Friday, August 19, 2016

Khi tòa nhà 'sụp' mà chưa 'đổ'

Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12.
Sắp đến ngày kỷ niệm lần thứ 71 cuộc "cướp chính quyền 19/8" và "ngày Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945". Trong nước sẽ có kỷ niệm ồn ào, trống dong, cờ mở, mít tinh hội hè, pháo bông, liên hoan, thả tù nhân trước thời hạn. Nhưng sao lòng dân không thật là vui, không thật là mừng, và còn không ít người buồn nản, đau xót khi thấy 71 năm là thời gian rất dài mà độc lập chưa vững chắc, tự do còn xa vời, đất nước "cao tuổi" mà vẫn "không chịu phát triển", phải nỗ lực ghê gớm 20 năm nữa mới may ra theo kịp mức sống của người dân Thái Lan hiện nay.
Cái mất về thời gian của một đất nước, một dân tộc so với các nước quanh ta thật đau lòng đứt ruột. Chế độ chính trị chân chính phải là chế độ kiến tạo dân chủ, kiến tạo phát triển trong luật pháp, kiến tạo bình đẳng xã hội, kiến tạo hạnh phúc cho toàn dân chung hưởng.
Nhà nước cộng sản trong hơn 70 năm qua đã phá nhiều hơn xây, mang lại bất công vượt xa thời Pháp thuộc, nhà tù nhiều hơn trường đại học, y tế suy đồi, giáo dục lạc hậu, nợ quốc gia chồng chất, biên giới bị xâm phạm, tham nhũng càng chống càng tràn lan. Có thể nói tòa nhà cộng sản đã bị dột nát, xiêu vẹo, sâu mọt ăn từ mái đến móng nhà, các cột trụ đều mọt ruỗng, người trong nhà cảm thấy tù túng, ngột ngạt không thở nổi. Cô giáo Trần Thị Lam ở Hà Tĩnh than thở: Đất nước ta kỳ quá, lạ quá, buồn quá, sẽ đi về đâu? Cô trí thức Từ Huy từ đất Pháp đặt câu hỏi quặn lòng: Chúng ta còn chịu sống như thế này đến bao giờ?
Điều trớ trêu là ai cũng thấy tòa nhà chế độ này đã tàn tạ đến cùng cực, mái dột, tường nứt, cột mọt, không khí trong nhà sặc mùi tử khí của chiến tranh, ngư dân bị thế lực bành trướng giết hại, xác tôm cá chết la liệt, vậy mà nó không chịu sụp đổ hẳn để toàn dân cùng nhau bắt tay vào việc xây dựng tòa nhà mới – chế độ mới dân chủ, đa nguyên, một nhà nước pháp quyền hiện đại, trong sạch, minh bạch, trong đó mọi người sống bình đẳng trong tình thương yêu đùm bọc nhau.
Có thể nói vấn đề cơ bản của đất nước ta hiện nay là có dám phá tòa nhà cũ kỹ, mục nát hay không để chung sức xây một tòa nhà mới đơn giản, có nền móng vững chãi, bền chặt, vĩnh cửu.
Tình hình đã xấu đến độ mọi người đều có thể nhìn rõ sự thật, không thể hài lòng với những biện pháp chắp vá nửa vời, nói "đổi" mà không "thay", nói "mới" mà còn tệ hơn cũ. Một số hiện tượng tiêu biểu mới nhất củng cố thêm nhu cầu phá bỏ hẳn tòa nhà cũ. Bà Chủ tịch Quốc hội sau khi tuyên thệ, chửi mắng thẳng toàn dân: "Đã làm gì cho đất nước hay chỉ gây rối loạn?" và ông Thủ tướng - mà dân địa phương Quảng Nam coi là "đại gia tư bản đỏ" - mang một đoàn hơn 50 xe bảng xanh bóng lộn, ngang nhiên xông vào con đường chính dành cho người đi bộ và khách du lịch, cấm xe cơ giới. Thế là độc đoán, độc đảng, độc chiếm đường dân. Coi nhân dân là ruồi muỗi, coi luật pháp là giẻ rách. Bao giờ các quan lớn nhà ta mới có tác phong bình dân, tự nhiên như ông Obama vào ăn phở như mọi người dân ở Hà Nội, đi mua bánh mì McDonald’s buổi sáng mở ví riêng trả tiền ở thủ đô Washington. Hay như Bác sỹ Kha Văn Triết, Thị trưởng thủ đô Đài Bắc / Đài Loan, đi làm bằng xe mêtrô công cộng, không đi xe công, cũng không cần một bảo vệ nào đi theo. Đó mới là tác phong viên chức hiện đại thời dân chủ chân chính, tự tin, gần dân, tôn trọng phép nước như một công dân bình thường. Không như các quan lớn cộng sản kiểu "trọc phú nhà quê" hãnh tiến khi vớ được cái chức hương lý giữa đình làng, rung đùi vểnh râu với đặc quyền đặc lợi là chai rượu và cái thủ lợn.
Chế độ đã suy, suy đồi, suy thoái toàn diện, không thể sửa chữa chắp vá, sửa chỗ này thì chỗ khác vỡ nát từng mảng lớn, chỉ uổng công vô ích. Nguyện vọng cháy bỏng hiện nay của toàn dân, trong đó có không ít đảng viên lương thiện ở cơ sở, gắn bó với nhân dân là tự mình đánh sập tòa nhà cũ kỹ, bị ô nhiễm, để tự mình xây dựng một ngôi nhà mới hiện đại, văn minh.
Bùi Tín

