Saturday, March 18, 2017

TÂM SỰ CỦA NANCY NGUYỄN.

Những người khởi xướng đầu tiên, cho phong trào đòi dân chủ làm chấn động cả thế giới hôm nay, là những người rất rất trẻ. Trẻ đến nỗi theo “cái nhìn Việt Nam” thì các bậc phụ huynh có lẽ sẽ bảo các bạn ấy nên về bú cho xong bình sữa.
Nói thế để biết rằng, thưa các bạn sinh viên, thanh niên Việt Nam, các bạn không hề là quá nhỏ cho cuộc chơi chính trị. ĐỪNG BAO GIỜ cho phép bất cứ ai bảo với bạn rằng “nhãi con biết gì”, hay “đã có người lớn lo!” vì chính các bạn cũng hiểu rằng tất cả những điều đó đều là ngụy biện!
Các bạn nên nhớ, các bạn có quyền bỏ phiếu từ năm 18 tuổi, điều đó đồng nghĩa với việc, mỗi cá nhân từ 18 tuổi trở lên đều đã đủ trưởng thành, trước pháp luật, trong suy nghĩ và nhận thức. Đừng bao giờ cho phép bất cứ ai, cá nhân, hay tổ chức nào bảo các bạn còn quá nhỏ.
Nếu ai đó nói các bạn chưa đủ trưởng thành, hay hỏi họ câu này: Tổng bí thư thứ nhất của đảng Cộng sản Việt Nam tham gia chính trị lúc mấy tuổi, và được bổ nhiệm chức vụ tổng bí thư lúc mấy tuổi? Không ai, không cá nhân hay tổ chức nào được quyền bảo các bạn còn quá trẻ. Và, nên nhớ, các bạn không hề là quá trẻ để thay đổi vận mệnh đất nước này, dân tộc này.
Đừng bao giờ nghĩ, đã có người khác lo, dân Việt nam đến 90 triệu con người cơ mà. Vì chính các bạn cũng hiểu, nếu không phải là bản thân các bạn, thì sẽ chẳng là ai cả.
90 triệu người Việt Nam là chúng ta! Là chính chúng ta! Chứ không phải ai khác. Chính các bạn, chứ không phải là ai khác, sẽ phải là những con người làm nên cuộc đổi thay.
Vâng, chính khối óc, chính bàn tay này, sẽ phải là khối óc, và bàn tay làm nên cuộc đổi thay. Không phải là ai khác, không phải là thế hệ nào khác.
Đừng bao giờ để bất cứ ai bảo với bạn rằng, Việt Nam nhỏ bé, phải đối đầu với Trung Quốc một cách khôn ngoan. Bởi chính các bạn hiểu sâu sắc rằng: Đó cũng là nguỵ biện! Hồng Kông không có đến một người lính của riêng mình.
Nhưng chính trong khó khăn đó, Hồng Kông làm cả thế giới nghiêng mình ngả mũ. Đừng bao giờ cho phép bất cứ ai bảo các bạn hãy bỏ cuộc chỉ vì Việt Nam yếu hơn Trung Quốc nhiều lần. Vì chính các bạn biết rằng sức mạnh của tập thể còn mạnh mẽ gấp triệu lần súng đạn.
Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ, vì đó, là phần Người nhất trong mỗi một con người.
Ngày hôm nay Hồng Kông xuống đường, bao giờ sẽ đến Việt Nam?...
…Bạn biết không, đôi khi, những điều phi thường nhất lại được diễn tả bằng những điều bình thường nhất trong cuộc sống.
Ngay từ khi tới Hồng Kông (các bạn) đã nắm lấy tay tôi, đưa tôi đi giữa phố phường chen chúc, thăm cơ man nào là khuôn mặt, những khuôn mặt làm cả thế giới xúc động, có khi nghẹn ngào.
