Friday, November 4, 2016

CÁI LỢI TRƯỚC MẮT


Dân ta, sẽ bảo vệ con chó bị ăn cắp đến cùng, kể cả phải đánh chết kẻ trộm chó, như những kẻ giết người man rợ thuở hồng hoang để bảo vệ tài sản hay chiếc nồi cơm nhỏ bé của mình.
Dân ta, cũng sẵn sàng hôi của của những người đánh rơi, gặp tai nạn mà vương vãi bung ra trên đường. Một sự công nhiên chiếm đoạt tài sản vi phạm pháp luật hình sự, nhưng con người ta vẫn thản nhiên cướp lấy giữa thanh thiên bạch nhật với một sự vui mừng như của những kẻ thụ đắc được một món lộc trời cho.
Nhưng, những kẻ đục khoét hàng ngàn hàng ngàn tỷ, của chính những đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ, một cách ngang nhiên, thì gần như không mấy ai mở miệng hoặc phàn nàn gì về điều đó, dù nó đang tàn phá đất nước và cuộc sống này một cách khủng khiếp.
Nhiều người thì tìm cách bỏ chạy khỏi quê hương, hoặc những tên lưu manh khác thì bỏ trốn như những kẻ tội phạm một cách nhởn nhơ trước mũi dùi pháp luật. Bọn trẻ khác thì tập trung vào thánh nữ dâm loàn, toán khác thì Việt Nam nói là làm rồi hành động điên rồ như những kẻ mất trí. Tốp nữa thì chăm chăm vào những chuyện showbiz, giải trí hay đánh nhau ra oai với thiên hạ, những nhóm sinh viên hiền lành khác thì cố gắng học cho xong rồi sau này lại loay hoay và khổ sở tìm kiếm việc làm, kiếm từng miếng cơm, manh áo một cách nhọc nhằn trong một xã hội ngày càng khắc nghiệt và nhiều bất công nhưng do chúng chấp nhận bỏ qua cho những điều xấu xa và hoành hành. Chúng tự tước bỏ cơ hội của chúng.
Người dân, đa phần chưa thoát khỏi cái lợi trước mắt và miếng cơm ăn trực tiếp để hiểu thế nào là và đòi hỏi cho những điều văn minh, tử tế.
Dân tộc này, xã hội này, đang xấu xí chưa từng có, mà không biết họ có tỉnh thức để làm người tốt hơn và đòi hỏi một chính quyền tốt hơn cho quốc gia này hay không? Hay tiếp tục dung dưỡng và cúi đầu trước những bất công và sự tha hoá, đồi bại, của kẻ khác và của cả chính mình?
Luân Lê

Nhu cầu pháp trị


Một người ai cũng tin là tham nhũng như Trịnh Xuân Thanh vẫn cần một hệ thống tư pháp công minh phán xét hành vi tham nhũng của anh ta xảy ra trong hoàn cảnh nào, ở mức độ nào, với ý chí chủ quan và yếu tố khách quan thế nào, có đồng phạm hay không, nhận lệnh của ai, vân vân và vân vân.
Huống chi Mẹ Nấm hay bác sĩ Hồ Hải, những người luôn ước muốn xã hội chúng ta tốt đẹp hơn, không chỉ cho riêng mình, thì bất kể đời tư và sinh hoạt cá nhân họ ra sao, quyền biểu đạt ý kiến và quan điểm của họ vẫn phải được tôn trọng.
Nếu mọi phát ngôn của Mẹ Nấm và Hồ Hải, cùng tài liệu mà họ lưu trữ, chỉ được phán xét theo hướng suy diễn một chiều của nhà cầm quyền, thì làm sao họ được tạo điều kiện để tiếp cận công lý trước một toà án thiếu tính độc lập, chỉ đơn thuần diễn xuất như con rối của cơ quan công an?
Nói như vậy để thấy rằng, pháp trị là nhu cầu bức thiết của toàn dân, bao gồm cả những người lương thiện và không lương thiện. Đã là con người, không ai hoàn hảo trong mọi điều kiện và môi trường, vẫn luôn cần sự công minh của hệ thống pháp trị, chuyện gì ra chuyện đó, tội nào ra tội đó, và trên tất cả quyền con người và luật pháp phải được tôn trọng tuyệt đối.
Sống giữa xã hội mà quyền phán xét chỉ thuộc về một nhóm kẻ cai trị độc đoán, dù bậc chân tu hoàn hảo cũng có thể bị mang ra bêu rếu công khai một cách vô lối, thì những cá thể đầy khiếm khuyết như chúng ta vốn đơn thuần là con cá trên thớt của nhà cầm quyền mong gì đến công lý và nhân quyền đây?
Đó là lý do tại sao tôi, và mong rằng tất cả chúng ta, cần tranh đấu cho một nền pháp trị thật sự, không chỉ cho Mẹ Nấm và Hồ Hải, mà còn cả cho Trịnh Xuân Thanh, bởi một ngày nào đó đến lượt chúng ta, giữa vòng lao lý, nhu cầu được phán xét công minh và hợp pháp, với đầy đủ quyền biện hộ trước pháp luật, trở nên thiết yếu thế nào.
Vì vậy, hôm nay, nếu chúng ta không lên tiếng vì họ, thì đồng nghĩa với việc chúng ta tự ngăn chặn và tước bỏ mọi cơ hội tiếp cận công lý của chính mình trong tương lai rất gần. Hãy suy ngẫm điều này!
Chúng ta là Mẹ Nấm và Hồ Hải của bây giờ và ngày mai.

