Năm 1987, lần đầu mình vào Sài gòn, đi phiên dịch cho đạo diễn Oliver Stone . Ông bảo muốn thuê xuồng ba lá đi vào các con rạch phía bên kia bến Bạch Đằng . Mình xuống mé sông trả giá . 2 $ một giờ, rồi một bé gái chừng 15 tuổi, xinh xắn, đội nón lá, chống xuồng chở mình và mấy ông Tây qua bên kia sông, đi vào cách con rạch len lỏi giữa đám dừa nước .
Thủ thiêm lúc đó chả khác gì đồng bằng Cửu Long: ven kinh rạch các bà mẹ múc nước rửa rau, vo gạo trên sàn nước, mấy em chó thấy xuồng chạy qua phóng theo sủa ông ổng, cánh đàn ông ngồi lai rai nghe vọng cổ, tụi trẻ con đen trũi cởi trần, mấy đứa nhảy xuống kinh bên này nhào lộn, bên kia có đứa ngồi chồm hổm đi cầu. Xuồng chở thơm khóm, dừa , chum vại đậu mé kinh , đẹp như tranh, các ông Tây tha hồ chụp hình. Hồi ấy, mình không thấy sự nghèo nàn đơn sơ ấy là đẹp, nên cứ thấy Tây chụp là chỉ muốn ngăn. Còn nơm nớp sợ bị khiển trách vì không quản lý chặt để các bạn tự ý đi chơi nơi " không an ninh". Mà thấy thuyền chở Tây đi qua, ai cũng cười, vẫy tay, trẻ con í ới " hê lô, hau a zu ?".vv..
___
Đầu những năm 2000, nhà mình ở Thảo Điền, công ty ở bến Bạch Đằng, hôm nào nghỉ sớm đón con gái đi học về là nó đòi đi phà. Con phà Thủ Thiêm đưa khách từ bên ni qua bên nớ, con gái thích chen chân với anh xe ôm, chị bán chuối chiên... Con đường (Lương Định Của) sầm uất dân cư, chợ trái cây, tôm cá . Và rất nhiều chùa. Sau này con gái thích chụp hình, mẹ hay chở qua đây chụp hình " slices of life".
Năm 2012, mẹ mình mất, trong lúc bối rối cô bạn thân đi tìm giúp ngôi chùa gửi mẹ. Mình chỉ yêu cầu chùa gần nhà, và nghèo. Cô tình cờ đi qua chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, gặp sư thày, về nói " đúng như ý chị".. Thế là từ đó gởi cốt mẹ lên chùa.
Ngày rằm mùng một, lên chùa thấy thanh đạm mà khói nhang thơm ngát, vườn chùa nhiều cây, chim về đậu. Phật tử toàn người Thủ Thiêm, lam lũ, nghèo, lên chùa cầu an, để có một chút thời gian tĩnh tại không phải lo toan cuộc sống.
-
Rồi sư thày báo tin chùa bị nhận thông báo giải toả. Mình an ủi: “Không lo đâu thày, họ làm đô thị mới thì cũng phải có nơi thờ phật, thờ chúa, cho dân tín ngưỡng. Nhà nước hay chủ dự án thì cũng mê tín, sợ bị trời phạt nên chắc chả dám ai phá chùa đâu thày ơi!”.
Thế rồi mấy tháng sau, nhà dân bị đâp tanh banh quanh chùa, con đường vào chùa cỏ lác mọc kín mít. Thày vẫn cố bám trụ . Càng ngày đi vào được chùa càng khó vì xe tải xe ủi cày đất lên mùa mưa thì biển bùn, mùa khô thì bụi ngút ngàn. Hàng đêm, từ cửa sổ căn hộ của mình ở Saigon Pearl, mình vẫn nhìn ra cái chấm đèn vàng le lói bên kia sông trong khu đất mênh mông tối om... để yên tâm chùa vẫn còn đấy, mẹ vẫn ở đó, vẫn được nhang khói.
Rồi một hôm đi xa về đọc tin chùa đã bị phá! Phá thật, đập tan ra , đúng như trúng bom…Sư thầy lên tăng xông phải đi nằm viện, các quý thày tan tác đi tá túc mỗi người mỗi nơi. Quận chất hết cốt phật tử, chuông chùa, sách kinh, gạo, đồ chay vào xe tải chở lên Cát Lái, một vùng đồng khô cỏ cháy không một bóng cây, bỏ hết vào một cái kho mái tôn, khoá lại, niêm phong cả phật lẫn linh hương.
Chính quyền treo lên cái biển xanh chữ trắng "Chùa Liên Trì", bên cạnh đó có cái biển đỏ chữ vàng gạch chéo "Cấm quay phim chụp ảnh" và " Cấm tụ tập đông người" ! Chùa mà cấm người đến tụ tập thì để chùa cho hồn ma sao?
Vậy mà ngày rằm ngày tuần, vẫn có phật tử vượt đường xa tới đây thắp nhang Phật, thắp nhang cho người thân. Vẫn những con người gầy đen, lam lũ , khắc khổ, bình dị ...Vẫn những lời khấn nguyện xin cho được an lành.
©Đó là câu chuyện Thủ Thiêm của chị Hương, một doanh nhân khá nổi tiếng ở Tp.HCM.
FB Lê Nguyễn Hương Trà
Source: What an amazing alive fried fish meal! by Smallworld
No comments:
Post a Comment