Saturday, October 1, 2016

SÀI GÒN KHÔNG PHảI Của TÔI

ảnh minh hoạ
4g15 sáng nay tôi đã bị dựng ngược dậy dù mệt đừ vì trước đó gần như không ngủ được. Lý do: mùi thối kinh khủng lại tiếp tục tấn công. Nhiều tháng qua, không khí đặc quánh mùi thối chưa bao giờ dứt điểm. Nó đến rất nhanh và mùi nặng đến mức như thể quyện sệt vào không khí. Nó mạnh đến mức có thể làm bạn chóng mặt. Thế mà trong báo cáo gửi ông thủ tướng ngày 29-9, UBND thành phố nói rằng “đây không phải là sự cố môi trường do mức độ phát tán mùi hôi xảy ra không liên tục (theo mùa và hướng gió), ở vào từng thời điểm thời tiết nhất định" và "qua làm việc với Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam, công ty này đã áp dụng các biện pháp cần thiết nên trong thời gian gần đây tình trạng phát tán mùi hôi đã giảm hẳn" (VNE 30-9-2016). Chẳng giảm gì cả. Báo cáo ấy là báo cáo láo, làm cho xong chuyện. Xin mời xuống đây vừa cùng chúng tôi ngửi mùi vừa làm báo cáo!
Cho đến giờ này, qua gần nửa năm, vẫn chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng như vậy tại khu vực quận 7 và Nhà Bè. Mùi thối vẫn ám ảnh mà chính quyền không rõ vì sao thì là chuyện quá kỳ lạ. Mỗi chiều, khi đón con về, suốt đường Nguyễn Hữu Thọ, từ cầu Ông Lớn đến giao lộ Phạm Hữu Lầu, tôi có thể ngửi thấy mùi thối nồng nặc đến nghẹt thở. Khu vực Nguyễn Lương Bằng vào Phú Mỹ Hưng cũng thoang thoảng dù mùi có nhẹ hơn. Tóm lại, mùi thối đó đến từ đâu?
Nhân tiện nói thêm về quy hoạch dân cư khu vực tôi ở. Cách đây hơn ba năm, khi tôi mới dọn về, khu vực này còn thưa vắng. Từ nhà đến trường chỉ mất khoảng 15 phút. Bây giờ là 45 phút cho bận đi vào buổi sáng. Các chung cư mới đang mọc lên ào ạt. Chung cư nào cũng xây gần sát lề đường. Ai chịu trách nhiệm quy hoạch thiết kế đô thị mà cho phép chung cư dựng sát lề đường như thế? Làm sao thoát nạn kẹt xe? Cách xây như thế cũng cho thấy rằng con đường chạy ngang trước mặt dãy chung cư đồ sộ chắc chắn không thể mở rộng thêm được. Kẹt xe cầu Kênh Tẻ là nỗi ám ảnh man rợ đối với bất kỳ người nào từ quận 7 đi vào quận 1 mỗi sáng và mỗi chiều. Quận 7 mỗi ngày mỗi chật. Dân ngày càng nhiều. Chỉ sau hơn ba năm mà mật độ dân tăng như vậy là quá kinh khủng. Giao lộ Nguyễn Văn Linh là một cơn ác mộng khác. Xe tải chen với xe gắn máy từng centimet.
Hồi tôi mới về, đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn từ cầu Ông Lớn đến giao lộ Phạm Hữu Lầu) còn mấp mô ổ gà. Khoảng một năm sau, đường được tráng nhựa. Vấn đề ở chỗ nó lại được nâng lên cao đến gần 1m nhằm tránh thảm cảnh nước ngập khi triều cường hoặc mưa to. Tôi không biết có bao nhiêu con đường khác ở Sài Gòn được “chống ngập” theo kiểu ấy. Đó là kiểu làm lưu manh và không phải là giải pháp để chống ngập. Không thể chống ngập chỗ này mà lại dồn ngập xuống chỗ khác được.
Chỉ một khu vực nhỏ quanh tôi ở đã bao nhiêu chuyện như thế về quy hoạch và môi trường thì thành phố này có biết bao nhiêu chuyện tương tự, cũng liên quan quy hoạch chụp giật, làm ăn chụp giật, tạo ra một môi trường sống nhếch nhác chụp giật. Rồi khi cần “giải thích”, chính quyền cứ đổ lỗi cho dân. Dân, nếu có lỗi, thì cũng chỉ lỗi một phần, chủ yếu ở lối sống, còn quy hoạch sai và lôi thôi khiến xã hội lôi thôi lếch thếch thì dân chẳng có tội gì mà bắt họ chịu. Chung cư (chẳng hạn Sunrise) xây sát lề đường gây kẹt xe chẳng liên quan gì đến dân cả. Khi các chung cư đang xây hoàn thành trong nay mai và một lượng dân cư nữa lại nhập thêm vào, khu vực này sẽ càng điên đảo bội lần. Khắp Sài Gòn, đâu cũng vậy cả. “Thành phố của chúng ta” rồi sẽ ngày càng trở nên “đáng sống” bội lần.

