Đã trót sinh ra làm người, đứng giữa trời đất này, sao có thể thờ ơ trước nước mắt khổ đau, trước tiếng kêu xé lòng, trước lời cầu xin được sống mà nghe như đang ở tận cùng tuyệt vọng?
Bài viết này tôi xin phép gửi đến Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Tuy nhiên, mong các anh chị đừng hờ hững lướt qua. Hãy lan toả để người có trách nhiệm thấu tỏ lòng dân. Hãy làm thế, vì đây là câu chuyện mạng sống của một con người.
.........
Kính thưa Chủ tịch nước Trần Đại Quang...
Người dân đang nói rất nhiều về một bi kịch mang tên Đặng Văn Hiến. Đó là một trong những mâu thuẫn điển hình của người nông dân bị gạt ra bên lề dòng chảy, để cho những kẻ có tiền, có thế mặc sức cướp đoạt, mặc sức bức ép người dân đến mức phải vùng lên chống trả.
Tôi tin rằng, Chủ tịch nước đã biết thông tin trong phiên xử phúc thẩm, toà án, lại một lần nữa muốn vứt bỏ cuộc đời Đặng Văn Hiến (Đắk Nông) bằng một án tử.
Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, khi toà phúc thẩm giảm án cho kẻ cướp là người của Công ty Long Sơn và lạnh lùng quay lưng với người dân yếu thế, tước đoạt cuộc sống của họ, thì đó chính là là bi kịch xã hội. Bi kịch ấy không chỉ của Đặng Văn Hiến mà còn là bi kịch của chính quyền.
Khi người dân bị bức ép đến cùng, họ sẽ vùng lên đáp trả. Kẻ nào bức ép bằng bạo lực thì sẽ phải nhận lại bạo lực tột cùng của sự căm phẫn. Nếu lạm dụng quyền lực tạo ra bất công thì sớm muộn gì cũng phải chuốc lấy sự thất bại.
Tôi tin rằng, Chủ tịch nước có thừa nhạy cảm chính trị để hiểu rằng, niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp hiện nay đang khiêm tốn đến nhường nào.
Kính thưa Chủ tịch nước Trần Đại Quang...
Lẽ nào, những người nắm trong tay quyền định đoạt sống chết của công dân Đặng Văn Hiến, không nhìn thấy lòng dân bây giờ đang không khác nào một cánh đồng cỏ khô trong mùa nắng bỏng. Chỉ cần một que diêm thôi là đã đủ để thổi bùng lên đám cháy lớn.
Tôi là người hay âu lo về tương lai. Tôi chỉ muốn ươm mầm và vun xới cho cây thành rừng. Tôi vô cùng sợ cái viễn cảnh mọi thứ chỉ còn là những hoang tàn.
Bằng tất cả tấm chân thành, tha thiết của mình, tôi mong Chủ tịch nước Trần Đại Quang hãy dành một đặc ân cho công dân Đặng Văn Hiến, để anh có một cơ hội được sống làm người. Đó cũng là đặc ân cho tôi và cho vô số những công dân nặng lòng vì đất nước đang mong ngóng quyết định của ông, để chúng tôi được chắt chiu chút niềm tin còn lại...
Thưa Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tôi có thể dẫn ra đây những căn cứ pháp lý vững chắc cho thấy anh Đặng Văn Hiến xứng đáng nhận được khoan hồng, án tử đối với anh là tận cùng của bất công và phi lý.
Thứ nhất, Điều 3 về nguyên tắc xử lý hình sự, tại Bộ Luật hình sự 1999 và Bộ luật Hình sự 2015, đều có quy định rất rõ về việc khoan hồng. Cụ thể, nếu người phạm tội ra đầu thú, thành khẩn khai báo, khắc phục thiệt hại thì sẽ được hưởng khoan hồng.
Anh Đặng Văn Hiến đã tự ra đầu thú, đã hợp tác với cơ quan điều tra, gia đình anh Hiến đã có những động thái đền bù thiệt hại, phía người bị hại có đơn xin giảm án cho anh, thì lẽ ra anh Hiến phải được hưởng khoan hồng.
