Wednesday, March 22, 2017

Bạn bè trêu con là 'đồ bị hiếp dâm'

Bạn bè trêu con là "Đồ bị hiếp dâm!", giọng cô bé 11 tuổi nhẹ như một mũi tên. Em là nạn nhân bị hàng xóm xâm hại tình dục.

Sau tai nạn đau lòng, em vẫn được mẹ chở đến trường mỗi ngày. Vừa xuống xe, bước qua cổng trường giăng cờ màu phấp phới, cô bé cúi gầm mặt, băng qua khoảng sân lao xao tiếng bạn bè đang chơi đùa. Em đi thẳng vào lớp, ngồi đó cho tới giờ ra về.
"Từ lúc sự việc xảy ra, bạn bè biết hết, thầy cô biết hết. Trong lớp giờ ai cũng ghét con hết á", cô bé kể, rươm rướm nước mắt. Hỏi sao bạn bè lại ghét, em lắc đầu.
Cô bé không hiểu tại sao: "Hồi xưa con nhiều bạn bè lắm. Giờ tự nhiên nhiều bạn nghỉ chơi. Bạn bè trêu con là đồ bị hiếp dâm. Những lúc đó, con buồn, con đi vào lớp chứ không biết nói gì".
Người ta vẫn thường miệt thị: "Cái đồ ăn cắp!", "Cái đồ ăn cướp!", "Cái đồ giết người!". Chứ ai lại trêu một đứa con gái nhỏ là: "Cái đồ bị hiếp dâm!". Là nạn nhân, họ chưa đủ đau đớn cả về thể xác và tinh thần hay sao? Chuyện vừa xảy ra ngay tại H.Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận mà nghe xót xa như thể con người vẫn đang sống trong thời mông muội nào. Dù biết, câu nói đó xuất phát từ miệng những đứa trẻ. Nhưng, những đứa trẻ ấy đang phản chiếu văn hóa của người lớn.
Mẹ của nạn nhân kể: "Từ ngày sự việc xảy ra tới giờ chỉ có hai người hàng xóm ưa lui tới với nhà mình thôi, còn mấy người kia tự dưng mặt lạ với mình hết". Người đàn bà đơn thân 10 năm chèo chống nuôi ba đứa con càng đơn độc. Kẻ bị tố xâm hại cô bé là một thanh niên hàng xóm 19 tuổi, sau khi đã nhận lỗi trước sự chứng kiến của gia đình và hàng xóm tự dưng nghe đồn đột ngột bị... bệnh tâm thần.
Hành trình đi tìm công lý cho con gái của người đàn bà nghèo càng gian nan. Bà bắt xe đò lên Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa, Đồng Nai) để xác minh rằng người thanh niên hại đời con gái bà có nhập viện như lời đồn. Không tìm thấy gì, kể cả cái tên.
Kết quả giám định của Trung tâm Giám định Pháp y tỉnh Bình Thuận cho thấy bé bị rách màng trinh. Nhưng có người khuyên thôi nhận 1 -2 triệu đồng tiền thuốc thang cho bé rồi bỏ qua. Người mẹ này uất nghẹn: "Trời ơi, cả đời con gái tôi, danh dự của gia đình tôi... Tôi nghèo thật chớ cho tôi cả gia tài tôi cũng không cầm. Điều tôi cần là công lý!".
Sự việc xảy ra từ cuối tháng 12.2016. Ba tháng trôi qua, vụ việc vẫn chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng. Nhà của nạn nhân và người bị tố xâm hại chỉ cách nhau hơn chục bước chân. Người mẹ đã phải nghỉ làm vì không dám để con ở nhà một mình. Gia cảnh đã khó khăn càng thêm túng quẫn.
Cuộc sống của cô bé 11 tuổi từ đó quẩn quanh trong bốn bức tường. "Con không dám ra đường, con sợ ảnh giết con!", cô bé nói trong lúc nhìn ra khung cửa sổ nhỏ xíu. Người mẹ thì đang chạy ngược chạy xuôi tính chuyện bỏ xứ tha hương. Đàn bà đơn thân cùng ba đứa con bơ vơ xứ lạ. Chưa biết sẽ làm gì. Nhưng người mẹ ấy chỉ muốn tìm một nơi mà không còn ai trêu đứa con gái nhỏ của mình là "Cái đồ bị hiếp dâm!".
(theo Thanh niên Online)

