Wednesday, November 30, 2016

CHỈ CÓ GÁI ĐIẾM MỚI KHÔNG CẦN LUẬT PHÁP


Trước hết hoan hô Bộ Tư pháp đã lên tiếng cảnh cáo Bộ Giao thông vận tải.
Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT ngày 20/10/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ là một thông tư vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Động cơ của người ra thông tư này đơn giản là hành vi làm tiền, móc túi người dân nhưng lại nhân danh đổi mới hình thức của vật liệu hay quản lí bằng cấp.
Bằng lái xe của tôi được cơ quan chức năng của nhà nước sát hạch và cấp đúng pháp lí với giá trị vô thời hạn, không ai có quyền tước đoạt nó, trừ phi nó mất hiệu lực vì một lí do chính đáng nào đó.
Không ngăn chặn điều này, các Bộ ngành khác cũng sẽ theo tiền lệ chơi trò đổi mới theo cách này để làm tiền. Chẳng hạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên bố "đổi mới" vật liệu các loại bằng cấp và bắt buộc mọi người phải nộp tiền để thực hiện sự đổi mới kiểu thay áo ấy thì sao?
Dự báo này không phải không có cơ sở. Chẳng hạn, trong năm nay, tự dưng Cục Nhà giáo tuyên bố Chứng chỉ Giáo dục học đại học đã hết thời hạn, buộc mọi người phải nộp tiền theo học Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm như một giấy phép hành nghề. Trong khi Chứng chỉ Giáo dục học đại học không hề ghi có thời hạn bao lâu.
Một Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm được cấp sau khi học lại vài ba giáo trình cổ lỗ về Tâm lí, Giáo dục học (theo kiểu mua tài liệu, lên lớp vài hôm rồi thi chiếu lệ) có cao hơn một bằng Đại học sư phạm người ta đã học tập và rèn luyện đến 4 năm? Mà lại giao cho những giảng viên (Tâm lí, giáo dục học) chỉ biết lí thuyết suông, chưa trải nghiệm hoặc không biết gì về chuyên môn nghiệp vụ lên lớp? Không chỉ làm tiền mà còn hạ nhục giảng viên!
Văn bằng đánh giá kết quả của một hệ thống tri thức cơ bản chứ có phải Chứng chỉ ngoại ngữ đâu mà phải theo thời hạn để update?
Đề nghị Bộ Tư pháp ngó sang ông Bộ Giáo dục và Đào tạo mà dẹp luôn mấy cái Thông tư làm tiền vô tội vạ như trên.
Chúng tôi là công chức, lại là nhà giáo, công việc tràn lấn hơn 8 tiếng/một ngày, không có thời gian đi chầu chực, hầu hạ các ngài. Vừa tốn tiền lại vừa ảnh hưởng đến công việc nhà nước, ai chịu trách nhiệm? Cơ quan nhà nước có cho nghỉ ngày nào để đi chầu chực, hầu hạ các quan không?
Có muốn làm gì cũng phải theo khung pháp lí và tạo điều kiện cho công dân. Chỉ có gái đứng đường thì mới nằm ngoài vòng pháp luật!

Chu Mộng Long

HOAN HÔ BỘ TRƯỞNG MAI TIẾN DŨNG


Có thực tâm chống tham nhũng thì phải bắt đầu từ chống các cơ quan chống tham nhũng, đặc biệt là các loại thanh tra nằm trong hệ thống nhà nước.
Tôi đã từng đối mặt với loại thanh tra này. Tôi từng chứng kiến họ đã làm như ông Mẫn nói. Năm 2008, khi thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo thanh tra vụ Trần Tín Kiệt, họ đã bày trò bưng bít, đối phó, thậm chí ăn tiền của đối tượng bị thanh tra. Ngày 12.1.2008, bà Đinh Tú Lan, em vợ HT Trần Tín Kiệt đã lập giấy đề nghị thanh toán khống 43 triệu 165 ngàn đồng bịa ra là cho cuộc Tập huấn Thanh tra để chi cho cán bộ thanh tra đang làm việc (4 ngày) tại trường. Phạm Văn Tại, trưởng đoàn thanh tra khi ấy than thở công khai, rằng nhà nước chi cho thanh tra không đủ ăn không đủ ở nên phải "nhờ cậy" bên đối tượng bị thanh tra???
Bẩn như thế thì thối móng tay là đúng!
Sự thật là Thanh tra Chính phủ chưa phát hiện và thanh tra một vụ tham nhũng nào ra hồn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố xây dựng một Chính phủ minh bạch, lẽ nào ông Mẫn lại làm ngược một cách ngang ngược?
Đề nghị Chính phủ nhanh chóng thay máu toàn diện cái cơ quan mang danh "thanh tra" này để giữ gìn móng tay sạch cho cán bộ thanh tra chứ đi đến đâu dân nghe thối đến đấy.

