Monday, December 11, 2017

B14

Vậy là anh em nhà Đinh La Thăng- Đinh Mạnh Thắng cùng vào B14. Trước đó, anh em Dương Chí Dũng- Dương Tự Trọng cũng ở trại này. 
Đây, cũng là nơi giam tôi suốt 240 ngày đầu, từ khi bị bắt (26/5/2013 đến 20/1/2014), thuộc đoạn điều tra lấy cung. Nó là một trại đặc biệt, dành cho các án an ninh đặc biệt, thuộc Cục an ninh điều tra, Tổng cục an ninh, Bộ Công an, nằm trên địa bàn xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, và nhiều nhân vật nổi tiếng khác trong giới đấu tranh cũng đang bị giam ở đây. Trước đó, là Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh. 
Nhiều "tên tuổi" lớn khác, cũng từng "đi qua" B14 này: Phạm Thanh Bình, cùng toàn bộ nhóm “đầu não” của tập đoàn Vinashin. Cựu Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng, uỷ viên trung ương đảng Bùi Quốc Huy; cựu uỷ viên trung ương, giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Trần Mai Hạnh; Phó Viện trưởng VKSND tối cao Phạm Sĩ Chiến… Nghe nói, nhân vật cao nhất từng bị giam tại đây là Thượng tướng Chu Văn Tấn, Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên thời Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Những ngày này, nhân chuyện Đinh La Thăng, nghe thiên hạ nhắc nhiều quá về trại giam khét tiếng, nhưng cũng đầy “huyền thoại” mang tên B14. Lục trên mạng, tình cờ gặp hai bức ảnh trên báo Công an nhân dân. 
Ở bức 1. Nhìn từ bên ngoài, vòng tròn khoanh dấu đỏ là khu tầng 2, phòng B12. Ở bức 2 là nhìn từ khu vực sân trại, nơi quản giáo và lính canh hay xếp hàng thể dục mỗi chiều.
Tầng 3, ngay trên đầu tôi là buồng giam Dương Chí Dũng. Dương Tự Trọng bị kỷ luật nên giam tầng 1, bên dưới.
Hai bức ảnh gợi tôi nhớ một chuyện vui, kể chơi:
Chiều chiều, chừng 16 giờ 30, quản giáo và lính canh tập trung xếp hàng thể dục như trong ảnh 2. Tôi, ở buồng giam bịt bùng ngay vị trí khoanh tròn đỏ ấy, không nhìn thấy, chỉ nghe tiếng vọng vào. Họ tập võ, vung chân múa tay “hừ hự” theo nhịp một hai- hai một gì đấy. Xong, lần nào cũng kết thúc bằng bài hô:
- Thể dục - Khoẻ!
- Thể dục - Bảo vệ tổ quốc!
- Thể dục - Bảo vệ chủ nghĩa xã hội!
- Thể dục - Khoẻ!
- Thể dục - Khoẻ!
- Thể dục - Khoẻ!
Nghe vui tai. Riết rồi muốn nghĩ ra trò gì chọc vui. Khi tất thảy vừa rập chân hô xong, tôi bèn tằng hắng mấy phát báo hiệu cho anh em các phòng bên, rồi dõng dạc, nhái theo nhịp bọn quản giáo:
- N…g…h…i…ê…m! 
- Ở tù – Khoẻ!
- Ở tù - Bảo vệ tổ quốc!
- Ở tù - Bảo vệ chủ nghĩa xã hội!
- Ở tù - Khoẻ!
- Ở tù - Khoẻ!
- Ở tù - Khoẻ!
Thằng quản giáo lộp cộp giày, chạy ngang trợn mắt:
- Anh Nhất hô gì đấy, muốn nổi loạn hả?