Chỉ đến khuya nay, khi ngồi lại bên nhau trong bữa tối, nhìn các bạn và vội vài miếng cơm trong cơn đói mèm. Tôi ngắm họ ăn say sưa đến quên cả trời đất, mới chợt nhớ ra một điều mình đã quên mất từ lâu: các bạn ấy cũng chỉ là những con người.
Thế giới nói về sinh viên Hồng Kông như những chiến binh, những người hùng. Còn tôi, tôi thấy họ Người lắm, như chính tôi, NHƯ CHÍNH BẠN. Họ bảo với tôi, họ không hề gan dạ, quả cảm như báo chí ca ngợi. Họ cũng hèn nhát, cũng sợ hãi, Đại Lục có tất cả, còn họ, họ có gì?
Họ thừa nhận hết, rằng họ cũng sợ bị thanh trừng, sợ từ nay về sau, có thể cuộc sống của họ sẽ không bao giờ còn như trước nữa. Rồi học hành, rồi công việc, rồi cả mẹ cha.
Họ nói với tôi, như chưa từng được nói với bất kỳ ai khác, những trăn trở rất con người mà truyền thông không bao giờ thèm đếm xỉa tới.
Có vài người đã khóc. Trong giọt nước mắt không đủ nặng để lăn trên gò má, chỉ đủ để làm khoé mắt long lanh dưới ánh đèn siêu thị, tôi thấy được những cuộc đời trần trụi. Rồi họ nhìn tôi, kiên nghị: Nếu bảo chúng tôi không sợ hãi, thì đó là nói láo, nhưng nếu Hồng Kông cần, chúng tôi cũng vẫn sẽ dấn thân, bởi vì, Hồng Kông cần chúng tôi.
Ở Hong Kong, tôi thấy được sự vĩ đại của những con người bình thường. Và chính sự bình thường đó, làm nên điều vĩ đại.
“Bởi vì Hồng Kông cần chúng tôi!” Tôi nghe khoé mắt mình cay, và ruột gan như có ai đem dao đến cứa. “Bởi vì Hồng Kông cần chúng tôi!” lẽ đơn giản như thế, mà sao với dân tôi nó xa xôi nhường vậy.
Việt Nam ơi! … Hãy tỉnh dậy đi!...
…Tôi chưa bao giờ nghĩ, một ngày nào đó mình lại nhận được nhiều sự quan tâm đến nhường ấy.
Chuyến đi này, thuở ban đầu, chỉ là một chuyến đi cá nhân, trong vô vàn những chuyến đi cá nhân triền miên, dường như không có tận cùng của tôi. Rồi bất ngờ, tôi trở thành một cái gì đó tựa hồ như niềm tin, như hi vọng.
Nhưng bạn ơi, tôi chỉ là một người con gái bình thường, như hàng triệu người bình thường xung quanh các bạn. Và nếu như không có chuyến đi này, có lẽ nhiều người còn không biết đến sự tồn tại của tôi trên trái đất này.
Như V-for-Vendata, tôi là một người và cũng là tất cả. Nếu các bạn có thể thương mến tôi, thì xin hãy nhân tình cảm ấy lên cho tất cả những anh chị em đấu tranh vì dân chủ xung quanh các bạn. Vì họ giống tôi, và tôi thì cũng không khác gì họ.
Sau chuyến đi này, tôi sẽ lại là tôi của đời thường, có lẽ không còn nhiều chuyện để kể, không còn nhiều hình ảnh để đăng. Các bạn follow tôi và bạn bè FB chắc cũng sẽ thưa bớt dần.
Nhưng có một điều tôi nhận được từ chuyến đi này, đó là, tôi không đơn độc. Đó, có lẽ là kỷ vật quý giá nhất mà chuyến đi mang lại cho tôi.
Và bạn tôi ơi, nay tôi chia sẻ cho tất cả mọi người: TÔI KHÔNG ĐƠN ĐỘC, VÀ BẠN CŨNG VẬY!...
