Monday, June 27, 2016

Tại sao cứ dây dưa giấc mơ ‘bùn đỏ’?

Ảnh minh hoạ.

Sau thời gian lo lắng, rốt cuộc cũng xảy ra việc hồ chứa bùn đỏ gặp sự cố. Theo đó, hồ chứa nước khai thác titan của Công ty Tân Quang Cường (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) bất ngờ vỡ khiến một lượng lớn bùn đỏ tràn ra ngoài.
Theo mô tả của báo chí Việt Nam, cụ thể là báo Tuổi Trẻ, thì “do lượng bùn đỏ quá lớn, dòng nước vỡ ra mạnh nên đã xé thành một đường rãnh lớn trên đồi cát chạy dài xuống khu dân cư. Nước bùn đỏ theo các đường rãnh tràn vào nhà dân, băng qua tuyến đường nhựa ven biển Tân Thành - Thuận Quý chạy luôn ra biển. Tại các khu vực có dân cư sinh sống, bùn đỏ tràn vào trong nhà, vườn, ao cá nhà dân. Các quán ăn nằm ven biển cũng bị bùn đỏ tràn vào.” Đọc mà thấy nổi hết da gà vì kinh hãi. Lược xem lại lịch sử về vấn nạn bùn đỏ tràn hồ ở Việt Nam sẽ thấy từ năm 2013, hồ chứa khai thác titan ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, cũng bị vỡ, gây thiệt hại không nhỏ về môi trường lẫn tài sản của người dân. Năm 2013 không xảy ra một vụ, mà nhiều vụ, khiến thiệt hại ước tính lên đến con số tỷ đồng.
Nhìn lại nguyên nhân của hầu hết các vụ tai nạn và sự cố tràn bùn đỏ độc hại ra môi trường sẽ thấy dường như chỉ cùng một vấn đề, đó là quy chuẩn môi trường của các doanh nghiệp và nhà đầu tư khai thác đều có vấn đề. Trong biên bản thanh tra của Bộ Tài nguyên - Môi trường năm 2013 cho thấy Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam) đã xả thải vượt quy chuẩn môi trường; tổng hoạt độ phóng xạ anpha vượt 1,5 lần QCVN 24: 2009/BTNMT với lưu lượng nước thải 500m3/ngày. Còn trong kết luận sơ bộ ban đầu mới đây do đoàn kiểm tra thực hiện đối với Công ty TNHH Tân Quang Cường tại mỏ Suối Nhum, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, về sự cố vỡ hồ chứa nước tuyển quặng titan được công bố trên báo chí cho thấy việc khai thác titan của công ty tại khu vực này còn một số tồn tại, thiếu sót như chưa hoàn thành việc ký hợp đồng thuê đất để khai thác khoáng sản, chưa đăng ký ngày bắt đầu khai thác theo quy định, chưa báo cáo để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình xử lý môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã duyệt. Thậm chí công ty này còn chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng nước mặt, chưa có giấy phép xả thải vào nguồn nước theo quy định.
Như vậy có thể thấy, hoặc là công ty có giấy phép nhưng không làm theo cam kết, hoặc là... chưa có gì, mặc cho an nguy của hàng trăm, hàng ngàn hộ dân ở những vùng sinh sống lân cận. Thực ra chuyên doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, qua mặt chính quyền không phải là hiếm. Ở châu Âu, năm 2015 có vụ tập đoàn Volkswagen sử dụng các con chíp công nghệ cao để qua mặt nhà kiểm tra về vấn đề phát thải của xe ô tô. Tương tự ở Mỹ cũng có những vụ ô nhiễm môi trường mà phía sau là sự tính toán của doanh nghiệp rất công phu. Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là việc ô nhiễm bùn đỏ tại Việt Nam là bình thường, mà trái lại là bất thường.
Không bất thường sao được khi một công ty khai thác quặng hoạt động ngày đêm lại gần như không có mãnh giấy phép vắt vai nào, mà không một cơ quan ban ngành nào biết, để cho đến khi mọi thứ đổ vỡ, tràn ngập bùn đỏ không thể chối cãi thì mới vào cuộc. Cả một công ty khai khoáng chứ không phải một con chíp công nghệ cao mà có thể giấu giếm, qua mắt sự quan sát và kiểm tra của cơ quan chức năng, trừ khi ngành chức năng có vấn đề.