Phản đối Liên Hợp Quốc

Theo báo cáo Chỉ số hạnh phúc toàn cầu năm 2017 được thực hiện bởi Hệ thống Giải pháp Phát triển Bền vững do Liên Hợp quốc thành lập, Việt Nam không phải nước nằm trong top 5 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới như báo chí đưa tin trong năm 2016.
Theo danh sách xếp hạng chỉ số hạnh phúc toàn cầu, năm 2017, Việt Nam đứng thứ 94 và năm 2016 đứng ở vị trí 96/155 quốc gia được xếp hạng.
Bảng xếp hạng dựa trên 6 yếu tố, gồm: tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người, tuổi thọ, quyền tự do, sự hào phóng, phúc lợi xã hội và tình trạng tham nhũng.
Tôi là một công dân Việt Nam, luôn ý thức được đất nước nơi mình sinh ra và lớn lên đang trong giai đoạn quá độ đi lên xã hội chủ nghĩa. Xã hội chủ nghĩa là ước mơ của loài người. Mặc dù chưa biết quá độ đến bao giờ nhưng tôi luôn giữ vững niềm tin quốc gia nơi tôi đang sống là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Vì thế, tôi phản đối kết quả xếp hạng của Liên Hợp Quốc.
1. Về thu nhập bình quân
Nếu nói về thu nhập, hãy nhìn vào tài sản của chị Hồ Thị Kim Thoa, anh Huỳnh Đức Thơ sẽ thấy rõ người VN giàu có nhường nào.
Chị Hồ Thị Kim Thoa là thứ trưởng Bộ Công thương. Hiện chị Thoa và gia đình đang năm 688 tỉ đồng giá trị cổ phiếu của Công ty cổ phần Điện Quang - doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá, trước đây chị Thoa làm lãnh đạo.
Anh Huỳnh Đức Thơ là chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Tài sản anh Thơ kê khai vào năm 2014 gồm: 1 căn nhà diện tích xây dựng 300m2, 4 mảnh đất có diện tích từ 150 - 1021m2 tại nhiều vị trí đẹp ở trung tâm Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, 3ha đất trồng rừng (góp vốn), sở hữu 1,5ha đất nuôi tôm, sở hữu cổ phiếu công ty thép, góp vốn vào 4 cơ sở kinh doanh...
Chị Thoa, anh Thơ đều chỉ là đầy tớ. Đầy tớ mà nhiều tài sản như vậy thì thu nhập của ông chủ phải cỡ nào?
2. Về tuổi thọ.
Người Việt có sức khoẻ rất tốt. Thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại tràn lan nhưng dân vẫn tự tin ăn ầm ầm. Cá biển miền Trung nhiễm độc, quan chức Bộ ngành, địa phương thi nhau ăn mà tất cả vẫn sống sờ sờ ra đó. Tỉ phú gốc Việt 72 tuổi Hoàng Kiều vẫn còn khoe chuyện giường chiều hơn thanh niên 17. Tuổi 73-74 vẫn còn minh mẫn lắm.
Sức khoẻ, trí tuệ như vậy, thậm chí chất độc không thể tấn công được thì tuổi thọ người Việt chắc chắn rất cao. Liên Hợp Quốc lại tiếp tục sai lầm trong vấn đề này.
3. Quyền tự do.
Thực tế hiếm có nơi nào tự do như VN. Formosa xây dựng, lắp đặt, chuyển đổi công nghệ tự do ở Hà Tĩnh. Đà Nẵng có 40 biệt thự tự do xây dựng không phép. Tại Bắc Giang, nhà máy của JA Solar - nhà đầu tư của Trung Quốc - với quy mô đầu tư 6.235 tỉ đồng được xây dựng tự do không cần báo cáo đánh giá tác động môi trường...
Không những tự do, VN còn vô cùng dân chủ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định điều này: "Vừa rồi, các đại biểu Quốc hội cũng tâm sự, dân chủ thế này là cùng, không thể dân chủ hơn".
4. Sự hào phóng.
Hiếm có nơi nào trên thế giới hào phóng như ở Việt Nam.
Tại Đà Nẵng, doanh nghiệp làm ăn phát đạt bèn tặng 8 xe ô tô cho chính quyền, trong đó có xe Toyota Avalon Limited 5 chỗ giá 1,3 tỷ đồng bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh sử dụng.
Tại Ninh Bình, chính quyền huyện Nho Quan cũng từng được doanh nghiệp tặng hai xe Toyota Fortuner và Mazda CX5.
Tại Nghệ An, tỉnh uỷ và UBND tỉnh được doanh nghiệp tặng hai xe Toyota Land Cruise...
Hào phóng đến thế là cùng!
5. Phúc lợi xã hội.
Không nơi nào trên thế giới có phúc lợi xã hội tốt như tại Việt Nam. Người dân ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.
Người Việt được chăm lo cả đời sống vật chất và tinh thần. Ngày Tết không bắn pháo hoa để dành tiền cho người nghèo. Không bắn pháo hoa thì bỏ tiền ra trang trí hoe hoè rồng rắn khắp phố phường làm cho dân vui xuân ngắm Tết....
6. Về thực trạng tham nhũng.
Nói về vấn đề tham nhũng, khó nơi nào giữ được mức độ ổn định như ở VN. Năm 2014, khi còn làm Tổng thanh tra Chính phủ, ông Huỳnh Phong Tranh đã khẳng định: “Trong 3 năm qua, chỉ số tham nhũng của chúng ta không tụt cũng không tăng, như vậy có nghĩa là chỉ số này có tính ổn định".
Tôi chỉ điểm sơ qua đã thấy kết quả xếp hạng về chỉ số hạnh phúc của Liên Hợp Quốc là một sự sai lầm nghiêm trọng. Cơ quan này làm việc quan liêu, trì trệ, chắc chắn không phải là tổ chức kiến tạo, hành động.
Tôi đề nghị Liên Hợp Quốc tìm đến Chính phủ VN để học hỏi cách xếp hạng hạnh phúc. Để đẹp lòng tất cả các bên, nên xếp hạng theo kiểu nơi nào cũng là cô gái đẹp đang ngủ quên, nơi nào cũng là đầu tàu.
Bạch Hoàn

