Saturday, July 23, 2016

Chống tham nhũng hay tranh đoạt quyền lợi nhóm

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại kỳ họp đầu tiên quốc hội khóa 14 hôm 20/7/2016. (ảnh minh họa)
AFP

Bộc lộ nhiều góc khuất

Chiến dịch làm trong sạch Đảng, chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang bộc lộ nhiều góc khuất. Từ uy lệnh của Tổng Bí thư, báo chí vào cuộc khui ra nhiều chuyện bi hài liên quan đến nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và thời gian 9 năm giữ trọng trách của ông.
Báo Đất Việt bản tin trên mạng ngày 20/7, đưa tin VAFI Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam có thêm cáo giác 5 điểm, về những sai phạm của nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trong suốt thời gian tại chức.
Tóm tắt những sai phạm này bao gồm, thứ nhất bổ nhiệm các chức danh chủ chốt tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc Bộ Công thương quản lý đã không đòi hỏi nhiều về kinh nghiệm và thành tích quản trị cao. VAFI đưa thí dụ ở 3 tập đoàn kinh tế lớn là Sabeco, Habeco và Vinataba. VAFI mô tả hành vi bổ nhiệm này là sai Luật Doanh nghiệp và Luật quản lý vốn nhà nước. Được biết, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lúc tại chức còn vun quén để đưa con trai là Vũ Quang Hải về làm thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc SABECO.
Đó là những vấn đề phe phái nội bộ, chứ không phải chuyện chống tham nhũng sẽ mạnh hơn, hay là tự do báo chí hơn. Tôi không cho là như vậy. 
-TS Phạm Chí Dũng
Những sai phạm khác bao gồm, chậm bàn giao một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa về cho SCIC Tổng Công ty kinh doanh vốn nhà nước quản lý. Nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa trực thuộc Bộ Công thương trốn tránh niêm yết và dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, phong trào cổ phần hóa đi xuống.
Ông Nguyễn Phú Trọng không chỉ một lần chỉ đạo các cơ quan của Đảng và Chính phủ phải điều tra tới nơi tơi chốn, về vai trò và những thủ thuật lắt léo của cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trong việc bao che sai phạm và điều chuyển một số người vào vị trí lãnh đạo. Thí dụ đưa ông Trịnh Xuân Thanh một người có thành tích rất xấu về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, hoặc đưa con trai ông là Vũ Quang Hải, một cán bộ trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm quản lý vào chức vụ cao cấp ở Sabeco Tổng Công ty rượu bia và nước giải khát Sài Gòn. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận, Ông Trịnh Xuân Thanh trách nhiệm quản lý Tổng Công ty xây lắp dầu khí (PVC) làm thua lỗ 3.000 tỷ đồng, nhưng được lên chức ở Bộ Công thương và sau đó điều chuyển về vị trí lãnh đạo tỉnh Hậu Giang.
Ngày 20/7/2016, báo điện tử Giáo dục Việt Nam gây ngạc nhiên cho độc giả với bài viết “Nhóm lợi ích đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm của Tổng Bí thư?”. Tờ báo cho người đọc hiểu rằng, những kết luận nghiêm khắc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với vụ Trịnh Xuân Thanh và những người liên quan như ông Vũ Huy Hoàng có thể được các cơ quan chấp pháp của Chính phủ có hành động dơ cao đánh khẽ.
