Ba mình là lính Việt Nam Cộng Hoà, sau 75 hai anh trai thi đậu đại học nhưng không được chứng lý lịch để nhập học, thành ra cả hai ông đành phải vào cao đẳng. Tiếp theo sau là bà chị gái, thế là bả bỏ học để đi buôn. Tới thời mình dù lúc đó đã cởi mở hơn nhưng lý lịch ba mình nó ghi là “nợ máu” thành ra ba nói thôi con xung phong đi nghĩa vụ để trả món nợ đi đã rồi hẵn tính.
Nói ra để thấy rằng chuyện giáo dục ở Việt Nam cái thời Cộng Sản, ngay từ những ngày đầu tiên cầm quyền họ đã có những chính sách rất cực đoan để đào thải những người khác chính kiến dù người ấy tài giỏi tới mức nào.
Có thể họ ảo tưởng rằng với thứ sức mạnh vay mượn từ quốc tế Cộng Sản thì không chuyện gì họ không thể làm được, và việc đào tạo người tài cũng không nằm ngoài suy nghĩ ấy.
Đáng tiếc là suy nghĩ đó hoàn toàn không thấu đáo. Giáo dục khác với việc đánh nhau, và hoàn toàn đối lập với chuyện đi ăn cướp. Con người ta có thể vì bần cùng mà trở nên hung hãn, liều lĩnh khi giành giựt miếng ăn. Nhưng một người không có tư chất thì không thể trở thành kỹ sư, bác sĩ được.
Tất cả những nền giáo dục tiên tiến người ta đều có một triết lý giáo dục rõ ràng,
Nó chính là mục tiêu đào tạo. Việc giáo dục không có triết lý cũng giống như việc một người đi trên đường mà chẳng biết sẽ về đâu. Người ta cứ cắm đầu đi, lúc gặp đường quang, lúc đâm vào bụi rậm cuối cùng chính họ cũng không biết được là họ đi đâu và để làm gì.
Ngày xưa thời Việt Nam Cộng Hoà triết lý giáo dục là: Nhân Bản-Dân Tộc-Khai Phóng.
Tiêu chí đầu tiên giáo dục con người phải nhân bản trước đã. Có nhân bản là có yêu thương, có biết yêu thương thì mới tạo nên một quần thể xã hội tử tế.
Kế đó là dân tộc. Một đất nước muốn phồn vinh thì mỗi cá nhân phải có lòng tự tôn đối với dân tộc của mình. Có tự tôn người ta mới cố gắng phát huy khả năng để kiến tạo cuộc đời mình góp vào sự phát triển chung của dân tộc. Có tự tôn người ta mới không làm những chuyện xấu xa ảnh hưởng đến danh tiếng của dân tộc mình. Có tự tôn người ta mới biết yêu quê hương, đất nước.
Sau cùng là Khai Phóng. Nhiệm vụ của giáo dục là nâng đỡ để người học có thể khai phóng bản thân. Khám phá thế mạnh của mình và phát huy năng lực theo đúng sở trường vốn có.
Đó là cách giáo dục mà nhân loại vẫn làm.
Tuy nhiên nếu giáo dục con người ta như vậy thì không bao giờ người ta cam chịu bị cai trị bởi một chế độ độc tài. Thế nên Cộng Sản lấy chính sách nhồi sọ, tẩy não để đào tạo ra những thế hệ chỉ biết trở thành công cụ phục vụ cho chế độ.
Nếu cần phải trả lời câu hỏi triết lý giáo dục hiện nay của Việt Nam là gì? Thì Nhồi Sọ-Tẩy Não chính là triết lý của họ.
Giờ đây, chính sách ngu dân đã phát huy tác dụng. Thế nên người ta không cần tránh né việc nâng đỡ người trong bộ máy cai trị nữa. Họ ngang nhiên công khai tuyên bố rằng: Con cháu lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc cho dân tộc.
Cho nên chuyện nâng điểm vừa rồi tại Hà Giang (tui đồ rằng không chỉ riêng Hà Giang) thực ra không có gì là mới, có chăng giờ đây người ta thoải mái hơn, công khai hơn, và khinh dân hơn trong việc nâng đỡ này mà thôi.
Trương Quang Thi
No comments:
Post a Comment