Lũ Chết Tiệt!


.
Ngay sau vụ việc nổ súng xảy ra tại Văn phòng tỉnh ủy Yên Bái, sáng nay (18/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp lên Yên Bái nắm tình hình, làm việc với lãnh đạo tỉnh và chỉ đạo giải quyết vụ việc. Trước mặt các lãnh đạo tỉnh còn sống sót, ông nói:

- Tôi đã từng chỉ đạo....
Lập tức giám đốc công an tỉnh bật dậy, nhanh nhảu ngắt lời:
- Dạ, anh đã chỉ đạo rằng "Ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả" ạ. Lần này tỉnh chúng em đã đi đầu cả nước trong việc thực hiện chỉ đạo "bắn trúng" ạ.
Lừ mắt nhìn kẻ lắm mồm, bực tức thủ tướng tiếp tục:
- Tôi đã chỉ đạo....
Lại ngay lập tức, một đồng chí trong tỉnh ủy Yên Bái vọt dậy chặn họng:
- Dạ, anh đã chỉ đạo rằng: 'Nhân tài ở bìa rừng, góc núi cũng phải được trân trọng' ạ. Dạ, thằng Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh em quả là tài năng nơi xó núi, nó bắn không trật ra ngoài phát nào. Cỡ xạ thủ súng ngắn Olympic Hoàng Xuân Vinh phải gọi bằng cụ ạ. Có lẽ mình nên tôn vinh nó cho xứng đáng anh ạ.
Hết chịu nổi, thủ tướng đập bàn quát:
- Lũ chết tiệt!
Ngay lập tức, giám đốc bệnh viện tỉnh đứng phắt dậy tiếp lời:
- Dạ, anh dự đoán như thần ạ. Theo các bác sỹ bệnh viện em báo cáo thì tất cả đều đã chết tiệt, không cứu được ai cả ạ...
FB Vũ Kận Veo

