Có lẽ chưa bao giờ câu chuyện hải sản nhiễm độc lại nóng như năm 2016. Trước đây, khi xảy ra những vụ bê bối có liên quan đến thịt heo, thịt bò hay thịt gà như thịt lượng kháng sinh, thuốc tăng trọng ở quá mức cho phép,... thì người dân thường chuyển sang ăn cá. Nhưng mới đây, sau vụ cá miền Trung chết hàng loạt chưa rõ nguyên do, thì phát hiện ra thêm hàng chục tấn cá nục nhiễm độc nặng, và nhà chức trách đã đưa ra những lời tuyên bố gây hoang mang.
Theo tin tức báo chí thì trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng Quảng Trị phát hiện 25 tấn cá nục đông lạnh tại một kho đông lạnh của một hộ kinh doanh ở thị trấn Cửa Tùng và đã tiến hành niêm phong. Lực lượng liên ngành tỉnh Quảng Trị tiến hành lập biên bản niêm phong 25 tấn cá nục bị nhiễm chất Phenol cực độc. Số cá nục thuộc lô hàng thu mua ngay sau thời điểm cá chết đã phát hiện có hàm lượng Phenol 0,037mg/kg. Một lãnh đạo của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm cho biết Phenol là một chất cực độc và tuyệt đối không được có trong thực phẩm. Chính ông Hồ Sỹ Biên, Chi cục trưởng chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị cho biết trên báo VTC News của Việt Nam, rằng chất phenol là loại chất cực độc, có thể gây chết người trong khoảng thời gian sau 10 ngày sử dụng. Đây là loại chất cấm khi đóng gói bao bì thực phẩm và tuyệt đối không được có trong thực phẩm.
Trước tin này, không một người dân nào không hoang mang, ngay cả những người không có thói quen ăn cá nục nói riêng và hải sản nói chung. Tôi cho rằng mọi người dân cần được biết thông tin chính xác, minh bạch về nguồn gốc của lô cá thu này, cũng như xác minh của ngành chức năng về khả năng dính líu đến vụ cá chết xảy ra sát thời điểm lô cá được thu mua. Ngoài ra, việc giải thích tại sao lô cá được cấp giấy chứng nhận hải sản đánh bắt xa bờ và giấy chứng nhận hải sản an toàn cũng cần được giải thích một cách thỏa đáng.
Bản thân người dân không hề muốn quy chụp trách nhiệm, với điều kiện thông tin phải hoàn toàn hợp lý, có cơ sở, có chứng cứ, có điều tra. Còn nếu chưa có, thì ngành chức năng phải lên tiếng để người dân biết và chờ đợi trong một thời gian hợp lý, trước khi thông tin trên các trang mạng xã hội nhiễu loạn khiến dân chúng đã lo lại càng lo hơn. Bài học xử lý khủng hoảng truyền thông từ vụ cá chết ở miền Trung mới đây cần được các ngành chức năng ghi nhớ: đó là trong khi người dân khát thông tin từ phía ngành quản lý, thì thông tin một chiều về cá chết, nguyên nhân (được đồn đoán) cá chết,... tràn lan, trên khắp các tờ báo, dẫn đến tình trạng khủng hoảng thông tin, khiến dân chúng rối loạn, hoảng sợ.
Trở lại câu chuyện cá nục nhiễm độc, trong khi nhiều đại diện ngành chức năng liên quan khẳng định chất Phenol là cực độc và là chất cấm, tuyệt đối không được có trong thực phẩm thì trả lời phóng viên VTC News chiều ngày 11-6, ông Võ Văn Hưng, Giá đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Quảng Trị lại cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận hải sản đánh bắt xa bờ và giấy chứng nhận hải sản an toàn chỉ mang tính tương đối. Tôi không thể hiểu ông suy nghĩ như thế nào, dựa vào căn cứ gì, lập luận ra sao mà lại cho rằng: “Cấp giấy để chứng nhận cá sạch chứ an toàn hay không thì chưa biết”. Đã vậy, vị này còn nói rằng “ngành Nông nghiệp không theo dõi về tiêu chí phenol trong thực phẩm. Theo quy định đối với ngành nông nghiệp và chi cục quản lý chất lượng thì không theo dõi về tiêu chí này”.
