Một bạn truyền đường link, đọc thấy quen quen, thì ra trước đây tôi đã chia sẻ bài của người này bởi kiểu lý luận một chiều, luôn "tích cực" và "tin yêu" mọi chính sách của nhà nước. Qua mấy năm, giọng văn vẫn thế.
Đây là bài viết của bạn ấy, một người được gọi là thầy, chắc là làm trong ngành giáo dục. Tôi sẽ bình luận từng đoạn cho các bạn dễ theo dõi:
“Có chút buồn và thất vọng nhưng vẫn kìm lòng để viết ra những điều tâm sự này.
Loáng mấy ngày nay có đề xuất đánh thuế tài sản với nhà trên 700 triệu. Face đã tràn ngập các bài share tiêu cực, chửi bới, báo chí viết bài lấp liếm mập mờ câu view, những trang phản động làm ra hàng loạt tiêu đề gây sốc, cả mớ thanh niên trai tráng hừng hực chưa làm được gì cho xã hội ngay lập tức đứng dậy kêu la.”
Luận điệu cũ rích, cứ phê phán chính sách của bộ máy là lập tức bị chụp là tiêu cực, phản động. "Tích cực" theo bạn ấy có nghĩa là hãy làm những con cừu đần độn, làm theo tất cả những gì bộ máy nhà nước đưa ra.
Còn câu “chưa làm được gì cho xã hội” thì quen quá rồi. Không ai là chưa làm được gì cho xã hội cả, bởi là công dân, mở mắt ra là phải gánh nợ công, một gói bỉm, một hộp sữa là bố mẹ đã phải đóng thuế khi mua về nhà. Đây là một kiểu nguỵ biện khá thô thiển, hòng bịt miệng người trẻ, dập tắt tư duy phản biện.
Mà một người chưa hề đóng góp gì cho xã hội thì vẫn có quyền tranh luận, lên án hay phê phán cái không đúng cơ mà. Bạn này nêu ra một điều không liên quan để đánh lạc hướng người đọc từ chủ đề chính.
“Tôi buồn cho một thế hệ truyền thông xấu xa và bẩn thỉu. Tôi buồn vì nhận thức chưa tới của các bạn tuổi thanh xuân, cảm giác như mọi thứ hoà quyện để tạo ra một điều tồi tệ kéo chìm tinh thần của cả một đoàn chiến binh tinh nhuệ nước nhà.”
Ôi, cái buồn của bậc vĩ nhân sao mà cao cả đến thế? Người dễ xúc động và cả tin có khi sẽ tưởng mình đang đọc kinh thánh cũng nên. Buồn cho cả một nền truyền thông, cho cả một thế hệ cơ mà. “Đoàn chiến binh tinh nhuệ nước nhà”. Thôi nào, đừng ru ngủ, mị dân nữa. Tinh nhuệ ở đâu và hồi nào vậy? Bạn Ngọc hãy tỉnh giấc và nói một câu thật thà đi nào.
“Chuyện thu thuế tài sản nó đâu phải là điều gì mới, trước kia đó là thu thuế từ căn nhà thứ 2, đất đai sử dụng sai mục đích,...nhưng công cuộc thu thuế này gặp rất nhiều rào cản và khó xác định nên không làm được triệt để. Hiện tại là đề xuất thu thuế từ căn nhà đầu tiên vì có người có 2 căn nhà nhỏ đã bị đánh thuế còn có người có căn nhà rất lớn thì lại không. Có bất cập nên cần khắc phục. Điều thứ hai chúng ta cần nắm rõ đó là đây mới là đề xuất, và còn xin ý kiến về mức con số 700 tr hay 1 tỷ.
Điều thứ ba cần nắm rõ đó là thu thuế phần dư, nghĩa là 800 tr thì phần thu thuế là 800 tr - 700 tr = 100 tr, chỉ có 100 tr cần xác định để thu thuế. 0.3% của phần dư đó.”
Lại một kiểu lý luận rất trẻ con. Vấn đề ở đây là xác định việc gì nên làm hay không nên làm, không phải khó hay dễ. Khó đến đâu mà cần phải làm thì làm. Khó không phải bởi công việc khó mà bởi cái đầu ngu dốt không tìm được giải pháp.
Thời đại công nghệ thông tin. Có một trăm cái nhà cũng xác minh được. Đã đánh thuế là đánh mọi căn nhà sẽ công bằng hơn là chỉ đánh thuế nhà đầu tiên. Chỉ đánh thuế nhà đầu tiên thì sẽ hại người nghèo, sẽ làm khoảng cách giàu nghèo càng rộng hơn. Tiếp nhé.