Tờ báo cho rằng, Tổng Bí thư đã tiên liệu những khó khăn của cơ quan giữ cây roi kỷ luật của Đảng. Tờ báo trích lời Tổng Bí thư yêu cầu, theo đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần chỉ đạo chặt chẽ các đoàn kiểm tra xem xét, kết luận bảo đảm đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, công tâm, khách quan, trong sáng không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức cá nhân nào.
Phải chăng đang có sự thử thách đối với quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo? TS Phạm Chí Dũng, nhà hoạt động xã hội dân sự và phản biện độc lập từ Sài Gòn nhận định:
“Có lẽ không phải sự thử thách quyền lực của Đảng mà thực chất là thử thách đối với sự phân hóa quyền lực của Đảng. Tại vì sự phân hóa đã diễn ra từ lâu, chúng ta đã chứng kiến sự phân hóa diễn ra rất mạnh từ trước Đại hội XII. Một trong những nguồn cơn chính của những xung đột chính trị là lợi ích, nhóm quyền lực cũ hiện nay vẫn còn giữ một mảng thị phần rất lớn, những thị trường màu mỡ làm ăn đa ngành và những nhóm lợi ích mới, những nhóm quyền lực mới đương nhiên phải chú ý chuyện đó… thực chất đây không phải là sự xung đột chỉ về mặt quyền lực mà còn vì lợi ích kinh tế.”
bao-giao-duc-400.jpg
Ngày 20/7/2016, báo điện tử Giáo dục Việt Nam gây ngạc nhiên cho độc giả với bài viết: Nhóm lợi ích đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm của Tổng Bí thư? Screen capture.
Những vấn đề mà báo Giáo Dục đặt ra về điều gọi là “nhóm lợi ích đối phó Tổng Bí thư”, TS Phạm Chí Dũng cho rằng báo chí với sự nhạy cảm đương nhiên của mình, không những báo chí cảm thấy mà có thể hiểu rõ là ai chống ai và những lực lượng đang muốn đối chọi với Tổng Bí thư là ai. TS Phạm Chí Dũng tiếp lời:
“Đó là những vấn đề phe phái nội bộ, chứ không phải chuyện chống tham nhũng sẽ mạnh hơn, hay là tự do báo chí hơn. Tôi không cho là như vậy, nó xuất phát từ chuyện báo chí là cái loa của một phe nào đó, hay những phe nào đó muốn sử dụng những tờ báo nào đó trở thành kênh thông tin phương tiện truyền thông cho mình. Ví dụ liên quan tới bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường trúng cử đại biểu Quốc hội vừa bị phát hiện có hộ chiếu Malta. Chúng ta thấy báo nhà nước, một vài tờ báo đặt ẩn ý về chuyện bỏ của chạy lấy người hay là “chạy làng” trong ngoặc kép
Những nhận định của TS Phạm Chí Dũng, người từng có chuyên môn về phân tích thông tin cho Thành ủy TP.HCM trước khi ông từ bỏ Đảng, thể hiện nhiều cơ sở. Trong bài “nhóm lợi ích đối phó Tổng Bí thư”, báo Giáo Dục Việt Nam mô tả tình trạng gọi là cát cứ của các đại phương, tờ báo dẫn lời Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị nguyên Trưởng ban Kinh tế Trung ương, từng đặt vấn đề cần phải khắc phục tình trạng 63 tỉnh, 63 nền kinh tế.

