Nữ công nhân được chăm sóc y tế do ngộ độc thực phẩm tại một bệnh viện ở Hải Phòng vào ngày 29 tháng 12 năm 2015. |
Theo qui định nhà nước Việt Nam hiện hành, việc mua bảo hiểm y tế phải đạt 100% dân số, trẻ em dưới 60 tháng tuổi được miễn phí bảo hiểm y tế, những người thuộc đối tượng chính sách, thương binh liệt sĩ, cựu quân nhân chiến trường Campuchia đều được miễn phí bảo hiểm 100% cho đến lúc chết. Tuy nhiên, bất kì người mua hay được miễn phí bảo hiểm nào ở Việt Nam đều chịu chung một tình cảnh, đó là mù tịt về những quyền lợi cũng như trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm y tế.
Không có sự giải thích cụ thể
Bà Nguyên, một cán bộ ở thành phố Đà Nẵng, chia sẻ về vấn đề mù mờ trong bảo hiểm y tế:
"Chuyện mà họ kêu là chạy thiết bị y tế và các loại phí bảo hiểm y tế thì hết sức mù mờ. Nguyên tắc thì người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được kiểm tra, đối chiếu loại thuốc mình đã được uống, chích với bảng pháp đồ điều trị treo dưới đuôi giường bệnh. Nhưng khó lắm, vì nếu đối chiếu được thì mình làm y tá, bác sĩ rồi (do chữ bác sĩ- PV). Trước đây, người có bảo hiểm chữa bệnh cứ tưởng đây là đặc ân đặc quyền vì không phải trả tiền, chính vì vậy mà ngành y tế dễ bề nhũng nhiễu. Bên cạnh đó, nếu người bệnh muốn kiểm tra quá trình khám bệnh với chi phí bảo hiểm y tế thì hết sức khó, không phải ai cũng có thể lấy các chứng từ của ngành y tế được. Khi chữa bệnh xong thì chứng từ đó như một loại bí mật của bệnh viện. Chính vì vậy ,mà ngành y tế đã bắt tay với ngành bảo hiểm để gian lận, chuyện này là khó tránh được!".
Với tình trạng như hiện tại, khi tham gia bảo hiểm y tế, người dân chỉ nhận được đúng một tờ phiếu bảo hiểm bằng giấy có ghi mấy dòng vắn tắt về tên tuổi bảo hiểm, và có thêm chữ ký, con dấu của giám đốc bảo hiểm y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ngoài ra không có bất cứ văn bản hợp đồng nào đi kèm.
Khi chữa bệnh xong thì chứng từ đó như một loại bí mật của bệnh viện. Chính vì vậy ,mà ngành y tế đã bắt tay với ngành bảo hiểm để gian lận, chuyện này là khó tránh được!- Bà Nguyên, một cán bộ
Người tham gia bảo hiểm y tế muốn biết mình được những quyền lợi gì khi tham gia thì chỉ có một cách duy nhất là nhờ cán bộ bảo hiểm giải thích hoặc chờ khi nào đi chữa bệnh, nhìn cách người ta cho thuốc, điều trị và tính phí bảo hiểm thì mới biết.
Trong khi đó, theo bà Nguyên, mua bảo hiểm y tế, dù nhìn trên góc độ nào đi nữa thì đó phải là một hợp đồng, người mua bỏ ra từ 600 ngàn đồng đến 1 triệu đồng tùy vào mức độ ưu tiên khi mua và bên công ty bảo hiểm sẽ lấy số tiền của người mua về để kinh doanh, sinh lãi, sẽ chi cho người mua khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, như người đó bị bệnh, đi khám sức khỏe… Và số tiền tham gia bảo hiểm y tế sẽ hoàn toàn mất đi khi hợp đồng đáo hạn, nghĩa là đủ một năm hợp đồng, mặc dù người tham gia bảo hiểm y tế chưa hề dùng đến nó bất kì lần nào.
Bà Nguyên cho rằng vấn đề này cũng hợp lý, bởi tính nhân đạo của bảo hiểm nằm ở chỗ san sẻ cộng đồng. Những người tham gia bảo hiểm y tế mà không dùng đến thẻ sẽ dư ra được khoản tiền để những người không may mắn khác được chia sẻ. Tuy nhiên, dù như thế nào thì cũng cần phải có sự minh bạch trong hợp đồng bảo hiểm y tế, người tham gia phải có một bản hợp đồng với phía công ty bảo hiểm. Bản hợp đồng này vừa đảm bảo tính hợp thức về mặt pháp luật lại vừa đóng vai trò là văn bản giải thích, hướng dẫn quyền và trách nhiệm của công ty bảo hiểm cũng như người tham gia bảo hiểm.
