Friday, July 15, 2016

Trung Quốc dọa thiết lập ADIZ trên Biển Đông

Thượng tướng không quân Trung Quốc Liu Shou-Jen giới thiệu bản đồ Vùng Nhận Diện Phòng Không trên vùng biển Hoa Đông trong một cuộc họp báo ở Đài Bắc vào ngày 02 tháng 12 năm 2013.
 AFP photo

Trung Quốc tuyên bố có quyền lập Vùng Nhận Diện Phòng Không ADIZ trên Biển Đông, nơi máy bay các nước khi đi qua phải tuân thủ một số qui tắc bên cạnh việc công bố kế hoạch bay và nhận diện máy bay.
Theo nguồn từ BBC, một ngày sau khi Tòa Trọng Tài Quốc Tế phán quyết không có căn cứ pháp lý về việc Trung Quốc giành hết chủ quyền trên Biển Đông bằng đường đứt khúc 9 đoạn mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra, Trung Quốc đưa ra một tài liệu chính phủ để tái khẳng định chủ quyền trên Biển Đông. Khi  trình bày tài liệu này, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Lưu Chí Quân còn cho báo giới biết Bắc Kinh sẽ thiết lập Vùng Nhận Diện Phòng Không trên Biển Đông nếu an ninh bị đe dọa.
Vẫn theo lời ông Lưu Chí Quân, việc lập ADIZ Vùng Nhận  Diện Phòng Không tại Biển Đông tùy thuộc vào mức độ đe dọa an ninh đối với Trung Quốc.
Năm 2013, Trung Quốc từng lập Vùng Nhận Diện Phòng Không trên vùng biển Hoa Đông, nơi có quần đảo Điếu Ngư theo tiếng Hoa và Senkaku theo tiếng Nhật mà hai bên đều giành chủ quyền thuộc về mình.
Theo RFA

Thủ tướng VN và TQ hội đàm sau phán quyết biển Đông

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Lý Khắc Cường đã kêu gọi Việt Nam 'phối hợp với Trung Quốc cùng bảo vệ hòa bình và ổn định ở biển Đông'. (Ảnh tư liệu)
Lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc gặp nhau hôm nay, 14/7, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu (ASEM) ở thủ đô của Mông Cổ, hai ngày sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện Bắc Kinh.
Đây được coi là cuộc gặp công khai đầu tiên giữa quan chức đôi bên sau phán quyết lịch sử, trao phần thắng cho Philippines hôm 12/7.
Theo bản tin ngắn của Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Lý Khắc Cường đã kêu gọi Việt Nam “phối hợp với Trung Quốc cùng bảo vệ hòa bình và ổn định ở biển Đông”.
Trong khi đó, trang thông tin của chính phủ Việt Nam dẫn lời ông Phúc nói tại cuộc họp rằng, đôi bên nên “kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình”, và “thực hiện hiệu quả, toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông”.
Thủ tướng Việt Nam được trích lời nói thêm rằng Hà Nội “kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và đi sâu hội nhập quốc tế”, đồng thời “coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc”.
Qua quan sát các thông tin đăng tải trên truyền thông hai nước, chưa rõ hai bên có trao đổi về phán quyết của Tòa Trọng tài hay không.
Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu kéo dài hai ngày ở Mông Cổ, với sự tham dự của lãnh đạo 51 quốc gia châu Á và châu Âu, sẽ khai mạc vào ngày mai, 15/7. Theo tin từ Philippines, tân tổng thống nước này sẽ không tới tham dự.
Đầu tuần này, ông Khổng Huyễn Hữu, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc, đầu tuần này tuyên bố rằng ASEM “không phải là nơi phù hợp để thảo luận vấn đề biển Đông,” và vấn đề tranh chấp này không nên được đưa ra thảo luận.
Trong khi đó, Chủ tịch Liên hiệp châu Âu Donald Tusk hôm 12/7 đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Thủ tướng Việt Nam bắt đầu chuyến thăm tới Mông Cổ để dự Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu hôm 13/7.
Theo VOA

Liệu ngư dân có an toàn sau phán quyết của PCA?

Tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng hôm 25/1/2016.
 AFP photo
Việt Nam hoan nghênh Tòa Trọng Tài PCA đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12 tháng Bảy liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc, mặt khác sẽ xem xét các bước đi tiếp theo nhằm bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình, tái khẳng định như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ chiều thứ Năm ở Hà Nội.
Với câu hỏi về mối quan ngại là phán quyết của PCA khiến Trung Quốc có thể thực hiện thêm những động thái khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng, người phát ngôn Lê Hải Bình trả lời là Việt Nam đã đề nghị Tòa đặc biệt quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên Biển Đông, đồng thời cũng đang xem xét các bước tiếp để bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia.
Ông nhấn mạnh Việt Nam kêu gọi các bên kềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng DOC Bộ Qui Tắc Ứng Xử Trên Biển, không nên có những hành động làm tình hình thêm phức tạp.
Khi được hỏi về nguy cơ có thể xảy ra va chạm đối với ngư dân và các lực lượng chấp pháp trên biển sau khi có phán quyết, ông Lê Hải Bình nói nhà nước luôn có biện pháp hỗ trợ để ngư dân có thể bám biển và duy trì ngư trường truyền thống lâu nay.
Hai ngày sau khi PCA đưa ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, Bắc Kinh cho hạ cánh thành công 2 máy bay dân sự xuống hai đường băng do Bắc Kinh xây lấp trái phép gần đây trên đảo Vành Khăn và đảo Subi, đồng thời loan báo sắp tiến hành xây ngọn hải đăng thứ 5 trên một trong các đảo tranh chấp.
Việt Nam, qua lời phát ngôn nhân Lê Hải Bình, lên tiếng phản đối chuyện này, nói rằng Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Theo RFA

Get paid to share your links!