Manh Kim

THOÁI NGỮ

Sau mỗi lần "vặn gãy" ngôn từ để cứu lấy một tình thế mà phần bất lợi thuộc về họ trong trạng thái tất cả xã hội đều thấy rõ điều ngược lại của những gì được công bố, thì cũng đồng nghĩa, niềm tin của dân chúng vào họ, với những gì họ vừa bào chữa, lại bị tước đoạt một cách thô bạo và chà đạp sâu thêm một lần nữa.
Vấn đề không phải là quyết định xử phạt hành chính, vấn đề cũng không phải số tiền 14.5 triệu với 7 lỗi khác nhau dành cho phóng viên trẻ, cũng không phải việc chỉ xử lý kỷ luật 2 chiến sỹ công an cảnh sát hình sự bằng hình thức khiển trách đầy ưu ái, mà vấn đề thực sự nó nằm ở sự biện tạo vụng về và bất chấp sự thật của những người nhân danh luật pháp trước dân chúng của mình.
Họ có thể cứu được một bàn thua trông thấy về hình ảnh của một vài người ở một thời điểm, nhưng chắc chắn, họ đã để thua cả một trận đấu với hàng vạn đồng đội chung chiến tuyến trong con mắt còn lại của những người chứng kiến. Đó mới là điều nguy hiểm hoàn toàn có thể biết trước, khi người dân chỉ cần có nhận thức rất đỗi bình thường thì đều hiểu, họ, sẽ còn có thể thay đổi và biến hoá những gì, theo ý chí và quyền năng của mình, nếu muốn?
Cú gạt tay vào má hay cú đá hơi cao chân ấy, không chỉ xuất hiện bởi một vài lần diễn giải, sẽ là những cú giáng trực diện làm tỉnh thức cho những ai còn mơ hồ về một niềm tin mù quáng nào đó đối với sự bình yên, sự trung thực, hay lẽ công bằng còn hiện hữu của một xã hội mà nó vốn ngày càng mục rỗng, tha hoá và đầy dối trá được tạo ra (?).
Ai dám tin vào những gì mình nhìn thấy? Ai dám chắc vào những gì mình nghe được? Ai còn muốn hy vọng vào công lý? Ai còn dám cạy nhờ tới luật pháp?
Sau hôm nay, tôi gần như tin tưởng rằng, người ta sẽ chẳng còn dám tin vào hầu hết bất kể điều gì nữa, ngoại trừ sự hồ nghi bao trùm lấy họ như một sự tự vệ chính đáng và hữu hiệu cuối cùng dành cho mình trước những bất công luôn sẵn sàng buộc vào họ bất cứ lúc nào.
Phải chăng, người ta muốn trở thành một Hồ Xuân Hương thứ hai khi tìm cách thoái thác những gì xảy ra với mình:
Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoặc cẳng đo xem đất ngắn dài?

Luân Lê

Xem Như Mất Trắng!

Thú thật tôi thấy tội nghiệp anh công an này, vì để được giao nhiệm vụ ở khu vực nhiều hàng quán như Hồ con rùa, hẳn anh ta đã phải chung chi đậm cho các sếp công an phường. Bây giờ bị đình chỉ công tác, xem như mất trắng.
Hệ thống công quyền cộng sản là vậy, nạn hối mãi quyền thế trở nên bất trị, mọi chức vụ dù lớn hay nhỏ đều phải mua bằng tiền. Nhưng nào có yên, các đồng chí xung quanh, như bầy ác thú, luôn chờ dịp hạ gục con mồi để nhảy vào thay phiên kiếm chác.
Hy vọng các nhân viên nhà nước ngày càng nhận thức được và đặt niềm tin hơn vào vai trò nền tảng của luật pháp trong hệ thống chính quyền. Chỉ nền pháp lý minh bạch mới là chỗ dựa vững chãi và xứng đáng để mọi người đóng góp công sức vào việc xây dựng một chính quyền kỹ trị, còn tiền bạc chỉ có thể là phương tiện và mục tiêu của một chính quyền tham nhũng mà thôi. Không nên đặt cược tương lai vào canh bạc bạc bẽo như vậy.

Lê Công Định

Get paid to share your links!