Cách mạng con người
Tâm sự của bạn Nancy Nguyễn cho thấy qua sinh họat tại Hồng Kông các bạn trẻ học hỏi lẫn nhau và đã thay đổi đến tận gốc rễ suy nghĩ của mình. Mà thay đổi đến tận gốc rễ chính là căn bản cách mạng ở mỗi con người.
Khi con người chưa tự cách mạng mình thì đừng mong đến cách mạng xã hội. Vì cách mạng xã hội cần xây dựng trên cách mạng cá nhân. Tại Hồng Kông cả một tầng lớp học sinh sinh viên đã cùng nhau làm cách mạng.
Tương tự khi một cá nhân chưa tự mình trau dồi rèn luyện tinh thần dân chủ thì họăc họ sẽ trở thành độc tài hoặc họ sẽ vô cùng cô đơn trong cuộc sống cá nhân.
Cũng như một đảng chính trị bề mặt kêu gào dân chủ kêu gào cách mạng mà sinh họat theo kiểu độc tài thì đừng mong họ sẽ mang lại dân chủ cho tòan xã hội.
Cách mạng hay dân chủ phải bắt đầu từ con người. Thiếu tinh thần cách mạng hay tinh thần dân chủ đất nước chỉ chuyển từ bè nhóm này sang tay bè nhóm khác.
Cách mạng xã hội
Không riêng gì các bạn trẻ như Nancy Nguyễn, thời gian qua nhiều người thuộc các thế hệ đi trước đã phải xét lại và thay đổi cánh họ suy nghĩ cũng như hành động.
Ông Michael Cheng, ủy viên ban chấp hành của Đảng Lao Động Hong Kong, cho biết:
“Không phải cứ phản đối chính phủ là chúng tôi ở cùng một phe hết. Các tổ chức khác nhau có mục tiêu và tôn chỉ khác nhau, đôi khi không đồng thuận với nhau. Nếu một tổ chức như Đảng Lao Động đứng ra kêu gọi biểu tình, thành viên các tổ chức khác sẽ cho rằng chúng tôi có mục tiêu riêng không đại diện cho lợi ích của họ.
Với sinh viên thì khác. Họ còn trẻ, chưa có tính toán tư lợi, chỉ thuần tuý hoạt động vì lý tưởng, vì vậy họ nhận được sự ủng hộ của nhiều cá nhân và tổ chức khác nhau.”
Rõ ràng những người trẻ đang làm một cuộc cách mạng xã hội thay đổi đến tận gốc rễ cách suy nghĩ và sinh họat chính trị truyền thống.
Bên cạnh những người trẻ tiên phong chúng ta vẫn thấy nhiều người Hồng Kông trung niên và cả những người đã già đã từng sống và có kinh nghiệm với cộng sản.
Họ đến không bằng thái độ nghi ngờ, tìm cách áp đặt hay dạy dỗ phương cách đấu tranh. Họ đến để chia sẻ trách nhiệm và kinh nghiệm với các giới trẻ Hong Kong. Cả một xã hội Hồng Kông đã và đang thay đổi.
Cách Mạng Toàn Cầu
Phong trào Chiếm khu trung tâm bằng tình yêu và hòa bình (Occupy Central with Love and Peace OCLP – ND) đã được biết đến từ đầu năm 2013 và đã có gần 2 năm nghiên cứu, sửa sọan, vận động trước khi dẫn đến hành động.
Nếu chỉ biểu tình tẩy chay ngày Quốc Khánh Trung Quốc sẽ ít được dư luận chú ý và không thể kéo dài. Cuộc biểu tình đòi bầu cử và ứng cử tự do là một mục tiêu vô cùng chính đáng và được phát động đúng khi Bắc Kinh ra quyết định “Đảng cử dân bầu”.
Trong thế bị động Bắc kinh đã xuống tay đàn áp. Tiếng kêu của sinh viên học sinh "Họ không thể giết hết chúng ta!" không phải chỉ đánh động lương tâm của thế giới mà còn làm rúng động tư tưởng của giới cầm quyền Bắc Kinh.