Tôi xin phép hỏi lại ông giám đốc, rằng “sạch và an toàn khác nhau như thế nào?” Tại sao nói là sạch nhưng không thể an toàn? Tôi chưa từng nghe (hay do khả năng của tôi giới hạn) rằng thực phẩm sạch thì chưa chắc đã an toàn. Hay cơ quan ông chỉ quản lý sạch, còn an toàn thì phải chuyển cho một cơ quan khác thẩm định, thưa ông? Một số Facebooker nói đùa khi hỏi ông “tại sao sạch chưa chắc ăn toàn? Ông nói vậy là có... động cơ gì?” Hay khái niệm thực phẩm sạch của ông nằm ở chỗ mắt nhìn thấy cá tươi, tay sờ thấy cá tươi là đủ, còn việc mổ xẻ và kiểm định thì không cần hay lại là chuyện khác.
Cũng giống như lời phát ngôn (vạ miệng) rằng “chọn cá hay chọn thép”, việc nói rằng “sạch chưa chắc an toàn” như ông giám đốc không khéo lại sinh ra thêm một khâu cấp giấy chứng nhận thực phẩm an toàn, thay vì chỉ cần cấp chứng nhận thực phẩm sạch là đủ. Hay ngay như việc ông giám đốc nói ngành Nông nghiệp không theo dõi nồng độ Phenol trong cá, vậy nhiệm vụ này là của ai, mong ông phải thẳng thắn chỉ ra, chứ không thể phủ nhận trách nhiệm và rồi để ngỏ câu trả lời để người dân phải tự kiếm tìm, tra cứu.
Về các ngành chức năng, thiết nghĩ phải giải quyết rốt ráo hai vấn đề quan trọng. Một là điều tra nguồn gốc thực tế của số cá nục nhiễm độc, chỉ ra nguyên nhân nhiễm độc (cá tự nhiên chức chất phenol, hay do tẩm ướp bảo quản, hay do nhiễm từ môi trường nước, hay vì bất kỳ một nguyên nhân nào đó được tìm thấy). Hai là phải làm sáng tỏ tại sao “cá sạch nhưng không an toàn,” tức là cá có giấy chứng nhận hẳn hoi nhưng lại nhiễm độc cực nguy hiểm. Tôi không đồng tình rằng việc cấp giấy đánh bắt xa bờ và chứng nhận thực phẩm an toàn lại mang tính tương đối như lời ông Hưng đã phân trần. Tại sao ư? Tại vì như kết luận, chất phenol cực kỳ nguy hiểm, 30 tấn cá nục có thể giết chết biết bao nhiêu người trong vòng 10 ngày sau khi ăn phải, như vậy không thể lấy nhân mạng số đông để đánh đổi hai chữ nhẹ như lông hồng – “tương đối” – mà ông Hưng nói ra. Mọi thứ phải tuyệt đối, nhất là sinh mạng của con người, mà nhất là dân mình, đồng bào mình.
Người ta hay bảo nhau rằng “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Không rõ trường hợp ông giám đốc Hưng có như vậy hay không, nhưng rõ là việc nói “sạch nhưng chưa chắc an toàn” thì không còn gì để bàn về “miệng quan” khi phát ngôn. Ông giám đốc làm tôi nhớ cũng từng có vị quan khác nói “đa số thực phẩm là an toàn nhưng người dân không biết”. Không chừng đến khi có người nhiễm Phenol gặp nạn, lại nghe đến kết luận của ông giám đốc rằng cá đó sạch nhưng chưa được kiểm định an toàn thì có lẽ chỉ còn ngẩn mặt lên than trời khi biết rằng họ chết vì...số mạng.
Theo Cao Huy Huân
No comments:
Post a Comment