Saturday, February 4, 2017

NGHỆ SĨ THÀNH LỘC: "HÃY THỨC TỈNH VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN ĐẤT NƯỚC"


Hồi còn làm Ban Giám Khảo của Vn’s Got Stalent đến mùa thứ 2 thì có một bạn hâm mộ tại Hà Nội đã lấy chân dung tôi, Huy Tuấn, Thuý hạnh và MC Thanh Bạch ghép vào hình ảnh nhóm thầy trò đường tăng Tam Tạng đi thỉnh kinh trong Tây Du Ký để bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Tôi có nói với bạn ấy (qua facebook thôi) rằng tôi cảm kích lòng ngưỡng mộ của bạn ấy dành cho chương trình và riêng BGK&MC, nhưng xin đừng ghép tôi vào cái nhóm văn hoá Trung Quốc vì tôi không muốn trông thấy hình ảnh chính mình lại khoác bộ trang phục của họ để cổ suý cho một nền văn hoá của một quốc gia đang xâm lấn lãnh thổ và làm hại người dân tôi mỗi ngày trên biển đảo! Bạn ấy bảo tôi cực đoan, chính trị là chính trị mà nghệ thuật là nghệ thuật! Tôi nói trước đây tôi cũng đã từng nghĩ như vậy nhưng bây giờ thì không vì chính Trung Quốc cũng đã không nghĩ như vậy, họ là những kẻ xảo ngôn nên ta không cần phải tôn trọng và hãy lấy hình ảnh tôi ra khỏi bức ảnh ấy, người bạn này đã tỏ ra thất vọng và miệt thị tôi khá nặng! Lúc đó tôi có nghĩ chắc bạn này là 1 dư luận viên.
Trong đợt kỷ niệm cho sự kiện của một hội chuyên nghành về sân khấu, người ta muốn dựng lại một số vở kịch lừng danh của nhà hát sân khấu nhỏ 5B mà một thời tôi đã gắn bó tài nghệ mình nơi đó, chỉ là một đợt hoạt động mang tính sự kiện thôi nhưng trong đó có vở Lôi Vũ (tác giả Tào Ngu – Trung Quốc) mà tôi đã thành công nhiều với vai Chu Xung. Tôi từ chối tham gia cũng vì lý do trên, không thể khác! Không thể viện lý do nghệ thuật khác với chính trị để chính mình tự làm tổn thương lòng tự trọng dân tộc của mình. Khi hai quốc gia còn là bạn bè tôn trọng chủ quyền của nhau thì nghệ thuật còn làm thăng hoa nhau được, chứ ai lại có thể đi tôn vinh văn hoá của một quốc gia nó bắn giết dân ta, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của ta từng ngày từng giờ được? Tôi đã nói rõ quan điểm của mình như vậy với ban tổ chức và không hiểu sao sau đó đợt sự kiện đó cũng ngưng lại luôn, chắc vì không có kinh phí chứ không phải là từ tôi, tôi chỉ là hạt cát trong cái sa mạc showbiz Việt nhu nhược nầy! Cũng như có lần tôi từ chối làm đại sứ hình ảnh cho một sản phẩm của Trung Quốc (họ đài thọ tôi du lịch miễn phí bên đó) thì cũng có vài người bảo tôi dại đã để vuột khỏi tay 1 cây cờ !!!
Rồi bây giờ là một danh sách dài ngoằng các tài tử minh tinh điện ảnh và nghệ sĩ của Trung Hoa lục địa mà “thần dân” xứ Việt chết mê chết mệt đã lên tiếng ủng hộ cái gọi là “đường lưỡi bò” láo xược trên biển Đông của chính quyền Trung Quốc, họ phản đối phán quyết của toà án quốc tế, bất chấp luật pháp và đi ngược lại với lương tri thế giới. Những cái tên như Phạm Băng Băng, Triệu Vy, Huỳnh Hiểu Minh, Lục Tiểu Linh Đồng… vốn đã xem chúng ta là thần dân của họ, tài nguyên nước ta là tài sản của quốc gia họ từ bao đời nay rồi! Vậy có đúng là nghệ thuật kinh tế đi trước để lót đường cho chính trị và xâm lược đi sau không?
Các văn nghệ sĩ, các fans hâm mộ những soái ca, tỉ tỉ, những thứ ngôn tình hay nam thần ngọc nữ gì đó…..hãy tỉnh táo và sáng suốt mà lo bảo vệ những giá trị văn hoá Việt còn sót lại trong mong manh và chỉ có chúng ta mới là những người phải thể hiện lòng tự tôn dân tộc mình. Tôi không kêu gọi kỳ thị mà tôi kêu gọi sự thức tỉnh!
NGHỆ SĨ VIỆT TRƯỚC HẾT PHẢI LÀ CÔNG DÂN VIỆT!
- Diễn viên Thành Lộc
(Nguồn: Fb Hao Nguyen)