“Đả hổ diệt ruồi”

Một trong những sự kiện nổi bật về nghi vấn bảo vệ quyền lợi nhóm, được báo Giáo Dục mô tả trong vụ đường ống dẫn nước Sông Đà phục vụ người dân Thủ đô đã 18 lần vỡ ống, không những làm ngân sách Nhà nước tiêu tốn hàng chục tỷ đồng để sửa chữa chắp vá, mà còn làm hàng chục vạn người dân, trường học, bệnh viện… thiếu nước sinh hoạt, làm mất niềm tin của nhân dân và cán bộ đảng viên.
Báo Giáo Dục nhấn mạnh tới sự kiện, 5 nhân vật chóp bu của Vinaconex đã được miễn truy tố hình sự, mặc dù kết quả điều tra của Công an xác định là 5 người này đã có dấu hiệu của tội vi phạm qui định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 229 bộ luật hình sự.
Nhiều khả năng, đây cũng là những việc làm cho xì bớt những bức xúc của người dân, rồi đâu cũng vào đấy… vì nếu mà đả hổ diệt ruồi hết cả Việt Nam thì là họ tự dẹp họ, nói chung là không khả thi. 
-TS Nguyễn Quang A
Báo Giáo Dục đã mỉa mai rằng, mấy cháu thiếu niên Hải Phòng giật mũ của bạn suýt bị tù mấy năm, hai thanh niên đói giật hai cái bánh mì cũng suýt bị từ 3 đến 10 năm tù. Tuy vậy 5 nhân vật của Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc Vinaconex có tội nặng lại được miễn truy tố. Lý do là vì Liên ngành Tư pháp Trung ương thấy không cần thiết phải xử lý hình sự vì họ có nhân thân tốt, nhiều đóng góp cho ngành xây dựng, vi phạm lần đầu.
Chúng tôi xin trích lại chi tiết về việc định rõ trách nhiệm của nhóm lãnh đạo Vinaconex từ báo Petro Times : “Cơ quan CSĐT xác định, năm 2004 Hội đồng quản trị Tổng Công ty Vinaconex là ông Phí Thái Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; Nguyễn Văn Tuân - Tổng Giám đốc và 3 ủy viên là Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm khi thực hiện nhiệm vụ của chủ đầu tư cấp nước sông Đà đã không thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình, quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống, đưa vào sử dụng vật liệu composite sợi thủy tinh khi chưa thẩm định, lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, thiếu kinh nghiệm, cung cấp sản phẩm cho dự án không đảm bảo chất lượng nên công trình liên tục bị hư hỏng trong quá trình vận hành, khai thác.”
Qua mô tả của báo chí Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang thể hiện việc làm trong sạch Đảng qua các vụ bê bối Trịnh Xuân Thanh và người đỡ đầu là cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Ông Nguyễn Phú Trọng cũng bật đèn xanh cho các cơ quan của Đảng và Nhà nước, về việc điều tra nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nếu có dấu hiệu vi phạm.
Nhưng vấn đề lớn nhất là Formosa gây ra thảm họa môi trường, ảnh hưởng cho kinh tế Việt Nam nói chung và hàng trăm ngàn người ở 4 tỉnh Bắc Trung Bộ nói riêng, lại chưa thấy ông Tổng Bí thư hạ lệnh đập con ruồi nào, nói theo sự ví von bên Trung Quốc Tập Cận Bình “Đả hổ diệt ruồi”.
Khi vụ bê bối Trịnh Xuân Thanh, rồi Vũ Quang Hải con trai cựu bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng xảy ra vào trung tuần tháng 6 vừa qua, việc chuẩn bị dư luận báo chí được cho là khá rõ rệt. Lúc đó TS Nguyễn Quang A nhà hoạt động dân quyền ở Hà Nội đã nhận định:
“Ông Nguyễn Phú Trọng muốn học ông Tập Cận Bình để đả hổ diệt ruồi, nhưng tình hình ở Việt Nam khác với Tàu. Ông Nguyễn Phú Trọng khó có thể tập trung quyền lực một cách thô bạo như Tập Cận Bình để mà làm được những việc của một nhà độc tài khủng khiếp như ông Tập Cận Bình. Nhiều khả năng, đây cũng là những việc làm cho xì bớt những bức xúc của người dân, rồi đâu cũng vào đấy… vì nếu mà đả hổ diệt ruồi hết cả Việt Nam thì là họ tự dẹp họ, nói chung là không khả thi.”
Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo nhận định của TS Phạm Chí Dũng là tranh chấp giữa các nhóm quyền lực mới và cũ để thâu tóm các thị trường làm ăn lớn và nhiều lợi nhuận. Người đọc báo nhận thấy một điều, những mũi tấn công vòng ngoài qua vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Quang Hải sau cùng đều dẫn tới ông cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, một người có hai nhiệm kỳ cùng thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
RFA