“Đó là về chuyện lý giải con số, điều đó quan trọng nhưng thực sự có điều khác quan trọng hơn khiến tôi buồn.
Đó là tư duy nghèo, nghe phong phanh về con số nhà 700 tr bị đánh thuế là bao người đã có tư duy nghĩ mình sẽ lách để tránh thuế bằng nhà nhỏ và mong muốn được làm hộ nghèo. Thực sự rơi nước mắt vì những suy nghĩ lạ kì. Vì tránh đóng thuế mà bó hẹp cả dự định tương lai. Không khác gì vì sợ mất đôi đũa mà bỏ cả mâm cơm quay về rừng ăn rau sống.”
Bạn này hơi thừa nước mắt. Nếu thế thì sẽ còn phải khóc rất nhiều đấy. Muốn kêu gọi sự chính trực, lòng trung thực từ người dân thì chính quyền và cán bộ trước hết phải gương mẫu về những phẩm chất này đã. Khi lòng tin đã không có thì người dân có quyền lo tiền thuế của mình sẽ không được dùng đúng chỗ và sẽ tìm mọi cách giảm chi phí thuế mình phải đóng. Đấy là điều tất nhiên.
Source: Give me a name for these games by Smallworld
“Những kẻ gào khóc kêu la rằng người dân nghèo bị bóc lột thuế má. Nhưng tôi chẳng hiểu bóc lột ở điểm gì?
Tôi chưa thấy nước nào tôn trọng người nghèo như ở VN. Người lao động thu nhập dưới 120 triệu/ năm đâu có bị đánh thuế xu nào?
Thuế nhà đất ở quê tính vài cân thóc một năm chẳng ai buồn đi thu.
Chỉ có người giàu kiếm được nhiều tiền mới là chủ đạo của thu thuế và đóng góp ngân sách.
Ai cũng biết mà thôi thừa nhận với nhau đi, dân ta thông minh nhưng dân ta khôn lỏi. Tôi cũng là dân và tôi thấy chẳng sai tẹo nào.”
Tôn trọng người nghèo? Có thực là người nghèo ở Việt Nam được tôn trọng không? Họ không bị đánh thuế thu nhập nhưng họ chịu thuế từ tất cả những sản phẩm họ dùng như cân gạo, lít xăng, chai nước mắm. Bạn đã nghe chuyện người dân bị thu cả giường nằm, thu cả con trâu là công cụ lao động bởi thiếu thuế chưa?
“Chúng ta thông minh nhưng toàn dùng cái thông minh để lách, luật ta đến đâu là tìm cách né đến đó.
Việc thu thuế tại VN là rất khó để đi vào chi tiết và triệt để, nhưng có một điều rất hay và đúng đắn đó là người giàu làm ăn càng giàu càng phát đạt thì chỉ có mua BĐS và mua xe hơi chứ còn làm gì được nữa đâu.
Chính vì vậy có một con đường để thu thuế hiệu quả với người giàu đó là đánh thẳng vào xe hơi và BĐS. Ông càng giàu ông mua xe càng xịn và như chiếc RollRoyce Mặt trời phương đông có giá 83 tỷ thì trong đó có hơn 50 tỷ là tiền thuế. Bởi vì ông đã kinh doanh có hàng nghìn tỷ thì ông mới mua xe 83 tỷ. Tôi thu thuế xe là gộp cả những phần quá khứ tôi chưa thu được.
Chính vì thế xiết chặt xe và BĐS là cách thức kiểm soát thuế tốt nhất và cũng là một phần lý do bạn hiểu tại sao thuế xe ở VN rất cao so với thế giới.
Quản trị người Việt tôi nghĩ rằng chỉ có người Việt mới hiểu, chứ có Obama sang VN cũng bó tay.
Có những cái rõ ràng tiểu tiết nó có vẻ không đúng nhưng về tổng thể thì nó là rất đúng. Và tôi thấy đó là sự tài tình của những nhà hoạch định chính sách. Và cũng không phải tự nhiên các nước Lào, Campuchia sang VN bồi dưỡng chính trị vì người Đông Nam Á có nét tính cách tương đồng nhau.”
Lại tự sướng. Tài tình về hoạch định chính sách? Lào, Campuchia sang học Việt Nam? Bạn nằm mơ chắc? Việc này là từ xưa rồi, giờ họ gửi người đi học ở Mỹ, Nhật, sang VN làm gì?