Tôi làm mặt nghiêm, rập chân bập bập, thẳng lưng, chụm gót đúng chữ V, rồi “khuyến mại” thêm câu nữa: 
- Ở tù - Khoẻ!
Mấy ông bạn tù phòng bên nghe sướng quá, cứ khúc khích khục khịch mãi. Như chọc tức thêm hắn. 
Tội, nhìn cái mặt hắn cứ đơ ra, trông đần như ngỗng ỉa. 
Mấy hôm sau. Hắn trả thù bằng cách chuyển buồng. Đẩy tôi sang dãy lẻ, buồng số 19. Vẫn tầng hai, nhưng đấu lưng lại với khu này (Dũng Bắc Kạn, trùm giang hồ khét tiếng Hải Phòng, người tổ chức cho Dương Chí Dũng chạy trốn sang Campuchia, ở đấu đít với tôi, buồng B20).
Bịt bùng. Thêm mấy lớp tường cách âm, không còn nghe được tiếng hô.
Tưởng tếu cho vui. Vậy mà cái trò “chủ nghĩa xã hội” ấy lại khiến mấy thằng bạn tù buồng bên nhớ. Chiều, cứ chừng bốn rưỡi hơn, xong bốn hồi kẻng là chúng gõ tường “nhà báo ơi, anh Nhất ơi, bảo vệ chủ nghĩa xã hội đi!”.
Nghiệt nỗi, xa tiếng hô của bọn quản giáo, một mình đâm hết hứng. 
Chuyện thể dục “chủ nghĩa xã hội” ấy cũng chỉ thấy ở B14. Sau này đi hai trại Hoà Sơn (Đà Nẵng) và trại 6 (Nghệ An), không nghe bọn quản giáo “chủ nghĩa xã hội” kiểu này nữa. 
B14, có điều rất đặc biệt: Họ không xoá bất cứ dòng chữ nào của tất cả các thế hệ tù nhân trước giờ. Kể cả những câu cực kỳ “phản động”, chống Cộng, chửi đảng, bằm lôi cả mồ cha mả mẹ “lũ X”… chi chít bốn vách tường.
Trên vách cửa buồng B12, chắc chắn vẫn còn hai câu tuyên ngôn tôi khắc: “Chỉ có thể cưỡng bức được hành vi, chứ không cưỡng bức nổi tư tưởng”, “Có loại tù làm người ta nhục nhã, nhưng có loại tù chỉ khiến họ vinh quang”.
Không biết, Đinh La Thăng có được vào đúng buồng B12 ấy? 
Dù sao, ông và tôi cũng là chỗ từng biết nhau. Có thể, biết đâu đấy, khi đọc được những dòng chữ cùng cái tên “nhà báo Trương Duy Nhất” trên bức tường buồng giam, sẽ giúp ông tìm được cảm giác gì đó như thể “thân quen”, giúp ông nhẹ nhàng, thư thái, đỡ cô độc hơn?
Một mình, đối diện với bốn bức tường biệt giam bịt bùng, lởm chởm xám xịt ấy. Rồi ông cũng sẽ quen thôi, cũng phải đếm kiến, nuôi thạch sùng làm bạn. Sẽ là những tháng ngày dài không thể chợp mắt trước màn đêm đen ngòm, thăm thẳm. Dần, ông sẽ thuộc, quen với từng tiếng gót giầy của mỗi tay quản giáo. Nhận ra từng tiếng chó sủa, trong những giàn “đồng ca chó” đêm khuya vọng từ bên ngoài. 
Đến tôi cũng ngạc nhiên, hay gọi giật mấy tay quản giáo hỏi “vì sao càng ra ngoài này, càng gần Hà Nội lại nhiều… chó thế?”.
Ừ. Ông đã có đến 3 đêm nghe chó sủa rồi nhỉ.
Từng mang phận tù, cũng là chút cám cảnh ngẫm đến ông. Chứ thật ra, cái loại tù của ông, không phải như tù chúng tôi. Tù của ông là tù nhục, tù ô. 
____________________________ 
- http://truongduynhat.org/b14
Trương Duy Nhất 