Tần số Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam

ảnh minh hoạ                                                           RFA
Dù muốn nói ra hay cố lặng im, thì mức độ chi phối của các thành phần Trung Quốc tại Việt Nam, đặc biệt là miền Trung Việt Nam đã chạm ngưỡng. Từ những kiện hàng thực phẩm từ Trung Quốc cho đến lối sống, phim ảnh Trung Quốc và gần đây là những thương vụ mang bóng dáng Trung Quốc, trong đó đáng kể nhất có lẽ là thương vụ về đất đai ở miền Trung với người Trung Quốc. Tần số sóng ngắn ở miền Trung xuất hiện tiếng Hoa trong giờ phát thanh giống như một hệ quả tất yếu.

Giới chức nói gì?

Thời gian gần đây, hiện tượng các loa, đài của truyền thông Việt Nam bị sóng Trung Quốc chèn lấn, giọng phát thanh Trung Quốc đã xuất hiện rất nhiều ở thành phố Đà Nẵng, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Chiều 19 tháng 7, ông Dương Ðăng Nhân, trưởng đài truyền thanh-truyền hình huyện Phú Lộc, cho biết đã có văn bản gửi ủy ban huyện Phú Lộc, Sở Thông Tin tỉnh Thừa Thiên Huế trình báo việc hệ thống sóng truyền thanh ở huyện này bị nhiễm sóng tiếng Hoa.
Cùng ngày, giới chức huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế cũng xác nhận tình trạng các đài trong huyện bị lấn sóng bởi tần số ngắn phát thành tiếng Trung Quốc, sự việc diễn ra tại thị trấn Phú Lộc và xã Lộc Trì gần một tháng nay có cả giọng nam và nữ trên hệ thống loa không dây ở băng tần FM 98 MHz phát sóng trực tiếp từ huyện Phú Lộc, gồm 14 cụm với 28 loa công cộng tiếp sóng trực tiếp từ đài huyện.
Mức độ cũng không có gì nghiêm trọng đâu, vì theo mùa, sóng theo ống thi thoảng xâm nhập vào vào vùng thu của mình. Khắc phục rất dễ, mình chỉ cần tăng mức dung lượng vượt ra ngoài tần số thu bình thường thì sẽ tránh được hiện tượng nhiễu sóng Trung Quốc. 
-Bà Hằng
Ông Nhân cho biết thêm là sáng 12 Tháng Bảy, sau khi đài kết thúc giờ phát vào buổi sáng, cán bộ trong đài nghe rất rõ giọng nam nói tiếng Hoa phát ra từ hệ thống loa truyền thanh của đài nhưng không hiểu nội dung. Ðây là lúc nghe rõ tiếng nhất kể từ khi ghi nhận hiện tượng nhiễm sóng.
Cũng trong ngày 19 tháng 7, bà Nguyễn Thị Lệ Hằng, trưởng Phòng Quản Lý Bưu Chính Viễn Thông, Sở Thông Tin tỉnh Quảng Trị, cho biết huyện Triệu Phong bị nhiễm sóng tiếng Trung Quốc trong quá trình phát sóng truyền thanh. Và trước huyện Triệu Phong khoảng năm tháng, hệ thống đài phát thanh bị nhiễm sóng tiếng Hoa cũng xuất hiện tại huyện Hải Lăng.
Bà Hằng chia sẻ: “Thực ra vấn đề này cũng đang xôn xao ở ba tỉnh Huế, Quảng Tri, Đà nẵng. Mức độ cũng không có gì nghiêm trọng đâu, vì theo mùa, sóng theo ống thi thoảng xâm nhập vào vào vùng thu của mình. Khắc phục rất dễ, mình chỉ cần tăng mức dung lượng vượt ra ngoài tần số thu bình thường thì sẽ tránh được hiện tượng nhiễu sóng Trung Quốc… Hiện tại đã khắc phục hoàn toàn, vấn đề này không phải là vấn đề chính trị mà là vấn đề kĩ thuật! Chuyện này rất bình thường do ảnh hưởng thời tiết thôi!”
Theo bà Hằng, ngày 6 này, Sở Thông Tin Quảng Trị nhận được báo cáo của đài phát thanh huyện Triệu Phong về việc đài truyền thanh này bị sóng của một đài Trung Quốc chen vào các cụm thu không theo khung giờ nhất định, gây cản nhiễu tần số.
Kết quả phân tích của Trung Tâm Tần Số Vô Tuyến Ðiện Khu Vực III cho rằng nguyên nhân là do hiện tượng dẫn sóng tầng đối lưu theo mùa, tạo ra các ống dẫn trong khí quyển nêu trên.
loa-622.jpg
Loa tuyên truyền trên đường phố Hà Nội, ảnh chụp năm 2011.
Ngày 19 tháng 7, trao đổi với phóng viên trong nước, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Đoàn Quang Hoan khẳng định Đài phát thanh quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng không bị chèn sóng, phát tiếng Trung Quốc như thông tin một số phương tiện truyền thông đã đưa.
Cục Trưởng Đoàn Quang Hoan cho biết ngay sau khi có thông tin phản ánh trên một số phương tiện truyền thông về việc nhiễu sóng trên hệ thống truyền thanh không dây của Đài phát thanh quận Ngũ Hành Sơn, Cục Tần số vô tuyến điện đã yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng kiểm tra sự việc.
Theo Báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, trong số 78 cụm loa trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn chỉ có một cụm loa bị nhiễu sóng và phát tiếng Trung Quốc được đặt tại số nhà 28, đường Trương Văn Hiến, phường Khuê Mỹ. Đây cũng là 1 trong 14 cụm loa trong khu dân cư thuộc phường Khuê Mỹ thu sóng của đài truyền thanh không dây của phường phát trên tần số 97,5MHz đã được Cục Tần số vô tuyến điện cấp phép.

