Saturday, June 25, 2016

Chống tham nhũng: Ai chống ai?

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Phủ Chủ Tịch ở Hà Nội ngày 25 tháng Tư năm 2016.
 AFP PHOTO

Đảng cộng sản Việt Nam nhìn nhận tình trạng tham ô nhũng lạm, con ông cháu cha, đặc quyền đặc lợi, cánh hẩu, lợi ích nhóm đang làm uy tín của Đảng lung lay, nhân dân mất tin tưởng. Thế nhưng chống tham nhũng ở Việt Nam được ví von như một trận đánh với kẻ thù nghìn mặt nghìn tay, không có kết quả.
Việt Nam đã ban hành Luật Chống tham nhũng từ hơn 10 năm qua. Nhưng tình trạng tham ô nhũng lạm không hề giảm bớt mà ngày một thêm nhiều, nở rộ trên mọi lãnh vực. Trong vài năm qua, các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều sử dụng ngôn từ rất kêu như tham nhũng là giặc nội xâm, tham nhũng là nguy cơ diệt vong của đất nước. Nhưng nếu dựa vào xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế thì Việt Nam vẫn chưa có sự cải thiện, cả ba năm 2013, 2014 và 2015 điểm số về cảm nhận tham nhũng không nhúc nhích vẫn là 31/100, về thứ hạng thì năm ngoái Việt Nam xếp thứ 112/168 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chuyện tố cáo là rất nguy hiểm, như ông Tổng Cục chống tham nhũng cũng từng nói, mình muốn điều tra người ta thì người ta đã xử mình trước rồi.
- Luật sư Trần Quốc Thuận
Dư luận Việt Nam và Quốc tế từng cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng là người quyết tâm bảo vệ sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thành tích không tai tiếng về tham nhũng đã giúp ông ngồi lại chức Tổng Bí Thư thêm một nhiệm kỳ nữa. Giới đảng viên trung kiên và những người còn ủng hộ Đảng đã lóe lên hy vọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi củng cố quyền lực sẽ mạnh tay chống tham nhũng, thực hiện một hình thức như chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” bên Trung Quốc. Giới thạo tin từng nối kết sự kiện Tổng Bí thư ra lệnh cho 9 cơ quan Đảng và Nhà nước vào cuộc để làm rõ vụ xe Lexus tư nhân mang biển số công và quá trình điều chuyển công tác của một Phó chủ tịch tỉnh ở Hậu Giang. Vụ việc này dính líu tới Cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Tiếp ngay sau đó báo chí đồng loạt phanh phui một số việc được cho là sai trái của cựu Bộ trưởng, kể cả việc bổ nhiệm con trai ông là Vũ Quang Hải, một cán bộ 28 tuổi, quá trình công tác rất xấu vào một chức vụ lãnh đạo bổng lộc lớn ở Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Saigon (SABECO).
TS Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển IDS, từ Hà Nội nhận định:
“Ông Nguyễn Phú Trọng muốn học ông Tập Cận Bình để đả hổ diệt ruồi, nhưng tình hình ở Việt Nam khác với Tàu. Ông Nguyễn Phú Trọng khó có thể tập trung quyền lực một cách thô bạo như Tập Cận Bình để mà làm được những việc của một nhà độc tài khủng khiếp như ông Tập Cận Bình. Nhiều khả năng, đây cũng là những việc làm cho xì bớt những bức xúc của người dân, rồi đâu cũng vào đấy… vì nếu mà đả hổ diệt ruồi hết cả Việt Nam thì là họ tự dẹp họ, nói chung là không khả thi.”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cho là nhân vật có rất nhiều phát ngôn ấn tượng về chống tham nhũng. Hồi tháng 10/2014, ông Trọng có phát biểu ở Hà Nội gây nhiều chú ý, diệt chuột đừng để vỡ bình. Hàm ý diệt tham nhũng nhưng phải giữ được sự ổn định cho chế độ.
vu-quang-hai-1465978986.jpg
Giấy điều động Vũ Quang Hải làm thành viên Hội đồng Quản trị đại diện cho cổ phần nhà nước, kiêm chức phó tổng giám đốc Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Trong những dịp tiếp xúc cử tri Hà Nội, nhiều lần ông Nguyễn Phú Trọng đã được nghe những lời nhận xét ai oán. Điển hình như cử tri Nguyễn Khắc Thịnh phát biểu vào ngày 27/9/2013 khi gặp gỡ Tổng Bí thư. Theo VietnamNet, vị cử tri đứng tuổi đã nói xin dẫn nguyên văn:  “Trước đây chỉ là những con sâu đơn lẻ đục khoét xã hội, giờ là những con sâu đầy quyền lực, liên kết thành những nhóm lợi ích, thành những vòi bạch tuộc trong chính các cơ quan công nguyền, khiến người lương thiện e ngại, ngày càng ít ai dám đứng lên chống tham nhũng.”
