Friday, August 26, 2016

Cá biển miền Trung chứa độc chất Cyanur, Cadimi

Một cảng cá ở thành phố ven biển miền Trung Đà Nẵng ngày 2/6/2009.
AFP photo
Những độc chất Cyanur, Cadimi vẫn được phát hiện trong nhiều mẫu cá biển ở miền Trung, nơi bị nhiễm độc bởi hóa chất thải ra từ nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh.
Truyền thông trong nước hôm nay loan tin về cuộc họp báo của Cục An toàn Thực Phẩm, Bộ Y Tế vào chiều hôm qua. Thông tin được nêu ra tại cuộc họp là tỷ lệ số mẫu cá bị ô nhiễm kim loại nặng được cơ quan chức năng phát hiện là hơn 25% vào tháng 7; đến trước ngày 22 tháng 8 vừa qua, giảm xuống chỉ còn 5,5%.
Còn theo báo cáo kết quả của Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm quốc gia gửi cho Bộ Y tế thì trong 9 mẫu cá mà Chi cục An toàn Vệ sinh Thực Phẩm Hà Tĩnh gửi ra vẫn phát hiện Cadimi, Cyanur trong một số mẫu.
Hôm nay, ông Nguyễn Thanh Phong, cục trưởng Cục An toàn Thực Phẩm, Bộ Y tế lên tiếng cho rằng bộ này sẽ chịu trách nhiệm trước thủ tướng về vấn đề sức khỏe của người dân. Vào đầu tháng 9 sẽ công bố kết quả đợt 1 về độ an toàn của thủy hải sản. Hôm qua, cơ quan này nói chậm nhất là vào cuối tháng 8 sẽ thực hiện việc này.
Theo RFA

VN có dám công khai hành động đưa tên lửa ra Trường Sa?

