Friday, September 9, 2016

Quan chức VN phủ nhận ra lệnh đóng fanpage của báo chí

Trên mạng xã hội, sau khi fanpage của 4 trang tin lớn biến mất, nhiều người phỏng đoán có thể nhà chức trách Việt Nam đã ra lệnh buộc các trang tin phải làm như vậy. (Ảnh minh hoạ)
Các fanpage trên mạng xã hội Facebook của 4 trang tin tức được nhiều người quan tâm ở Việt Nam là Zing News, VnExpress, Dân Trí và Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã không còn tồn tại kể từ chiều ngày 7/9.
Zing News, VnExpress và Dân Trí chưa đưa ra thông báo chính thức về việc fanpage của họ biến mất. Riêng Báo Giáo dục Việt Nam ngày 7/9 đăng trên trang web chính thức của mình thông báo nói họ “quyết định tạm dừng hoạt động trang Fanpage (duy nhất) trên mạng xã hội” từ sáng cùng ngày. Trong thông báo, họ nêu lý do phải quyết định như vậy vì “nguồn lực về con người và vật chất hạn chế để có thể kiểm soát tất cả các bình luận trên trang Fanpage của Báo”.
Báo Giáo dục Việt Nam cho biết thêm động thái của họ có mục đích vừa “để ngăn chặn những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra” vừa để “chấp hành những cảnh báo của các cơ quan chức năng đối với các cơ quan báo chí trong việc vận hành các Fanpage trên mạng xã hội”.
Báo Giáo dục Việt Nam lâu nay được nhiều bạn đọc coi là một trang tin “mạnh miệng” khi nói về các vấn đề chính trị, xã hội, chủ quyền và quan hệ quốc tế của Việt Nam. Các bài báo hoặc bình luận của báo thường nhận được nhiều bình luận của độc giả với những lời lẽ táo bạo.
Trên mạng xã hội, sau khi fanpage của 4 trang tin lớn biến mất, nhiều người phỏng đoán có thể nhà chức trách Việt Nam đã ra lệnh buộc các trang tin phải làm như vậy.
Một số người còn cho rằng sự việc này liên quan đến quyết định trước đó vào ngày 6/9 của Bộ Thông tin-Truyền thông về thu hồi thẻ nhà báo, cảnh cáo hoặc giáng chức đối với 4 nhà báo tại các báo Infonet và Dân Trí. Các nguồn trên mạng xã hội nói các ông Lương Tân Hương, Phạm Phúc Hưng, và Nguyễn Đình Hưng bị kỷ luật vì đã để lọt những “bình luận khủng khiếp” trên fanpage của họ trong những bài nói về “chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước”.
VOA đã liên lạc với ông Nguyễn Thái Thiên, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin-Truyền thông Việt Nam, để xác minh.
Ông Thiên nói:
“Bây giờ là tôi đang đi công tác. Cho đến thời điểm này là tôi không nhận được một cái sự chỉ đạo của cấp trên để yêu cầu các báo cho đóng các fanpage lại cả. Tôi chưa nhận được cái chỉ đạo nào như thế cả. Tôi nghĩ rằng việc đó là do các báo họ quyết định thôi, người ta quyết định thôi. Chứ còn không có sự chỉ đạo nào như thế cả”.
Hồi tháng 4 năm nay, phúc trình thường niên về tự do báo chí thế giới của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới vẫn xếp hạng ở vị trí rất thấp là 175/180. Tổ chức này nói dù vẫn giữ nguyên vị trí song tình trạng tự do báo chí ở Việt Nam có phần tệ hơn năm ngoái nữa. Một đại diện của tổ chức nói rằng “thông tin độc lập cũng như thông tin tự do là những cái không thể có trong một xã hội nằm dưới sự kiểm soát của một đảng cộng sản như Việt Nam”.