Chung quanh chuyện chống tham nhũng ở Việt Nam, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Từ Saigon nhận định rằng, nếu thực sự muốn chống tham nhũng thì phải bắt đầu từ những người đương chức đương quyền. Ông nhắc lại vụ bê bối của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh Tra Chính phủ, bị báo chí phanh phui có nhiều bất động sản giá trị lớn và 5 tháng trước khi về hưu năm 2011, ông Truyền đã ký quyết định bổ nhiệm 60 cán bộ cấp vụ và tương đương, Luật sư Trần Quốc Thuận tiếp lời:
“Tôi nghĩ có làm thì làm ngay những người đương chức, hồi trước đã làm vụ ông Trần Văn Truyền nguyên Tổng Thanh Tra Chính phủ, nhưng thực tế bây giờ nếu rà soát thì bao nhiêu người có nhiều nhà cửa như ông Truyền, bao nhiêu người có tài sản ngổn ngang như ông Truyền, họ có hàng trăm, hàng nghìn tỷ, hàng mấy chục nghìn tỷ. Ở đất nước này người dân đều biết, nhưng họ chán rồi bởi vì những người chỉ ra cụ thể thì không có cơ chế để bảo vệ người tố cáo.
Chuyện tố cáo là rất nguy hiểm, như ông Tổng Cục chống tham nhũng cũng từng nói, mình muốn điều tra người ta thì người ta đã xử mình trước rồi. Hoặc là Phó Giám đốc Công an TP.HCM Thiếu tướng Phan Anh Minh cũng nói, muốn điều tra theo dõi thì phái báo cáo cấp này cấp kia đủ thứ… cho nên một cơ chế như thế thì những cuộc đấu tranh chỉ làm để tuyên truyền, chứ thực tế nó không mang lại kết quả gì.”
Ông Nguyễn Phú Trọng muốn học ông Tập Cận Bình để đả hổ diệt ruồi, nhưng tình hình ở Việt Nam khác với Tàu. 
- TS Nguyễn Quang A
Ông Nguyễn Phú Trọng, lấy lại chức Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng từ tay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2013. Tuy vậy ông đã không đạt kết quả gì đáng chú ý, lúc đó giới phân tích cho là ông không có đủ quyền lực, dù là Tổng Bí Thư. Các diễn biến thể hiện việc ông không đưa được ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng ban nội chính Trung ương vào Bộ Chính trị. Tiếp sau đó là cái chết bất ngờ của nhân vật được tiếng là nói thẳng nói thật, ông Nguyễn Bá Thanh từng thề bắt hết nhốt hết bọn tham nhũng.
Hiện nay trong nhiệm kỳ thứ nhì, theo giới phân tích chính trị Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã có được một Bộ Chính trị như ý muốn, hoặc ít nhất không có ai chống lại ông. Tuy vậy việc thực hiện lời hứa cùng  nỗ lực chống tham nhũng của ông cũng chưa rõ nét lắm.
Làm thế nào để có thể chống tham nhũng trong cơ chế chính trị một Đảng độc quyền ở Việt Nam, ở nơi không nhìn nhận nguyên tắc tam quyền phân lập. Luật sư Trần Quốc Thuận nêu ý kiến:
“Phải thực hiện những cam kết về nhân quyền, về các quyền chính trị kinh tế xã hội mà Việt Nam đã ký kết, Việt Nam bây giờ là thành viên của tổ chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Thực hiện đúng những công ước mà Việt Nam ký kết, làm đúng theo Hiến pháp qui định, đừng treo nó, thì tình hình có thể khá lên… vấn đề là có làm hay không làm mà thôi. Việt Nam có luật đầy đủ hết rồi, không thiếu đâu, nhưng mà ai làm mà làm ai và người ta thường nói ở Việt Nam là nếu chống thì ai chống ai…
Tham nhũng là gì, là người có chức có quyền mà ăn cắp ăn trộm, chiếm đoạt tài sản của nhà nước thì gọi là tham nhũng, cần nhớ là người đang có chức có quyền… nếu chống người có chức có quyền thì là mình chống mình…”
Báo chí và chuyên gia từng nói chống tham nhũng ở Việt Nam mang tính cách hình thức và không thực chất. Thực tế rất đơn giản, để có thể thực hiện hành vi tham nhũng, thì cần có sự chống lưng, bao che, chia chác với cấp cao hơn. Ở Việt Nam các vụ án tham nhũng chỉ thấy những cán bộ, công chức cấp nhỏ hoặc cấp trung bị đem ra xử và không thấy truy xét trách nhiệm liên đới tới cùng. Giới phản biện nhận xét trên mạng xã hội rằng, Việt Nam chỉ có thể đập vài con ruồi lẻ tẻ, chưa thể diệt ruồi hàng loạt và hoàn toàn không có khả năng đả hổ.
Theo RFA

