Sunday, September 4, 2016

Tôi vừa có một giấc mơ lành

Thủ đô Hà Nội (Ảnh năm 2010).
Những ngày mùa thu tháng Tám, tôi hay băn khoăn suy nghĩ đến đất nước ta sao mà gian nan, lắm vấn nạn đến thế. Rất lo buồn là chưa thấy rõ lối ra cho các cuộc khủng hoảng đan chồng lên nhau. Khủng hoảng kinh tế tài chính – nợ khủng, ngân sách mờ ám, khủng hoảng Biển Đông, khủng hoảng bô-xít, khủng hoảng Formosa-Plastics Hà Tĩnh, khủng hoảng tàn sát Yên Bái, khủng hoảng giáo dục lạc hậu, khủng hoảng y tế (bốn bệnh nhân nằm chung một giường…), khủng hoảng đạo đức (ẩu đả, cướp bóc, bắn giết nhau hằng ngày…).
Khủng hoảng bao trùm, cao nhất, then chốt nhất, là nguyên nhân của mọi khủng hoảng, là vấn đề mô hình chính trị, mô hình chế độ, là chế độ độc đảng lạc lõng tệ hại với luật rừng giữa thế giới dân chủ văn minh. Tháo gỡ thế nào, tháo gỡ ra sao đang là vấn đề đặt ra cho mọi người VN yêu nước thương dân, có ý thức trách nhiệm trước lịch sử dân tộc, lo lắng đến tiền đồ các thế hệ mai sau. Từ niềm lo lắng ấy, băn khoăn khó ngủ, đêm qua bỗng hiện lên một giấc mơ lành. Tỉnh dậy tôi không thể ngủ thêm vì thấy giấc mơ đẹp quá, như “giấc mộng kê vàng” được nghe kể từ thuở nhỏ. Và tôi vội tỉnh dậy gõ phím để sớm chia sẻ với bè bạn bốn phương.
Tôi mơ thấy điều này.
Có tiếng thôi thúc bên tai. Rằng: "Vấn đề then chốt lúc này của phong trào dân chủ cứu nước cứu dân là tổ chức, tổ chức và tổ chức." Không có vấn đề nào quan trọng cấp bách hơn. Tình hình đã chín muồi cho việc hình thành, xây dựng một tổ chức chính trị, một đảng chính trị, hay một tập hợp chính trị bao gồm những công dân thức tỉnh, dấn thân, phấn đấu hết mình cho một mô hình chính trị dân chủ - đa nguyên, công khai, minh bạch, trong sạch, một tổ chức hợp hiến pháp và luật pháp, làm thế lực chính trị tranh đua, thi đua ôn hòa bình đẳng với đảng Cộng sản đang cầm quyền sau một cuộc cướp quyền dài 71 năm, không thông qua một cuộc tổng tuyển cử đúng nghĩa, không qua một cuộc tranh cử công bằng qua lá phiếu hoàn toàn tự do của toàn thể công dân trong cả nước.
Tôi mơ thấy tên gọi của tổ chức ấy là "Đảng Công dân VN", hay "Tập hợp Công dân VN", sẽ được dựng lên từ nay đến cuối năm là thời gian chuẩn bị, vận động để chính thức hình thành tổ chức vào đầu năm tới. Trong thời gian vận động sẽ xây dựng dự thảo cương lĩnh của tổ chức, dự thảo điều lệ của tổ chức, có thể hình thành ban lãnh đạo lâm thời, cơ quan báo chí chính thức, cơ quan truyền thông chính thức, mạng thông tin của tổ chức, và có thể một ban cố vấn và một ban hỗ trợ nữa nếu cần.