Chu Mộng Long

Kết quả cuối cùng: Bà Cấn Thị Thêu vẫn 20 tháng tù, y án sơ thẩm.


Cả phiên toà phúc thẩm chỉ có bà Thêu có mặt, 2 nhân chứng quan trọng nhất thì có mặt trước cửa phòng xử (phải qua cửa an ninh mới vào được), nhưng lại không vào phòng xử tham gia mà nhởn nhơ trước công lý và coi thường luật pháp, viện kiểm sát còn coi đó là điều không quá quan trọng. Hội đồng xét xử cho rằng đã qua phần thủ tục nên không xem xét lại, trong khi chúng tôi không thấy báo họ vắng mặt nên mặc nhiên coi là họ tham dự phiên toà hôm nay.
Thiếu nhiều chứng cứ buộc tội và nhiều chứng cứ vô giá trị. Kiểm sát viên còn không đối đáp hết các quan điểm của tôi xoáy sâu vào biên bản bắt quả tang mà có dấu hiệu được tạo nên vì hai nhân chứng trực tiếp không gặp nhau tại công an phường Láng Hạ khi lập biên bản, và bắt từ 11h30 nhưng tới 19h20 mới lập biên bản bắt quả tang???
Hai nhân chứng ung dung ngồi trước cửa phòng xử và cố ý vắng mặt, tôi yêu cầu có mặt theo thủ tục dẫn giải theo điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự, nhưng không được đáp ứng.
Các chứng cứ và tình tiết vụ án đã được nêu bật ở sơ thẩm nhưng kiểm sát viên ở phúc thẩm đã chỉ dựa hoàn toàn vào hồ sơ có sẵn từ cơ quan điều tra mà không bổ sung phần yêu cầu của tôi ở cấp sơ thẩm là phải có biên bản xử phạt hành chính thì các quyết định xử phạt hành chính mới có giá trị pháp lý mà làm mặt cấu thành khách quan. Vì một phiên toà không thể coi một nửa sự thật là thứ hợp pháp để dùng nó vào việc buộc tội. Nhưng gần như mọi thứ đều thiếu vắng và các video còn không được trình chiếu như ở cấp sơ thẩm (mặc dù trình chiếu ở cấp sơ thẩm là cắt đoạn các clip và rất ngắn).
Bản án sơ thẩm đã ghi nhận tình tiết tắc đường chênh lệch đến 20 phút (vào lúc 12h) so với clip mà họ dựa vào đó để trích xuất rằng việc ách tắc diễn ra từ 11h24 đến 11h43, mặc dù video này không đảm bảo giá trị chứng cứ do không được giám định hợp pháp (không đảm bảo theo Điều 66 BLTTHS nên không thể sử dụng làm chứng cứ). Biên bản phiên toà cấp sơ thẩm đã ghi rõ những mâu thuẫn trong lời khai của các nhân chứng và kể cả việc không đối đáp được của kiểm sát viên ở phiên toà này. Vậy mà không được đối chất và làm rõ, thẩm tra các chứng cứ tại phiên toà (điều 241 BLTTHS).
Các cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ và trách nhiệm phải làm rõ sự thật, toàn diện và cả chứng cứ buộc tội lẫn gỡ tội, trong khi cả đám đông tới 50-60 người đi khiếu kiện lại chỉ nhằm vào bắt bà Thêu thì quả thực vô lý hết sức. Mà việc bắt bà Thêu là có chủ đích khi cảnh sát khu vực đã theo dõi và kiểm soát bà Thêu trong suốt thời gian trước đó cũng như tại ngày bắt bà Thêu vào 08.04.2016. Và rõ ràng là việc người mặc thường phục mà được coi là công an làm nhiệm vụ chính trị bắt người lên xe bus mới gây ra xáo trộn trên đường bằng việc dừng chiếc xe bus chình ình bên đường. Hơn nữa, người mặc thường phục mà bắt dân một cách tự tiện thì có phải là đang làm trái luật về thủ tục bắt người theo Hiến pháp và Bộ luật TTHS hay không?
Phiên toà lỏng lẻo và thiếu cơ sở thế này, tôi phát biểu tại phiên toà hôm nay, thì quả thực bất an và nguy hiểm quá vì bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể bị bắt và xét xử trong tình trạng thiếu chứng cứ và cố tình buộc tội như vậy. Tôi chỉ cần vị đại diện viện kiểm sát thực hiện đúng luật, chỉ cần đảm bảo đúng luật chứ không cần sáng tạo gì cả để bảo đảm rằng việc xét xử vụ án được khách quan, đầy đủ và toàn diện, vì chỉ có những người lâm vào cảnh đi khiếu kiện đòi quyền lợi ròng rã 10 năm trời mới thấm thía được nỗi khổ của họ.
Đúng là, luật pháp ở quanh ta nhưng công lý ở rất xa.

Luân Lê

Get paid to share your links!