Monday, December 12, 2016

Lòng tự trọng của quan chức.


Vũ Minh Hoàng 26 tuổi, là người được đặc cách bổ nhiệm chức vụ phó vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ khi còn đang đi học ở nước ngoài. Có thể coi Hoàng là quan chức được rồi.
Tôi tạm không quan tâm thông tin Vũ Minh Hoàng là cháu của đại tá Vũ Quốc Tuấn, hiện là phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, trước đó là phó Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ.
Tôi tạm tin rằng Vũ Minh Hoàng học giỏi, nhiều bằng cấp, tạm tin rằng Hoàng biết 5 ngoại ngữ.
Hiện đang có một luồng dư luận cho rằng, người trẻ tài năng cần được trọng dụng. Họ cho rằng Hoàng là người có năng lực xuất chúng, giỏi giang hơn người thì không cần phải qua thử thách, nhìn vào bằng cấp của Hoàng có thể làm quan ngay để cống hiến cho xã hội.
Tôi hoàn toàn đồng ý với việc người có năng lực cần được trọng dụng. Nhưng, có một số vấn đề cần rạch ròi.
Thứ nhất, biết 5 ngoại ngữ và thành thạo 5 ngoại ngữ là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa, cần phải nhìn nhận chính xác rằng, ngoại ngữ chỉ là phương tiện. Ngoại ngữ không phải là năng lực.
Thứ 2, Vũ Minh Hoàng được bổ nhiệm khi còn đang đi học tự túc, không phải trường hợp được cơ quan nhà nước cử đi học. Như vậy, bản chất ở đây là giữ trước một cái ghế làm quan, đến ngày về nước thì đã có sẵn mũ áo thênh thang, có thể tiến xa hơn ra trung ương...
Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ giải thích rằng cần người tài nên mới bổ nhiệm. Vậy thì lý gì các ông lại bổ nhiệm một người đang học ở nước ngoài, chưa thể làm việc!? Không một quy trình nào có thể bao biện cho sự phi logic đến trơ trẽn ấy.
Chính Vũ Minh Hoàng cũng đồng thuận với việc giữ ghế trước cho mình khi đang học. Và, đương nhiên việc giữ ghế ấy đã lấy mất cơ hội của người khác. Đó chính là bất bình đẳng trong xã hội, là nguồn gốc của bất ổn xã hội.
Đất nước cần người tài. Bộ máy nhà nước cần những quan chức có năng lực. Nhưng trước khi làm quan ai cũng phải làm người. Hoàng được học tây học tàu, nhưng lại không có lòng tự trọng của một trí thức.
Một quan chức không có lòng tự trọng thì người dân có thể hi vọng được gì? Lẽ thường, một quan chức có tài mà không có lòng tự trọng, càng leo cao thì càng nguy hại cho quốc gia dân tộc.
Việt Nam mình không thiếu người tài. Nhưng chốn quan trường thì đã có quá nhiều người không có lòng tự trọng. Có cần thiết phải thêm một người như thế nữa hay không?
Bạch Hoàn