Lê Công Định

HÀ TĨNH SAU THẢM HỌA FORMOSA: 74% NGƯ DÂN BỎ BIỂN, THẤT NGHIỆP TĂNG 15,7 LẦN.



Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa đưa ra những con số thiệt hại chính thức đầu tiên về việc làm và sinh kế của người dân 4 tỉnh Bắc Trung Bộ.
Theo đó, Formosa đã làm TỶ LỆ THẤT NGHIỆP của Thừa Thiên Huế tăng tăng 1,6 lần; Quảng Trị tăng 2,8 lần; Quảng Bình là tăng 7,9 lần, và đặc biệt Hà Tĩnh tăng tới 15,7 lần.
Riêng số người hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, du lịch, khách sạn đã giảm tổng cộng 33%, trong đó Hà Tĩnh giảm 54% và Quảng Bình giảm 52%.
Bộ Lao động không cho biết người dân nơi đây hiện đang sống bằng gì, chuyển đổi sinh kế ra sao - nghĩa là họ thừa hiểu tình trạng khốn cùng này sẽ còn kéo dài.
Liệu họ có trả lời được cho dân là Chính phủ bồi thường chỉ có 6 tháng thu nhập (từ tháng 4 đến tháng 9), thế giờ qua tháng 11 rồi dân sống sao đây? Rồi tương lai nữa, lấy gì để sống đây?
Bộ cũng tính tổng cộng có 263.000 lao động, tương ứng cả triệu miệng ăn đi kèm chịu ảnh hưởng từ thảm họa Formosa - một con số vô tiền khoáng hậu, hơn mọi thiên tai từ trước đến nay.
Thế nhưng, chỉ có 0 cán bộ chịu trách nhiệm.
Số 0 tròn trĩnh này đủ sức biến mọi tuyên ngôn đạo đức vì nước vì dân của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản trở nên lố bịch hơn bao giờ hết.
Số 0 này cũng khiến lời hứa 'phát triển không đánh đổi môi trường' trở nên dối trá, vì lẽ làm sao có thể ngăn được thảm họa trong tương lai nếu giờ đây nhắm mắt với thủ phạm gây thảm họa trong hiện tại?
Số 0 này cũng chứng tỏ mọi kiến nghị, góp ý, đề xuất của người dân về kỷ luật quan chức đều trở nên vô tác dụng một khi lãnh đạo Đảng Cộng sản đã cố tình bao che sai phạm cho nhau.
Chỉ có cạnh tranh chính trị, nơi dân chúng có thể trừng phạt nguyên một đảng bằng cách bầu cho đảng còn lại, mới ngăn chặn được các đồng đảng bao che sai phạm cho nhau.
Bài học này người dân chúng ta nếu không học thật kỹ và rồi sau đó hành động thật quyết liệt, thì thảm họa như Formosa sẽ còn đến dài dài khắp mọi miền đất nước, chỉ là dưới những tên gọi và hình thức khác mà thôi.
(có clip bên trong)

Nguyen Anh Tuan

Get paid to share your links!