Bắc Kinh phải xuống nước. Họ lập ra nhóm quần chúng tự phát hay dùng công an từ Lục Địa gởi sang phá rối cuộc biểu tình.
Nhưng Hồng Kông không phải là Việt Nam, mọi phương cách Bắc Kinh đem ra áp dụng đều gặp phản ứng ngược. Cảnh sát đứng về phía người biểu tình, thêm người Hồng Kông tham dự và thế giới lên án các hành động phá rối nói trên.
Trưởng đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh phải ra thông báo nếu người biểu tình không giải tán trước 6-10-2014 ông ta sẽ sử dụng bạo lực. Các bạn trẻ vẫn không lùi bước đưa ra những khẩu hiệu như: “nếu chúng ta rời ngày hôm nay, chúng ta sẽ là nô lệ suốt đời”, “hãy xem đây như nhà của chúng ta”…
Phó đặc khu Hồng Kông ông Lau Kong-wah, thông báo chính thức muốn gặp đại diện Phong trào vào lúc 4 giờ chiều ngày thứ Sáu 10-10-2014.
Nhưng (có lẽ) theo lệnh Bắc Kinh, Chánh văn phòng Đặc khu Carrie Lam tuyên bố hủy cuộc họp với lãnh đạo sinh viên đấu tranh cho dân chủ.
Rõ ràng nhà cầm quyền Bắc Kinh và đặc khu Hồng Kông càng ngày càng lâm vào thế bị động. Họ không biết phải làm gì để giải quyết vấn đề.
Nhưng cho dù hai bên có đàm phán nhà cầm quyền Bắc Kinh sẽ không thể giao quyền tự do ứng cử và bầu cử cho dân Hong Kong. Vì nếu những người không cộng sản lãnh đạo Hong Kong, Bắc Kinh sẽ mất kiểm sóat khu vực này. Đòi hỏi tự do sẽ lan sang lục địa, ảnh hưởng đến quyền lực của đảng Cộng sản tại đây.
Điều này nghĩa là cuộc đấu tranh của những người trẻ Hồng Kông sẽ còn tiếp diễn và có thể cho đến khi chế độ cộng sản bị sụp đổ.
Mặc dù nhà cầm quyền Bắc Kinh đã đặt tường lửa chận thông tin nhưng tin tức về cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông đang được chuyển vào lục địa. Tinh thần cách mạng đang lan tỏa và biết đâu cũng sẽ đưa đến thay đổi thể chế chính trị tại đây.
Khắp thế giới những người yêu chuộng tự do cũng tổ chức những buổi biểu tình ủng hộ Hong Kong. Ở Hà Nội và Sài Gòn cũng đã có những nhóm lên tiếng kêu gọi biểu tình.
Tại Melbourne Úc châu, sinh viên Hong Kong, cộng đồng Việt, Tây Tạng, và một số nhóm vận động cho dân chủ tại Trung Quốc tổ chức “Đêm Thắp Nến cho Dân Chủ của Hong Kong” vào 6 giờ 30 tối Thứ Bảy 11-10-2014 trước Tiền đình Quốc Hội Tiểu Bang Victoria.
Cuộc cách mạng phải bắt đầu từ con người. Cách mạng cá nhân chính là tinh thần của cuộc Cách mạng Dù tại Hong Kong. Tinh thần cách mạng đang lan ra và sẽ làm thay cuộc diện thế giới.
Và cuối cùng cách mạng thế giới đến nhanh hay muộn tùy thuộc vào chính sự chuyển biến tư tưởng mỗi cá nhân chúng ta.

Dương Hoài Linh

VẤN ĐỀ CỦA THỂ CHẾ

Lần đầu tiên tôi thấy ông Thủ tướng nói về "thể chế có vấn đề". Nhưng ông ấy chỉ nói một nửa của vấn đề. Vì vấn đề quan trọng nhất là vì sao thể chế có vấn đề thì ông ấy lại không nói.