Bà Nguyên tiếp lời: “Dám làm cái điều đó (gian lận) thì phải có sự thống nhất từ trên xuống dưới, chữ ký nhiều lắm, từ trưởng khoa đến bác sĩ, , điều dưỡng, rồi sang bên tài chính kế toán, bên bảo hiểm, rồi sau đó đến giám đốc bệnh viện, hồ sơ của nó dày lắm. Nói chung là phải có sự thông đồng từ trên xuống dưới.”
Từ mập mờ đến lập lờ…
Cùng quan điểm với bà Nguyên, ông Vinh, một chuyên viên bảo hiểm hiện đang sống tại thành phố Hải Phòng, chia sẻ thêm: “Trên cả nước đều vậy, chưa được đầy đủ, không đồng bộ, bảo hiểm y tế không đồng đều, phục vụ người dân không được tốt. Tinh thần chung thì người dân hài lòng. Nhưng trong thực tế thì các tuyến dưới không được tốt lắm.”
Ông Vinh đặt ra câu hỏi là liệu đến bao giờ người tham gia bảo hiểm mới được hưởng sự minh bạch? Bởi tham gia bảo hiểm tuy chỉ là việc bình thường nếu nhìn trên góc độ kinh tế nhưng lại là việc có liên quan đến sinh mệnh nếu xét sâu xa hơn.
Ông Vinh cho rằng vấn đề giải quyết bảo hiểm y tế hiện tại đã có tiến bộ hơn rất nhiều so với những năm trước. Nghĩa là thái độ chăm sóc người bệnh cũng không đến nỗi quá lạnh lùng như trước đây, hoặc là các loại thuốc cấp cho người chữa bệnh theo diện bảo hiểm có phần khá hơn, tiêu chuẩn tương đương với người chữa bệnh tự bỏ tiền túi.
Nhưng vẫn còn một vấn đề bất cập mà ông Vinh thấy cần phải có sự minh bạch càng sớm càng tốt, đó là các đơn thuốc của người bị bệnh trong diện bảo hiểm và thủ tục hợp đồng trước khi tham gia bảo hiểm. Về phía thủ tục hợp đồng trước khi tham gia bảo hiểm, có một vấn đề vô lý là người nộp bảo hiểm xong phải đợi đến hai hoặc ba tháng sau mới có thẻ bảo hiểm. Và trong quá đình đó cũng không có bất kì thứ giấy tờ gì khác để người tham gia bảo hiểm tìm hiểu. Theo ông Vinh, cần thiết phải có một bản hợp đồng để tham khảo và hiểu rõ hơn quyền cũng như trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm, tránh tình trạng mù mờ khi chữa bệnh bằng bảo hiểm.
Ngoại trú thì mới cần rõ chứ còn nội trú thì cứ nằm đó bao giờ lành thì về. Liên quan đến bảo hiểm y tế, đó là một vấn đề khó nói, chị không muốn đụng chạm…!- Một cán bộ y tế
Tình trạng mù mờ mà ông Vinh nói chính là các đơn thuốc, pháp đồ điều trị mà người chữa bệnh hoặc người nhà không thể biết được. Chính bản thân ông Vinh khi chữa bệnh ở bệnh viện theo diện bảo hiểm, được miễn 80% viện phí. Nhưng mỗi tuần ông phải đóng gần một triệu đồng. Như vậy có nghĩa là viện phí của ông lên đến 20 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó thuốc mà ông được uống trong quá trình điều trị, con gái ông mang ra tiệm thuốc tây hỏi thì giá chỉ có vài chục ngàn đồng.
Như vậy, số tiền khai man trong đơn thuốc của bệnh viện và bảo hiểm đã đội lên vài chục lần so với thực giá.
Ông Vinh khẳng định, nếu có sự minh bạch về thủ tục đăng ký tham gia bảo hiểm y tế, có hợp đồng hằn hoi và người bệnh được cung cấp đầy đủ các chứng từ liên quan đến quá trình chữa bệnh thì nạn tham nhũng trong ngành bảo hiểm y tế sẽ được giảm thiểu tối đa.
Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm cũng được nâng cao, đặc biệt là của những cư dân miền núi, vùng sâu vùng xa, họ cũng sẽ hiểu biết hơn quyền lợi và trách nhiệm của họ khi mua bảo hiểm y tế.
Một cán bộ y tế không muốn nêu tên, chia sẻ: “Ngoại trú thì mới cần rõ chứ còn nội trú thì cứ nằm đó bao giờ lành thì về. Liên quan đến bảo hiểm y tế, đó là một vấn đề khó nói, chị không muốn đụng chạm…!”
Theo RFA
No comments:
Post a Comment