Tìm thấy 4 thi thể phi hành đoàn chiếc Casa- 212


ảnh mang tinh minh hoạ

Việt Nam loan báo tìm thấy 4 thi thể được cho là thành viên phi hành đoàn 9 người đi trên chiếc Casa- 212 bị rơi trong phi vụ tìm kiếm cứu hộ máy bay tiêm kích Su 30MK2 đã lâm  nạn 2 ngày trước đó.
Cả 4 xác của người xấu số được tìm thấy cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 28 Km.
Bản tin trên website của Bộ Quốc Phòng cũng cho biết về tin vừa nói, đồng thời loan báo đang tiến hành trục vớt các bộ phận của máy bay Casa-212 mất tích trên vùng biển gần đảo Bạch Long Vĩ.
Tính đến trưa hôm nay, các toán tìm kiếm cứu nạn trên tàu hải quân HQ-926 khởi sự trục vớt những bộ phận như động cơ, cánh quạt, đuôi và một phần thân của máy bay Casa-212 mang số hiệu 8983, là số hiệu của chiếc phi cơ lâm nạn.
Thi thể 4 thành viên phi hành đoàn cũng được tìm thấy trong quá trình trục vớt này, sau đó bàn giao cho các cơ quan chức năng để xác định danh tính.
Trước đó một ngày tức vào hôm thứ Năm tại Nghệ An, các toán tìm kiếm chiếc phi cơ Su 30MK2 cũng tìm được một số mảnh vỡ của chiếc phi cơ chiến đấu này ngay tại địa điểm cách đảo Hòn Mắt 5 hải lý về phía Đông Bắc.
Đây là vị trí mà những xác minh ban đầu đã khẳng định là khu vực phi cơ Su 30MK2 gặp nạn.
Theo RFA

Bí thư Đà Nẵng: 'Chưa doanh nghiệp nào đặt phong bì lên bàn tôi'


bi thu da nang doanh nghiep den lam viec dung cam theo phong bi
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cảnh báo cán bộ Đà Nẵng về chuyện vòi vĩnh phong bì.

