Tuesday, March 21, 2017

Trang trại bò sữa hữu cơ TH True Milk: Bằng chứng gian dối.

Tôi sẽ bàn đến chiếc Cúp vàng Trang trại bò sữa hữu cơ vì sức khoẻ cộng đồng ở bài viết sau. Trong bài viết này, tôi đi sâu vào việc việc trang trại bò sữa của TH True Milk có được coi là trang trại bò sữa hữu cơ hay không? TH True Milk có sữa hữu cơ hay không? Sự thật nằm ở đâu sau những phóng sự truyền hình, những bài quảng cáo trên báo chí.
Trên google có rất nhiều dòng title như thế này đập vào mắt người đọc, gây ấn tượng mạnh mẽ:
Zing.vn: "TH True Milk: Ra mắt trang trại bò sữa hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam".
Cafe.vn: "TH true MILK: Ra mắt trang trại bò sữa hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam".
Báo Diễn đàn doanh nghiệp: "TH TRUE MILK RA MẮT TRANG TRẠI BÒ SỮA HỮU CƠ ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM".
Báo Dân Trí: "Tập đoàn sữa sở hữu trang trại bò hữu cơ đầu tiên của Việt Nam".
...
Như vậy, có thể hiểu đang tồn tại một trang trại bò sữa hữu cơ của TH True Milk tại Nghệ An.
Chưa hết, thời sự VTV1 cách đây mấy ngày có phát phóng sự "Việt Nam có trang trại bò sữa Organic". Phóng sự này có đưa một số nội dung như sau:
"Người tiêu dùng tại Việt Nam đã có thêm sản phẩm sữa hữu cơ sau khi Tập đoàn TH công bố thành tựu về công nghệ phôi, giống bò sữa cao sản và đón nhận cúp vàng về trang trại bò sữa organic".
"Tập đoàn TH đã được Control Union - tổ chức đánh giá và chứng nhận Hà Lan trên toàn cầu chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu và Mỹ, một tiêu chuẩn cao nhất thế giới".
Còn đây là sự thật:
Richard De Boer là người đại diện tổ chức chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ Control Union tại Việt Nam. Ông này khẳng định mới chỉ có một trang trại được chứng nhận là trang trại bò sữa hữu cơ ở Lâm Đồng. Như vậy, trang trại của TH True Milk ở Nghệ An không phải trang trại bò sữa hữu cơ như cách mà truyền thông đang quảng cáo. Chỉ khi nào nó được chứng nhận thì những quảng cáo trên mới không phải là trò gian lận.
Mặc dù phóng sự của VTV đưa phát biểu của đại diện Control Union nói rằng họ rất tin tưởng trao chứng nhận hữu cơ cho TH True Milk, nhưng việc trích phát biểu này chưa đầy đủ.
Đặt trong bối cảnh phóng sự thông tin rằng "Tập đoàn TH đã được Control Union - tổ chức đánh giá và chứng nhận Hà Lan trên toàn cầu chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu và Mỹ, một tiêu chuẩn cao nhất thế giới", thì người tiêu dùng sẽ hiểu phát biểu của đại diện Control Union là cấp chứng nhận cho trang trại bò sữa hữu cơ của TH True Milk. Nhưng, thực tế thì không phải vậy. Có cắt cúp theo ý đồ hay không mọi người tự phán xét.
Trên website của Control Union, dữ liệu đến thời điểm này cho thấy, Control Union chỉ cấp chứng nhận hữu cơ cho hạng mục thức ăn, tạm dịch là "Ngô, ngô ủ chua, cỏ Mombasa tươi, cỏ Mombasa ủ chua, cỏ Mombasa khô”.
Không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy TH True Milk được cấp chứng nhận hữu cơ cho trang trại ở Nghệ An. Càng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sản phẩm sữa của TH True Milk được cấp chứng nhận hữu cơ. Việc đưa thông tin có sữa hữu cơ của TH True Milk là hoàn toàn sai sự thật. Việc quảng cáo trên các báo TH True Milk ra mắt trang trại bò sữa hữu cơ đầu tiên tại VN cũng hoàn toàn sai sự thật.
Một doanh nghiệp gian dối với người tiêu dùng, không thể là một doanh nghiệp tử tế để có thể tin tưởng. Đây là quan điểm của cá nhân tôi.
Bạch Hoàn