DÂN VIỆT NAM - HÃY LÀ CÔNG DÂN, ĐỪNG LÀ QUẦN CHÚNG


"Công dân" là khái niệm chỉ tương quan về mặt quyền lợi và nghĩa vụ giữa người dân trong một quốc gia với nhà nước. Công dân có quyền bầu cử. Nghĩa vụ của công dân. Mất quyền công dân... Trong khi đó, "Quần chúng" được nhìn nhận là đông đảo người dân. Được sự ủng hộ của quần chúng. Phát động quần chúng... Quần chúng là số đông ngoài đảng Cộng sản, là đối tượng lãnh đạo của Đảng. Quần chúng góp ý cho từng vấn đề do đảng đề ra.
Với khái niệm này, "quần chúng" chỉ là lực lượng hô hào, hưởng ứng hay adua theo đảng Cộng sản mà thôi. Còn "công dân" là những người dân được hiến pháp xác nhận là chủ đất nước, họ là những người trao quyền lãnh đạo, cai trị hay điều hành đất nước cho những người mà họ thấy xứng đáng trong thời hạn nhất định (nhiệm kỳ).
Khi thể chế chính trị luôn xem dân Việt Nam là những công dân trưởng thành thì thể chế chính trị đó nghiêm túc và có dấu hiệu phục vụ dân nước, còn khi người dân Việt Nam chỉ được xem là quần chúng thì lúc đó người dân được xem như bàn đạp cho một nhóm người giành chính quyền, và họ xem những người dân chỉ là công cụ cho họ. Khi còn dùng được thì cố gắng bằng mọi thủ đoạn để tận dụng, còn khi không còn khả năng lợi dụng thì loại trừ và lên án, kể cả bất công.
Khi một quốc gia, người dân bị xem là số động quần chúng, rồi cũng tự kỷ ám thị như thế thì quốc gia ấy suy tàn, vì nhóm nhỏ cướp quyền cai trị đến lúc sẽ không còn đủ năng lực. Còn khi đa số người dân dám công bố và chỉ đồng ý danh phận của mình là công dân, và dành quyền sắp xếp trật tự quốc gia tích cực hơn với những gì mình được giới thiệu thì quốc gia đó cường thịnh.
Để trở thành công dân tốt, người dân cần biết tôn trọng người khác, kính trọng khác biệt. Người công dân không bao giờ được làm hại đến môi trường sống. Người công dân biết lắng nghe, học hỏi không ngừng. Người công dân biết giúp đỡ, cảm thông, đứng về phía những người kém may mắn hơn. Và đặc biệt, người công dân phải luôn có ý thức giữ gìn hình ảnh dân tộc bằng cách tôn trọng, đối xử bình đẳng với nhau.
Là người Việt Nam hãy là những công dân Việt Nam là vì vậy!

Lm. Lê Ngọc Thanh

Chủ nghĩa Marx-Lenin không sai- sự chống chế trong vô vọng?


Từ khi Chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ trên toàn thế giới, một lập luận chống chế cho Chủ nghĩa Marx-Lenin thường được nhiều người, nhất là những ai từng cống hiến cả tuổi trẻ cho phong trào cộng sản nay hoàn toàn thất vọng trước thực trạng xã hội ngày càng tồi tệ, nói đi nói lại đến nhàm chán, rằng:
"Chủ nghĩa Marx-Lenin không sai, chỉ những mô hình chính trị-kinh tế vận dụng sai chủ nghĩa này mới sụp đổ."
Thú thật, rất dễ nhận ra lập luận trên hoàn toàn nguỵ biện. Bởi lẽ, nếu Chủnghĩa Marx-Lenin không sai, xin hay chỉ rõ mô hình nào vận dụng chính xác chủ nghĩa đó mà đã góp phần đưa một quốc gia trở nên phú cường trên thực tế từ khi Chủ nghĩa Marx-Lenin xuất hiện trên bầu trời tư tưởng của nhân loại (?).
Hoàn toàn không có! Những quốc gia phú cường nhất từ hơn 200 năm nay, kể cả từ khi Marx chưa sinh ra, đều không áp dụng mô hình chính trị-kinh tế nào mà Marx và Lenin đã vẽ ra.
Các nước Bắc Âu cũng chưa từng áp dụng hay vận dụng gì từ Chủ nghĩa Marx-Lenin và, hơn nữa, đó vẫn không phải là những quốc gia phú cường nhất dù người dân ở đó được hưởng rất nhiều phúc lợi từ các chính sách hoạch định theo thiên hướng Xã hội Chủ nghĩa.
Xã hội Chủ nghĩa ở Bắc Âu cũng không phải là mô hình mà Marx, nhất là Lenin, đã nghĩ đến. Đừng nên quên rằng rất nhiều nhà tư tưởng khác, kể cả những người đối nghịch Marx và Lenin, cũng theo khuynh hướng Xã hội Chủ nghĩa nhưng không lầm đường lạc lối như hai ông tổ kia.

Lê Công Định

Get paid to share your links!