Thursday, August 18, 2016

Thảm hoạ Formosa Hà Tĩnh: Tội ác mang tên Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Sự vô cảm, vô trách nhiệm khó chấp nhận của nhà lãnh đạo tối cao
Thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra bắt đầu bùng phát ở Miền Trung từ đầu tháng 4/2016. Vụ việc chấn động nhân tâm này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu người Việt, khiến công chúng trong cả nước đi từ bất ngờ đến hoang mang lo lắng và phẫn nộ.
Trong bối cảnh đó, ngày 21 & 22/4/2016, TBT Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh. Những tưởng người đứng đầu hệ thống chính trị ở Việt Nam sẽ thăm hỏi, động viên hàng vạn đồng bào bỗng nhiên bị lâm vào cảnh dở sống dở chết trước khi đưa ra những quyết sách hợp tình, hợp lý nhằm giải quyết hậu quả, ổn định tình hình. Nhưng không, trong suốt hai ngày trời trên đất Hà Tĩnh, ngài TBT đã không hề hé răng lấy nửa lời về thảm hoạ khủng khiếp đó, chẳng thèm ngó ngàng gì đến đám dân đen khốn khổ trong khi vẫn điềm nhiên đến Vũng Áng để “kiểm tra tiến độ” dự án Formosa Hà Tĩnh.
Rời khỏi Hà Tĩnh, ông ta lại tiếp tục im thin thít về vụ việc. Hơn ba tháng sau, trong Hội nghị tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp diễn ra ngày 18/7, lần đầu tiên ông ta mới nhắc đến sự vụ đang khiến dư luận sục sôi kia khi phát biểu: “Sự cố cá chết… gây khó khăn cho công tác bầu cử” (!). Câu phát ngôn lạnh lùng, vô cảm đó nhanh chóng trở thành đề tài đàm tiếu của dân chúng.
Sự bàng quan, vô cảm đến mức không thể chấp nhận được của nhà lãnh đạo quốc gia lại càng khiến người ta phải đặt câu hỏi về trách nhiệm của ông ta trong vụ thảm hoạ môi trường thế kỷ này.
Ai là “cha đẻ” của Formosa Hà Tĩnh?
Như báo chí nhà nước đã loan tải, ông Võ Kim Cự, nguyên Phó Chủ tịch và về sau trở thành Chủ tịch UBND rồi Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, là một nhân vật chủ chốt liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh. Vai trò của ông Võ Kim Cự đã được báo chí nói đến nhiều; vì vậy trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin không bàn thêm. Tuy nhiên, theo mục (a) khoản (2) Điều 37 “Dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư” của Nghị định 108/2006/NĐ-CP “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư” do Chính phủ ban hành ngày 22/9/2006, việc phê duyệt dự án Formosa Hà Tĩnh thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở đó, ngày 4/3/2008, PTT Hoàng Trung Hải đã ký công văn hoả tốc số 323/TTg-QHQT “đồng ý chủ trương cho Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa - Đài Loan lập Dự án đầu tư nhà máy liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh”. Ngày 6/6/2008, ông Hoàng Trung Hải lại ký tiếp công văn số 869/TTg-QHQT “đồng ý việc Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại Khu Kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh”.
Dự án Formosa Hà Tĩnh hoàn toàn nằm trong phạm vi chức trách của ông Hoàng Trung Hải. Vì thế, không chỉ là người ký hai văn bản quan trọng nhất đưa đến sự ra đời của dự án, ông ta còn dành cho nó hàng loạt ưu đãi “vô tiền khoáng hậu”: miễn thuế tài nguyên với hoạt động hút cát san nền; chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH cho áp dụng cơ chế đặc thù, linh hoạt để đáp ứng việc đưa lao động nước ngoài vào dự án Formosa; cho phép Formosa hoàn tất các thủ tục theo quy định để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và hộ gia đình công nhân thuê hoặc mua, v.v. Vai trò của ngài PTT phụ trách kinh tế lớn đến mức tháng 6/2014, Formosa Hà Tĩnh còn gửi thẳng công văn cho ông ta để đề xuất thiết lập đặc khu kinh tế gang thép, mà không thèm gửi cho bất kỳ ai khác.
Trên thực tế, ông Võ Kim Cự chỉ là một phó chủ tịch tỉnh; một mình ông ta không thể đủ sức cho ra đời một dự án khổng lồ liên quan đến nhiều bộ ngành trong một khoảng thời gian ngắn kỷ lục với hàng loạt ưu đãi chưa từng có như thế. Đúng hơn, ông ta chỉ là một tay sai đắc lực nhằm thực hiện ý đồ của cấp trên. Xin dẫn ra đây hai bằng chứng: (i) Ngày 15/1/2008, Formosa gửi “Thư bảo đảm xin đầu tư xây dựng dự án cảng Sơn Dương và khu liên hợp gang thép tại Hà Tĩnh” cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và mặc dù đây là thư gửi cho Thủ tướng ở Hà Nội nhưng ngay hôm sau, từ Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đã ký công văn số 102/UBND/CN2 gửi Thủ tướng Chính phủ về dự án của Formosa; và (ii) Mặc dù bị công khai tố cáo nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng từ năm 2014 đến nay, nhưng ông ta vẫn cứ “bình chân như vại”, và ở tuổi 59 chuẩn bị nghỉ hưu, ông ta vẫn trở thành Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam và Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội khoá XIV.