Người dân nói gì?

Một thi sĩ sống tại thành phố Đà Nẵng, tên Lắm, chia sẻ: “Loa đó nên dẹp đi, không nên để lại làm gì nữa, mọi người có phương tiện điện thoại, thông tin mạng, 3G, vô tuyến truyền hình… Tất cả đều có thể cập nhật thông tin tốt và bây giờ không còn giống như thời bao cấp hay sau bao cấp mỗi nhà ông cán bộ nối một cái loa về nhà, cả xóm chỉ biết nghe vào một cái loa. Nên dẹp nó đi vì nó lỗi thời rồi!”
Theo ông Lắm, vấn đề sóng tiếng Hoa đè lên sóng tiếng Việt là câu chuyện chắc chắn phải xảy ra bởi người Trung Quốc có mặt khắp mọi nơi. Ngay trong các máy phát sóng tần số ngắn ở các trung tâm nhử yến của người Trung Quốc làm chủ cũng có thể gây nhiễu sóng phát thanh của Đà Nẵng.
Vấn đề ông Lắm đặt ra là nên chăng giữ lại những chiếc loa phát thanh vô bổ và chẳng có ý nghĩa gì ngoài việc gây tiếng ồn và ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Nhất là trong mùa hè nắng nóng, âm thanh chát chúa của những chiếc loa sắt rất dễ gây đau đầu. Hơn nữa, thời đại thông tin, giữa một thành phố lớn nhất nhì miền Trung, lẽ nào người dân không có đủ điều kiện cập nhật thông tin trên mạng internet hoặc thông qua truyền hình.
Mấy cái loa đó gây phiền thì nhiều bởi thời đại bây giờ có internet, có truyền hình và điện thoại di động, mấy đứa con nít nó còn cập nhật thông tin tốt hơn mấy cái loa phường, xã này. 
-Anh Thịnh
Ông Lắm cho rằng nên dẹp những cái loa kia đi rồi sau đó đề phòng cẩn thận, điều tra cặn kẽ những đối tượng gây nhiễu sóng để chấm dứt tình trạng này là đủ.
Một người dân Quảng Trị tên Mỹ, cho rằng chỉ riêng chương trình phát thanh bằng tiếng Việt của những chiếc loa phường không thôi cũng đủ ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ của trẻ em, việc học hành của các học sinh và sự mất ngủ của người già. Giờ lại thêm ọt ẹc tiếng Trung Quốc chèn vào thì chắc chắn là phải khó chịu rồi.
Anh Thịnh, cư dân huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, chia sẻ: “Mấy cái loa đó gây phiền thì nhiều bởi thời đại bây giờ có internet, có truyền hình và điện thoại di động, mấy đứa con nít nó còn cập nhật thông tin tốt hơn mấy cái loa phường, xã này. Ruộng thì bây giờ bà còn nông dân cũng linh hoạt, cũng tự tìm hiểu thông tin mùa vụ, bón phân tro hay bơm thuốc, với hơn nữa người ta bỏ ruộng cũng nhiều rồi. Giờ còn để mấy cái loa đó lại làm chi cho nó ồn. Mình đi làm về ngủ một chút trưa thì nghe nó phát ra rả như vậy đau cả cái đầu! Con nít học hành cũng không được, nên bỏ nó đi!”
Cùng quan điểm với hai người trên, anh Thịnh cho rằng nên dẹp bỏ những chiếc loa phường. Bởi chúng không còn giá trị truyền thông đối với người dân. Anh cho rằng chuyện nhiễu sóng trên loa phát thanh cũng là một chấn động giống như Foprmosa thải độc vào biển. Nghĩa là khi Formosa thải độc vào biển, làm cho biển chết, cá chết nhưng tinh thần dân tộc sống lại. Giờ sóng tiếng Trung Quốc nhiễu vào loa phường, loa xã, loa huyện thì làm cho hệ thống này rối rắm nhưng lại thức tỉnh người ta, giúp người ta nhận biết được rằng những cái loa phường này đã quá lạc hậu và nên bỏ nó đi cho đỡ rách việc.
Nhưng anh Thịnh cũng kết luận rằng bỏ loa phường là một chuyện, còn điều tra tìm ra nguyên nhân và thủ phạm phát sóng tiếng Trung Quốc là chuyện chắc chắn phải làm của nhà nước, ít ra là để đỡ mất mặt với nhân dân trong lúc này!
RFA

Friday, July 22, 2016

Kiện Trung Quốc, tại sao chưa?

Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì (trái) và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Hà Nội vào ngày 27 tháng sáu năm 2016.
 AFP photo
Dư luận Việt Nam sôi nổi về việc Việt Nam có thể rút kinh nghiệm của Philippines, khởi kiện Trung Quốc về vô số vi phạm nghiêm trọng trên Biển Đông.
Nhiều lý do để kiện
TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới của chính phủ Việt Nam nói với chúng tôi là Việt Nam hoàn toàn có khả năng sử dụng các cơ chế tài phán quốc tế trong tranh chấp Biển Đông. Qua điện đàm từ Hà Nội vào tối 19/7, TS Trần Công Trục phát biểu:
“Giống như học tập Philippines, thì có thể kiện liên quan đến áp dụng Công ước. Thí dụ như kiện Trung Quốc đã vạch đường cơ sở bao lấy toàn bộ quần đảo Hoàng Sa như một quốc gia quần đảo để chiếm lĩnh vùng biển, thì cái đó có thể kiện họ giải thích sai Công ước. Hay là kiện Trung Quốc đã bắt bớ, đánh đập, giam cầm, phạt tù, bắn cháy, đâm húc tàu của các ngư dân. Hành xử đó sai với những qui định Công ước, cho dù người dân trong khi làm ăn có thể có những vi phạm…Tôi không nói đến chuyện vùng biển đó của ai…như vậy chúng ta có thể kiện về mặt dân sự và hình sự trong quan hệ của các tổ chức cá nhân hay các tổ chức quốc tế.
Cũng có thể kiện Trung Quốc đào bới xây dựng các đảo nhân tạo ảnh hưởng đến môi trường biển, phá hủy sinh thái môi trường biển mà loài người cần phải bảo vệ. Những hành động đó có người nói là tội ác nhân loại…
- TS Trần Công Trục 
Cũng có thể kiện Trung Quốc đào bới xây dựng các đảo nhân tạo ảnh hưởng đến môi trường biển, phá hủy sinh thái môi trường biển mà loài người cần phải bảo vệ. Những hành động đó có người nói là tội ác nhân loại…”
Theo TS Trần Công Trục, trong phạm vi Biển Đông nên hình dung có nhiều loại tranh chấp, cần hiểu rõ tranh chấp nào có thể đơn phương đưa lên các cơ quan tài phán mà họ xem xét có thẩm quyền, loại tranh chấp nào không thể kiện đơn phương…như vừa rồi Philippines kiện là kiện giải thích áp dụng Công ước, phán quyết của Tòa hoàn toàn liên quan đến giải thích áp dụng Công ước, chứ không liên quan đến quyền thủ đắc lãnh thổ hoặc phân định biển. Phán quyết chỉ giải quyết một vấn đề như đã biết là bác bỏ quyền lịch sử vùng biển nằm trong đường lưỡi bò, hoặc xác định các thực thể ở Trường Sa không đủ điều kiện để có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Phán quyết không liên quan tới chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa, hay phân định vùng biển chồng lấn. TS Trần Công Trục nhấn mạnh:
“Nói tóm lại những chuyện gì không liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, như Hoàng Sa Trường sa nhiều người cứ bảo rằng kiện Hoàng Sa là không đúng. Nếu không liên quan đến chủ quyền hoặc phân định biển thì anh có thể kiện, vụ kiện đó nằm trong phạm vi mà các cơ quan tài phán người ta xem xét đủ thẩm quyền với đơn kiện đơn phương của các bên đưa lên. Vừa rồi Philippines đã làm điều đó và họ đã chọn lựa vấn đề thiết thực để kiện. Do đó mà Tòa Trọng tài, mặc dù Trung Quốc quay lưng, không tham gia, không tranh luận vụ kiện đó, không công nhận thẩm quyền, nhưng cuối cùng Tòa ra phán quyết, rất nhiều quốc gia đề cao phán quyết hợp lý và kêu gọi các bên nghiêm túc thực hành.”