Thứ nhất, Hiến pháp trao quyền cho Đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội. Nghĩa là quyền lực chính trị độc quyền. Mọi hoạt động và sự vận hành của các thiết chế, những chính sách phải nằm dưới sự điều khiển, kiểm soát theo đường lối của đảng. Vậy nên trái ý đảng sẽ khó lòng làm ăn. Mà làm ăn với một ông nắm toàn quyền định đoạt sinh mệnh của mình thì ai dám hợp tác?
Thứ hai, Hiến pháp cũng lại ấn định "kinh tế nhà nước là chủ đạo". Vậy mọi việc giao dịch làm ăn phải phụ thuộc và bị chi phối bởi thành phần kinh tế nhà nước.
Thứ ba, Hiến pháp cũng lại quy định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nên mọi vấn đề liên quan đến đất đai đều phụ thuộc vào quyền lực nhà nước. Nên nếu đầu tư cơ sở hạ tầng hay tham gia làm ăn thì phải ngó trước nhìn sau, phải lo lót đủ kiểu mới có đất mà kinh doanh. Cái này ông Thủ tướng đã có lần nói rõ rồi.
Thứ tư, Toà án cũng nằm dưới sự kiểm soát và chi phối của đảng. Thế nên trái ý đảng thì cũng không xong. Ai dám kiện cơ quan hành chính ra toà, mà toà thì cũng lại bị lãnh đạo bởi đảng, cơ quan hành chính cũng chịu chung số phận nằm dưới sự điều hành của đảng. Vậy ai dám kiện nhà nước nếu toà án không độc lập? Mặc dù đảng cộng sản nắm quyền tuyệt đối như vậy, nhưng trớ trêu thay đảng lại không hoạt động bằng luật, mà bằng nghị quyết, cương lĩnh và điều lệ, những thứ không phải luật. Và cũng không có cơ chế để kiện đảng nếu chính sách của họ "có vấn đề".
Thể chế nằm ở Hiến pháp, và tiếp đến là luật pháp cụ thể hoá cách thức tổ chức và vận hành của bộ máy nhà nước. Vì thế, thể chế có vấn đề chính là vấn đề của Hiến pháp, vì nó đã trao quyền và ấn định sự tuyệt đối của đảng cộng sản, khi tổ chức chính trị ấy có vai trò lãnh đạo toàn bộ nhà nước và xã hội một cách độc tôn, toàn diện. Nhưng lại không hề có bất cứ cơ chế nào để kiểm soát đảng bằng luật pháp.
Đấy chính là vấn đề của thể chế. Muốn thay đổi thể chế, phải thay đổi Hiến pháp. Lúc đó Hiến pháp phải quy định một mô hình và cách thức vận hành thể chế khác để giải quyết vấn đề của thể chế hiện tại.
Luân Lê

CHUYỆN KIỂM DUYỆT CA KHÚC MIỀN NAM TRƯỚC 1975


Ảnh 1: Nhạc sĩ, nhà báo, nhà phê bình Nguyễn Lưu
Lời dẫn: Chuyện kiểm duyệt, đúng hơn là lệnh cấm các ca khúc miền Nam trước 1975 hiện nay đã tái hiện đúng bản chất Hồng Vệ binh thời Cải cách ruộng đất và Nhân văn - Giai phẩm. Đó là thời từng cấm cải lương, cấm cả Thơ Mới và những tác phẩm mang tính nhân văn. Nhưng Hồng Vệ binh thời ấy chỉ là nạn nhân của giặc dốt. Dốt sinh ra ác. Bao nhiêu văn nghệ sĩ và bao nhiêu tác phẩm từng bị chôn vùi. 