Trong giấc mơ tôi sung sướng nhận thấy sự có mặt, hưởng ứng tham gia của đông đảo công dân lương thiện, đông đảo trí thức dấn thân, đông đảo giáo sư, nhà báo, văn nghệ sỹ có tâm huyết và có tầm trí tuệ tư duy trong sáng, các nhà kỹ thuật, kinh doanh có lòng với dân với nước, vô vàn dân oan trong cả nước, hàng trăm nhà luật học và luật sư có công tâm yêu công lý, các linh mục, giáo sỹ thuộc mọi tôn giáo có thiện tâm, đông đảo phụ nữ và tuổi trẻ đầy nhiệt huyết.
Tôi đã nghĩ và nhớ ngay đến hàng trăm tên tuổi của các vị trên, mà tôi đã ghi nhớ trong tiềm thức, những người lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự như Văn đoàn Độc lập, Hội các nhà Báo Độc lập, Hội bầu bí tương thân, Hội các tù nhân lương tâm, Hội các bloggers Dân chủ, các mạng thông tin Bô-xít, Dân làm báo, Dân luận, Ba Sàm, Tễu, các nhà lãnh đạo đánh kính của các tôn giáo... Kể tên ra phải kín vài trang báo.
Ưu ái đặc biệt đối với các phụ nữ ưu tú dấn thân, tôi nhớ ngay đến các tên tuổi thân quen như những Phạm Thanh Nghiên, Hoàng Thụy My, Trịnh Kim Tiến, Hồ Thị Bích Khương, Lê Thị Công Nhân, Dương Thị Xuân, Bùi Minh Hằng, Đỗ Thúy Hường, Trang Hạ, Nancy Nguyên, Đặng Bích Phượng, Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Kim Chi, Nguyễn Nguyên Bình... và còn bao nhiêu phụ nữ dấn thân khác nữa.
Tôi nhận ra nét rất đẹp là trong tổ chức chính trị trẻ trung về tư duy ấy, bên cạnh các anh chị em ngoài đảng CS là các đảng viên Cộng sản - cả những người hiện còn là đảng viên hay đã tự nguyện ra đảng, có cả các đảng viên cấp cao là tướng lĩnh, từng là ủy viên Trung ương, phó thủ tướng, bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng… cùng nô nức tham gia như thời còn trẻ, chung một tư duy chính trị mới.
Tôi thiết tha mong có một nhóm trí thức nhân sỹ trong nước tự nguyện đứng ra làm thành hạt nhân trung tâm của tổ chức mới này. Tôi được lương tâm mách bảo đây là việc cần làm nhất, không thể chậm trễ, là hành động đẹp nhất, cũng là mơ ước mong mỏi của hàng triệu con người yêu quý đất nước, dân tộc, nhân dân.
Các bạn già trẻ gái trai yêu quý, các bạn có chung một giấc mơ lành với tôi không? Xin các bạn lên tiếng.
Đứng riêng một mình mỗi chúng ta chỉ là một hạt cát đơn độc để bị người ta dẫm lên. Vào tổ chức, sức ta được nhân lên vô tận, như một đòn bẩy khổng lồ có thể kích được quả đất lên và tất cả sẽ tạo nên vầng sao sáng rực dân chủ và tự do trên bầu trời xanh trong của nước VN mới thân yêu.
Các bạn thấy không, Ba Lan Cộng sản đã đổi đời nhờ có tổ chức Công đoàn Đoàn kết; Tiệp Khắc Cộng sản đổi đời nhờ có tổ chức Hiến chương 77; Miến Điện đổi đời nhờ có Liên minh Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi; Đài Loan chuyển biến nhờ có Đảng Dân chủ Tiến bộ của bà Thái Anh Văn.
Rất mong bài báo về giấc mơ lành của tôi này sẽ là viên đá nhỏ góp chút sức tàn của một nhà báo tự do đã hơn 91 tuổi vào lộ trình giành tự do dân chủ cho Quê hương VN yêu quý vô cùng.
Bùi Tín