MỘT XÃ HỘI MỤC NÁT NIỀM TIN

Xã hội ấy trở nên như ngày hôm nay bởi vì ai?
Sau khi mẹ đứa trẻ ở trường tiểu học Lương Thế Vinh công khai với công luận về việc con mình bị xâm hại tại trường, tưởng rằng công luận sẽ đứng bên người mẹ và đứa trẻ ấy thì nhiều luồng dư luận lại không ngần ngại thương tổn thêm nỗi đau của họ.
Nhà trường nói rằng con tự sướng. Cơ quan điều tra Thủ Đức lập lờ phát ngôn để tạo ra sự nghi ngờ của dư luận. Các thành phần thân thiết với kẻ "ấu dâm" ra sức tiêm nhiễm, tuyên truyền rằng người mẹ ấy đang ngụy tạo bằng chứng để dựng chuyện, rằng chị ấy bị hoang tưởng, bị thần kinh.
Thực tế là trong một xã hội đầy rẫy bất công, nạn nhân đã không thể tìm thấy bất cứ sự giúp đỡ nào từ các cơ quan nhà nước. Thứ duy nhất họ có thể bấu víu vào là sức ép của truyền thông dư luận và đó chính là điều kiện cho những kẻ ác ôn kia gieo rắc vào lòng xã hội sự nghi ngờ giết chết đi tình người.
Việc cư dân mạng tìm đưa hình ảnh và tên tuổi những tên nghi phạm trong những vụ án "ấu dâm" vừa qua cũng chính là một biểu hiện của sự đổ vỡ lòng tin. Người dân đã quá mất niềm tin vào luật pháp và sự công bình xã hội.
Cho đến ngày hôm nay khi đã xác minh được rằng trong âm hộ của đứa trẻ có tế bào của nam giới, thế nhưng vì sao cơ quan điều tra TpHCM vẫn cố tình im lặng, trì hoãn mà không khởi tố vụ án để tìm ra thủ phạm? Kẻ đang được Ban Giám hiệu trường tiểu học Lương Thế Vinh bao che tội ác là ai, có gia thế, địa vị như thế nào trong xã hội?
Đến lúc này rồi, khi đã biết chắc chắn rằng đứa trẻ đã bị xâm hại và tổn thương sâu sắc, tôi mong những người lý trí nhất cũng hãy ngưng lên án những cư dân mạng đã đưa thông tin của những kẻ có thể chính là thủ phạm, ngưng tìm sự nhân văn trong nỗi bất công không chỗ kêu cầu, hãy lên tiếng, một tiếng nói cho gia đình nạn nhân để cơ quan chức năng phải có trả lời thỏa đáng. Hãy hiểu rằng hành động mất niềm tin đang diễn ra kia đến từ một chính quyền không sạch sẽ.
Trịnh Kim Tiến

“ Con người được sinh ra để vui. Nếu họ không vui được về cái đẹp của bản thân, thì sẽ vui về cái xấu xí của người khác.”