Từ ‘thông tin tình báo’…
Vào tháng 8/2016, hãng tin Anh Reuters đã đẩy thể chế đối ngoại của Việt Nam vào thế không hề êm dịu khi dẫn từ một “thông tin tình báo”, cho thấy Hà Nội đã vận chuyển các giàn phóng tên lửa từ đất liền tới 5 căn cứ ở quần đảo Trường Sa trong những tháng gần đây, một động thái có thể gây căng thẳng với Bắc Kinh.
Sau phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) vào tháng 6/2016 bác bỏ “đường lưỡi bò 9 đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông, những tờ báo thuộc phái “Diều hâu” của Trung Quốc như Hoàn cầu Thời Báo một lần nữa như muốn phát điên, nhưng lần này không sẵn sàng lao vào công kích PCA, mà hằn học đe dọa Việt Nam đã “sai lầm khủng khiếp” khi đưa tên lửa ra Trường Sa.
Vậy có đúng là Việt Nam đã “sai lầm khủng khiếp” vì đưa tên lửa ra quần đảo Trường Sa? Hay đây chỉ là một tin tức thiếu căn cứ hoặc đậm cảm tính?
Yếu tố đầu tiên đáng tin cậy là trên Reuters, bài phóng sự đặc biệt của phóng viên Greg Torode đã dẫn nguồn tin từ giới chức phương Tây, gồm các nhà ngoại giao và quan chức quân đội (không biết của nước nào) về những giàn phóng của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, không có thông tin cho biết Reuters từng bị sai sót hoặc bị “hố” khi đưa những tin tức quan trọng về chính trị và quân sự quốc tế.
Tuy nhiên vẫn có những chuyên gia trên thế giới tỏ ra hoài nghi về độ xác thực của tin tức nóng rẫy nói trên. Ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington nói ông không thể xác nhận mà cũng không phủ nhận tin của Reuters nói rằng Việt Nam đã triển khai giàn phóng tên lửa hoặc các hệ thống tên lửa khác ra Trường Sa. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài VOA-Việt ngữ hôm 12/8, ông Poling nói:
“Tôi không thể xác nhận bất cứ điều gì về các giàn phóng tên lửa của Việt Nam. Tất cả những gì mà chúng ta có là một bản tin duy nhất của Reuters dẫn lời các giới chức không cho biết danh tính, nói rằng Việt Nam đã chuyển tên lửa ra đó. Chúng tôi không có hình ảnh vệ tinh nào khả dĩ có thể xác nhận thông tin ấy. Và dù cho tin này có thực đi chăng nữa, nếu các giàn phóng được che kín thì lẽ dĩ nhiên là chúng tôi không thể xác nhận bằng hình ảnh vệ tinh là có các giàn phóng tên lửa ở đó.”
Nhưng chuyên gia này lại nêu ra một số câu hỏi cùng cách lật ngược vấn đề đáng chú ý: “Tôi chỉ có thể nói Việt Nam không chối bỏ là họ đã triển khai các giàn phóng tên lửa hoặc các hệ thống tên lửa khác tới Trường Sa. Họ chỉ nói rằng bản tin của Reuters không chính xác. Liệu ý của họ là Reuters không chính xác bởi vì bản tin tường thuật sai về loại tên lửa được sử dụng, hoặc vì các số liệu của Reuters không chính xác, nhưng điều đó không thay đổi sự thực là, có leo thang quân sự trong khu vực bởi vì Trung Quốc đã xây đủ các hangar (tức các nhà chứa máy bay) cho các phi đoàn của họ trên 3 đảo. Thì cũng dễ hiểu thôi nếu các nước khác cũng đòi chủ quyền Biển Đông cảm thấy họ cần phải tăng cường khả năng phòng thủ của họ.”
Vào đúng ngày 17/2 năm 2016, như một cách kỷ niệm 37 năm ngày khởi động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam ở biên giới phía Bắc, Trung Quốc đã bố trí phi pháp 8 tên lửa đất đối không HQ-9 và 1 hệ thống radar trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những hình ảnh vệ tinh do hãng ImageSat International (ISI) chụp đã chứng minh rất rõ vụ việc này.
Chuyên gia Poling đã nói lời thanh minh thay cho Việt Nam. Quả thực, nếu hồi năm 2015 phía Trung Quốc đã đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm, có lẽ gì mà Việt Nam không thể làm điều tương tự ở phía ngược lại?
Đến khẩu khí ‘lạ’ của tướng Vịnh
Mặc dù chưa thể khẳng định được hoặc rất khó khẳng định về sự hiện diện của những giàn phóng tên lửa của Việt Nam ở Trường Sa, nhưng lại có một cơ sở khác cho thấy độ xác tín cao hơn về sự hiện diện này: Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, nói với Reuters tại Singapore hồi tháng Sáu rằng Hà Nội không có giàn phóng tên lửa hay vũ khí như thế tại Trường Sa nhưng bảo lưu quyền thực hiện bất kỳ biện pháp nào.
"Di chuyển bất kỳ loại vũ khí nào đến bất kỳ khu vực vào bất kỳ lúc nào trong vùng lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi là quyền hợp pháp của chúng tôi," ông Vịnh gián tiếp xác nhận.
Có thể giới quan sát quốc tế không mấy biết đến cái tên Nguyễn Chí Vịnh. Nhưng nhiều người ở Việt Nam lại đã hiểu rõ thái độ lấp lửng cố hữu dài của viên tướng 3 sao này. Dưới thời Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, tướng Vịnh còn bị một số dư luận cho rằng “có yếu tố thân Trung Quốc”. Biểu hiện rất dễ nhận ra của Nguyễn Chí Vịnh là trong hầu hết những cuộc “đối ngoại” với giới quân sự và các lãnh đạo Bắc Kinh, ông Vịnh luôn sử dụng một loại văn phong mô tả bầu không khí “Bốn tốt” lẫn “Mười sáu chữ vàng”, thậm chí cả vào lúc tàu hải cảnh Trung Quốc công khai tấn công các tàu cá và giết hại ngư dân Việt Nam.
Tuy nhiên trong cuộc trả lời phỏng vấn với Reuters tại Singapore, "Di chuyển bất kỳ loại vũ khí nào đến bất kỳ khu vực vào bất kỳ lúc nào trong vùng lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi là quyền hợp pháp của chúng tôi" là một khẩu khí “lạ” của tướng Vịnh. Nghĩa là trước đây viên tướng luôn rụt cổ về quan điểm đối ngoại chưa từng có những ngôn từ như thế.
Chính khẩu khí mới nhất của tướng Vịnh đã củng cố thêm cơ sở về sự hiện diện, hoặc ít ra trên phương diện nghi binh chiến thuật, của những giàn phóng tên lửa của Việt Nam ở Trường Sa.
Và Việt Nam sẽ còn phải làm gì?
Có ‘phục hồi nhân phẩm’?
Nếu đã công khai đặt tên lửa ở đảo Phú Lâm để từ đó khống chế một phần Biển Đông, Trung Quốc sẽ chẳng mấy ngần ngại chọn Việt Nam như một mắt xích yếu nhất và hèn nhất trong khu vực những quốc gia Đông Nam Á để tạo nên một cuộc xung đột quân sự mang tính răn đe đối với Mỹ và những nước còn lại, đặc biệt sau phán quyết PCA quá bất lợi cho tác giả của “đường lưỡi bò 9 đoạn”.
Nghịch lý trớ trêu và cay đắng là dù được xem là quốc gia có lực lượng quân sự hùng hậu nhất Đông Nam Á, nhưng Việt Nam còn lâu mới vươn kịp thế đứng thẳng của nhà nước Philippines khi dám kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế và đã thắng kiện.

