V
ụ việc hai thanh niên bị tuyên án tù vì hành vi cướp bánh mì và một số tài sản vặt vãnh trị giá mấy chục ngàn đồng đang gây xôn xao trên mạng gần đây.
Mức án đã tuyên và nhiều người cho rằng đang có điều gì đó bất ổn khi có những kẻ sâu mọt lấy tiền tỉ từ ngân sách nhẹ tênh mà chưa ai xử lý, hay có những chuyện to bằng cái đình mà xử lý nhẹ nhàng như gẩy cái móng tay.
Nhưng tôi lại nghĩ rằng chuyện nào ra chuyện đó. Pháp luật là pháp luật, với chức năng là công cụ điều chỉnh xã hội - pháp luật không dành riêng chương nào, điều nào ưu tiên cho những công dân thích ăn bánh mì nhưng không yêu lao động.
Và với chuyện này, tôi sẽ tiết kiệm nước mắt vì tôi luôn còn muốn sống trong một xã hội không cho phép xuất hiện tình trạng ai đó thích là sẽ cướp bánh mì trên tay của tôi.
Mọi bi kịch trong cuộc đời này, tôi nghĩ, đều do việc thiếu thông tin mà ra. Bộ luật hình sự tất nhiên coi việc giật tài sản trên tay người khác là cướp. Đã là cướp thì phải bị trừng phạt.
Nhiều người bạn tôi cho rằng pháp luật hoặc dư luận nên rộng lượng với hai bạn trẻ vì hai bạn không ý thức được sự nghiêm trọng trong hành vi của mình. Nhưng chuyện đó chỉ có thể là một yếu tố để các vị quan tòa đem ra lượng hình trước khi tuyên những bản án đủ sức răn đe.
Tất nhiên không ai đọc luật hình sự trước khi đi mua bánh mì, nhưng đó không nên là một lý do hợp lý để bào chữa cho những bị cáo. Vì lý do công việc, tôi đã từng dự nhiều phiên tòa, mỗi bị cáo, mỗi bị hại, mỗi thân nhân đều mang những tâm sự mà khi viết ra có thể thành một loạt phóng sự đủ khiến độc giả rơi cả lít nước mắt. Nhưng vì sự an toàn với xã hội, vì sự an toàn của những người bán bánh mì và vì sự công bằng với những bị cáo phạm tội cướp giật khác, tôi nghĩ đạo đức mạng cần công tâm hơn khi nhìn nhận bản án dành cho hai bị cáo.
Có thể, trong một số trường hợp nếu ngừng ban phát một cách hào phóng lòng vị tha để cuốn sổ tiết kiệm trong ngân hàng nước mắt của chúng ta dày lên đôi chút, thì biết đâu cuộc sống này lại bình yên, hạnh phúc hơn nhiều.
Đặng Sinh
No comments:
Post a Comment