Ảnh 2: Nhạc sĩ, nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Thụy Kha 
Ngày nay Hồng Vệ binh đã tự hào thoát dốt với những cái tên nhạc sĩ, nhà báo, nhà phê bình... đủ các loại nhà, nhưng dốt vẫn hoàn dốt. Đó là những cái tên như Nguyễn Thu Đông, Nguyễn Lưu, Nguyễn Thụy Kha. Không chỉ 5 ca khúc mà có ông còn đòi cấm tất cả như đã từng cấm ngay sau năm 1975 cho "đảm bảo tư tưởng". Ngu dốt mà nắm quyền cai trị là một thảm họa của dân tộc, dù chỉ là cai trị về văn hóa. Tôi hỏi cả ba ông: Với kiểu lí luận những gì liên quan đến miền Nam đều xấu cả thì tại sao các ông lại mò vào miền Nam biến nhà cửa người ta thành của mình, thích xài đồ miền Nam cho sành điệu, sau đó còn ngửa tay xin đủ các loại tiền của họ mà không thấy xấu hổ?
Một bạn hỏi tôi, sao không đối thoại với lí luận của mấy ông này. Tôi bảo đối thoại với họ khác nào nói chuyện cù nhầy với King Kong? Tôi đã viết hai bài trong hai stt trước và cảm thấy đủ, không cần nói thêm. Post cả hai vào đây với niềm tin các ông sẽ được ghi danh vào ố sử.
------------------
LÍ DO KIỂM DUYỆT: Thế lày nà thế lào?

Về việc cấm các ca khúc của miền Nam trước 1975, báo chí viết khá nhiều bài với những thông tin khác nhau. Search trên Google thấy cả đống, cũ lẫn mới. Báo thì nói 5 ca khúc bị cấm. Báo thì khẳng định là 18 ca khúc. Báo thì nói là “rất nhiều”.
Ảnh 3: Nhạc sĩ Nguyễn Thu Đông, trưởng phòng quản lí băng đĩa.
Chưa tìm thấy ảnh trên Google nên thay hình ảnh Kong cho chắc.
Tôi tin là “rất nhiều” khi thấy Tuổi trẻ giật tít: KHÔNG THỂ CÔNG KHAI CÁC CA KHÚC BỊ CẤM! (xem link từ comment)
Đọc lõ cả mắt vẫn không thấy rõ lí do vì sao không công khai. Không công khai thì biết đường nào mà tránh? Phạt rình à?
Chỉ biết một số bài báo gần đây dẫn lời quan chức kiểm duyệt nói lí do cấm biểu diễn một số ca khúc như Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương). Lí do ấy là, bài hát không rõ tác giả (mặc dù tên tác giả to đùng gắn theo bài hát), lời bài hát bị biến dạng so với chuẩn ban đầu của ca từ (mặc dù ca từ chuẩn vẫn còn nguyên vẹn đó).
Vậy thì chỉ có thể là nội dung chính trị, mặc dù cũng chính các quan chức kiểm duyệt khẳng định “không có vấn đề gì về nội dung chính trị”.
Thế lày là thế lào?
Trên một số trang FB có nói, bài “Con đường xưa em đi” bị kiểm duyệt vì do có hai từ nhạy cảm: “chiến trường” và “phiên gác”. Giời ạ, vậy thì không kể là miền Nam hay miền Bắc thời chiến tranh, có vô số bài hát có hai từ gọi là “nhạy cảm” ấy. Cấm hết thì lấy đâu ra ca khúc mà hát!
Mà không hát thì dân ta chỉ còn… chửi như hát à?
Tôi thử kiểm duyệt hết cả 5 ca khúc trên lần nữa vẫn không thấy có lời nào phản động, thù địch hay chống cộng. Tất nhiên, chống chiến tranh giết chóc, ca ngợi tình yêu và sự sống thanh bình thì bài hát nào cũng có. Phản chiến là nội dung của gần như tất cả ca khúc một thời bị quy là nhạc vàng, nhạc ngụy chứ không riêng 5 ca khúc trên.