Toà phúc thẩm tự ý tước bỏ quyền lợi của anh Hiến là sai trái. Sai lầm này còn có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tư pháp sau này. Đầu thú vẫn không được khoan hồng, thì có mấy người lại lao đầu vào chỗ chết?
Thứ hai, anh Đặng Văn Hiến không chủ động tìm đến Công ty Long Sơn để giết người. Trái lại, anh là nạn nhân bị doạ nạt suốt 8 năm bởi côn đồ do Công ty Long Sơn cấu kết. Và đến cái ngày định mệnh ấy, có tới 34 người, với hung khí, áo giáp, đá cục tiến vào nhà anh, phá hoại tài sản mà anh đã làm ra bằng mồ hôi và nước mắt. Bất chấp anh đã bắn chỉ thiên, nhưng họ tấn công anh, kích động những uất ức, căm phẫn dồn nén, tích tụ suốt 8 năm trời. Hậu quả là anh đã cầm súng đứng lên và 3 người ngã xuống.
Điều 46, Bộ Luật hình sự có quy định rất rõ ràng về tình tiết giảm nhẹ. Theo đó, anh Hiến đã đầu thú, anh Hiến phạm tội trong tình huống bị kích động mạnh khó có thể nguôi ngoai ngay lập tức, anh phạm tội trong tình huống buộc phải phòng vệ trước một đội quân phá hoại, cướp bóc có hung khí tấn công anh. Tức, đó là hành vi phạm tội do vượt quá phòng vệ chính đáng, vượt quá giới hạn trong tình huống cấp thiết.
Điều 47 quy định, chỉ cần có 2 điều kiện là sẽ được giảm hình phạt. Trường hợp của anh Hiến, rõ ràng là có tới 5 tình tiết giảm nhẹ. Vì thế, việc toà án gạt bỏ tất cả, không đặt vụ án vào trong bối cảnh cần thiết để xem xét toàn diện, thấu đáo là quyết định không thoả đáng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của anh Hiến, đồng thời khiến cho phán quyết cuối cùng trở nên quá sức hà khắc.
Nợ máu trả bằng máu. Lấy oán báo oán. Giết người thì bị người giết. Những điều đó, tuyệt đối không phải là thực thi công lý. Đó là sự mông muội đến man rợ chỉ tồn tại ở một xã hội sơ khai, áp dụng luật cứng nhắc, tàn khốc và hỗn loạn.
Xã hội nơi chúng ta đang sống không thể vận dụng pháp luật theo kiểu như vậy.
Vì thế, tôi mong Chủ tịch nước Trần Đại Quang hãy một lần nữa lắng nghe và bước về phía nhân dân, như ông đã làm trong vụ án Nguyễn Khắc Thuỷ có hành vi xâm bại tình dục các bé gái ở Vũng Tàu.
Tôi sẽ không quên những hành động ấy. Nhân dân cũng sẽ không quên nếu như Chủ tịch nước, thêm một lần nữa vỗ về những phận nguòi yếu thế, cho Đặng Văn Hiến một cơ hội được sống và trả giá cho tội lỗi của mình.
Hãy nhìn vào lòng dân để đo vận nước. Cho một phận người khốn khổ cơ hội được sống cũng là cho chính quyền một cơ hội nhận được nụ cười của dân thay vì những lời oán thán.
Một nhà nước chỉ được công nhận tính chính danh khi nó đảm bảo cho thực thi công lý. Và, công lý chỉ được thực thi khi bản án ban ra vừa răn đe lại vừa thu phục được lòng người.
Tôi rất mong một lần nữa được đặt niềm tin vào ông, thưa Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Tôi hi vọng sẽ vẫn còn chỗ cho công lý...
Cuối cùng, tôi kính chúc ông sức khoẻ và thông tuệ.
Bạch Hoàn.
No comments:
Post a Comment