Người ta dùng công nghệ cao, tinh vi để qua mắt người hành pháp đã đành, đằng này việc diễn ra như ban ngày cũng qua mặt được nhà chức trách. Cái hồ bùn đỏ ấy, vốn rất nhạy cảm với môi trường, lẽ ra phải được kiểm tra thường xuyên hơn bao giờ hết. Thậm chí các kịch bản xử lý sự cố tràn hồ, vỡ hồ (tương tự vỡ hồ thủy điện) đều phải được ngành chức trách yêu cầu kiểm tra một cách rất nghiêm ngặt đối với đơn vị đầu tư khai thác.
Không bất thường sao được khi cũng tại cùng một tỉnh, một địa phương mà sự cố cứ xảy ra hết lần này đến lần khác. Hai chữ bùn đỏ suốt những năm gần đây luôn là ám ảnh đối với người dân, không chỉ những khi nhà cửa bị tràn bùn, đường sá ngập bùn, biển ô nhiễm vì bùn, doanh nghiệp kinh doanh đóng cửa vì bùn, người dân thiệt hại hoa màu và tài sản vì bùn... mà ngay bất kỳ khi nào người ta nằm và nhớ lại những giấc mơ tràn bùn đỏ.
Việc không có giấy phép mà vẫn cứ hoạt động công khai, ngang nhiên, qua mắt ngành chức năng như vậy đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, phải kiểm tra quy trình cấp phép đối với các doanh nghiệp thuộc ngành vốn nhiều tai tiếng như vầy. Đừng trả lời với dân là quy trình chuẩn khi suốt nhiều năm ngành liên tục xảy ra tai nạn. Ai được cấp, quy chuẩn và tiêu chuẩn ra sao, báo cáo đánh giá tác động môi trường như thế nào, kiểm tra thực tế cụ thể cần gì và như thế nào... Tất cả phải minh bạch, rõ ràng, cụ thể và đạt tiêu chuẩn tối đa. Không ngoại trừ trường hợp quy trình không có vấn đề nhưng người thực hiện quy trình thì lại có vấn đề. Nạn bôi trơn, hối lộ vẫn còn âm ĩ, không khỏi khiến dân chúng hoài nghi: cán bộ nhận tiền và nhắm mắt làm ngơ? Ngành chức năng giản bỏ nhiều giai đoạn quan trọng khi cấp phép vì những lý do không rõ? Dù chỉ là hoài nghi, nhưng đó là những hoài nghi mà không ai có thể bác bỏ 100%, thế nên nhất thiết ngành chức năng phải kiểm tra xem liệu có tiêu cực trong vấn đề cấp phép, quản lý hay không.
Cuối cùng, phải nhấn mạnh lại việc xử lý các doanh nghiệp phải mạnh tay. Tôi biết gánh nặng về nhân công, người lao động luôn là bài toán khó cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên phải có cách giải quyết tốt hơn để dân vừa có việc làm, doanh nghiệp làm ăn phải tử tế. Nếu không làm được việc này thì mạnh dạn xin rời ghế để người khác đủ năng lực lên làm, bởi dân cần những người lãnh đạo như vậy. Với doanh nghiệp phải cứng rắn ngay từ khi cấp phép, không phải làm khó, mà là làm đúng. Với các doanh nghiệp hứa một đằng làm một nẻo thì phải phạt nặng, thật nặng, không chỉ về tài chính mà còn cả về danh tiếng. Phải làm sao sự đánh đổi giữa vi phạm và không vi phạm là vô cùng lớn, tránh trường hợp phạt không nặng bằng lợi nhuận họ thu về. Những kẻ kinh doanh đơn thuần là duy lợi nhuận đôi khi không bàn đến đạo đức kinh doanh, cần phải triệt tiêu, thậm chí cấm khai thác vĩnh viễn.
Xin nhấn mạnh lại rằng, một doanh nghiệp to đùng chứ không phải một con tôm, con cá mà ngành chức năng bảo là không quản lý xuể; hay cứ để tai nạn cứ diễn ra hoài. Dân mệt mỏi!
Theo Cao Huy Huân

No comments:


Get paid to share your links!