ảnh minh hoạ |
2.800 đồng bây giờ không thể giúp bữa cơm hàng ngày có món rau chứ chưa nói gì cơm có thịt. Cầm 2.800 đồng trong tay, tôi chẳng tưởng tượng nổi mình sẽ làm được gì. Chắc là mua được một ly trà đá hoặc một quả trứng gà công nghiệp.
Thế nhưng, 2.800 đồng lại là toàn bộ số tiền mà Chính phủ chi cho việc bảo đảm an toàn thực phẩm của mỗi người dân trong một năm ròng rã. Con số ấy vừa được Cục An toàn thực phẩm công khai. Đó là mức chi trung bình của 5 năm, từ 2011-2015.
Từ 15 năm trước, khi VN mới chi 780 đồng/người/năm, thì Thái Lan đã chi tới 1 đô la Mỹ. Dẫu đến 15 năm sau, thì mức chi của VN cũng chỉ bằng số lẻ của Thái Lan khi quy đổi sang tiền đồng.
Tại Trung Quốc, người dân Bắc Kinh được chi 100.000 đồng/người/năm, gấp 35 lần VN.
Điều ấy lý giải phần nào cho tình trạng thực phẩm chế biến ngậm hoá chất, rau nhiễm thuốc trừ sâu, thịt chứa chất tăng trọng, tôm cá tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng...
Điều ấy cũng lý giải phần nào cho tình trạng quá tải ở các bệnh viện với đủ thứ bệnh tật và sự ra đi của 315 mạng người mỗi ngày vì ung thư.
2.800 đồng/người/năm. Nghĩa là một năm, 90 triệu người dân được hưởng 252 tỉ đồng cho vấn đề an toàn thực phẩm. Nó chẳng bõ bèn gì so với những tượng đài ngàn tỉ, những trụ sở ngàn tỉ, những bảo tàng hàng chục ngàn tỉ... Nó chẳng bõ bèn gì nếu so với những số tiền mà Vinalines, Vinashin đã phá. Nó cũng chẳng là gì nếu so với hơn 7.000 tỉ đồng đã bốc hơi kèm theo cái tên Vũ Đình Duy...
Bảo đảm an toàn thực phẩm là bảo vệ giống nòi. Đầu tư cho an toàn thực phẩm là đầu tư cho tương lai của cả dân tộc Việt. Tôi thấy Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang có nhiều nỗ lực cho vấn nạn thực phẩm bẩn. Tôi biết ngân sách khó khăn nhưng vẫn mong Chính phủ sẽ có sự quan tâm cần thiết và phù hợp. Cái cần chi thì phải chi thôi.
Hơn nữa, những tượng đài chắc cũng muốn nhìn thấy tương lai sáng sủa cho người Việt. Để nhiều năm sau nữa, bảo tàng ngàn tỉ sẽ lưu lại dấu tích về một thế hệ biết lo lắng cho tương lai mà hành động từ hôm nay.
Bạch Hoàn
No comments:
Post a Comment