LS Lê Công Định "Nguỵ biện về vai trò lãnh đạo."

Một trong những lập luận nguỵ biện nhất về vai trò lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước từ năm 1945 đến nay là sự lãnh đạo đó do "lịch sử lựa chọn".
Nó nguỵ biện vì những lẽ sau đây:
1) Sự lựa chọn một đảng cầm quyền phải do dân chúng thực hiện bằng lá phiếu thực sự của mình, chứ không phải là "lịch sử" mơ hồ trong một quan niệm trừu tượng.
2) Kể cả thời kỳ chiến tranh, mọi lựa chọn của "lịch sử" (nếu có) phải thông qua bầu cử công bằng và tự do, chứ không phải bầu cử giả hiệu và lừa đảo.
3) "Lịch sử" trong lập luận nguỵ biện được quan niệm theo kiểu là ông trời chung chung, và việc lựa chọn ĐCSVN tương tự như ông trời từng chọn các dòng họ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê và Nguyễn thay nhau trị vì đất nước, trong đó các ông vua là Thiên Tử.
4) Giả sử "lịch sử" đã chọn ĐCSVN lãnh đạo đất nước, chẳng lẽ chỉ chọn một lần rồi thôi, không cần chọn lại?
5) Xã hội Việt Nam những năm 1945, 1954 và 1975 hoàn toàn khác xa ngày nay, chẳng lẽ vai trò được "lựa chọn" ở những thời điểm đó mặc nhiên có giá trị áp dụng cả cho thời hiện đại, khi những vấn đề và giải pháp dành cho chúng ở xã hội cũ đã không còn hiện hữu và hữu hiệu trong xã hội bây giờ?
6) Dân số Việt Nam vào các năm 1945, 1954 và 1975 hãy còn khá ít so với dân số ngày nay, vậy bao nhiêu người sống tại các thời điểm đó, cho là đã đại diện "lịch sử" lựa chọn ĐCSVN, vẫn còn sống đến ngày nay để mặc nhiên tiếp tục sự lựa chọn cũ đó? Còn những người sinh sau đó thì sao, chẳng lẽ "lịch sử" đương nhiên bao gồm cả họ và ngày càng phình to vô tội vạ?
7) Sự lựa chọn của "lịch sử" phải chăng hoàn toàn tự nguyện, mà không có sự cưỡng đoạt công lao hoặc hành động gian trá của nhóm người "được chọn" đối với các nhóm khác và toàn thể dân chúng?
Khi phải dùng đến lập luận nguỵ biện để lấp liếm cho qua về vai trò lãnh đạo độc tôn của mình trong thời đại ngày nay, ĐCSVN tự ý thức rõ tính chính danh của mình đã không còn.
Lê Công Định

