Sáng Thứ 4, ngày 23/11/2016, tôi vào Trại giam số 1 Hà Nội thăm bị cáo Cấn Thị Thêu. Cùng đi với tôi có Luật sư Lê Văn Luân (Facebook Luân Lê), là một trong những luật sư đã tham gia bào chữa cho bà Thêu từ giai đoạn xét xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Vì không tham gia từ giai đoạn sơ thẩm và cũng chưa từng gặp bà Thêu nên lần gặp này của tôi chủ yếu nhằm mục đích làm quen, hỏi han, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà là chính chứ không đi sâu vào các tình tiết cần làm sáng tỏ trong vụ án.
Trông bà tươi tắn, khỏe mạnh hơn trong hình ảnh mà tôi được thấy trên mặt báo; tinh thần của bà cũng rất thoải mái, khác hẳn với đa số bị can, bị cáo khác trong trại tạm giam mà tôi đã từng gặp – có lẽ cũng đã quen với chốn này và xác định tư tưởng ngay từ đầu nên bà đã thích nghi tốt với cuộc sống ở nơi mà ai ai mới chỉ nghe thấy thôi cũng đã toát mồ hôi hột. Cùng theo chân bà vào phòng gặp luật sư, có 03 chiến sĩ an ninh nữ.
Sau khi hỏi han tình hình cuộc sống trong trại, bà cho biết mọi việc đều ổn, mọi người không phải lo lắng cho bà. Trong câu chuyện của bà, có những nội dung chính sau:
- Nếu các cơ quan có thẩm quyền xem hành vi của bà là vi phạm pháp luật thì cứ việc xử; bà không có nghĩa vụ chỉ ra những ai tham gia (nếu có) và các luật sư cũng không cần đề cập vấn đề liên quan tới những người khác. Nếu có tội, bà chịu, không ai phải liên lụy vì bà;
- Sau khi ra tù, ngay lập tức bà sẽ lại đi đấu tranh đòi quyền lợi cho dân oan vì họ rất khổ - mắt bà rơm rớm khi nhắc tới những người này; bà nói, họ là máu thịt của bà, bà không bao giờ ngừng đấu tranh vì họ, vì cả gia đình bà nữa;
Luật sư Luân nhiều lần giải thích, động viên và khuyên nhủ bà bình tĩnh, trả lời ngắn gọn, nhẹ nhàng các câu hỏi của Tòa, không để cảm xúc lấn át nội dung vụ việc; phần còn lại là của các luật sư. Bà ghi nhận và nói sẽ cố gắng ghi nhớ - tuy nhiên, những từ ngữ xưng hô quen thuộc nhưng “khó nghe” của bà thì không phải ngày một ngày hai mà thay đổi được và bà cũng không có ý định thay đổi nó. Đúng ra, những nội dung trước khi diễn ra phiên tòa, tôi cần phải giữ kín nhưng vì đây là vụ án thuộc diện mà luật sư “cãi đâu thua đó” nên có lẽ, việc bí mật đã trở nên thừa thải…
Bản thân tôi, sau khi nghe câu chuyện, tôi cũng hỏi bà tại sao không lựa chọn cách đấu tranh nhẹ nhàng hơn, khôn ngoan hơn? Giới luật sư chúng tôi có thể góp một phần sức lực để những người như bà và doanh nghiệp, chính quyền có những buổi tiếp xúc nữa để dần có tiếng nói chung… Bà nói khó lắm, đã có luật sư tư vấn, đã từng làm nhiều lần rồi những không có kết quả nên mới dẫn tới tình thế này. Tôi vẫn kiên định – khó nhưng không có nghĩa là không thể - sao không thử làm tiếp như vậy? Tôi biết bà không sợ vào tù – nhưng bà vào tù, bà còn có giúp được dân oan nữa không? Tôi không muốn sau 20 tháng nữa lại cắp cặp đi bào chữa cho bà tại tòa… Nếu còn cách, sao ta không thử cách nhẹ nhàng hơn?... Bà hứa sau khi ra tù sẽ tới gặp luật sư.
Sau khi tiếp xúc với bà Thêu, tôi có cái nhìn thiện cảm với bà – tôi nhận thấy đây không phải là một người phụ nữ tầm thường – là người có hiểu biết, có dũng khí của đấng nam nhi và lòng bao dung của người phụ nữ Việt. Hoàn cảnh, thế thời đã xô đẩy bà vào cảnh này. Bà hiểu thời cuộc. Bà dám đứng lên đấu tranh. Bà chấp nhận mọi hậu quả xấu nhất về cho mình mà không muốn san sẻ cho ai. Nghe chuyện của bà, tôi băn khoăn mãi: Tại sao các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương không cố gắng dung hòa, giải quyết dứt điểm tận gốc các quan hệ hành chính, dân sự mà nó phát triển và lây lan thành những vấn để lớn hơn, nghiêm trọng hơn?... Đừng vội chắc chắn rằng mình hoàn toàn đúng trong những việc này và đổ toàn bộ cho người dân. Nếu không giải quyết được gốc rễ vấn đề, sẽ lại tiếp tục có những “bà Thêu” khác! Ai dám tin chắc là sẽ không có?!
Cuộc trao đổi giữa hai luật sư và bị cáo rất sôi nổi, thậm chí rất vui vẻ; ngay cả 3 nữ chiến sĩ an ninh ngồi cạnh cũng rất vui vẻ; không khí chỉ trùng xuống khi luật sư Luân nhắc những khó khăn của bà con dân oan và gia đình bà Thêu gặp phải mà thôi – người phụ nữ, dù cứng rắn tới mấy hay lớn tuổi tới đâu thì cũng không tránh khỏi sự chạnh lòng khi con cái chưa yên ổn – lần đầu tiên tôi thấy bà ngoảnh mặt lại phía sau gạt nước mắt… Một chiến sĩ an ninh cũng cúi mặt – nhìn sao và gạch trên cầu vai, tôi biết bạn ấy còn ít tuổi, và nếu tôi suy đoán không nhầm, rất có thể mẹ bạn ấy cũng là một người nông dân.
Cuối buổi gặp, bà Thêu gửi lời cảm ơn tới các luật sư đã giúp cố gắng bào chữa cho bà trong phiên tòa vừa qua cũng như phiên tòa tới đây; đồng thời nhờ các luật sư chuyển lời cảm ơn tới bà con dân oan Dương Nội và dân oan cả nước; cảm ơn Giáo xứ Thái Hà; tới Tổng thống Pháp và những người đấu tranh dân chủ… đã động viên tinh thần, tiếp sức cho bà trong suốt thời gian vừa qua và cả chặng đường dài gian nan phía trước.
Chào bà ra về, hẹn gặp lại tại phiên tòa vào ngày 30/11 tới đây. Hẹn gặp cả 3 bạn nữ kia nữa…
Tuan Ngo
No comments:
Post a Comment