Chưa có nước nào mà toà án được quyền "trả lại đơn khởi kiện" như ở Việt Nam. Trường hợp dưới đây của cô Nguyễn Trang Nhung cho thấy toà án đã từ chối thẩm quyền và nghĩa vụ mà hiến pháp trao cho mình.
Lý do mà Toà án Nhân dân TPHCM trả lại đơn kiện của cô Nguyễn Trang Nhung là: (1) chứng cứ không được cung cấp, và (2) quyết định hành chính bị kiện thuộc loại "bí mật nhà nước" nên không thể xét xử.
Cần lưu ý, công việc chính của toà án là xét xử các vụ án bằng một hội đồng xét xử bao gồm các thẩm phán và theo một thủ tục tố tụng luật định. Toà án không thể đưa ra kết luận của mình bằng một "thông báo" mà không mở phiên toà, nhất là khi kết luận đó dựa trên việc đánh giá và nhận định về chứng cứ.
Để bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn nêu trong đơn khởi kiện vì hai lý do như trong trường hợp cô Nguyễn Trang Nhung, toà án phải mở phiên toà xét xử với sự hiện diện của bị đơn. Các bên nguyên và bị đơn cùng luật sư của họ phải trao đổi lập luận, tranh luận và trả lời các câu hỏi của hội đồng xét xử.
Vậy xin hỏi TAND TPHCM, hai nhận định và kết luận nêu trên của quý toà do hội đồng xét xử bao gồm các thẩm phán nào đưa ra? Xem xét một đơn khởi kiện, đặc biệt là đánh giá xem chứng cứ có hay không, nếu có thì giá trị thế nào, không thể thuộc thẩm quyền của cán bộ hành chính của toà án, mà phải là thẩm phán được lựa chọn.
Chỉ hội đồng xét xử mới có quyền bác bỏ đơn kiện của nguyên đơn, chứ không ai kể cả chánh án có quyền trả lại đơn kiện. Cách làm việc của TAND TPHCM vừa vô trách nhiệm, vừa xem thường hiến phán, vừa phảng phất mùi đạo diễn của cơ quan an ninh.
Ở các nước văn minh, thẩm phán không bao giờ bị chi phối hay khuất phục đảng cầm quyền và bộ máy công an của nó, nếu không họ chỉ đơn thuần là con rối của cường quyền, tuy cũng cầm cân, nhưng lại tự rẩy mực vào mặt mình.
Lê Công Định
No comments:
Post a Comment