gọi là một loại lòng tốt. Nhưng nhìn ngược lại, im lặng hay phớt lờ trước những bất công và đòi hỏi buộc phải lên tiếng của xã hội thực tại với một người có lương tâm, thì có nghĩa, im lặng, nếu được hiểu là một loại lòng tốt, chắc chắn thứ lòng tốt đó là hoàn toàn vô nghĩa và không sử dụng được, giống như đồng tiền trên tay mà không thể tiêu vậy.
Chọn cho mình một thái độ như thế nào trước những cuộc khủng hoảng hiểm nguy như môi trường và chủ quyền, cũng là điều mà nhạc sĩ Tuấn Khanh suy nghĩ:
Bạn hỏi tôi phải nên hành động như thế nào. Tôi khó có thể trả lời toàn ý cho bạn về điều này. Tôi cũng không muốn khuyên bạn xuống đường biểu tình, vì bạn có thể là một người bồng bột. Nhưng nếu bạn bắt gặp một ai đó trên đường phố đang giương khẩu hiệu chống Bắc Kinh xâm lược, hay phản đối sự tồn tại phi nhân và phi lý của Formosa chẳng hạn, hãy chào và dành cho người yêu nước ấy một nụ cười. Đó là một nụ cười thật sự ấm áp để bạn, tôi, và người ấy cùng hiểu với nhau trong niềm hy vọng, rằng, dân tộc chúng ta, quê hương chúng ta đang thức tỉnh.
Hy vọng của nhạc sĩ Tuấn Khanh cũng là mong ước trong tuyên bố của mạng lưới blogger Việt Nam, mong muốn về một tinh thần Diên Hồng trong thế kỷ 21 để cứu nguy dân tộc:
Điều mong ước của Mạng Lưới Blogger Việt Nam là được nhìn thấy các bạn tranh đấu cho nhân quyền, các anh chị bảo vệ cây xanh, các bác các chú trong các đảng phái, những văn nghệ sĩ, trí thức, và quan trọng hơn hết, rất nhiều, hàng ngàn, hàng chục ngàn những khuôn mặt rất mới sẽ nắm tay nhau làm nên một biểu tượng Diên Hồng cho phong trào tranh đấu khôi phục và bảo vệ môi trường, bảo vệ ngư nghiệp, chủ quyền biển Đông và bảo đảm rằng con cháu chúng ta có được một cuộc sống an toàn, lành mạnh và tự do trong mọi lãnh vực.
...nếu bạn bắt gặp một ai đó trên đường phố đang giương khẩu hiệu chống Bắc Kinh xâm lược, hay phản đối sự tồn tại phi nhân và phi lý của Formosa chẳng hạn, hãy chào và dành cho người yêu nước ấy một nụ cười.- Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Mong muốn đó có lẽ chưa được như ý muốn, từ một góc độ của Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy khi bà phê phán sự kém tổ chức của các phong trào và tổ chức dân sự hiện nay:
Cần phải thừa nhận rằng : các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đang trong bước đầu hình thành và xây dựng, vẫn chưa thoát khỏi tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc, chưa có một tổ chức nào đủ tầm để đáp ứng đòi hỏi cấp bách của các vấn đề đang đặt ra cho xã hội và cho đất nước. Điều gây băn khoăn là : các tổ chức xã hội dân sự có nhu cầu trở nên lớn mạnh hay không ? Các tổ chức xã hội dân sự có muốn khẳng định bản lĩnh của mình hay không ? Các tổ chức xã hội dân sự có thể tạo sức mạnh cho mình bằng cách xây dựng tổ chức của mình theo nguyên tắc minh bạch và trong suốt hay không ?
Trong khi mà Việt Nam đang bước những bước dài về phía vực thẳm tự hủy diệt thì người ta vẫn không thấy các nỗ lực cải cách từ phía chính quyền, và cũng chưa thấy nỗ lực để trở nên lớn mạnh từ phía các tổ chức xã hội dân sự. Vậy, tương lai của Việt Nam sẽ như thế nào ?
Câu hỏi này mỗi người phải tự đặt ra cho mình, cả những người đang đứng trong bộ máy lãnh đạo nhà nước, cả những người đang hoạt động trong phong trào xã hội dân sự, và tất cả mọi người.
Nhà hoạt động dân sự trẻ tuổi Nguyễn Anh Tuấn cho rằng sự tạo dựng phong trào dân sự làm quân bình với quyền lực chính trị là con đường duy nhất mà không có chọn lựa nào khác:
Xã hội Việt Nam chưa tạo dựng được một thể chế mà trong đó đảng chính trị chỉ có thể thỏa mãn được tham vọng quyền lực cố hữu của nó bằng cách gắng sức làm lợi cho cử tri/người dân nhiều nhất có thể.
Hãy quay lại với câu hỏi mà chúng ta đôi khi né tránh:
'Giả sử đảng cầm quyền tuyên bố công khai đặt lợi ích của nó lên trên lợi ích quốc gia và đa số người dân, bạn làm được gì nó nào?'
Ngoài nó ra, bạn còn lựa chọn nào khác không?
Nếu chưa có, hãy tạo ra nó.
Hoặc ít nhất, đừng vùi dập những ai đang cố gắng tạo ra những lựa chọn khác cho bạn.
Bởi lẽ, thật khó có hàng hóa tốt nếu thiếu cạnh tranh kinh tế và cũng không dễ có chính sách tốt nếu thiếu cạnh trạnh chính trị.
Đôi lúc cũng có đấy, nhờ may mắn. Nhưng chẳng lẽ chúng ta đành lòng đặt vận mệnh cộng đồng chúng ta vào trò rủi may của số phận hay sao?
Để không phải nhìn thấy sự rủi may của dân tộc, blogger Dương Hoài Linh viết trên Dân Luận rằng Bất cứ chuyện gì trên đời này cũng có giá của nó. Nếu không chấp nhận trả giá anh sẽ đừng mong được thụ hưởng. Tất nhiên ta phải cố gắng để cái giá phải trả là thấp nhất nhưng không phải là sự vô cảm và hèn nhát.
RFA
No comments:
Post a Comment