Gần đây có thông tin đòi xử phạt các quán karaoke sử dụng băng đĩa nhạc tuyên truyền hình ảnh binh lính Việt Nam Cộng hòa. Chẳng nhẽ chỉ vì hình ảnh ai đó minh họa mà bài hát phải “lụy phần dư”?
Theo tôi, hình ảnh cũng chỉ là lịch sử. Không lẽ người ta ám thị nặng nề đến mức lo sợ “xác ướp trở lại”? Nếu đúng như thế thì bệnh tự kỉ ám thị đã rơi vào đồng bóng quá nặng nề.
Nếu không phải vì những lí do trên thì chỉ có thể là do gato. Trào lưu hát lại nhạc xưa làm cho mấy tay nhạc sĩ dỏm thời nay khó chịu. Không phải ngẫu nhiên mà tay nhạc sĩ Hồ Hoài Anh tỏ ra thù địch với nhạc bolero!
Tôi là lính cộng sản thứ thiệt đây. Tôi từng đặt câu hỏi từ khi còn tại ngũ, rằng tại sao chính quyền Sài Gòn không cấm mà nhà nước Hà Nội lại cấm? Tôi từng nói với thủ trưởng của tôi, người cũng hay nghe lén nhạc vàng, rằng thì là, lẽ ra ta phải biết ơn những nhạc sĩ phản chiến, bởi chính họ đã góp phần làm nên chiến thắng của ta. Chứ nếu họ mà sáng tác nhạc hiếu chiến cổ vũ chém giết, có khi còn lâu ta mới thắng! Thủ trưởng tôi nói, ừ chính quyền Sài Gòn ngu thiệt, dùng toàn bọn nhạc sĩ phản động chống mình mà không biết....
----------------------------------
ĐỈNH CAO TRÍ TUỆ: Vua Kong kiểm duyệt ca khúc

Vua Kong vừa tiết lộ rõ lí do kiểm duyệt ca khúc "Con đường xưa em đi". Trước đó dư luận đoán già đoán non là do nội dung chính trị, ở chỗ ca từ có hai từ "chiến trường" và "phiên gác" nhạy cảm liên quan đến lính ngụy.
Một Kong trong đội ngũ kiểm duyệt né tránh, cho rằng "không phải vì nội dung chính trị" mà vì có những nội dung mơ hồ.
Bây giờ thì King Kong mới chịu nói thẳng:
“Chiến trường anh bước đi” là chiến trường nào đây?”
Đúng là câu hỏi đạt đỉnh cao trí tuệ!
Vậy là lâu nay dân ngu cứ hát chứ không cần biết chiến trường đó là chiến trường nào, của ta hay của địch.
Nay nhờ vua Kong hỏi mới ngớ người ra!
Vua Kong mà hỏi nữa thì bài hát này xóa sổ hẳn chứ không chỉ tạm dừng. Chẳng hạn như hỏi "Có nàng hoen đôi mi" là nàng nào?, "Khách qua đường vắng tanh" là khách nào?, vì sao vắng tanh? "Ghi một đêm trăng thanh" là trăng nào? Trăng Liên Xô hay Trăng đế quốc Mỹ? vân vân ...
Cuối cùng, "Chỉ còn em với anh", tức là trăng đã lặn mất tăm, lúc đó anh với em làm trò gì? Có hủ hóa không?
Một bài hát mơ hồ, không rõ địch ta, không rõ địa chỉ, hành động mờ ám như vậy bị kiểm duyệt là đúng! Đề nghị tẩy não tất cả những ai đã thuộc bài hát này cho nó triệt để!
Phải công nhận Kong thông minh, sống dai, xứng đáng là biểu tượng Vua Văn hóa Việt!
Hà Nội đề xuất xây tượng đài cho Kong là hoàn toàn xứng đáng! Tốn nghìn nghìn tỉ cũng nên làm!
----------------
(Có ai biết mấy anh này sáng tác nên ca khúc nào không, dù chỉ là ca khúc cho khỉ hát?)

Chu Mộng Long

Get paid to share your links!