Sunday, October 9, 2016

TÔI ĐÃ THẤY


Tôi đã thấy chiều ngày 8 tháng 10, hàng trăm cảnh sát cơ động với những chú chó nghiệp vụ mõm bị bịt kín diễn tập chống phản động trước cổng Formosa.
Tôi đã thấy hơn hai mươi cái tên trên Facebook bị bắt ở Vũng Tàu vì cái tội tập trung do yêu nước.
Tôi đã thấy Thủ tướng ngồi ăn bát phở, uống café như một người dân bình thường. Báo chí ca tụng ông bình dân nhưng riêng tôi thì thấy ông độc ác sau khi đặt bút ký cái quyết định 1880 định đoạt số phận của người dân Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa trong đó quy định trả lại đơn khiếu kiện Formosa, tức là ông hất chén cơm của anh chị em tôi ngoài kia và ngồi ăn bát phở trong này.

Tôi đã thấy máu bắt đầu chạy rần rật trong huyết quản của những lá đơn miền Trung, những tờ giấy không phải được viết ra bằng mực mà bằng máu tươi của người dân tôi cùng khổ.
Tôi đã thấy lịch sử bắt đầu viết một trang mới, từ con cá Formosa, từ chính quyền quyết tâm bảo vệ cho thép và từ sự lạnh lùng quay lưng với giọt máu Việt Nam.
Tôi đã thấy những con chó nghiệp vụ bị rọ mõm vì Cảnh sát cơ động không muốn chúng cắn càn, chúng phải cắn đúng đối tượng mà chính quyền muốn chúng cắn: nhân dân.
Những con chó hùng dũng bị rọ mõm ấy nhắc tới những con chó khác biết nói tiếng người nhưng lương tâm thì bị rọ, đang ung dung ngồi quán cà phê, gõ ly chờ nhìn cảnh thịt rơi máu đổ.
Tôi đã thấy những người bị bắt tại Vũng Tàu, bị còng tay chở về đồn buổi trưa, còng tay chở ra khỏi nơi bị bắt vào đêm tối, bị đạp xuống xe giữa đường mặc đêm đen hãi hùng bất kể họ là đàn bà con nít. Những con chó ấy mõm không bị rọ, vừa đánh đập anh chị em chúng tôi tại Vũng Tàu vừa gầm gừ như những con cảnh khuyển chờ được chủ thẩy ra vài cục xương tanh tưởi.
Tôi đã thấy người miền Trung âm thầm đọc kinh, âm thầm sám hối chuẩn bị cho ngày mai tăm tối đang chờ đón họ. Cái tăm tối ấy được dẫn đường bằng ánh sáng của chân lý. Họ dẫn dắt lịch sử chạy theo vết máu của mình để người sống tại các thành phố phồn hoa ghi xuống cho cả thế giới thấy thế nào là khủng bố.
Tôi đã thấy cuộc tắm máu sắp sửa nổ bùng, máu ai cũng màu đỏ nhưng máu của nhân dân bốn tỉnh miền Trung còn có thêm màu xanh của đại dương bị bức tử và màu trắng trợt của những con cá bị người ta nhét thép vào mồm.
Tôi đã thấy người dân khắp nơi lơ láo không biết làm gì khi tiếng than van gọi nhau chuyền từ nhà thờ này sang nhà thờ khác bằng những bài giảng, những lời cầu nguyện cho nạn nhân bị chó tấn công trước cổng Formosa.
Tôi đã thấy khói từ những họng súng chống biểu tình khi rừng rực oai hùng, khi lạnh lùng như rắn độc tấn công thẳng vào những chị, những mẹ, những cụ ông cụ bà. Và tôi cũng thấy họ bình thản như đang ngồi trong nhà thờ với Chúa.
Tôi đã thấy người dân chúng tôi không còn một mối, tan tác trăm nẻo mạnh ai nấy chuẩn bị tư thế cho mình. Tư thế được nhiều người chọn nhất: co mình lại thật chặt chờ cơn bão dữ thổi qua. Co mình lại càng chặt càng an toàn. Co mình tự vệ khi người khác dang tay, phồng ngực lên chống lại sự bất công của cường quyền bạo chúa.
Ôi tôi không còn muốn thấy nữa mà muốn ngồi im suy gẫm. Cái gì đang làm cho dân tộc tôi khốn cùng đến như vậy? Chúng tôi có còn là người Việt Nam nữa hay không? Nếu còn thì thứ tiếng Việt nào khi nói lên mới được mọi người cùng hiểu?
Ảnh : facebook

