Tôi không tin ở mắt mình khi đọc dòng tít. Trong bài phỏng vấn với Vietnamnet về việc điều cô giáo đi tiếp khách, ông bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phán:
"... Các thầy cô phải giữ phẩm chất. Khi các thầy cô giữ phẩm chất, đạo đức mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trước hết phải nói đến trách nhiệm của thầy cô rồi mới tính đến người ép buộc."
"Tôi đề nghị phải nghiêm từ trong ngành, từng thầy cô một phải có trách nhiệm nghiêm túc, rồi mới xét đến người khác. Bản thân mình cứ đổ cho người khác thì không công bằng".
"Bởi vì, ai sai đến đâu, xử lý đến đó chứ không phải vì thầy cô nào đó, không phát huy được bản lĩnh, không giữ được nguyên tắc của mình thì lúc đấy lại đổ cho người khác"
Một bộ trưởng của bộ "trồng người", thầy của những bậc thầy mà ông phát biểu mập mờ, né tránh thủ phạm để chĩa mùi dùi vào nạn nhân, những người đáng được bênh vực thì không ổn chút nào.
Ông giả vờ ngây thơ không hiểu hay ông thực sự không hiểu rằng các cô giáo thấp cổ bé họng, được "vinh dự" điều đi tiếp khác thì không thể từ chối bởi nỗi sợ bị trù úm, dìm dập, khiển trách.
Ông có còn nhớ vụ cô giáo Lê Thị Thùy Trang, tổ trưởng tổ chuyên môn ngữ văn Trường THPT Long Xuyên, An Giang, chỉ vì bình luận: “Ông chủ tịch này cái mặt kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang” mà bao cơ quan địa phương xúm vào đòi kỉ luật, phạt hành chính? Tôi nhắc lại để cho ông thấy cán bộ dưới quyền chịu áp lực từ quan chức địa phương như thế nào.
Các cô giáo trong trường hợp rơi vào tình trạng không chốn nương thân. Đã bị quan chức địa phương bắt nạt, lại bị ông đổ tội, họ biết bấu víu vào đâu? Cứ theo kiểu lý luận hết sức u mê này của ông, chồng các cô giáo cũng chê trách vợ thì điều gì sẽ xảy ra?
Một ví dụ hay được nêu ra về kiểu tư duy đổ lỗi nạn nhân là khi một cô gái bị sàm sỡ, thay vì lên án thủ phạm thì lại quay sang trách sao cô gái lại đi vào chỗ ấy, sao lại ăn mặc khêu gợi như thế? Nếu ông không biết ví dụ này, tôi hy vọng ông sẽ đọc mà tránh lặp lại cái lý luận phi lý đầy nguỵ biện một cách thô thiển ấy.
Với tư cách là người đứng đầu ngành giáo dục, đáng nhẽ ông Nhạ phải hiểu biết hơn, phát biểu có trách nhiệm và đúng đắn hơn. Mà có lẽ chúng ta không nên trách ông Nhạ, bởi ông ấy có thể là một nạn nhân của một quá trình bầu bán thiếu sáng suốt hay thậm chí là dối trá?
Giờ thì tôi hiểu tại sao các ông liên tục đưa ra những cải cách lùi và cả những đề án ngớ ngẩn, chỉ có mỗi số tiền là không ngớ ngẩn mà là dã man, khủng khiếp.
Tôi thất vọng và lo lắng vô cùng cho tương lai nền giáo dục Việt Nam và cho những sản phẩm của nền giáo dục ấy. Một nhận thức hết sức cơ bản, nhiều người bình thường biết mà ông lại không hề có chút khái niệm là thế nào?
Con em chúng tôi đang được giáo dục kiểu lý luận này sao? Chúng sẽ trở thành những người như thế nào? Tôi thà con tôi là xe ôm chứ nhất định không làm một bộ trưởng giáo dục mà phát biểu trước công luận một cách hết sức vô lý, vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết trầm trọng như ông. Thử tưởng tượng bạn đọc của báo, những cấp dưới của ông, rồi học sinh, sinh viên tin lời phát biểu này của ông là đúng đắn, cùng mang tư duy quái gở kiểu ấy thì hậu quả sẽ tồi tệ đến đâu?
Bằng phát biểu này, ông đã tự hoạ chân dung của mình rất rõ nét. Chúc mừng ông!
Phát biểu của ông đã đập tan hy vọng mỏng manh về nền giáo dục ở Việt Nam và nó khiến tôi rơi vào một trạng thái buồn bực bi quan cùng cực.
Có một bộ trưởng giáo dục như ông Nhạ, đất nước thực sự đang mang đại hoạ, tiền đồ tối tăm như tiền đồ chị Dậu.
Tôi tha thiết đề nghị ông từ chức càng sớm càng tốt, và nếu ông không từ chức, tôi đề nghị công luận lên tiếng để ông Nhạ bị cách chức.
Chau Doan
No comments:
Post a Comment