SOS! AN TẤN CÔNG HÒA THƯỢNG THÍCH KHÔNG TÁNH - SƯ OAN CHÙA LIÊN TRÌ

"Sáng nay, ngày 10.12.2017, nhân ngày Quốc tế Nhân quyền, Linh mục Nguyễn Duy Tân, Chánh Xứ Nhà thờ Phú Thọ Hòa, Xuân Lộc, Đồng Nai, có mời Hòa Thượng Thích Không Tánh tham dự lễ Bổn Mạng Giáo Xứ Phú Thọ Hòa. Nhận lời mời của Linh mục Tân, Hòa Thượng vừa ra khỏi cổng chùa Giác Hoa, đường Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh, TP.HCM (nơi Hòa Thượng ở nhờ vì chùa Liên Trì của Hòa Thượng ở Thủ Thiêm, Q2 đã bị nhà nước san bằng) thì bị lực lượng CA khoảng hơn 10 người mặc thường phục, xấn lại xô đẩy, ngăn cản hòa thượng một cách hung bạo. Hòa Thượng tuổi gia, sức yếu nên có thể ngất xỉu, đành phải ngồi lại trong sân chùa không thể đi dự lễ dù đã hẹn với quý Linh Mục ở Dòng Chúa Cứu Thế....!
Một chú thị giả đi theo Hòa Thượng, lấy điện thoại ra chụp hình thì bị 3, 4 công an nhào tới cướp mất điện thoại."

