Lúc nào cũng nhận mình là đỉnh cao trí tuệ, là Do Thái châu Á, vậy mà đóng góp cho sự an toàn chung về môi trường của toàn cầu đứng 123/125, cho khoa học 89/125, cho y tế 111/125, và mới đây người ta còn cho biết Việt Nam có chỉ số tử tế thấp nhất thế giới, chỉ số trung thực thấp nhất trái đất, chỉ số tham nhũng đứng hàng đầu so với quốc tế. Và cuối cùng của những thứ đó là chúng ta đứng áp chót bảng xếp hạng 124/125 quốc gia được đánh giá trên toàn thế giới.
Vậy mà người ta tiếp tục cải cách giáo dục, khi VNEN thất bại, Thông tư 30 kìm hãm, và cả nền giáo dục ngập lụt trong những đề xuất, thí điểm và nạn thành tích bởi bị định hướng và chính trị hoá. Đến nay, khi tiếng Anh còn chưa đào tạo ra gì thì người ta lại tiếp tục đề xuất cho thêm tiếng Trung, Nga vào làm một môn học của các cấp, tính ra tổng cộng hiện có đến 6 ngoại ngữ thuộc vào chương trình bắt buộc của giáo dục nước nhà.
Tôi không hiểu họ định dạy gì cho thế hệ và con em chúng ta, chẳng lẽ mọi người sẽ im lặng mãi, chấp nhận bất công đầy rẫy ngoài xã hội vì lấy lý do để yên thân và cho con trẻ được ổn định, không bị ảnh hưởng, nhưng giờ thì còn có thể đưa ra bất kỳ lý lẽ nào để thuyết phục chính mình từ những bậc cha mẹ, phụ huynh cho việc tiếp tục im lặng được nữa không? Khi con cái họ trở thành những con chuột bạch được đem thí nghiệm từng năm, gánh đủ các loại phí, bị áp đặt tư tưởng và rồi trên vai chúng là gánh nặng những chồng sách giáo khoa của sự giáo điều, lạc hậu, những chính sách cải cách liên tiếp mà chưa có dấu hiệu dừng lại, những môn học kinh hoàng - nhưng tất thảy những thứ ấy lại, chúng gần như trống rỗng về tri thức, về tính học thuật lẫn học thực, kinh nghiệm, tính khai sáng và đặc biệt là kỹ năng sống (sinh tồn).
Đó là sự thất bại cay đắng của một nền giáo dục.
Giáo dục phải dạy được con người ta tử tế, có kinh nghiệm, biết tư duy độc lập và biết phản biện, biết học thực, khai sáng tư duy, phát triển và khai phá tiềm năng, trau dồi kỹ năng để tồn tại khi bước chân ra ngoài xã hội và cuối cùng là suy nghĩ thích đọc sách, chứ không phải cả ngày vật lộn với thày cô, điểm chác, thành tích, thi cử và để đêm về ngủ vẫn còn hoảng loạn vì việc học ở trường, và vì thế mà không một đứa trẻ nào "muốn" hay "dám" nhìn đến sách để coi đó là một niềm cảm hứng, biến nó thành thói quen, mà nó cũng là thứ khởi nguồn của việc lĩnh hội và phát triển tri thức cho chính mình, và hẳn nhiên và hơn hết, việc đọc sách, cũng chính là một hành trình để khám phá thế giới mênh mông, bất tận và ngày càng lao đi vùn vụt ngoài kia.
Tôi đã nghe đâu đó câu nói, bác sỹ tồi có thể giết chết một vài bệnh nhân, nhưng giáo dục tệ, sẽ làm hỏng cả một vài thế hệ của dân tộc, của đất nước.
Không thể im lặng trước những thứ quá phi lý mà dung dưỡng cho nó tồn tại thêm nữa.
Hãy lên tiếng, ngay khi còn có thể.
Lê Luân
No comments:
Post a Comment