Trong buổi đối thoại với hàng trăm doanh nhân, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND Huỳnh Đức Thơ đã có những phát biểu mạnh mẽ. 

Trong đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh đã cảnh cáo bộ máy công quyền Đà Nẵng về chuyện vòi vĩnh và khuyến cáo các doanh nghiệp gặp mình đừng đem theo phong bì.

Buổi đối thoại với doanh nghiệp diễn ra từ sáng đến tận đầu giờ chiều bởi rất nhiều ý kiến “nóng” được đưa ra trao đổi. Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bày tỏ sự trân trọng những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp góp phần xây dựng Đà Nẵng phát triển như hiện tại.

Ông cũng chia sẻ những thách thức, khó khăn và cho rằng các doanh nghiệp phải rất khổ cực để kiếm tìm lợi nhuận.

“Cán bộ đừng nhìn thấy doanh nghiệp người ta ăn mặc đẹp, có tiền mà nhũng nhiễu, hoạnh họe. Doanh nghiệp họ phải chảy máu mắt mới làm ra được đồng tiền”, Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh.

Tại buổi đối thoại, lãnh đạo Đà Nẵng cũng đã đưa ra cam kết đơn giản hóa 30 thủ tục hành chính ở tất cả các sở ngành. Thành phố sẽ cung cấp dịch vụ hẹn giờ giao dịch hành chính cho doanh nghiệp; đảm bảo doanh nghiệp chỉ đi lại một lần để nộp hồ sơ cũng như khi nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Xuân Anh đã đề nghị cán bộ Đà Nẵng cần coi thành công của doanh nghiệp là thành công của thành phố và phải có sự đồng cảm, chia sẻ. Đồng thời phải cắt giảm, đơn giản các thủ tục hành chính, nhất là thanh kiểm tra.

“Mỗi tuần mà các ông đến thanh, kiểm tra 2,3 lần thì doanh nghiệp nào chịu cho nổi”, Bí thư Xuân Anh nhấn mạnh.

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Chuyển giao công nghệ K&H cho rằng có một số cán bộ ngân hàng “đục nước béo cò”, làm khó doanh nghiệp khi họ gặp khó khăn.

Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã yêu cầu cơ quan chức năng tìm hiểu kỹ, có phương án xử lý để hỗ trợ doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp quan tâm và đề nghị TP Đà Nẵng kiểm soát chặt chẽ hoạt động du lịch, ‘xương sống’ của kinh tế thành phố.

Đặc biệt là việc khách du lịch Trung Quốc ngày càng tăng mạnh; các tuyến tour ngoại quốc dùng hướng dẫn viên nước ngoài, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ.

bi thu da nang doanh nghiep den lam viec dung cam theo phong bi
Ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Chuyển giao công nghệ K&H cho rằng một số cán bộ tín dụng “đục nước béo cò”.
Cũng trong buổi đối thoại, ông Võ Duy Khương, Chủ tịch điều phối mạng lưới khởi nghiệp cho rằng, 3 chỉ số gồm: Tiếp cận đất đai; Chi phí không chính thức; Chỉ số cạnh tranh bình đẳng; hiện đang làm sức cạnh tranh của thành phố giảm.
Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho biết vừa hạ bậc một Trưởng phòng xuống làm cấp phó vì lý do vòi vĩnh. Ông Xuân Anh cũng cho rằng Đà Nẵng đã rất nghiêm khắc và cảnh báo cán bộ công quyền cấm vòi vĩnh, gây khó dễ với doanh nghiệp.
“Chưa bao giờ có chuyện doanh nghiệp làm việc với tôi mà có 1 phong bì nào đặt trên bàn”, Bí thư Đà Nẵng khẳng định và cho rằng đó là một điều cấm kỵ.
Theo Petrotimes

Get paid to share your links!