ảnh minh hoạ RFA |
Dù muốn nói ra hay cố lặng im, thì mức độ chi phối của các thành phần Trung Quốc tại Việt Nam, đặc biệt là miền Trung Việt Nam đã chạm ngưỡng. Từ những kiện hàng thực phẩm từ Trung Quốc cho đến lối sống, phim ảnh Trung Quốc và gần đây là những thương vụ mang bóng dáng Trung Quốc, trong đó đáng kể nhất có lẽ là thương vụ về đất đai ở miền Trung với người Trung Quốc. Tần số sóng ngắn ở miền Trung xuất hiện tiếng Hoa trong giờ phát thanh giống như một hệ quả tất yếu.
Giới chức nói gì?
Thời gian gần đây, hiện tượng các loa, đài của truyền thông Việt Nam bị sóng Trung Quốc chèn lấn, giọng phát thanh Trung Quốc đã xuất hiện rất nhiều ở thành phố Đà Nẵng, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Chiều 19 tháng 7, ông Dương Ðăng Nhân, trưởng đài truyền thanh-truyền hình huyện Phú Lộc, cho biết đã có văn bản gửi ủy ban huyện Phú Lộc, Sở Thông Tin tỉnh Thừa Thiên Huế trình báo việc hệ thống sóng truyền thanh ở huyện này bị nhiễm sóng tiếng Hoa.
Cùng ngày, giới chức huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế cũng xác nhận tình trạng các đài trong huyện bị lấn sóng bởi tần số ngắn phát thành tiếng Trung Quốc, sự việc diễn ra tại thị trấn Phú Lộc và xã Lộc Trì gần một tháng nay có cả giọng nam và nữ trên hệ thống loa không dây ở băng tần FM 98 MHz phát sóng trực tiếp từ huyện Phú Lộc, gồm 14 cụm với 28 loa công cộng tiếp sóng trực tiếp từ đài huyện.
Mức độ cũng không có gì nghiêm trọng đâu, vì theo mùa, sóng theo ống thi thoảng xâm nhập vào vào vùng thu của mình. Khắc phục rất dễ, mình chỉ cần tăng mức dung lượng vượt ra ngoài tần số thu bình thường thì sẽ tránh được hiện tượng nhiễu sóng Trung Quốc.-Bà Hằng
Ông Nhân cho biết thêm là sáng 12 Tháng Bảy, sau khi đài kết thúc giờ phát vào buổi sáng, cán bộ trong đài nghe rất rõ giọng nam nói tiếng Hoa phát ra từ hệ thống loa truyền thanh của đài nhưng không hiểu nội dung. Ðây là lúc nghe rõ tiếng nhất kể từ khi ghi nhận hiện tượng nhiễm sóng.
Cũng trong ngày 19 tháng 7, bà Nguyễn Thị Lệ Hằng, trưởng Phòng Quản Lý Bưu Chính Viễn Thông, Sở Thông Tin tỉnh Quảng Trị, cho biết huyện Triệu Phong bị nhiễm sóng tiếng Trung Quốc trong quá trình phát sóng truyền thanh. Và trước huyện Triệu Phong khoảng năm tháng, hệ thống đài phát thanh bị nhiễm sóng tiếng Hoa cũng xuất hiện tại huyện Hải Lăng.
Bà Hằng chia sẻ: “Thực ra vấn đề này cũng đang xôn xao ở ba tỉnh Huế, Quảng Tri, Đà nẵng. Mức độ cũng không có gì nghiêm trọng đâu, vì theo mùa, sóng theo ống thi thoảng xâm nhập vào vào vùng thu của mình. Khắc phục rất dễ, mình chỉ cần tăng mức dung lượng vượt ra ngoài tần số thu bình thường thì sẽ tránh được hiện tượng nhiễu sóng Trung Quốc… Hiện tại đã khắc phục hoàn toàn, vấn đề này không phải là vấn đề chính trị mà là vấn đề kĩ thuật! Chuyện này rất bình thường do ảnh hưởng thời tiết thôi!”
Theo bà Hằng, ngày 6 này, Sở Thông Tin Quảng Trị nhận được báo cáo của đài phát thanh huyện Triệu Phong về việc đài truyền thanh này bị sóng của một đài Trung Quốc chen vào các cụm thu không theo khung giờ nhất định, gây cản nhiễu tần số.
Kết quả phân tích của Trung Tâm Tần Số Vô Tuyến Ðiện Khu Vực III cho rằng nguyên nhân là do hiện tượng dẫn sóng tầng đối lưu theo mùa, tạo ra các ống dẫn trong khí quyển nêu trên.
Ngày 19 tháng 7, trao đổi với phóng viên trong nước, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Đoàn Quang Hoan khẳng định Đài phát thanh quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng không bị chèn sóng, phát tiếng Trung Quốc như thông tin một số phương tiện truyền thông đã đưa.
Cục Trưởng Đoàn Quang Hoan cho biết ngay sau khi có thông tin phản ánh trên một số phương tiện truyền thông về việc nhiễu sóng trên hệ thống truyền thanh không dây của Đài phát thanh quận Ngũ Hành Sơn, Cục Tần số vô tuyến điện đã yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng kiểm tra sự việc.