Trách nhiệm của ông Nguyễn Phú Trọng trong hiểm hoạ Hoàng Trung Hải
Ngày 7/5/2007, tức trước thời điểm Quốc hội khoá XII thông qua thành phần nhân sự Chính phủ khoá mới gần 3 tháng, một số đảng viên cao cấp đã gửi Tâm Huyết Thư tố cáo lý lịch mờ ám của ông Hoàng Trung Hải đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng các ủy viên Trung ương Đảng khác. Lúc bấy giờ ông Hoàng Trung Hải là Bộ trưởng Công nghiệp và được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cử vào chiếc ghế Phó Thủ tướng trong Chính phủ nhiệm kỳ tới. Những người soạn thảo bức thư, trong đó có ông Nguyễn Bình Giang, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương, Trưởng đoàn Thẩm tra Lý lịch ông Hoàng Trung Hải, đã khẳng định: Ông Hoàng Trung Hải là người dân tộc Hoa bởi bố ông ta tên là Sì Sói, sinh ra và lớn lên ở Long Khê, Chương Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc, chứ không phải người Kinh như trong bản lý lịch man trá của ông ta.
Các tác giả bức Tâm Huyết Thư đã dùng những lời lẽ hết sức thống thiết để đề nghị các cấp lãnh đạo cao nhất trong hệ thống chính trị ngăn chặn một hiểm họa vô cùng lớn cho đất nước – đó là việc một người Hán trá hình được giao nắm giữ những vị trí đặc biệt quan trọng trong bộ máy.
Vậy nhưng, bất chấp tất cả, ngày 2/8/2007, Quốc hội khoá XII do ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch vẫn phê chuẩn ông Hoàng Trung Hải làm Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, vị trí quan trọng thứ hai trong Chính phủ, theo sự đề cử của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Chưa hết, từ ngày 21/4/2008 đến nay, tác giả bài viết này – Lê Anh Hùng – đã 75 lần gửi đơn thư qua mạng Internet tới đầy đủ các cơ quan hữu quan ở Việt Nam để tố cáo PTT Hoàng Trung Hải những tội ác khủng khiếp như giết người, buôn bán ma túy, trùm băng đảng, cung cấp tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia cho nước ngoài…
Do vụ tố cáo của tôi không được giải quyết nên ngày 2/12/2012, nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh đã được khởi công xây dựng với sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người bị tố cáo là tay sai đắc lực của ông Hoàng Trung Hải và đã ngồi xổm lên pháp luật khi bảo lưu thời hạn cho Formosa thuê đất 70 năm.
Nếu ông Nguyễn Phú Trọng thực hiện đúng chức trách Chủ tịch Quốc hội của mình, không phê chuẩn ông Hoàng Trung Hải vào vị trí Phó Thủ tướng do những sai phạm đã được nêu trong bức Tâm Huyết Thư thì chắc chắn sẽ không có Formosa Hà Tĩnh cũng như hàng loạt hiểm hoạ Trung Quốc khác trên đất Việt Nam mà “tác giả” chính là ông Hoàng Trung Hải.
Nếu ông Nguyễn Phú Trọng thực hiện đúng chức trách Chủ tịch Quốc hội khóa XII và Tổng Bí thư Đảng CSVN khóa XI, yêu cầu giải quyết vụ tố cáo của tôi một cách đúng pháp luật thì tất cả các dự án kinh tế nguy hiểm do ông Hoàng Trung Hải “đạo diễn”, trong đó có Formosa Hà Tĩnh, đều phải bị rà soát lại và tạm ngưng.
Với tư cách người đứng đầu Đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng phải chịu trách nhiệm chính khi ông Hoàng Trung Hải không những không bị xử lý mà còn lọt vào Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XII và trở thành Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Điều này cũng có nghĩa là hiểm hoạ Formosa Hà Tĩnh không thể được giải quyết rốt ráo chừng nào ông Nguyễn Phú Trọng còn ngồi trên chiếc ghế Tổng Bí thư.
Formosa Hà Tĩnh là thảm hoạ môi trường lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Không những thế, nó còn là đại hiểm hoạ về kinh tế và đặc biệt là an ninh - quốc phòng. Hậu quả do nó gây ra sẽ còn ảnh hưởng nặng nề tới nhiều thế hệ người Việt trong hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm nếu dự án nguy hiểm này vẫn tiếp tục tồn tại. Về mặt quân sự, nó chẳng khác gì mũi dao gí vào yết hầu đe doạ sự tồn vong của đất nước. Nó là chiến tích ngoạn mục của tập đoàn cướp nước Trung Nam Hải, thông qua “con ngựa thành Troy” Hoàng Trung Hải, song lại là tội ác muôn đời không thể gột rửa của bè lũ Việt gian tay sai mà TBT Nguyễn Phú Trọng là người phải chịu trách nhiệm cao nhất.
Lê Anh Hùng

Get paid to share your links!