Canhco

FORMOSA VŨNG ÁNG VÀ CÁI BẪY CHUỘT - CÁI KẾT ĐẮNG CHO SỰ THỜ Ơ.

ảnh internet
Một gia đình nông dân nọ mua một cái bẫy chuột và lắp đặt trong nhà. Chuột thấy vậy nên rất lo lắng cho sự an nguy của mình.
Mỗi ngày Chuột lại càng thêm căng thẳng, đến mức gặp ai nó cũng nhờ giúp đỡ.
Một hôm, Chuột tìm đến Gà Mái tìm một lời khuyên bổ ích, nhưng Gà Mái chẳng tỏ vẻ chú ý gì:
“Chuyện bẫy chuột đó là chuyện của cậu, có liên quan gì đến tôi đâu! Tôi còn phải lo đẻ trứng nữa đây”.
Chuột lại tìm đến Lợn, Lợn dửng dưng:
“Rõ ràng cái bẫy chuột là muốn lấy mạng của cậu, đâu có phải là lấy mạng tôi đâu? Cậu nói với tôi làm gì! Tôi còn phải lo ăn để tăng ký đây”.
Chuột đem chuyện nói với Bò, Bò tức giận và bảo:
“Bẫy chuột là để bẫy cậu, nó làm sao gây hại cho tôi được! Thôi đi chỗ khác đi, để tôi một mình, tôi đang cần điều trị bệnh mất ngủ đây...”.
Chuột rất hoang mang, vì lo lắng cho tính mạng của mình nên sức khoẻ giảm sút.
Nghe được tin này thì Rắn mừng thầm, nó vốn thích thịt chuột, và lên kế hoạch sẽ tấn công bất ngờ tại tận hang Chuột trong nhà người nông dân, và tranh thủ xem mặt mũi cái bẫy chuột nó ra làm sao.
Nửa đêm hôm đó, người vợ nghe thấy có tiếng sập bẫy, liền vội vàng chạy ra xem. Nhưng hoá ra chiếc bẫy chuột sập vào đuôi của một con rắn. Rắn rất tức giận và cắn vào chân bà chủ nhà.
Người vợ sau khi bị Rắn cắn thì sức khoẻ giảm sút rất nhanh. Người chồng phải giết con Gà Mái để tẩm bổ cho vợ. Nhưng bệnh tình của bà vẫn không khá lên mà ngày một nặng hơn. Rất nhiều bà con, bạn bè đến thăm. Người chồng đành phải giết Lợn để thiết đãi khách, xem như một lời cảm tạ. Cuối cùng, người vợ vẫn không qua khỏi và mất. Người chồng chẳng còn cách nào khác phải bán con Bò để an táng cho vợ. Thế là cả Bò, Lợn và Gà Mái đều bị chết, chỉ vì cái bẫy chuột…(chuyện sưu tầm)


Một chiếc bẫy chuột dường như chẳng liên quan gì đến Gà, Lợn, Bò, nhưng cuối cùng vẫn gây cho chúng những hậu quả nghiêm trọng. Chuyện đáng bàn là nếu Gà, Lợn, Bò giúp đỡ Chuột từ trước thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Đó chính là cái giá phải trả cho sự vô tâm, thờ ơ của chúng.


Tương tự như cái bẫy chuột, Formosa đang làm cho bất cứ ai đang quan tâm đến sự sống còn của chính mình của gia đình  nói riêng (đặc biệt là ngư dâ 4 tỉnh Miền Trung) và của cả nước nói chung không thể không lo lắng và bất an... Ngoại trừ những kẻ như "Gà, Bò, Lợn" thờ ơ trước những đau thương của người khác và nghỉ đó không phải là chuyện của mình thì trước sau gì cũng bị "thịt" mà thôi. 
Vì thế, đừng có thờ ơ và vô cảm trước nổi đau của người khác nữa!