Được biết cơ chế tài phán quốc tế phân xử các vụ kiện về chủ quyền lãnh thổ là Tòa Công Lý Quốc Tế (The International Court of Justice). Tuy vậy Tòa chỉ thụ lý đơn kiện khi tất cả các bên liên quan đồng thuận tham gia vụ kiện. Trung Quốc hành xử bá quyền coi thường quốc tế, ngay cả một vụ kiện giải thích Công ước Quốc tế về Luật Biển mà Bắc Kinh cũng không tham gia, không công nhận phán quyết cho dù Trung Quốc là một thành viên ký kết và phê chuẩn UNCLOS 1982.  Như vậy Việt Nam không có khả năng kiện Trung Quốc về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa hoặc phân định các vùng biển chồng lấn.
Việt Nam cần quyết đoán
000_DA1LX.jpg-400.jpg
Một công an ngăn cảnh người dân biểu tình chúc mừng chiến thắng của Philippines trước Trung Quốc về phán quyết biển Đông hôm 17/7/2016. AFP photo
Tháng 5/2014  khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan khổng lồ Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa miền Trung, Chính phủ Việt Nam nói tới khả năng kiện Trung Quốc. Trong cuộc họp báo ngày 29/5/2014 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lúc đó, xác nhận là Việt Nam đã chuẩn bị hồ sơ pháp lý, cân nhắc thời điểm khởi kiện ra Tòa án quốc tế hoặc Hội đồng trọng tài quốc tế. Ông Nên còn nhắc tới điều gọi là thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với báo chí nước ngoài, đó là Việt Nam không đổi chủ quyền lấy thứ hữu nghị viển vông.
Thế nhưng từ đó tới nay, Việt Nam chưa bao giờ khởi kiện Trung Quốc dù Bắc Kinh không ngừng tạo căng thẳng trên Biển Đông, xâm phạm vùng trời, vùng biển chủ quyền Việt Nam, mỗi năm xảy ra hàng trăm vụ tàu của lực lượng Trung Quốc tấn công, cướp bóc tàu cá của ngư dân Việt Nam. Không những không kiện Trung Quốc mà Chính quyền Việt Nam còn trấn áp mọi cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc lấn chiếm biển đảo, kể cả các cuộc tuần hành hoan nghênh phán quyết của Tòa Quốc tế.
Sau phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực The Hague bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc, nhà nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt từ Saigon đã nhận định:
Trong thời gian tới nếu Trung Quốc gây căng thẳng trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như hồi 2014, thì Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin, có thể mang Trung Quốc ra trước một tòa trọng tài giống như Philippines đã làm. Như vậy tiếng nói chính nghĩa của Việt Nam, với sự ủng hộ của cộng đồng thế giới sẽ tác động rất lớn đến vấn đề này. Trước đây thì có lẽ Việt Nam, Malaysia…những quốc gia trực tiếp tranh chấp Biển Đông đã nghĩ tới việc kiện Trung Quốc nhưng còn do dự, còn cân nhắc khả năng thẩm quyền của tòa cũng như khả năng phán quyết của tòa như thế nào. Nhưng có lẽ phán quyết của Tòa Trọng Tài ngày 12/7 vừa rồi, rõ ràng đã tạo ra hướng đi mới cho các quốc gia như Việt Nam…”
Cần phải tính đến việc khởi kiện và cần phải có những biện pháp đấu tranh ngoại giao khác để gây áp lực lên Trung Quốc buộc phải chấp hành trật tự pháp luật quốc tế cũng như Công ước Luật biển năm 1982.
- TS Hoàng Ngọc Giao