Sunday, December 10, 2017

HÀI NHÀ SẢN: CHUYỆN BÀ TÁM TRÀ ĐÁ ĐI HẦU CÔNG AN


Bà Tám trà đá bị công an Cai Lậy “mời” lên làm việc. Tại đồn công an, tên công an điều tra hỏi:
“Bà có biết lý do tại sao chúng tôi mời bà lên đây không?”
Bà Tám xẳng giọng:
“Mấy chú không nói làm sao tui biết! Mà theo tui biết thì mấy chú đâu cần lý do; mà dí dù muốn có lý do thì mấy chú bịa ra trăm cái lý do cũng được, ai cấm!”
Tên công an nhìn bà Tám trừng trừng:
“Bà không được vu khống, nói xấu các cơ quan chức năng.”
Bà Tám đỏ mặt đứng dậy, nói lớn:
“Tui du khống, nói xấu cái gì? Tui đang bán trà đá, làm ăn lương thiện, không trộm cắp, cướp bóc của ai, không tham nhũng hối lộ, không giựt chồng của ai... tự nhiên mấy chú kêu tui lên đây làm diệc, làm diệc là làm diệc gì? Lại còn dặn dẹo tui có biết lên đây dì lý do gì không? Ông cố nội tui sống dậy cũng không biết nữa là...”
Tên công an có vẻ hơi bất ngờ với thái độ cứng rắn của bà Tám, nên dịu giọng:
“Chúng tôi mời bà lên đây là vì bà nhận 10 triệu của Việt Tân để kích động gây rối ở trạm BOT Cai Lậy.”
Bà Tám lại đứng lên sừng sộ:
“Diệt Tân là thằng chó đẻ nào?”
Tên công an quơ tay:
“Việt Tân là một tổ chức phản động từ nước ngoài chuyên dùng tiền để mua chuộc người trong nước để gây rối, đánh phá nhằm lật đổ nhà nước ta.”
“Dậy à? Dậy mấy chú bắt cái thằng Diệt Tân cho tui 10 triệu đó chưa? Tui không biết nó là đứa nào, tự nhiên đến đưa cho tui 10 triệu. Tui nghèo đi bán trà đá sống qua ngày thấy 10 triệu cũng ham, nhưng sau tui nghĩ lại sao có đứa tự nhiên đem cho mình món tiền lớn thế này, chắc là nó gài bẫy mình, nên đã trả lại cho nó rồi. Mấy chú nói tui nhận tiền của Diệt Tân, dị mấy chú bắt nó chưa? Nó là Diệt Tân đó mà.”
Tên công an cắt ngang:
“Bà không cần biết việc làm của chúng tôi. Chúng tôi hỏi bà, tại sao bà phát trà đá, phát cháo miễn phí, ủng hộ cái bọn gây gối, cản trở lưu thông ở BOT Cai Lậy? Bà có biết đó là hành động tiếp tay cho bọn phá hoại đánh phá nhà nước, có thể bị bắt đi tù không?”
Bà Tám lại đứng lên la:
“Tui không được quyền cho ai, tặng ai nước trà của tui à? Mà tui thấy mấy chú tài xế đó làm đúng chứ có phá hoại gì đâu. Mấy chú tài xế qua trạm trả tiền đàng hoàng, mà bởi người ta không có tiền chẵn nên trả bằng tiền lẻ, tiền lẻ cũng là tiền của nhà nước in ra phát cho dân xài, thì có gì là sai? Mẩy chú ấy trả dư 100 đồng, người ta thối lại 200 đồng, mấy chú ấy không chịu lấy quá 100 đồng thì sai chỗ nào? Ai biết nếu mấy chú ấy bị gài lấy hai trăm rồi bị quy cho tội cướp tiền của trạm, giống như tui bị gài nhận tiền của Diệt Tân rồi bị bắt đi tù thì sao?”
Tên công an lại chận ngang:
“Bà không được suy diễn lung tung.”
Bà Tám vừa đặt đít ngồi xuống ghế lại đứng bật dậy nói lớn:
“Tui suy diễn lung tung chỗ nào? Tui nói thiệt dí mấy chú, cái trạm thu tiền đó đặt không đúng chỗ bị dân chúng phản đối là đúng. Đường làm một nơi lại đi đặt trạm thu tiền một chỗ, chẳng ăn nhậu gì tới con đường nhà thầu làm, hỏi sao dân không tức. Tui hỏi mấy chú, nếu tui xây một con đường bên hông nhà mấy chú, rồi đặt trạm thu tiền trên con đường đi dô nhà mấy chú, thu tiền con đường mà mấy chú không dùng, mấy chú có tức không?”
Tên công an khoát tay:
“Nhà nước biết phải làm gì. Nhân dân thấy cái gì sai thì phản ảnh lên rồi nhà nước sẽ xem xét, chứ không được lợi dụng gây rối, phá hoại trật tự công cộng.”
Bà Tám cười khẩy:
“Nhân dân phản ảnh bao nhiêu năm rồi mà nhà nước đã giải quyết chưa? Thiệt dễ như ăn cháo mà sao bao nhiêu lâu nay nhà nước không chịu làm? Chỉ cần dời cái trạm đó đem đặt trên con đường nhà thầu xây nên để hễ ai đi qua thì thu tiền là xong, cần gì phải đổ thừa Diệt Tân Diệt Téo chi cho gây quang mang trong quần chúng.”
Tên công an kéo ghế đứng dậy nói:
“Buổi làm việc hôm nay đến đây là tạm kết thúc. Bà ký vào biên bản đây rồi có thể đi về, và phải nhớ đề cao cảnh giác với những thế lực thù địch.”
Bà Tám cũng đứng dậy vừa quay đít đi ra vừa nói:
“Tui không ký cái gì sất. Mấy chú diết ra rồi biểu tui ký, tui biết mấy chú diết cái gì trong đó mà ký. Mà mấy chú cũng không cần lo; tui mà không cảnh giác thì bị Diệt Tân nó gài cho dô tù rồi.”
--Ngo Du Trung
==================
Mưu hèn kế bẩn!
"Theo trình bày của bà Tỉnh thì vào sáng ngày 5/7, có một người đàn ông đem 10 triệu đồng đến quán cà phê tặng cho bà Tỉnh. Người này nói rằng anh em tài xế miền Bắc và gia đình anh ta ở Sài Gòn tặng số tiền trên cho bà Tỉnh.
Cũng theo trình bày của bà Tỉnh, sau khi nhận số tiền trên thì bà có đem số tiền này đến giao cho Công an huyện Cai Lậy nhưng đơn vị này không nhận. Bà Tỉnh tiếp tục đem đến nộp cho chính quyền địa phương 2 lần nhưng nơi đây cũng không nhận.
Sau đó bà Tỉnh đã liên hệ được với người đàn ông lạ mặt này và trả lại số tiền. Lúc trả tiền thì có nhiều tài xế trong nhóm “Bạn Hữu Đường Xa” quay trực tiếp lên mạng xã hội.
--Humans of ViệtNam
Dân Sài Gòn Xưa

Get paid to share your links!