Anh nằm bất động trên chiếc cáng, nơi nhà xác bệnh viện. Mặc cho người thân gào thét gọi tên, mặc cho cha anh khóc ngất bên mình anh cũng không trả lời. Lúc này, họ không cần anh nói nhiều, họ chỉ cần anh thở lên một hơi thở để họ khỏi lịm dần trong sự thật đau đớn. Nhưng người chết rồi thì làm sao có thể thở được nữa. Anh chết thật rồi, họ buộc phải tin vào điều đó.
Một cái chết tức tưởi và oan khiên, xác của anh rồi ngày mai sẽ không được toàn vẹn. Ngay cả khi chết rồi thì thân xác ấy cũng không được bình yên. Bởi, anh bị công an đánh chết, và điều đương nhiên là anh sẽ bị mổ xẻ cơ thể này ra để điều tra và kết luận, dù bao nhiêu con mắt chứng kiến rõ ràng những kẻ mặc áo công vụ kia đã đánh anh chết theo cách nào. Người thân anh sẽ phải chấp nhận sự thật ấy khi họ cần công lý cho anh.
Những hình ảnh ấy đã từng in rất sâu trong đầu óc tôi, những đường chỉ nối liền thịt da, những vết bầm máu và từng cơ quan nội tạng của bố mình qua hình ảnh khám nghiệm tử thi mà tôi được thấy. Vì vậy mà ngày hôm nay tôi thương cảm cho gia đình anh vô cùng. Họ cũng sẽ phải chịu đựng sự giằng xé nội tâm, sự đau đớn trong uất ức như tôi đã từng cảm thấy. Nhưng nếu những người ở lại không có can đảm đương đầu, thì anh sẽ ra đi một cách bất mình và oan uổng.
Người dân vùng quê ai cũng đều biết trò bầu cua quen thuộc. Anh chơi hay không cho đến lúc này không công quan trọng đâu. Anh đánh cược bầu cua bằng tiền thì anh đáng phải chết hay sao? Cả cái đất nước này, hàng triệu con người đang công khai cờ bạc trên sóng truyền hình mỗi ngày thì sao đây?
Coi như phá ổ bạc là công vụ thì không lẽ đánh dân cũng là công vụ? Điều nực cười là cho dù người dân có bị đánh chết dã man thế nào và cố gắng vật lộn đấu tranh cho công lý đến đâu thì hầu như tội danh cao nhất xưa nay mà những kẻ giết người lãnh nhận vẫn chỉ là "làm chết người trong khi thì hành công vụ".
Chắc chắn rằng anh và gia đình chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ là nạn nhân kế tiếp của công an. Buổi tối ngày 2/1/2017 là một buổi tối định mệnh chia lìa anh và gia đình. Anh Đặng Phạm Toàn đã bị 6 con người trong tổ tuần tra công an huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đánh hội đồng đến chết trước sự chứng kiến của người dân nơi đây.
Thế nhưng một lần nữa ngành công an lại cho chúng ta thấy rõ sự khốn nạn và trơ trẽn đến tột cùng, như vô số những vụ án trước đây, họ tuyên bố vô can và đòi xử những người dân đang bức xúc trước tội ác. Ông giám đốc công an Bình Định Nguyễn Bá Nhiên, ông phó giám đốc công an Bình Định Nguyễn An Ninh khẳng định với báo chí sẽ làm rõ những ai đã đánh 2 kẻ giết người mặc áo công vụ trong clip trên mạng ngày hôm nay. Họ nói không ai đánh anh cả, anh tự ngã chết đấy chứ! Họ đã thản nhiên chọc mù mắt người dân, những con người chứng kiến sự việc bằng quyền lực và sự vô sỉ.
Hôm qua là họ đánh chết người, hôm nay là họ điều tra, ngày mai là họ kết án.
Tôi là một người từng trải, trải cả về nỗi đau mất mát lẫn những bước đi tìm pháp lý khi người thân bị công an đánh chết. Tôi thực sự rất muốn đến tận nơi để chia sẻ với gia đình anh về những bước đi của mình để giành lấy thứ công lý nhơ nhuốc ở cơ chế này. Nó nhơ nhuốc nhưng ít ra tôi còn được chạm lên nó sau bao 3 năm tranh đấu, còn đỡ đau thương hơn biết bao hoàn cảnh chết trong u uất của oan khiên.
Nếu người nhà của các nạn nhân bị công an đánh chết đọc được bài này tôi xin mọi người hãy lắng nghe tôi. Hãy làm đơn mời Pháp Y Quân đội khám nghiệm cho người thân của mình, không để Pháp Y công an tiến hành khám nghiệm. Gia đình không ký vào đồng ý thì công an sẽ không có quyền tự khám nghiệm. Và lỡ đã ký rồi thì cũng có quyền yêu cầu khám nghiệm lại. Hãy vào tận nơi, hãy quay lại, hãy ghi âm tất cả. Hãy tìm cho mình ngay một luật sư có tâm trong lúc này để hướng dẫn đường đi, như luật sư Đôn người đã từng đứng lên bảo vệ một nạn nhân trước đây.
Hãy để xác người thân lại để họ có thể chứng kiến được giây phút sự thật về cái chết của họ được rõ ràng qua chứng nhận Pháp Y. Nếu muốn người nhà được nhắm mắt hãy lấy nước mắt rửa mặt mỗi ngày, nhắc nhở bản thân phải kiên cường lên để rồi một ngày khi có được Pháp Y sẽ tự tay ném nắm đất xuống nấm mồ lạnh lẽo.
Người dân không có quyền lực, nhưng có nước mắt. Nước mắt hoặc sẽ khiến chúng ta rơi vào địa ngục của bóng tối, sự yếu đuối trong tang thương, hoặc sẽ vực chúng ta dậy, trở thành vũ khí để cho ta sức mạnh chống lại bất công và bạo quyền.
Trịnh Kim Tiến
No comments:
Post a Comment