anh : internet |
Mấy năm trước dân biểu tình phản đối Trung Quốc kéo dàn khoan 981 vào vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, một số báo nói do bọn phản động xúi dục, thậm chí còn đưa tin đi biểu tình được cấp tiền.
Sau đó, dân biểu tình phản đối chính quyền Hà Nội chặt bỏ hàng loạt cây xanh theo kiểu tàn sát, lại vẫn do phản động kích động.
Năm nay tự dưng có “phong trào” tự ứng cử vào Quốc Hội của một số người, trong đó có văn nghệ sỹ, trí thức, lại có người có trách nhiệm phát ngôn: “Bọn phản động đứng sau những người tự ứng cử”.
Và, gần đây nhất dân tụ tập đòi minh bạch vụ biển bị ngộ độc, một lần nữa lại xuất hiện những bài báo “Chuyện cá chết chỉ là cái cớ…”
Túm lại, hễ cứ có biểu tình, có phản ứng tập thể là y như rằng có … phản động đứng sau!
Vậy thực tế là sao?
Có bọn phản động thật không? Có!
Nhưng, có thật chúng đủ sức kích động và huy động hàng trăm, hàng nghìn người dân đồng loạt xuống đường vậy không? Hay chúng chỉ là người “tát nước theo mưa”, lợi dụng sự bất bình và phản ứng tập thể của dân chúng để hư trương thanh thế? Tôi rời ngành an ninh đã lâu, nên không biết được thực lực của bọn phản động hiện nay, nhưng, với những gì đã nghiên cứu, đã biết thì có một quy luật là bọn phản động nào cũng hư trương thanh thế. Có một thì thổi lên mười, lên trăm, lên nghìn để dễ bề lôi kéo người khác. Thậm chí trong lịch sử đã từng có những nhóm chỉ mới có dăm ba tên mà tay nào cũng tướng, cũng bộ trưởng, thủ tướng, y như là chúng đã có cả một bộ máy chính quyền hoàn chỉnh và lực lượng vũ trang mấy quân đoàn!
Vậy nên:
Bọn phản động là có thật, nhưng khát vọng dân chủ của người dân, nhu cầu bày tỏ ý kiến, sự bất bình của người dân đối với những trái ngang trong xã hội cũng là một sự thật!
Đấu tranh chống bọn phản động là một đòi hỏi khách quan, nhưng thể chế hóa xung đột, luật hóa quyền biểu tình của người dân, một quyền cơ bản đã được Hiến định cũng là một đòi hỏi khách quan, bức thiết!
Hễ cứ biểu tình, phản ứng tập thể là quy về phản động là quá đề cao bọn phản động, là giúp chúng hư trương thanh thế. Và, như vậy cũng là coi thường dân chúng. Tôi tin rằng dân chúng không dễ bị dắt mũi như vậy. Dân ta không thể xuống đường chỉ vì bị ai đó xúi dục, khi trong lòng không có chút bất bình nào.
Với tư cách một người đã từng làm công tác an ninh và đã từng làm công tác tư tưởng của Đảng, tôi đề nghị báo chí và những người có trách nhiệm cần thận trọng khi truyền thông và phát ngôn, chỉ nói phản động khi “bắt được tay, day được trán”, không nên võ đoán, hoặc đưa “bọn phản động” ra như một thứ ngoáo ộp để dọa những người yếu bóng vía. Như vậy, đôi khi chúng ta đã vô tình giúp bọn phản động thật hư trương thanh thế, thậm chí có nguy cơ đẩy những người tốt, trong đó có một số văn nghệ sỹ, trí thức về phía…phản động!
Nguồn facebook Phạm Xuân Cần
No comments:
Post a Comment