Saturday, November 19, 2016

2.800 đồng

ảnh minh hoạ

2.800 đồng bây giờ không thể giúp bữa cơm hàng ngày có món rau chứ chưa nói gì cơm có thịt. Cầm 2.800 đồng trong tay, tôi chẳng tưởng tượng nổi mình sẽ làm được gì. Chắc là mua được một ly trà đá hoặc một quả trứng gà công nghiệp.
Thế nhưng, 2.800 đồng lại là toàn bộ số tiền mà Chính phủ chi cho việc bảo đảm an toàn thực phẩm của mỗi người dân trong một năm ròng rã. Con số ấy vừa được Cục An toàn thực phẩm công khai. Đó là mức chi trung bình của 5 năm, từ 2011-2015.
Từ 15 năm trước, khi VN mới chi 780 đồng/người/năm, thì Thái Lan đã chi tới 1 đô la Mỹ. Dẫu đến 15 năm sau, thì mức chi của VN cũng chỉ bằng số lẻ của Thái Lan khi quy đổi sang tiền đồng.
Tại Trung Quốc, người dân Bắc Kinh được chi 100.000 đồng/người/năm, gấp 35 lần VN.
Điều ấy lý giải phần nào cho tình trạng thực phẩm chế biến ngậm hoá chất, rau nhiễm thuốc trừ sâu, thịt chứa chất tăng trọng, tôm cá tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng...
Điều ấy cũng lý giải phần nào cho tình trạng quá tải ở các bệnh viện với đủ thứ bệnh tật và sự ra đi của 315 mạng người mỗi ngày vì ung thư.
2.800 đồng/người/năm. Nghĩa là một năm, 90 triệu người dân được hưởng 252 tỉ đồng cho vấn đề an toàn thực phẩm. Nó chẳng bõ bèn gì so với những tượng đài ngàn tỉ, những trụ sở ngàn tỉ, những bảo tàng hàng chục ngàn tỉ... Nó chẳng bõ bèn gì nếu so với những số tiền mà Vinalines, Vinashin đã phá. Nó cũng chẳng là gì nếu so với hơn 7.000 tỉ đồng đã bốc hơi kèm theo cái tên Vũ Đình Duy...
Bảo đảm an toàn thực phẩm là bảo vệ giống nòi. Đầu tư cho an toàn thực phẩm là đầu tư cho tương lai của cả dân tộc Việt. Tôi thấy Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang có nhiều nỗ lực cho vấn nạn thực phẩm bẩn. Tôi biết ngân sách khó khăn nhưng vẫn mong Chính phủ sẽ có sự quan tâm cần thiết và phù hợp. Cái cần chi thì phải chi thôi.
Hơn nữa, những tượng đài chắc cũng muốn nhìn thấy tương lai sáng sủa cho người Việt. Để nhiều năm sau nữa, bảo tàng ngàn tỉ sẽ lưu lại dấu tích về một thế hệ biết lo lắng cho tương lai mà hành động từ hôm nay.

