Wednesday, September 28, 2016

*** Những chuyến xe đêm ...

Hơn 600 ngư dân Nghệ An dưới sự hướng dẫn của Cha Anton Đặng Hữu Nam đã đi trên 1 đoàn xe buýt 15 chiếc , khởi hành từ sáng sớm ngày 26-09-2016 đi đến tòa án Kỳ Anh ở Hà Tĩnh , để nộp đơn kiện nhà máy thép Formosa , về tội làm ô nhiễm trầm trọng cả 1 vùng biển miền Trung .
Suốt dọc đường đi , bà con đã bị công an , an ninh bao vây và đi theo canh chừng rất đông , nhiều lần làm khó dễ . Mọi người đã hát vang những bài Thánh ca , và cùng nhau cầu nguyện để giữ vững lòng tin và sự bình tâm trước thái độ hung hăng của công an , những kẻ đáng lẽ ra phải đứng về phía nhân dân giúp dân khởi kiện Formosa thì mới đúng !
Đến tòa án Kỳ Anh , thái độ ù lì và câm nín của cán bộ và lãnh đạo ở đây đã làm cho bà con tức giận . Tòa án làm khó người dân bằng cách đòi mỗi đơn kiện phải đóng án phí đến 5 triệu , đưa tổng số án phí lên đến hơn 2 tỷ . Họ định dùng cách này để chặn không cho ngư dân kiện , vì ngư dân cũng rất nghèo . Cách đối phó đểu cáng này càng khiến cho bà con phẫn uất . Nhưng Cha Nam đã ôn tồn nhắc nhở mọi người hãy bình tâm , cứ ôn hòa , nhẹ nhàng , và nhớ rằng đi tới đâu thì giữ gìn sạch sẽ , gọn gàng tới đó , đừng xả rác trong sân tòa án .
Qua hết 1 ngày mệt mỏi , bà con ngư dân Nghệ An lại lên xe buýt đi về Vinh , nơi mà các Cha và giáo dân giáo phận Vinh đang sẵn sàng chào đón để cùng hiệp thông . Trên đường đi Vinh đoàn xe lại bị công an chặn lại , gây khó dễ , đòi tách mọi người ra , đuổi người dân xuống xe và có ý muốn cách ly Cha Nam . Mọi người lại phải 1 phen đấu lý , đấu luật và đấu trí với đám tay sai còn đảng còn mình này !
Trời tối mịt , đoàn xe mới về đến Vinh , nghe nói là mọi người vẫn bình an . Nhìn hình ảnh những chuyến xe âm thầm lăn bánh trong đêm , chở những con người dũng cảm vừa làm nên lịch sử , thấy họ phải trải qua cả 1 ngày lo lắng , căng thẳng ... chỉ để nộp được lá đơn khiếu kiện 1 công ty nước ngoài , mới thấy thương bà con và mới thấy cái chế độ này nó khốn nạn cùng cực ! 
Ngày xưa , thời chiến tranh 54-75 , những người lính ưu tú của VNCH đã âm thầm thực hiện những chuyến bay đêm , những cuộc hành quân đêm ... để bảo vệ cho tự do và dân chủ . Ngày nay , những người dân ưu tú của miền Trung lại phải thực hiện những chuyến xe đêm như thế này , để đấu tranh đòi lại tự do và dân chủ đã bị cướp mất.
Khi nào thì đến miền Nam và miền Bắc cũng có những chuyến xe đêm để đồng hành cùng với đồng bào miền Trung ?