Friday, February 3, 2017

NỖI CÔ ĐƠN CỦA NGƯỜI TRÍ THỨC

Khi nghe đến hàng trăm nghìn những sinh viên trẻ Hồng Kông, rồi hàng chục vạn người trẻ Hàn Quốc xuống đường biểu tình phản đối lãnh đạo cao nhất của chính quyền nước họ phải từ chức và chịu điều tra độc lập, phải trao trả quyền lực độc lập về cho nhân dân, tôi thấy đau đớn cho sự im lặng trong thân phận bé mọn của giới trẻ và sinh viên Việt Nam mình.
Hôm nay, sinh viên luật ở Mỹ lại có một hành vi chính trị được coi là quyền đương nhiên đến mức bình thường của một con người mà bất kỳ một công dân Hoa Kỳ nào cũng đều có thể hực hiện - họ chung tay đâm đơn kiện tân Tổng thống Donald Trump ra Toà án bảo hiến để chống lại sắc lệnh vừa mới ban hành của ông ấy khi họ cho rằng nó có dấu hiệu vi phạm vào Hiến pháp nước này. Tôi lại tự đặt câu hỏi, giới trẻ và sinh viên luật của chúng ta đang làm gì và ở đâu khi đất nước cần đến? Chúng đang hưởng thụ và học tập những thứ học thuật cao siêu nào mà không nhìn thấy những thảm trạng trên đất nước mình trong tình cảnh vi phạm pháp luật một cách hiển nhiên và đầy rẫy trước mắt mỗi ngày?
Chúng đang học để làm gì? Để bảo vệ điều đúng đắn và phụng sự quốc gia hay nhất mực im lặng rồi sẽ luồn lách để tìm kiếm cái niêu cơm cho đầy cái bụng và ấm cái tổ của mình sau này?
Tôi hiểu nỗi cô đơn đến tột cùng của những người trí thức chân chính. Bởi lẽ, những tiếng nói của họ có thể lan toả và thuyết phục, đánh thức được những tâm hồn và lương tri xa lạ, không hề quen biết, nhưng thực sự đau đớn là những người thân quen và biết họ trong đời thường lại xem nhẹ, thậm chí chỉ trích hay dè bỉu những tiếng nói lương tâm của những người đang nhìn về và dành nỗi cảm thông cho đồng loại trên tổ quốc mình.
Với người thân quen, họ nhận được sự ngăn trở và xa lánh, với người xa lạ, họ nhận được sự ủng hộ và quý mến, động viên. Những nghịch lý để tạo nên nỗi cô đơn đến cùng cực của người trí thức.
Và còn nữa, đó chính là đặc tính rời rạc của giới trí thức Việt Nam, họ không có tinh thần chung, họ thường soi xét nhau, họ sợ người khác hơn mình, thậm chí sẵn sàng chà đạp nhau để mà thoả cái lòng ích kỷ của bản thân. Còn phần khác thì im lặng trong sợ hãi cốt để yên thân và nghĩ rằng đó là vì thế hệ con cháu để chúng được vô sự như cha mẹ chúng hôm nay.
Tôi đi ra đường, ngồi những nơi tôi đến, thường thì tôi nghe được rất nhiều những lời nói phù phiếm, sáo rỗng, phô trương, khoe mẽ và chuyện nhảm nhí đời thường. Tôi không nghe thấy những lý tưởng hay những câu chuyện chia sẻ về đất nước mình hoặc phương cách để thay đổi chúng tốt hơn lên mà có cơ hội tìm kiếm tương lai cho đời mình của những người xung quanh.
Tuổi trẻ và thế hệ trẻ của chúng ta đang ở đâu và làm gì? Họ học gì và nói gì với nhau trên tổ quốc đầy thương tổn và ngày càng khánh kiệt này?
Họ chỉ lo mưu cầu đời mình mà không tính dựng xây đất nước.
Họ không hiểu giá trị của họ nên thành ra trở nên như những công dân đầu gỗ trên mảnh đất quê hương dung dưỡng chúng.
Ngẩng đầu lên, nhắm mắt lại mà tư duy, mà suy nghĩ và đau đớn với những phận người và mệnh đời. Để hiểu rằng đất nước này là của chính mình, do mình gây dựng và tạo lập nên, mà rồi sẽ trở thành di sản cho con cháu hưởng chung. Đừng cố kiếm tìm và ký sinh trên mảnh đất là tổ quốc của mình rồi âm thầm rời bỏ quê hương trong nỗi hèn mọn đến bạc nhược.
Vì khi ra đi bằng nỗi hèn mạt, thì ở đâu bạn cũng chỉ có sự hèn mạt để sống mà thôi.

Luân Lê

Get paid to share your links!