Theo Báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, trong số 78 cụm loa trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn chỉ có một cụm loa bị nhiễu sóng và phát tiếng Trung Quốc được đặt tại số nhà 28, đường Trương Văn Hiến, phường Khuê Mỹ. Đây cũng là 1 trong 14 cụm loa trong khu dân cư thuộc phường Khuê Mỹ thu sóng của đài truyền thanh không dây của phường phát trên tần số 97,5MHz đã được Cục Tần số vô tuyến điện cấp phép.
Người dân nói gì?
Một thi sĩ sống tại thành phố Đà Nẵng, tên Lắm, chia sẻ: “Loa đó nên dẹp đi, không nên để lại làm gì nữa, mọi người có phương tiện điện thoại, thông tin mạng, 3G, vô tuyến truyền hình… Tất cả đều có thể cập nhật thông tin tốt và bây giờ không còn giống như thời bao cấp hay sau bao cấp mỗi nhà ông cán bộ nối một cái loa về nhà, cả xóm chỉ biết nghe vào một cái loa. Nên dẹp nó đi vì nó lỗi thời rồi!”
Theo ông Lắm, vấn đề sóng tiếng Hoa đè lên sóng tiếng Việt là câu chuyện chắc chắn phải xảy ra bởi người Trung Quốc có mặt khắp mọi nơi. Ngay trong các máy phát sóng tần số ngắn ở các trung tâm nhử yến của người Trung Quốc làm chủ cũng có thể gây nhiễu sóng phát thanh của Đà Nẵng.
Vấn đề ông Lắm đặt ra là nên chăng giữ lại những chiếc loa phát thanh vô bổ và chẳng có ý nghĩa gì ngoài việc gây tiếng ồn và ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Nhất là trong mùa hè nắng nóng, âm thanh chát chúa của những chiếc loa sắt rất dễ gây đau đầu. Hơn nữa, thời đại thông tin, giữa một thành phố lớn nhất nhì miền Trung, lẽ nào người dân không có đủ điều kiện cập nhật thông tin trên mạng internet hoặc thông qua truyền hình.
Mấy cái loa đó gây phiền thì nhiều bởi thời đại bây giờ có internet, có truyền hình và điện thoại di động, mấy đứa con nít nó còn cập nhật thông tin tốt hơn mấy cái loa phường, xã này.-Anh Thịnh
Ông Lắm cho rằng nên dẹp những cái loa kia đi rồi sau đó đề phòng cẩn thận, điều tra cặn kẽ những đối tượng gây nhiễu sóng để chấm dứt tình trạng này là đủ.
Một người dân Quảng Trị tên Mỹ, cho rằng chỉ riêng chương trình phát thanh bằng tiếng Việt của những chiếc loa phường không thôi cũng đủ ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ của trẻ em, việc học hành của các học sinh và sự mất ngủ của người già. Giờ lại thêm ọt ẹc tiếng Trung Quốc chèn vào thì chắc chắn là phải khó chịu rồi.
Anh Thịnh, cư dân huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, chia sẻ: “Mấy cái loa đó gây phiền thì nhiều bởi thời đại bây giờ có internet, có truyền hình và điện thoại di động, mấy đứa con nít nó còn cập nhật thông tin tốt hơn mấy cái loa phường, xã này. Ruộng thì bây giờ bà còn nông dân cũng linh hoạt, cũng tự tìm hiểu thông tin mùa vụ, bón phân tro hay bơm thuốc, với hơn nữa người ta bỏ ruộng cũng nhiều rồi. Giờ còn để mấy cái loa đó lại làm chi cho nó ồn. Mình đi làm về ngủ một chút trưa thì nghe nó phát ra rả như vậy đau cả cái đầu! Con nít học hành cũng không được, nên bỏ nó đi!”
Cùng quan điểm với hai người trên, anh Thịnh cho rằng nên dẹp bỏ những chiếc loa phường. Bởi chúng không còn giá trị truyền thông đối với người dân. Anh cho rằng chuyện nhiễu sóng trên loa phát thanh cũng là một chấn động giống như Foprmosa thải độc vào biển. Nghĩa là khi Formosa thải độc vào biển, làm cho biển chết, cá chết nhưng tinh thần dân tộc sống lại. Giờ sóng tiếng Trung Quốc nhiễu vào loa phường, loa xã, loa huyện thì làm cho hệ thống này rối rắm nhưng lại thức tỉnh người ta, giúp người ta nhận biết được rằng những cái loa phường này đã quá lạc hậu và nên bỏ nó đi cho đỡ rách việc.
Nhưng anh Thịnh cũng kết luận rằng bỏ loa phường là một chuyện, còn điều tra tìm ra nguyên nhân và thủ phạm phát sóng tiếng Trung Quốc là chuyện chắc chắn phải làm của nhà nước, ít ra là để đỡ mất mặt với nhân dân trong lúc này!
RFA
No comments:
Post a Comment