Saturday, January 7, 2017

Quy hoạch để phát triển hay tạo sự bất ổn?

ảnh minh hoạ

8.000 tỉ đồng, đó là số tiền mà ngân sách nhà nước đã phải bỏ ra để thực hiện các quy hoạch cho thời kỳ phát triển từ 2011-2020.
Một nền kinh tế quy mô mới chỉ khoảng 200 tỉ USD nhưng trong một giai đoạn phát triển 10 năm lại có đến gần 19.285 quy hoạch được vẽ ra. Đương nhiên, chất lượng quy hoạch tỉ lệ nghịch với chi phí làm quy hoạch.
Đơn cử, quy hoạch cảng biển của TP.HCM tính toán năng lực xếp dỡ hàng hoá đến năm 2020 khoảng 105 triệu tấn/năm. Nhưng quy hoạch xây dựng thành phố cho giai đoạn chỉ 5 năm sau đó lại vẽ ra công suất xếp dỡ lên đến 200 triệu tấn. Không những không thể huy động đủ nguồn lực để phát triển chỉ trong 5 năm, mà quan trọng hơn, nó không phù hợp với định hướng phát triển cảng biển.
Quy hoạch ngành thép định hướng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 được phê duyệt vào năm 2013. Dưới thời Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, quy hoạch ấy được bổ sung đến mức có thời điểm bị vỡ quy hoạch.
Mấy hôm nay, có bao nhiêu gạch đá cộng đồng đã ném hết vào doanh nghiệp trong câu chuyện chung cư 50 tầng ở Giảng Võ. Mọi người, vì lý do nào đó đã quên mất cả cái gốc của vấn đề là sự yếu kém trong quy hoạch và quản lý vận hành đô thị.
Cần phải rạch ròi rằng quy hoạch đã cho phép xây 50 tầng. Mục tiêu của một nhà đầu tư đương nhiên là tối ưu hoá lợi nhuận. Nghĩa vụ của họ là đóng thuế cho nhà nước. Xã hội muốn văn minh thì không thể trông chờ đạo đức của vài cá nhân mà phải dùng pháp trị. Chỉ dùng tư duy pháp trị mới có thể đảm bảo mọi sự chuyển động của xã hội nằm trong đường biên mà quy hoạch đã vạch ra.
Vậy nên, vấn đề cần mổ xẻ phải là sự yếu kém trong quy hoạch. Theo quan điểm không xây nhà cao tầng trong nội đô, thì đối tượng phải được nhân gạch đá phải là người làm quy hoạch.
Theo quan điểm coi Giảng Võ là điểm nhấn đô thị, thì tại sao khi làm quy hoạch, họ không tính toán đồng bộ với quy hoạch giao thông, điện nước, chợ, siêu thị... ở khu vực lân cận. Một quy hoạch chỉ hợp lý khi nó được đặt trong một bức tranh tổng thể của quá trình phát triển. Nếu họ công khai thực hiện điều đó thì chắc gì đã vấp phải sự phản ứng hôm nay?
Khi ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tỏ ra không hài lòng với sự phát triển của ngành hàng không vì sợ ảnh hưởng đến ngành đường sắt, tôi thấy tuyệt vọng cho ngành này. Với tư duy luẩn quẩn ấy thì chẳng có giải pháp nào sáng sủa cho bài toán giao thông hiện nay.
Mỗi lần đi qua con đường có đường cong mềm mại ở Hà Nội, tôi chẳng còn hi vọng thực trạng đô thị lem nhem, nhếch nhác hiện nay sẽ được cải thiện.
Chừng nào những người quản lý đô thị còn hô hào khẩu hiệu "Cả thành phố xây dựng nông thôn mới", thì muôn đời sẽ chẳng có một đô thị thông minh như họ đang mơ mộng.
Chỉ khi nào quy hoạch được thực hiện phục vụ cho một mục đích duy nhất là hướng tới văn minh, thịnh vượng, quy hoạch được công khai trước toàn dân thì khi đó mới bắt đầu có thể hi vọng 8.000 tỉ đồng kia mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.
Đất nước không thiếu những người có tâm sẵn sàng cống hiến cho cộng đồng. Đất nước không thiếu những người có tầm để có thể phản biện. Đất nước chỉ đang có quá ít nhà quản lý có đủ tâm và tầm để lắng nghe và tiếp nhận tri thức vì sự phát triển của quốc gia dân tộc.
Mà, chừng nào không giải quyết được sự yếu kém trong quy hoạch và quản lý, thì chừng đó những bức xúc của người dân vẫn còn tồn tại, thậm chí ngày càng căng thẳng. Xưa nay, bất ổn về chính trị thường bắt nguồn từ những mâu thuẫn xã hội nảy sinh trong sinh hoạt thường ngày của nhân dân.

Bạch Hoàn

No comments:


Get paid to share your links!