Tuesday, October 11, 2016

BINH SĨ TRUNG QUốC “GÌN GIữ HÒA BÌNH” NHƯ THế NÀO?

Ngay sau sự kiện ngày 10-7-2016 khi hai lính Trung Quốc thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ bị phiến quân giết chết, tờ PLA Daily (nhật báo Quân đội Nhân dân Trung Quốc) tường thuật rằng, khi phiến quân tràn vào doanh trại UN, lính Trung Quốc lập tức được dàn ra để phong tỏa các chốt chặn trọng yếu. Phe phiến quân, với hỏa lực cực mạnh, đã nã tới tấp vào lính Trung Quốc. Một chiếc xe bị trúng phi pháo và nổ tung, làm bị thương 7 binh sĩ và gây tử vong binh sĩ Li Lei. Một binh sĩ khác, Yang Shupeng, do bị thương nặng, cũng tử vong sau đó.
Hai tháng sau, trên tờ Global Times (số 8-9-2016), tác giả Yao Jianing miêu tả lại sự kiện với nhiều tình tiết “hấp dẫn” hơn. Bài báo, dẫn lại lời thiếu tá Zhang Yong, cho biết: “Phiến quân bắn ác liệt vào quân chính phủ và cùng lúc ào đến vị trí của chúng tôi… Mục đích chúng rất rõ ràng: buộc chúng tôi phải giao chiến…”. Global Times dẫn tiếp lời trung úy Wang Pei khi trả lời phỏng vấn CCTV, rằng mấy ngày hôm ấy, nhiều thường dân chạy tán loạn đến các khu vực gần doanh trại UN để lánh nạn. Tiểu đoàn Trung Quốc buộc phải nã đạn với mục đích chủ yếu cảnh cáo và thị uy. Chen Lüe, một sĩ quan Trung Quốc biết tiếng Arab, đã dùng loa phát đi thông điệp kêu gọi phiến quân ngừng bắn. Đám phiến quân hạ súng và rút lui. Tiểu đoàn gìn giữ hòa bình người Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn thành công một cuộc tắm máu vào hôm đó - Wang Pei kể với CCTV…
Tuy nhiên, báo cáo 84 trang của Trung tâm thường dân vùng xung đột (CIVIC), công bố ngày 5-10-2016 (có thể download dễ dàng) lại miêu tả hoàn toàn khác. Báo cáo đã được thực hiện trong hai tuần điều tra thực địa vào tháng 8-2016, dựa vào các cuộc phỏng vấn 27 phụ nữ và 32 đàn ông thường dân Sudan; 21 viên chức và thường dân làm việc tại UNMISS (UN Mission in South Sudan); 22 đại diện cộng đồng hoạt động nhân đạo tại Nam Sudan; các nhà ngoại giao ở Nam Sudan…
Báo cáo CIVIC cho biết, vào ngày 8-7-2016, giao tranh dữ dội đã bùng lên tại Juba, thủ đô Nam Sudan. Đến ngày 10 và 11-7, lực lượng mũ nồi xanh chịu trách nhiệm bảo vệ các điểm POC (Protection of Civilians) đã yếu thế trước các đợt tấn công. Vì các tháp canh dọc chu vi POC1 không thể đương đầu trước các đợt bắn phá nên lính Trung Quốc đã phải bỏ tháp rút xuống hào và cố thủ trong các xe cơ giới. Đầu giờ chiều ngày 10-7, một quả phi pháo bắn từ phe phiến quân rớt nổ gần một xe cơ giới Trung Quốc ở POC1. Khi cuộc giao tranh tái lập vào sáng hôm sau, ngày 11-7, lính Trung Quốc đã rời bỏ tất cả vị trí của họ tại POC1 và chuồn thẳng sang căn cứ “UN House”, bản doanh của lực lượng gìn giữ hòa bình.
5.000 thường dân tại POC1, không còn được bảo vệ, đã bỏ chạy tán loạn. Họ trèo qua hàng rào kẽm gai để vào UN House. Theo 7 nhân chứng độc lập, sáng 12-7, lính UNMISS đã bắn đạn cay vào thường dân. Trưa ngày 11-7, tại một khu giao tranh bị thất thủ, phiến quân đã cưỡng hiếp ít nhất 5 nhân viên công tác nhân đạo quốc tế; đánh đập và cưỡng hiếp ít nhất 12 người khác, và bắn chết một nhà báo Nam Sudan. Kho lương thực cũng bị cướp. Số hàng bị cướp trị giá đến 30 triệu USD. Thậm chí sau khi lệnh ngừng bắn được tuyên vào ngày 11-7, phụ nữ tại các POC vẫn còn bị cưỡng hiếp...
Cần nói thêm, vài năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường quân số họ cho lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Hơn 2.800 lính Trung Quốc đang “làm nhiệm vụ” với 9 sứ mệnh trong khuôn khổ gìn giữ hòa bình (năm 2015, Tập Cận Bình nói rằng quân số này sẽ được tăng đến 8.000). Năm 2013, lính Trung Quốc bắt đầu đến Mali. Một năm sau, một tiểu đoàn bổ sung được đưa đến Nam Sudan, nơi họ có mặt từ năm 2006. Trung Quốc có vài lý do để tham gia “gìn giữ hòa bình”. Tại Nam Sudan, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (NPC) hiện chiếm 40% cổ phần trong một liên doanh khai thác dầu. Cùng lúc, theo tờ Quartz, Tập đoàn công nghiệp Bắc Trung Quốc (CNIG), nhà sản xuất vũ khí được biết dưới cái tên quen thuộc Norinco, cũng đã bán số tên lửa, súng trường, súng phóng lựu… trị giá ít nhất 38 triệu USD cho Nam Sudan.
Còn một lý do nữa để Trung Quốc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình: họ muốn đưa lính đến các điểm nóng để rút kinh nghiệm. Kinh nghiệm thực tế chiến trường là một trong những điểm yếu nhất của quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc còn có một điểm yếu chết người khác thậm chí nguy hiểm hơn nhiều lần: lính Trung Quốc không có tinh thần chiến đấu. Có lẽ bởi một phần yếu tố “con một” nên họ nhát gan và sợ chết. Họ thích chiến tranh nhưng họ không đủ can đảm để ra trận. Thay vì “gìn giữ hòa bình”, họ chẳng thà giữ lại mạng sống của mình.

Manh Kim

No comments:


Get paid to share your links!