TL.

Miền Nam vẫn chình ình đó, không mất đi đâu. Nó chỉ mất một thứ: văn hoá.

ảnh internet
Nghe ông anh Thành Lộc kể câu chuyện ở quán bún bò của một gia đình gốc Huế trên đường Cao Bá Nhạ có chú trai con bà chủ mỗi lần tính tiền đều lễ độ bặt thiệp làm anh luôn dừng đũa để nghe, chợt nhớ tới câu chuyện nho nhỏ này.
Hôm trước, vào một buổi chiều muộn, sau khi mua ít đồ từ chợ ABC bước ra, tui thấy một bà cụ chừng bảy mươi. Bà ăn mặc đẹp đẽ thẳng thớm, tóc bới cao, gương mặt trang điểm nhẹ, bày chiếc bàn xếp ra sau đuôi xe mình, đặt mấy nải chuối xanh trên đó. Ngang qua, bà cười thật tươi với tui:
- Cậu ơi, mua giùm tui nải chuối đi cậu, chuối xiêm đen nhà trồng ngon lắm. 
Cái thằng chẳng mấy khi ăn chuối định cám ơn rồi lướt qua nhưng đành dừng lại. Có lẽ bị nắm níu bởi cái giọng nói quá chừng ngọt.
- Bao nhiêu một nải vậy bà ơi?
- Dạ thưa cậu, năm đồng. Cái này là chuối xiêm đen nên nó mắc hơn chuối thường một chút. 
- Vậy bà cho con hai nải nhe. 
- Cậu ơi, sắp tối rồi, hay là cậu lấy giúp bà già bốn nải này luôn đi. Ăn hổng hết mình bỏ tủ lạnh hoặc nấu chè hay làm chuối chiên cũng ngon. Chưn cẳng tui bị khớp, ngồi từ chiều giờ bán được có một nải. Tối rồi, cậu lấy hết, tui tính 18 đồng thôi. 
- Dạ được rồi, bà lấy hết cho con đi. 
Bà cẩn thận gói mỗi nải vô từng bịch riêng, còn dặn dò thêm cách phân biệt chuối xiêm đen và xiêm thường. Thằng tui cứ đứng xớ rớ hoài, hỏi thăm đủ thứ. Là để được nghe cái giọng nói ngọt mềm, được nghe cái cách nói của một-người-miền-Nam-cũ khi trước mỗi câu trả lời, bà đều "dạ thưa cậu". Thấy đâu đó bóng dáng bà nội bà Tư, thấy mình như đang đứng giữa cái vùng đất đã từng được lớn lên, với những con người hiền hoà, khiêm nhường và quá đỗi ngọt ngào trong ứng xử. Tự nhiên thấy quê hương ở ngay trân chỗ này, ngọt ngào vô phương. 
Bà Tư, bà nội hay bà bán chuối của tui, chẳng ai được học cao nhưng cái văn hoá ứng xử của họ sao mà văn minh mà dễ thương quá trời quá đất. Nói tới đây, tự nhiên so sánh, rồi tiếc ngẩn tiếc ngơ cái văn-hoá-miền-Nam. Ai tiếc nuối những phố phường thênh thang xưa cũ, những áo dài thắt eo hay thể chế Cộng Hoà gì đó, cứ việc. Riêng tui, tui tiếc nuối một miền Nam hiền hoà, văn minh và lịch thiệp. Miền Nam vẫn chình ình đó, không mất đi đâu. Nó chỉ mất một thứ: văn hoá. 
___________________
Cái miền-Nam tui đang nói tới được tính từ vĩ tuyến 17 trở vào. 
___________________
Chia sẻ riêng với mấy bạn trẻ: Thiệt ra, khoảng một nửa thành công trong cuộc sống của các bạn sẽ được quyết định bởi cách các bạn xài những "dạ", "thưa", "cám ơn", "xin lỗi". Thiệt.

Hồng Hải

Get paid to share your links!