Phiên xử bà Cấn Thị Thêu sẽ diễn ra vào ngày 20 tháng 9

Bà Cấn thị Thêu, cựu tù nhân và là nhà đấu tranh chống bất công về đất đai, sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 20 tháng 9 tới đây.
Con trai bà Cấn Thị Thêu, anh Trịnh Bá Phương cho biết tin gia đình nhận được từ luật sư Hà Huy Sơn, người sẽ bào chữa cho bà Cấn Thị Thêu trong vụ việc lần này:
“Chiều nay luật sư cho gia đình biết vào ngày 20 đến đây tòa án quận Đống Đa sẽ đưa ra xét xử. Địa điểm là 157 Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội.
Lần gần nhất luật sư vào thăm cho biết sức khỏe của bà bình thường và bà không nhận kết luận của Viện Kiểm sát đưa vào trong tù cho bà. Bà phản đối tất cả những cáo buộc của họ."
Bà Cấn Thị Thêu bị lực lượng chức năng bắt vào sáng ngày 10 tháng 6 vừa qua tại nhà riêng ở Hòa Bình với cáo buộc gây rối trật tự công cộng.
Trước đó bà từng bị bắt vào ngày 25 tháng 4 năm 2014 khi lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế đất tại Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Bà và chồng đều bị bắt. Tòa tuyên bà 15 tháng tù giam và mãn án vào ngày 27 tháng 7 năm ngoái.
Bà Cấn Thị Thêu và nhiều người dân Dương Nội phản đối biện pháp thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp tư nhân Nam Cường làm dự án. Qui trình thu hồi đất không đúng pháp luật đã được Thanh Tra Chính phủ chỉ ra.
Tuy nhiên cơ quan chức năng vẫn tiến hành cưỡng chế và lần gần nhất vào ngày 6 tháng 9 vừa qua. 
Theo RFA

Phiên phúc thẩm blogger BaSam sẽ diễn ra vào ngày 22 tháng 9

Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh
Phiên phúc thẩm vụ blogger BaSam Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy sẽ diễn ra vào ngày 22 tháng 9 tới đây.
Thông tin vừa nêu được luật sư Hà Huy Sơn, người tham gia bào chữa cho ông BaSam Nguyễn Hữu Vinh và cô Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết.
Vào chiều ngày hôm nay 8 tháng 9 ông nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Tóm lại tòa đã cấp những giấy tờ cần thiết cho tôi làm người bào chữa cho ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy cũng như thông báo phiên phúc thẩm sẽ diễn ra vào sáng ngày 22 tháng 9 tại Hà Nội.”
Luật sư Hà Huy Sơn cũng đưa ra nhận định của ông về phiên tòa sắp diễn ra như sau:
“Đối với những vụ án mang tính chính trị thì theo kinh nghiệm của tôi không phụ thuộc vào các qui định của pháp luật mà người ta có những chỉ đạo từ đâu đó ngoài tòa; cho nên tôi cũng không thể biết được kết quả ra làm sao!”
Xin được nhắc lại ông Nguyễn Hữu Vinh là người chủ xướng trang tin BaSam được nhiều người truy cập để đọc những tin tức về tình hình Việt Nam mà báo chí chính thống Nhà nước không loan tải hay không đề cập đến mọi góc khuất của vụ việc. Trang blog do ông lập ra đời vào ngày 9 tháng 9 năm 2007. Ông cũng lập ra trang Việt Sử Ký hay Chép Sử Việt.
Ông sinh năm 1956 và từng là một sĩ quan công an. Sau khi ra khỏi ngành công an, ông làm việc ở Ban Việt Kiều Trung ương. Ông là người đứng ra thành lập một công ty thám tử tư đầu tiên tại Việt Nam.
Ông bị bắt vào ngày 5 tháng 5 năm 2014. Phiên sơ thẩm diễn ra vào ngày 23 tháng 3 năm nay tuyên ông Nguyễn Hữu Vinh 5 năm tù theo điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước…’
Theo RFA

Get paid to share your links!