CHÍNH QUYỀN LẠI TIỀN HẬU BẤT NHẤT TRONG VỤ FORMOSA


- Tháng 12/2016: Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tuyên bố: "Biển miền Trung đã sạch" [1]
- Tháng 3/2017: Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường lại phát biểu: "Ở 4 tỉnh miền Trung, phục hồi tái tạo môi trường biển cần một số tiền khổng lồ" [2]
Nếu lời Phó Thủ tướng là sự thật, nghĩa là biển miền Trung đã sạch thì sao còn cần một số tiền không lồ để phục hồi tái tạo nó?
Chính quyền đang giấu diếm bí mật gì ở đây vậy?
Đó là chưa nói đến việc cuối tháng 6 năm ngoái, khi thỏa thuận với Formosa để nhận bồi thường 500 triệu USD, đôi bên đã thống nhất số tiền này ngoài việc chi trả cho người dân bị thiệt hại, còn được sử dụng để 'XỬ LÝ Ô NHIỄM VÀ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG BIỂN tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam', sao đã gần 1 năm rồi vẫn chưa chi một đồng nào cho việc này vậy?
Một câu hỏi khác đối với Bộ trưởng Nông nghiệp là số tiền khổng lồ cần cho phục hồi biển miền Trung mà ông nhắc đến là bao nhiêu? Ông có biết trước là sẽ cần số tiền lớn như vậy không? 500 triệu USD của Formosa có đủ không? Nếu không đủ thì năm ngoái ông có tư vấn cho Chính phủ hay không mà để Chính phủ thỏa thuận với Formosa nhận chỉ có 500 triệu USD?
---

Nguyen Anh Tuan

Get paid to share your links!