Giới lãnh đạo Việt Nam lúc nào cũng co rúm trước Trung Quốc như thỏ trước sói. Cay đắng không kém là sau phán quyết PCA, cho đến nay Việt Nam vẫn giữ thái độ im lặng đậm nét nhược tiểu cùng tư thế đánh võng không ngừng nghỉ giữa Trung Quốc, Mỹ và cả Nga. Phụ họa cho tâm thế á khẩu ấy là một luận điểm không chê vào đâu được của giới ngoại giao và tuyên giáo Việt: “Tọa sơn quan hổ đấu” và “Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi”.

Chuỗi logic của tư thế ẩn nấp tối đa như thế đã dẫn đến hậu quả là Hà Nội cùng Bộ Quốc phòng Việt Nam bị một vố đau điếng: ai đó đã bật mí về những giàn phóng tên lửa mà Việt Nam đang giấu giếm cho Reuters và buộc Việt Nam phải lộ diện trước cú phủ đầu hờm sẵn của Trung Quốc.
Bây giờ thì chẳng còn trốn đi đâu được!
Ngay bây giờ, thái độ hèn nhược của Việt Nam chỉ có cơ may “phục hồi nhân phẩm” nếu chính thể này dám đứng lên và công khai xác nhận hành động đưa tên lửa ra Trường Sa, nếu quả có việc ấy.
Phạm Chí Dũng

Phẩm giá của ông Bộ trưởng Bộ TNMT qua những phát ngôn và hành động.

ảnh internet

Tại hội nghị Báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế sáng ngày 22/8/2016 ở Quảng Trị, Bộ trưởng Bộ TNMT - ông Trần Hồng Hà trả lời trước báo giới: “biển miền Trung hoàn toàn có thể tự làm sạch, tự đào thải độc tố”. (1)
Đây là câu nói vô trách nhiệm nhất của một quan chức đầu ngành môi trường. Toàn bộ quyết tâm lẫn niềm tin chính trị của ông Bộ trưởng cuối cùng đều trông chờ vào tự nhiên, vào quy luật của đất trời.
Còn nhớ ngày 28/4/2016, sau khi thảm hoạ cá chết xảy ra đã 3 tuần tại 4 tỉnh ven biển miền Trung, ông Trần Hồng Hà trong buổi làm việc tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã có lời “nhận khuyết điểm” trước sự chậm trễ, lúng túng của các cơ quan chức năng cùng ngành. Ông Bộ trưởng thậm chí còn mạnh miệng khẳng định: “Đặc biệt là đối với pháp luật VN thì hệ thống xả thải, ống thải ngầm là không cho phép... ngay tới đây Formosa phải đưa đường ống ngầm này lên để thuận tiện cho việc theo dõi, giám sát” (2)
Kết quả của việc “nhận khuyết điểm” của ông Bộ trưởng là Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh nối gót ca bài ca “tự kiểm điểm”. Kỷ luật ai bây giờ khi ông Nguyễn Phi Quang - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho rằng: “Để đưa ra hình thức kỷ luật cần phải có sự phân cấp. Trường hợp tổ chức, cá nhân thuộc thường vụ tỉnh ủy thì tỉnh ủy sẽ xem xét để Ủy ban kiểm tra vào cuộc. Những đơn vị, cá nhân thuộc ủy ban tỉnh, các sở, ủy ban huyện... thì tùy theo thẩm quyền sẽ tự xử lý” (3)
Pháp luật có quy định rất rõ rang giờ đã trở thành mớ giấy lộn sau màn “nhận khuyết điểm” và “tự kiểm điểm” của các quan chức.

