Một lần nữa, tôi lại phải hạ cố nói về chị Lê Huyền Ái Mỹ, tổng biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM. Cũng thêm một lần nữa, tôi đành phải bớt chút thời gian vàng ngọc của mình để nói về Tất Thành Cang, phó Bí thư thành uỷ TP.HCM.
Trời đã sinh Tất Thành Cang, lại còn ném xuống cõi nhân gian này thêm một Lê Huyền Ái Mỹ.
Thật là một tấn bi kịch...
Trước tiên, phải nói về chị Lê Huyền Ái Mỹ. Dù đang mang danh xưng nhà báo - vốn phải giữ tâm thế độc lập, nhưng chính Lê Huyền Ái Mỹ lại thẳng thừng tuyên bố: "Nghề báo là làm chính trị. Dù đứng ở góc độ giới hay cơ quan nào cũng là nhận trách nhiệm chính trị".
Cho đến hôm qua tôi mới biết nhà báo Lê Huyền Ái Mỹ nói làm chính trị là như thế nào. Chị ta bắt tay, bám gót những quan chức bất hảo như Tất Thành Cang.
Và thật không thể tin được, trong lúc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Thăng Long thành vẫn miệt mài công cuộc đốt lò, thì tại phương Nam xa xôi, có những thanh củi lại mở tiệc tùng tưng bừng, ồn ào, náo nhiệt.
Ông Tất Thành Cang là người đã bị kết luận có sai phạm nghiêm trọng trong vụ chuyển nhượng khoảng 32ha đất công sản giá rẻ cho Quốc Cường Gia Lai tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và đang chờ án kỉ luật từ Uỷ ban kiểm tra Trung ương.
Thế nhưng, ông Cang lại cười như địa chủ được mùa trong một bữa tiệc linh đình, quy tụ khoảng 30 quan khách, nhà báo, mà ở đó ông là nhân vật trung tâm.
Bữa tiệc ồn ào ấy có sự xuất hiện của người viết báo làm chính trị Lê Huyền Ái Mỹ.
Một quan chức đang chờ án kỉ luật vì bán rẻ tài sản quốc gia cho doanh nghiệp tư nhân và một nhà báo từng phun lên trang báo những lời lẽ khinh miệt người dân nghèo, đã ăn tiệc cùng nhau. Hai cá nhân ấy, tối hôm kia, đã "bầy hùa" với nhau ăn ăn uống uống, mặt đỏ phừng phừng, kề vai nhau, bắt tay nhau thì thầm to nhỏ...
"Bầy hùa" là chữ nói về người dân trong bài viết "Tổn thương dân tộc", mà Lê Huyền Ái Mỹ phun vào mặt người đọc, nay tôi trả lại cho chị ta. Và đồng thời, tôi sẽ hào phóng, khuyến mãi cho cả ông Tất Thành Cang chữ "bầy hùa" ấy.
Họ cười trong bữa tiệc ấy. Họ cười sau khi đã ăn, đã uống. Có ai bị rơi vào cảm giác rằng cái kiểu cười ấy chẳng khác nào hắt cả thùng nước vào cái lò đang cháy không? Có ai bị cảm giác cái kiểu cười ấy là cười vào mặt một bộ phận những người dân có lương tri và hiểu biết đã phẫn nộ với họ thời gian qua không?
Ăn phè ăn phỡn rồi há miệng ra cười, cảm giác như thế nào, có lẽ người khởi sự công cuộc đốt lò, tức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ cảm nhận rõ hơn ai hết.
Riêng tôi thì thấy, chính họ - Tất Thành Cang và Lê Huyền Ái Mỹ, mới thực sự là những kẻ làm "Tổn thương dân tộc".
----
Hình: Báo Người tiêu dùng.
Bạch Hoàn
No comments:
Post a Comment