ảnh minh hoạ |
Lâu rồi tôi không quan tâm đến việc các lãnh đạo CSVN cũng như đám dư luận viên tay sai phát ngôn điều gì, vì sự nguỵ biện, dối trá và vô sỉ là điểm chung của họ. Nhưng tôi không thể không lưu tâm đến ảnh hưởng của các phát ngôn tai hại như thế đối với người dân, đặc biệt là giới trẻ, chưa hiểu rõ những nguỵ biện đó. Rất nhiều lần đám dư luận viên tấn công cá nhân tôi bằng luận điệu đó trên Facebook và còn không ít người cảm thấy cách đặt câu hỏi như bà Kim Ngân là hữu lý. Vì vậy, tôi xin góp vài ý kiến sau đây về chuyện "làm được" hay "chưa làm được":
1/ Về phần các lãnh đạo CSVN:
Làm lãnh đạo chính trị không có nghĩa là đã hoặc đang đóng góp nhiều cho đất nước, còn làm dân thường thì không. Thực ra, ở các nền dân chủ càng lành mạnh, khối XHDS (tức khối dân thường có tổ chức) đảm nhận và tự quản hầu hết các công việc của cộng đồng và quốc gia. Hệ thống lãnh đạo chính trị (nhà nước) chỉ đóng vai trò điều phối các hoạt động ấy trong một trật tự luật pháp nghiêm minh để đảm bảo tự do của người hay cộng đồng này không đè bẹp tự do của những người, cộng đồng khác. Hệ thống nhà nước càng gọn nhẹ, XHDS càng trưởng thành, nền dân chủ càng chất lượng. Đó là nói trong các chế độ dân chủ.
Trong các chế độ độc tài, lãnh đạo chính trị không do dân bầu mà chỉ là những nhân vật do các phe cánh trong đảng cầm quyền sắp xếp đưa lên, nhằm bảo vệ quyền lợi chính trị của đảng; hoặc chỉ là sự chia chác ghế cầm quyền dựa trên sức mạnh kinh tế. Ở đó, các lãnh đạo chính trị không đủ tư cách lãnh đạo quốc gia và càng không có khả năng bảo vệ quyền lợi đất nước và người dân. Nghiêm trọng hơn, họ dùng chức vị để tham nhũng, đục khoét ngân quỹ quốc gia, xâu xé tài nguyên thiên nhiên, chia chác lợi ích kinh tế đáng lẽ thuộc về người dân, bán đất bán rừng cho ngoại bang lấy tiền bỏ túi...gây ra các thảm hoạ cho người dân như: Bauxite Tây Nguyên, Formosa Vũng Áng, thuỷ điện sông Đà và các công trình quốc gia quan trọng bị rút ruột khác... Nguy hiểm hơn cả, các lãnh đạo cộng sản hiện nay còn mưu đồ bán nước cho Trung cộng, đó là tội phản quốc. Như vậy họ không những không có chút công lao nào, mà còn là tội phạm đáng bị xử những mức án nặng nhất trong một nền pháp luật công minh.
Bởi vậy, mỗi một cá nhân trong chế độ độc tài CSVN là những tên tội đồ bán nước, họ không hề có tư cách để nói chuyện "làm được gì" hay "không làm được gì" với người dân chúng ta. Đội ngũ an ninh và dư luận viên làm tay sai cho những tên tội đồ cũng hoàn toàn không có tư cách kể công mà đáng lẽ ra phải ngồi trước vành móng ngựa.
2/ Về phần những người đấu tranh cho dân chủ và XHDS:
Họ chỉ bày tỏ quan điểm đối lập một cách ôn hoà đối với các chính sách quốc gia. Điều này bình thường trong các nền dân chủ. Trong chế độ độc tài, những người dám lên tiếng phản đối chính quyền phải chấp nhận nhiều rủi ro, nhiều mất mát cho bản thân và gia đình nhằm đấu tranh cho các giá trị tiến bộ. Việc thực hiện trách nhiệm công dân trong bối cảnh nguy hiểm như thế có thể được xem là có công, không nhiều thì ít.
Hơn nữa, ngoài những người lên tiếng phản đối chính quyền cách này cách khác, còn có những người vừa đấu tranh với chính quyền độc tài bằng cách lên tiếng, vừa từng bước khó nhọc xây dựng XHDS tại Việt Nam. Những người này vừa là nạn nhân nhân quyền của chính quyền cộng sản, vừa là người thực hiện các công tác XHDS hướng đến các cộng đồng bị gạt ra bên lề xã hội. Một lãnh đạo cộng sản ít tội nhất cũng không thể so sánh với một Trần Thị Hồng (vợ mục sư Nguyễn Công Chính đang ngồi tù vì đấu tranh cho tự do tôn giáo trong cộng đồng sắc tộc) vừa phải nuôi chồng ngồi tù oan khuất với năm con nhỏ vị thành niên, vừa hỗ trợ những cộng đồng sắc tộc nghèo khổ nhất Tây nguyên.
Còn nhiều những anh chị em khác, hằng ngày, công khai hoặc âm thầm, giúp đỡ những người vì các đấu tranh cho các giá trị tiến bộ mà phải chịu đàn áp, ngồi tù. Khi chính quyền coi những người đối kháng là kẻ thù, thì có nhiều người khác làm nhiệm vụ bảo vệ họ với tư cách những human rights defenders. Một bên gây tội với những người dân lương thiện, một bên bảo vệ họ. Ai có tội, ai có công? Trong khi đảng cộng sản Việt Nam đang từng bước bán nước, những người dân thường như chúng tôi kêu gọi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ dưới nhiều hình thức biểu tình dân vận và vận động quốc tế để rồi phải chịu sự trù dập từ chính quyền. Ai có công, ai có tội?
3/ Còn vô số những người vô danh khác đóng góp cho xã hội bằng nhưng công việc vô cùng tử tế như: người khuyết tật vượt lên những trở ngại cá nhân để giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ, những thanh niên mở các lớp dạy học miễn phí cho người nghèo, những gia đình Phật tử hằng ngày vẫn tặng cơm cháo cho các bệnh nhân nghèo, các nhóm thanh niên Công giáo bảo vệ sự sống... Họ âm thầm nhưng bền bỉ, chứ không giống các pha diễn trò của lãnh đạo cộng sản trước máy quay.
Ngay cả một người dân không tham gia XHDS, mà chỉ chăm lo đời sống cá nhân và gia đình họ cũng vẫn có công đóng góp cho quốc gia những đứa con có thể làm nhiệm vụ cầm súng bảo vệ đất nước khi quốc gia cần đến họ. Chính những người dân thường này sẽ bám chặt và gìn giữ mảnh đất chữ S này chứ không ai khác. Lãnh đạo cộng sản đi đêm với ngoại bang, con cái họ thì ra nước ngoài lập nghiệp hoặc học hành. Họ sẽ ngồi ở nơi an toàn nhất khi có chiến loạn xảy ra trên đất nước. Như thế, các tên tham nhũng, bán nước và tay sai làm sao đủ tư cách luận công với dân thường chúng tôi?
Vì thế, hỡi những người dân Việt Nam cần lao, hỡi những bạn trẻ đang siêng năng dựa trên sức mình mà vươn lên trong cuộc sống, chúng ta có công với đất nước này hơn bất cứ tên tội đồ cộng sản nào.
Huỳnh Thục Vy
No comments:
Post a Comment