Khi cơn giận dữ của người dân nguôi dần trong sự im lặng kéo dài khó hiểu của hệ thống cai trị, một lần nữa ông Bộ trưởng Bộ TNMT lại trỗi lên ghi công với tâm sự “Tôi vừa trải qua 84 ngày căng thẳng nặng trĩu”. Cũng trong bài phỏng vấn này, ông Trần Hồng Hà thừa nhận: “chất thải của Formosa Hà Tĩnh đã trộn với nhau ra một hợp chất phức. Hợp chất này nặng hơn nước biển, chìm xuống đáy và hút các chất độc hại phenol, xyanua vào nó. Chúng ta hình dung một cách đơn giản là nó như một tấm chăn khổng lồ chứa độc cứ thế trôi ngầm theo dòng hải lưu, đi đến đâu sẽ làm xảy ra các phản ứng hóa học ở đó và khiến cá ở tầng đáy chết hàng loạt.” (4)
Không có giải pháp, không có câu trả lời cụ thể cho toàn dân khi nào tắm biển được, khi nào cá ăn được, và khi nào thì đời sống của người dân mới trở lại được bình thường.
Lại thêm vài tháng chờ đợi, cuối cùng ông Bộ trưởng quyết định cởi trần tắm biển dưới mưa để cứu lấy “phẩm giá của biển”. (5) Và rất tiếc, hành động “tắm cho dân tôi tin” của ông không thể khẳng định rằng biển đã an toàn khi chất độc vẫn tiếp tục tìm thấy trong các mẫu cá được đưa đi xét nghiệm. (6)
Câu hỏi đặt ra ở đây, khi các quan chức kéo nhau diễn trò mở hội nghị, phát động phòng trào làm sạch biển, kêu gọi người dân ăn cá, tắm biển tại Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế... Không một ai đến tận Vũng Áng để tận mắt xem dân sống ra sao, khổ sở với đống gạo cứu trợ mốc meo và thiếu nước sạch sinh hoạt thế nào?
Với tuyên bố “Chúng ta có thể khẳng định rằng, môi trường tự nhiên cũng như biển miền Trung hoàn toàn có thể tự làm sạch, tự đào thải độc tố” của ông Bộ trưởng Bộ TNMT, các cơ quan chức năng, các trung tâm và viện nghiên cứu môi trường nên tự giải tán bởi không cần phải làm gì do có "cơ chế tự nhiên kiểu tự làm sạch, tự đào thải".
Từ hành động “nhận khuyết điểm” trước sự chậm trễ, lúng túng của các cơ quan chức năng cùng ngành cho có lệ bước sang chẳng cần phải làm gì cả trước hệ luỵ của chất thải Formosa vì môi trường sẽ tự phục hồi quả là một bước tiến... nhảy vọt. Có gì thì lôi "đồng chí" biển ra mà kiểm điểm nếu nó chậm trễ, lúng túng trong "quy trình" phục hồi.
Sau phi vụ mặc cả “500 triệu đô”, một lần nữa công chúng được thấy rõ sự vô trách nhiệm của quan chức trong khi xử lý thảm hoạ thảm hoạ môi trường. Các phát biểu vô trách nhiệm, phản khoa học tương tự sẽ còn diễn ra dài dài bởi cơ chế đảng nằm ngoài quy định của pháp luật.
Một lần nữa, người ta có thể nhận thấy phẩm giá của ông Bộ trưởng chỉ là con số âm qua các phát ngôn và hành động thực tế.
Tại sao là con số âm? Nó sẽ khá hơn âm, sẽ ở con số 0 nếu ông ta không nói gì cả, không buông lời “biển miền Trung hoàn toàn có thể tự làm sạch, tự đào thải độc tố” và không cởi trần xuống tắm biển để... cứu lấy “phẩm giá của biển” và cũng để lộ ra cái phẩm giá cần phải che giấu của mình.
- Mẹ Nấm -


Link tham khảo:


Get paid to share your links!