Tôi không phân biệt đánh thuế vào tầng lớp nào của xã hội. Giàu hay nghèo cũng đều phải đóng thuế. Đưa ra chính sách không hợp lý, khiến người giàu bỏ nước ra đi, ấy là một sự tổn thất lớn, lợi bất cập hại. Do vậy chính sách nào đưa ra cũng cần phải nghiên cứu kĩ lưỡng và cần đưa ra đúng thời điểm.
Tôi đồng ý là thuế dùng để xây dựng đất nước. Công dân là phải đóng thuế. Nhưng tại sao người dân Việt Nam phẫn nộ là bởi đây chưa phải là thời điểm để họ đóng thuế tài sản. Họ chỉ có thể vui vẻ đóng thuế tài sản khi họ nhìn thấy chính phủ đã làm mọi biện pháp cần thiết để tiết kiệm ngân sách, dùng đồng vốn của quốc gia một cách hiệu quả. Họ phẫn nộ bởi tham nhũng tràn lan, quan cấp xã là nhà đã to vật, nói gì tới cấp huyện và tỉnh, các vụ án tham nhũng nghìn tỉ, những tập đoàn hay còn gọi là những nắm đấm sắt chỉ thấy lấy móng sắt cào vào lòng ngân sách, xé nát niềm tin của người dân, họ phẫn nộ bởi mọi mặt đời sống càng ngày càng đi xuống và họ sợ đồng tiền thuế mà mình sẽ phải đóng thêm thay vì nâng cao bộ mặt đất nước thì chỉ bị dùng phung phí nuôi bộ máy mà theo thống kê thì 30% cán bộ là ăn hại, những hội đoàn chỉ hót theo chỉ đạo như vẹt mà không có đóng góp thực tế cho xã hội, những tượng đài trăm nghìn tỉ.
Tôi nhắc lại, để được người dân ủng hộ thì chính phủ cần phải gây dựng lòng tin từ người dân. Họ sẽ đóng thuế khi thực sự thấy chính phủ thực sự là chính phủ kiến tạo, đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Không thể cứ thiếu tiền là đè ngửa dân ra lấy tiền được. Tiếp nào:
Source: Give me a name for these games by Smallworld
“Tóm lại, tôi chỉ muốn nhắn nhủ một điều, là thanh niên hãy ước mơ lớn, càng đóng nhiều thuế chứng tỏ bạn kiếm được càng nhiều tiền, thuế chỉ là đôi đũa trong một mâm cơm thôi. Đừng để tư duy nghèo trỗi dậy.
Luôn tìm hiểu kĩ có góc nhìn tích cực rõ ràng, đầu tiên là tích cực cho bản thân bạn, khi bạn tích cực bạn sẽ có năng lượng làm việc tốt hơn và hiệu quả hơn, khi bạn tích cực bạn sẽ không cáu gắt và gia đình bạn không bị vô tình phải gánh chịu những bực dọc đó.
Cuộc đời bạn là của bạn. Tâm trí là một rừng hoa hay là một đống phân nhơ bẩn hoàn toàn do bạn quyết định.
Nguyễn Minh Ngọc”
Một câu kêu gọi chung chung nhạt nhẽo. Tôi thì kêu gọi thanh niên hãy có tư duy phản biện nhưng không cực đoan. Cái gì đúng thì chấp nhận, cái gì không đúng thì đấu tranh để sửa. Lời khuyên về tích cực thì đúng rồi, nhưng đặt sai chỗ. Ở đây không nói tới tiêu cực hay tích cực mà nói tới bước đi hợp lý trong quản lý nhà nước. Cứ lắp mấy câu đúng như sách giáo khoa vào một chủ đề khác để lừa mị người đọc là một mánh rất vớ vẩn, chỉ lừa được sinh viên thiếu hiểu biết thôi.
Tôi kinh sợ loại thầy mang con chữ ra để lừa mị sinh viên như thế này. Trong đầu bạn Ngọc này là gì? Rừng hoa hay đống phân nhơ bẩn, như cách dùng từ của bạn ấy? Tôi sợ rằng bạn ấy cũng không biết, bởi có thể lắm bạn ấy còn lừa mị chính mình.
Tôi không lo gì cho cá nhân một người, nhưng bởi bạn ấy là thầy nên tôi sợ rằng kiểu tư duy này sẽ ảnh hưởng tới tầng lớp sinh viên bạn ấy dạy dỗ.
Đây là FB của bạn ấy:
Chau Doan
Source: Give me a name for these games by Smallworld
No comments:
Post a Comment