Bạch Hoàn

NHÌN RA THẾ GIỚI


Các bạn có biết, ở Nhật, nghề giáo được coi trọng thứ hai chỉ sau nghề nghị sỹ (làm chính trị). Bởi thế, nền giáo dục Nhật Bản đã trở thành chuẩn mực của văn minh, nhân bản, khoa học và tân tiến.
Nhưng các bạn cũng có biết, nó bắt nguồn từ đâu không sau khi chính họ là một quốc gia theo chủ nghĩa phát xít để đem chiến tranh gieo rắc chết chóc cho thế giới giữa thế kỷ trước?
Đó là bắt nguồn từ nền giáo dục của Mỹ và cả tây phương trước đó, họ dịch sách giáo khoa và thuê những giáo viên nước ngoài về làm giáo viên để dạy nhân dân của họ những kiến thức khoa học và văn minh của thế giới. Họ chấp nhận thua cuộc và cúi đầu học chính từ người Mỹ, từ cách thức tổ chức quyền lực nhà nước, Hiến pháp và bộ máy chính trị, đảng phái và có giữ lại chế độ quân chủ (vua) như một biểu tượng mang ý nghĩa văn hoá và lịch sử của chính họ.
Nghề giáo, theo góc tiếp cận văn hoá và khoa học Tây phương, đã đưa họ trở thành quốc gia giàu mạnh nhất châu Á và đứng tốp đầu những quốc gia mạnh nhất thế giới, về nhiều mặt chứ không chỉ kinh tế phình to như Trung Quốc (mà phải hy sinh nhân quyền, giáo dục tự do và luật pháp). Mặc dù, nước Nhật suốt một thời gian dài trong lịch sử của mình cũng đã chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Nho giáo, mà sau này nhóm Fukuzawa đã nhóm lại và viết sách Tây phương và mở mang nước Nhật như ngày này vì đã từ bỏ Luận ngữ (Khổng giáo) nặng nề và lạc hậu của Trung Hoa.
Nghề giáo ở Nhật, đã phát triển rực rỡ và được kính trọng đúng nghĩa, một đứa trẻ được giáo dục đầy đủ trước tiên về ý thức đối với việc trở thành một người nhân cách và có phẩm giá hơn là những kiến thức sâu rộng. Họ không được dạy ai là lãnh tụ kính yêu, họ không học hát những ca khúc ca ngợi một cách thái quá một cá nhân nào, họ được dạy và học về lẽ công bằng, luật pháp, dân quyền, trách nhiệm quốc dân (tức trách nhiệm xã hội), được học giao tiếp và kỹ năng sống, được dạy về thực hành, thực nghiệm, họ không có chạy chọt trường công, không có chế định hộ khẩu để vào một trường nào đó, họ không có kiểu thày cô phải quan hệ, lo lót để được biên chế, họ không giáo dục là học trò phải biếu xén hay phong bì thày cô, bọn trẻ không được giáo dục để tuân phục cường quyền hay né tránh chính trị, mà họ được giáo dục để làm chủ đất nước, họ được giáo dục không phải lịch sử đảng hay chủ nghĩa xã hội khoa học viễn tưởng, họ không được đào tạo để học thuộc lòng những kiến thức vô bổ, họ được dạy để sáng chế và làm những nhà khoa học thực thụ, họ cũng không cần phải làm văn theo mẫu, đủ ý tứ mới làm phê bình hay được điểm chín. Họ không có việc thi cử triền miên, đánh giá thành tích hay năng lực giáo viên, họ không có chuyện học thêm, vì trường học được tạo ra không phải để biến nó trở nên thừa thãi hoặc vô dụng.
Họ học dân quyền, luật pháp, họ học văn minh thế giới, họ không bị bắt phải học nghị quyết đảng, chủ thuyết cộng sản một cách chính thức và thường xuyên. Họ đã dính hai quả bom nguyên tử của Mỹ nhưng họ nhất quyết loại trừ chủ nghĩa Marx Lenin vì nó không có giá trị cho những phát kiến hay sáng kiến khoa học, mà còn kéo thụt lùi trí tuệ và sự sáng tạo của con người, nên còn khủng khiếp hơn bom.
Nhà giáo của họ, đúng nghĩa là những nhà giáo thực sự đáng được xã hội kính trọng hàng đầu, vì họ đã giáo dục những thế hệ công dân Nhật Bản văn minh, tiên tiến và nhân bản, họ tạo ra những con người của con người, chứ không tạo ra những cái máy biết vâng lời, mặc dù họ luôn biết cúi dầu cảm ơn những sự trợ giúp của người khác, ngay cả từ một đứa trẻ qua đường được các xe ô tô dừng lại nhường đường cho đi, chúng cũng biết cúi gập người xuống để cảm ơn.
Những nhà giáo của những văn minh, phẩm cách và đầy giá trị. Đó mới là nghề giáo để được tôn vinh, vì họ dạy những đứa trẻ cúi đầu trong sự biết ơn và học hỏi, chứ không dạy ca mãi bài ca chiến thắng và đi làm nhiệm vụ chính trị, và dạy thêm ngày đêm cho các học sinh của mình.
Chúng ta thử nhìn xem, trình độ và năng lực nhà giáo, hệ thống sách giáo khoa, giáo trình và phương pháp của chúng ta, đã tạo ra những thế hệ như thế nào? Có bất kỳ sáng chế nào không hay chỉ những người bước chân ra ngoài lãnh thổ mới có những đóng góp cho khoa học? Những nhà khoa học bị bỏ rơi, những người tài bị quên lãng hoặc được trả công rẻ mạt, trong khi 24.000 tiến sỹ và hàng ngàn giáo sư đều chỉ là danh xưng bằng cấp trên giấy, thinh không và chủ yếu tham gia làm việc trong nhà nước về mặt lý luận, xã hội.
Nhà giáo, cao quý, nếu họ có tâm và trình độ, họ giáo dục được những con người học thực và có cống hiến cho xã hội. Chứ không phải giáo dục chỉ để làm quan chức, leo cao, lấy bằng cấp và tìm kiếm lợi ích, trong sự bất phản kháng trước các bất công, phi lý và cường quyền, bỏ mặc xã hội thụt lùi, suy cấp.
Cuối bài, xin trích một câu nói đầy ý nghĩa của nhà bác học Einstein:
Đừng làm gì trái lương tâm, ngay cả khi chính quyền yêu cầu.
(Never do anything against conscience even if the state demands do it).

Luân Lê

Khổ, đọc xong thấy mình ngu quá, chẳng hiểu ông ấy nói gì và nói để làm gì.

Cứ hô khẩu hiệu làm gì? Hô khẩu hiệu không giúp gì cho một thực trạng xã hội chán chường. Điều đất nước này cần là lãnh đạo đưa ra được một giải pháp cụ thể cho một vấn đề cụ thể. 
Xin ông đừng làm thơ bay bổng cao siêu quá. Quả thực là cả bài phát biểu của ông không vào đầu tôi được câu nào, mặc dù đã rất cố gắng. 
Hãy giản dị đi. Hãy làm một bác sỹ, phát hiện ra một hay vài con vi trùng và tìm cách diệt nó. 
Ông Đam có lẽ làm nhà thơ, một triết gia thì sẽ hợp hơn chăng?

Người dân đang mong ngóng một lãnh đạo có suy nghĩ táo bạo, mạnh mẽ và quyết đoán chứ không cần lãnh đạo ăn nói y như trong sách vở, cứ mơ màng lơ lửng tít ở đâu ấy.
Khổ, đọc xong thấy mình ngu quá, chẳng hiểu ông ấy nói gì và nói để làm gì.

Chau Doan

Get paid to share your links!