Một thí dụ rất cụ thể về việc Trung Quốc thể hiện hành vi sử dụng vũ lực trên Biển Đông, ba ngày trước khi Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết, hôm 9/7 Tàu hải Cảnh Trung Quốc đã cố ý đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi và bỏ mặc ngư dân trên biển.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển của Việt Nam, trong dịp nhận xét về phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ngày 12/7, đã phát biểu với Đài RFA:
“Trung Quốc vẫn tiếp tục có hành vi sử dụng vũ lực trên Biển Đông: dùng tàu đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Trước bối cảnh như thế chính phủ Việt Nam không thể nào chỉ dừng lại ở việc tuyên bố phản đối thông qua người phát ngôn của Bộ Ngoại giao. Chính phủ Việt Nam cần phải có quyết đoán chính trị trong thời điểm này. Cần phải tính đến việc khởi kiện và cần phải có những biện pháp đấu tranh ngoại giao khác để gây áp lực lên Trung Quốc buộc phải chấp hành trật tự pháp luật quốc tế cũng như Công ước Luật biển năm 1982.”
Những gì các học giả, chuyên gia phân tích về khả năng kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế cho thấy Việt Nam cần hành động như Philippines, dù các cơ chế tài phán quốc tế hiện nay không thuận lợi cho một vụ kiện về chủ quyền. Nhưng kiện để Trung Quốc phải áp dụng đúng Công ước Liên Hiệp Quốc Luật Biển 1982 vẫn là bước đi cần thiết phải làm.
RFA

Get paid to share your links!