ảnh internet |
Quán bún chửi ở đường Ngô Sĩ Liên, Hà Nội của bà chủ quán Hán Thị Kim Thảo là một hiện tượng đáng được lưu ý xét về mặt tâm lý xã hội học.
Người ăn đến quán chịu đựng ngôn ngữ đanh đá, bổ bã, hỗn xược, hết sức phản văn hóa ứng xử của bà chủ quán để được ăn một bát bún ngon, điều đó nói lên điều gì? Phải nghĩ thế nào khi có người cứ cúi đầu vào bát bún sẵn sàng bỏ qua những lời cạnh khóe, mắng mỏ chỉ vì mình ngồi trong quán hơi lâu hoặc dám hỏi thêm một chút gia vị ?
Hiện tượng đó chính là sự chấp nhận hoặc thỏa hiệp với cái xấu để đổi lấy một chút lợi lộc nho nhỏ.
Có một thời trong hệ thống bao cấp và tem phiếu, cái ăn là mối quan tâm hàng đầu. Gạo, thịt, mỡ, đường, cả củi đốt cũng được phân phối theo tiêu chuẩn, người dân không thể nghĩ đến cái gì khác hơn là miếng ăn bỏ vào mồm hằng ngày. Thời đó chị mậu dịch viên có mắng một đôi câu nhưng được mua mấy cân gạo ít mối mọt thì cũng đành ngậm miệng. Phải chăng tâm lý cam chịu đó đã “di truyền” đến thời nay mặc dù điều kiện sống đã thay đổi, cái ăn không còn là sự thúc bách cấp thiết như trước? Nếu không thế thì tại sao ở Sài Gòn không có hiện tượng bún chửi, cháo mắng, ốc quát? Tôi đoan chắc bà Hán thị Kim Thảo mà dời quán vào miền Nam thì sẽ sập tiệm trong vòng vài tuần.
Chẳng phải chỉ có giới bình dân mới cúi đầu cam chịu. Nhiều người được gọi là văn nghệ sĩ cũng có thái độ tiêu cực đó. Nhà văn Nguyễn Tuân chẳng hạn, có lần ông thú thật với người quen sở dĩ ông tồn tại được là vì ông biết sợ. Nhạc sĩ Tô Hải khi tuổi đã gần đất xa trời mới dám viết “Hồi ký của một thằng hèn”. Đặc biệt thi sĩ Chế Lan Viên là quan chức có cấp bậc cao trong làng văn nghệ, nhà lý luận văn nghệ Mác xít thường đi rao giảng trong các hội nghị văn hóa, nhà tụng ca chuyên nghiệp đã viết hằng trăm bài ca ngợi lãnh tụ, ca ngợi thời đại; thế mà cũng chấp nhận sự dối trá, thỏa hiệp với những điều bịp bợm chỉ để được … ăn! Hãy đọc bài “Bánh vẽ” được công bố trong di cảo của ông vì ông không dám đưa ra bài thơ thời còn sống:
BÁNH VẼ
Chưa cần cầm lên nếm,anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp.
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm...
Ai cũng biết thứ bánh vẽ mà Chế Lan Viên nhai ngồm ngoàm đó là gì. Đó là những chủ trương, chính sách, nghị quyết mà cấp trên dồn nhét vào đầu nhà thơ, rồi đến phiên mình nhà thơ lại sáng tác những bài tụng ca như một hình thức nhai lại cái bánh vẽ đó cho nhuần nhuyễn để nhỏ từng giọt vào mồm người đọc thơ ông. Thảo nào một anh bạn tôi là nhà thơ có vai vế trong Hội Nhà văn Hà Nội có lần bảo nhỏ tôi: “Sáng tác của bọn ngồi trên bàn chủ tọa đa phần không phải do rung động của trái tim mà vì sự co bóp của dạ dày đó thôi.”
Sự thật trần trụi và đáng buồn biết bao nhiêu!
FB Song Tran.
No comments:
Post a Comment