Con người sinh ra đã vẹn nguyên tự do, bình đẳng và đầy đủ phẩm giá; con người chỉ quên mất, hay bị cướp mất những điều quý giá đó.
Chỉ với lòng trắc ẩn và những suy tư cá nhân, các em học sinh có thể khơi dậy những giá trị nhân văn trong lòng một xã hội tôn thờ vật chất và đầy rẫy bao lực, để trả lại cho con người vẻ đẹp vốn có.
Bài viết của hai bạn học sinh lớp 11B, chạm tới những vấn đề sâu xa nhất trong tâm thức con người: sự cuồng nộ của đám đông nhân danh công lý, niềm vui độc địa sinh ra từ bất an của con người, nỗi đau bị ruồng bỏ và sự lựa chọn đứng ngoài đám đông của những người biết vui với bản thân.
Bài viết của Phương Anh
Có câu nói “ Con người được sinh ra để vui. Nếu họ không vui được về cái đẹp của bản thân, thì sẽ vui về cái xấu xí của người khác.”
Nhân cách, nội tâm con người là cả một sự khó hiểu.
Sống, là tìm niềm vui, ý nghĩa cho mình; nhưng niềm vui đó không nên đến từ sự xấu xí của người khác. Một số đông con người, lấy niềm vui là việc tìm sự xấu xí của ai đó, rồi lăng mạ, hạ thấp họ. Nhiều người như thế, tạo nên một đám đông ích kỉ, độc ác với một người, hai người, số ít người yếu thế hơn, những người chịu sự đau buồn, xấu hổ. Hành động tệ bạc với một ai đó là không nên, nhưng nói xấu, bêu rếu bàn luận về họ là một điều ác độc không kém. Có thể họ là những người lầm lỗi. Nhưng đừng việc cái sai của họ để cho phép mình độc ác, ích kỉ. Bản thân những người “ tìm niềm vui trên sự xấu xí của người khác” sẽ không bao giờ biết được cảm giác, nỗi buồn mà họ - những người yếu thế hơn, những người bị thành chủ đề để mổ xẻ, phải chịu đựng. Tôi không nói đến những kẻ nhân cách bị tha hóa, đến ai cũng căm ghét chửi rủa mà vẫn trơ mặt lên mà vui với đời.
Xăm xia, bêu rếu một người là bắt nạt. Nhiều người làm những điều tương tự với một người là cô lập người đó, là hình thành đám đông độc ác. Không biết tự bao giờ, con người cảm thấy thỏa mãn khi bêu rếu một ai đó. Nếu nói về dẫn chứng, tôi có thể lấy quá khứ, lấy bản thân tôi là một ví dụ. Bằng một cách nào đó, vì một lý do nào đó, năm tiểu học của tôi là những ngày một mình, đôi khi lại nghe từ đâu đó những tin đồn, lời bàn tán về mình mà chẳng biết từ đâu ra. Và đương nhiên, “bạn tôi”, họ vui vì điều đó, họ tỏ ra vui vẻ, phấn khích khi làm thành một nhóm, hai nhóm bàn tán về “con nhỏ đáng ghét” ấy. Sức mạnh của tin đồn, của lời nói thật đánh sợ, đến nỗi tôi chẳng thể làm bạn với bất kì ai nữa, vì họ biết tôi qua những lời đồn. “ Bạn tôi”, họ sẽ chẳng bao giờ biết, và họ không cần biết những đứa bị cô lập, tẩy chay như tôi xấu hổ về bản thân mình như thế nào, sợ đám đông nhốn nháo như thế nào, tự ti về bản thân ra sao. Một số người mạnh mẽ, họ đứng ngoài đám đông đó và chứng tỏ bản thân mình. Nhưng những đứa dễ bị tác động, mềm yếu như tôi thì không. Đến bây giờ, từng lời nói, ánh mắt mọi người dành cho tôi, tôi còn nhớ. Và tôi ngại đám đông, ngại thể hiện bản thân mình. 
Những suy nghĩ bắt nạt, độc ác, ích kỉ đâu cần phải là người lớn mới có, những đứa trẻ 8,9 tuổi đã có thể hành xử vô tâm như vậy. Đó có thể là bản tính, là tính cách con người. Họ bàn tán về sự xấu xí của ai đó, và không bao giờ nghĩ đến việc đặt bản thân vào vị trí của họ. Một số người nhận rằng hành động của mình là công lý, là lẽ phải. Thật vậy, hay bản chất chỉ là sự độc ác. “Sự độc ác” đó xuất hiện mọi nơi, trong nhà trường, trong xã hội, trong những chuyện nhìn qua tưởng chừng như lẽ phải như chuyện của hai cô bảo mẫu bị kết án vì tội bạo hành trẻ em. Đừng tự nhận mình là con người tốt đẹp khi bản thân bạn mang ý nghĩa nhục mạ người khác làm niềm vui.
Xã hội sẽ chẳng bao giờ tốt đẹp, khi có vô số những người vui vì hạ thấp người khác. Có thể do môi trường sống của họ đầy sự độc ác, có thể do tính cách họ sẵn có. Nhưng vì bất kì lý do nào chăng nữa, niềm vui trên sự xấu xí không bao giờ là lẽ chính đáng.

Ngô Thủy

Get paid to share your links!