Saturday, September 3, 2016

CHUYỆN "HÁN" HỌC

ảnh: TL.
Thiên hạ đang bàn tán và tranh luận suốt mấy ngày nay mà chưa ngã ngũ chuyện có nên phổ thông hoá việc học tiếng Hán cho các cấp học của Việt Nam hay không. Có ông đã nêu ra lý do "học tiếng Hán là để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt". Người khác thì cho rằng nên học vì ngay cả việc ghét nó thì việc học tiếng nó để hiểu "kẻ thù" vẫn luôn là cần thiết. Có người thì nói học tiếng Hán là để hiểu chính mình và thấy được tốt xấu ra sao thì mới có cái nhìn đúng đắn. Luận điểm này có vẻ như ổn nhất.
Nhưng thực chất, tất cả những luận điểm kiểu đó đều bất ổn.
Nước Mỹ, Thuỵ Điển hay nhiều nước khác đều có viện Không Tử để nghiên cứu về triết lý và Luận Ngữ của ông này. Tờ New York Times còn bình chọn Đạo Đức Kinh của Lão Tử là cuốn sách đứng đầu tiên trong 10 cuốn sách hay nhất mọi thời đại. Vậy những quốc gia trên có cho dân chúng học tiếng Hán một cách phổ cập để hiểu dân tộc Hán không?
Hoàn toàn không.
Ngôn ngữ chỉ là phương tiện giao tiếp và là cách thức biểu đạt ý chí. Việc học ngôn ngữ để hiểu họ, dù ở vị trí hay với tính đối kháng thế nào thì đó là trách nhiệm của các Viện nghiên cứu và kèm theo đó là các chuyên gia. Còn việc đem vào làm một môn học thì lại để dành cho việc lựa chọn của học sinh vì nhu cầu hoặc mục đích làm việc, học hỏi hay giao lưu từ lịch sử, văn hoá, chính trị đến khoa học. Còn việc áp đặt cho đó là một môn học bắt buộc và phổ thông với các cấp học lại là một sự cưỡng ép thô thiển trong việc giáo dục và cũng là trút lên đầu các thế hệ gánh nặng không phải phẩm trách của mình. Vì vậy, việc học ngôn ngữ không phải phục vụ mục đích chính trị của nhà cầm quyền với tiêu chí là để "hiểu kẻ thù thì mới chống được kẻ thù".
Apple làm ra Iphone hay Macbook không phải để phục vụ cho chính phủ Mỹ, mà là dành cho tất cả mọi người dân trên toàn cầu. Nên họ từ chối FBI về việc yêu cầu mở khoá chiếc Iphone của tên trùm khủng bố Hồi giáo mà nhà chức trách Mỹ thu được. Nói đến Hồi giáo, tất nhiên cũng là một mối nguy hiểm đặc biệt với chính phủ Hoa Kỳ, nhưng không vì thế họ bắt các công dân của họ phải học Hồi giáo trong các trường học. Đó là chức phận của chính quyền và các chuyên gia. Không phải nghĩa vụ bắt buộc của giáo dục, mà nhất là để phục vụ mục đích chính trị của nhà cầm quyền.
Tương tự vậy, tôi tin rằng không một nước nào có thể tìm hiểu sâu sắc về các nền văn minh, văn hoá và tôn giáo sâu sắc và toàn diện như người Mỹ. Nhưng tuyệt nhiên chúng ta không hề thấy những thứ này trong sự phổ quát nền giáo dục của họ. Nhật Bản hay Hàn quốc cũng bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc, nhưng họ tìm hiểu song hành nhiều thứ cùng lúc, từ Hán học, Lan học hay Tây học, và đây là chức phận của các chí sỹ, các chuyên gia chứ không phải của toàn dân Nhật hay Hàn. Người Mỹ còn có hẳn một bảng liệt kê 10 đặc tính đặc trưng của người Việt Nam rất chuẩn xác, nhưng nó xuất phát từ Viện nghiên cứu con người Việt Nam của Hoa Kỳ. Có thể của Chính phủ hoặc của nhóm người dân nào đó yêu thích và có nhu cầu tìm hiểu, chứ không phải do chính phủ áp đặt người dân họ học một cách phổ quát trong giáo dục như chúng ta đang định làm.
Tiếng Việt, là chữ quốc ngữ, xuất hiện sau tiếng Nôm và trước đó là tiếng Hán. Chúng ta bị đô hộ đến 1.000 năm bởi giặc phương Bắc, nhưng có khi nào chúng ta bị đồng hoá hay trở nên yêu thích họ không? Chúng ta vẫn chống lại họ và vẫn ngoại giao với họ. Vẫn đánh bại họ trong nhiều trận chiến lịch sử. Nhưng chúng ta có khi nào lo chúng ta bị đồng hoá chỉ vì tiếng Hán không? Chứ Quốc ngữ bây giờ sử dụng ký tự Latin và xuất hiện do một giáo xứ người Pháp (Alexsandre De Rhodes) truyền thụ vào xứ An Nam. Và chúng ta tiếp thu vì sự thuận tiện của nó trong giao tiếp, trao đổi, ghi chép. Và chúng ta hiện đang muốn học tiếng Anh để biến nó trở thành ngôn ngữ thứ hai của quốc gia sau tiếng Việt, như Singapore đã làm. Vậy chẳng lẽ chúng ta cũng lại lo sẽ bị Tây hoá và mất hết bản sắc của dân tộc mình?
Chúng ta hãy tách bạch nhiệm vụ của giáo dục và mục đích của chính trị trong việc này. Đây chính là vấn đề tư duy cốt lõi mà chúng ta không bàn đến, trong khi lại cứ luận tranh và phân bua những thứ rất bề nổi và hời hợt. Và ngay cả nền giáo dục còn bị chi phối quá nặng về chính trị thì việc học tiếng Hán hay tiếng gì khác sẽ không phải thẩm chức của người dân. Nên điều đầu tiên là chúng ta phải có quyền quyết định về các vấn đề quốc gia đại sự cái đã.
Lúc đó, chúng ta sẽ rõ những gì phải làm và thấy được hiệu quả cũng như hậu quả của nó, một cách hữu hiệu và đáng giá nhất.
Ảnh: sinh viên Hồng Kông biểu tình vẫn dùng chữ Hán để phản đối chính quyền Bắc Kinh thò tay vào xã hội họ.
Luân Lê

BIỂN VẮNG


Cửa Việt, Quảng Trị. Nơi vài hôm trước, các quan Bộ Tài nguyên- Môi trường cởi áo tụt quần ngâm chim phưỡn bụng. Giờ vẫn không một bóng người.
Độc một ông khách. Lỡ cởi áo tụt quần, nhưng ngồi co gối, không dám thò chân xuống nước.
Bãi Nhật Lệ, Quảng Bình. Nơi còn tấm bia đá khắc hàng chữ kỷ niệm ngày xưa ông Bác Hồ về đây tắm biển. Giờ cũng chẳng nhìn thấy ai. Bàn ghế hàng quán thì xếp bó lại hết, không ma nào đến.
Xem ra, thời giờ đâu còn "quan làm dân bắt chước". Ông Bác Hồ giả dụ còn sống, lại đến đấy, cởi áo tụt quần lao ra biển, chắc gì dân đã nghe theo.






ảnh và bài FB Trương Duy Nhất

Get paid to share your links!