Ngọc Nhi Nguyen

VÔ ĐỊNH

Trước đó chỉ vài ngày ở Thừa Thiên Huế đã ráo rác về việc cả thành phố ngập trong biển nước sau một cơn mưa lớn.
Hôm qua ở TP.HCM còn khủng khiếp hơn khi dòng nước chảy xiết như những con sông mùa lũ, cuốn trôi cả người, xe và các đồ vật.
Đó là tình trạng trung về việc quy hoạch thành phố, quy hoạch đô thị tồi tệ, không có tư duy hay giải pháp khoa học. Người dân có thể coi đó là "hệ quả tự nhiên" của một hiện tượng thiên nhiên có mức độ lớn, nhưng đó chỉ là cách nhìn vấn đề theo hướng lạc quan tếu và cũng là né tránh cái cốt lõi thực sự của vấn đề.
Nếu một bài toán được đưa ra, bạn không đánh giá đúng đề bài, không nhìn nhận đúng phương pháp thì sẽ không bao giờ đi đến một cách giải và kết quả khả quan. Vì vậy bạn chỉ có thể bỏ nó đi và tìm một bài toán khác để giải chơi.
Cũng như giáo dục, cứ cải cách, năm này qua năm khác, đổ hàng đống tiền và hàng chục dự án gối đầu nhau không kịp dứt, nhưng cuối cùng là tình trạng giáo dục ngày càng tồi tệ hơn, đối phó hơn và nhiều biến thể khủng khiếp hơn. Học sinh như những đứa trẻ bơ vơ trong cơn khủng hoảng về chính sách đào tạo dài hạn bằng các kế hoạch ngắn hạn biến thiên liên tục.
Cái cuối cùng và cốt lõi của một vấn đề quản trị quốc gia, đó chính là quản trị quy hoạch gốc, nếu cái gốc đó khoa học thì tất cả những chuỗi chu trình tiếp theo sẽ vận hành tốt và đi lên.
Đó chính là vấn đề của thể chế chính trị, vì thể chế này bao trùm toàn bộ mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi mặt đời sống, nên nếu không thay đổi thể chế theo kiểu "cờ một tướng, kiềng một chân" thì sẽ không bao giờ có một toàn cảnh quốc gia vững chãi dù có chắp mọc thêm rất nhiều xúc tu như chân bạch tuộc vây quanh để chống đỡ mang tính tình thế. Nó chỉ khiến chính những giải pháp tức thời đó trở thành gánh nặng cho hệ thống vốn đã trở nên ngày một tồi tệ hơn thêm.
Vì mọi sự vá víu đều chỉ làm cho tấm áo nham nhở và chóng rách hơn.
Ngay cả cái cách khi gọi tên, dùng danh từ Sài Gòn khi ở đây có một sự kiện tiêu cực, và trịnh trọng xướng lên tên gọi TP.HCM khi có điều nổi bật nào đó diễn ra, đó chính là tư duy tồi tệ nhất của những con người bần tiện, xảo trá và luôn thoái thác sự thật mà chỉ muốn nhận lấy cái đẹp về mình.

Luân Lê

Thất thủ!

Sài Gòn thất thủ, Biên Hòa thất thủ, Huế thất thủ, Hà Nội thất thủ… Cả nước đang thất thủ bởi những trận mưa ngập ngoài sức tưởng tượng với mức độ ngày một tăng dần. Không chỉ ngập trong biển nước mênh mông sau những trận mưa mà thậm chí giới chính quyền bây giờ cũng ngượng ngập và “thất thủ” trong việc tìm cách giải thích dư luận, chính xác hơn, Việt Nam đang thất thủ toàn diện. Kinh tế thất thủ bởi lý thuyết “kinh tế XHCN” đã và tiếp tục dẫn đất nước đến vùng trũng ngập của những khoản nợ này đến những khoản nợ khác. Giáo dục đang thất thủ vì ngập trong tư duy lạc hậu. Xã hội đang thất thủ bởi ngập sâu trong tội ác. Y tế thất thủ khi ngập trong sự bất lực của giới điều hành. Môi trường thất thủ bởi cuộc tấn công không thể kiểm soát của những Formosa trước sự bất lực, tuyệt vọng, bế tắc và vô tâm. Con người cũng thất thủ khi ngập trong lối sống đầu độc nhau, bằng hóa chất và nhiều phương cách khác. Sự thất thủ nguy hiểm nhất và ảnh hưởng tương lai đất nước nhiều nhất vẫn là sự thất thủ trước Trung Quốc. Việt Nam đã không thể “thoát Trung”. Việt Nam vẫn bám chặt vào Trung Quốc. Việt Nam đang thất thủ. Toàn diện. Có con đường nào cho tương lai đất nước? Không và không bao giờ, nếu người ta chấp nhận sự thất thủ này mà không thay đổi thể chế. Không thay đổi, Việt Nam chỉ còn một con đường duy nhất để đi: con đường đi đến chỗ chết.

Manh Kim

Get paid to share your links!