Vấn đề ở đây không phải là nói gì mà là ai nói và nói như thế nào. Giả sử cái đề xuất kia được đưa ra vào trước năm 1975 thì tôi tin rằng không người dân nào phản ứng, kể cả Bộ Y Tế giữ y nguyên câu chữ và không hề nêu lên lý do cần thiết là chiến tranh. Tại sao vậy?
Bởi lòng dân lúc ấy còn ngây thơ, trong trắng như tờ giấy mới thơm tho. Cán bộ nói gì mà chẳng nghe. Lúc ấy từ "cán bộ" thường đi cùng với sự tử tế, gương mẫu, chuẩn mực còn từ ấy bây giờ đi cùng với tham nhũng, câu kết với doanh nghiệp để cướp tài nguyên của dân, là đàn áp tiếng nói công tâm. Tất nhiên, thời ấy cũng có những cán bộ đểu nhưng đấy là số ít.
Tôi ngạc nhiên khi một số bạn, trong ấy có bác sỹ tỏ ra bức xúc trước phản ứng của cộng đồng mạng trước cái đề xuất "quái đản" kia. Nếu cảm nhận vấn đề ở một diện rộng, ở tâm thế của người dân vốn đã bức xúc sẵn thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả.
Khi đã bức xúc thì họ tìm mọi cách, tận dụng mọi cớ để phản ứng ở các sắc độ. Nhiều ý kiến còn đề xuất dùng cái thứ máu hàng tháng của chị em. Nhầy nhụa quá đúng không? Không biết những người quản lý xã hội có nhìn ra điều ấy không? Hay lại cho họ là phản động?
Chẳng riêng tôi mà ai cũng hiểu là ngành y tế cần máu nhưng vấn đề là ai nói và nói như thế nào, nói vào thời điểm nào?
Bạn ra đường, một người ăn xin xoè tay xin, ấy thực sự là người ta đang xin, bạn rút tiền trao, trong lòng cảm thấy nhẹ nhàng vì mình vừa làm điều thiện. Một thằng bặm trợn, trong tay cầm dao và nhe răng duyên dáng nói: "Anh làm ơn cho em xin ít xiền!" thì đấy được gọi là xin đểu, và thực sự là hắn ta đang cướp, đang cưỡng bức, nếu không rút tiền thì hắn ta sẽ không ngại ngần mà "cù nhẹ" con dao vào nách của bạn, máu sẽ lênh láng và người đi đường sẽ rú lên, và với tâm thức xã hội như ngày nay, họ sẽ chạy xa để tránh làm nạn nhân được "xin".
Có bạn hỏi tôi: vậy giải pháp là gì, làm sao khắc phục việc thiếu máu như hiện nay. Xin thưa rằng, với tư cách người dân, kêu là quyền của tôi, biết giải pháp thì đã là cán bộ roài, đâu phải là dân ngu cu đen để bị người khác dụ dỗ, chăn dắt và lừa dối nữa. Nhưng, nói gì thì nói, tôi tuy là dân nhưng là loại dân thích hót thẳng, hót thật, cho nên tôi xin nêu ra nguyên do là thiếu lòng tin trầm trọng. Đấy là căn nguyên của mọi phản ứng đôi khi là thái quá của công luận.
Lòng dân giờ như chim sợ cành cong.
Cứ phát ngôn hay đề xuất nào kêu gọi hay vận động của chính quyền là họ co rúm người lại, lập tức chửi quang quác như gà mẹ bảo vệ đàn con trước diều hâu. Phản xạ tự nhiên thôi, đừng ngạc nhiên hay bức xúc.
Lòng dân đã từng ngây thơ trong trắng và ngốc nghếch, họ biết điều ấy, giờ có phản ứng quá đi một chút để bù lại sự cay đắng, âu cũng là chuyện tất nhiên.
Các ông đã dùng cạn kiệt cái tài khoản lòng tin, giờ đã thành âm rồi, muốn làm được việc thì phải lấy lại thoai. Giải pháp đấy.
Có thể bạn sẽ hỏi tiếp, vậy giải pháp để lấy lại lòng tin là gì? Mịa, hỏi khó vãi.
Hãy bắt đầu bằng việc xử lý những vấn đề xã hội một cách xuyên suốt và triệt để, vứt cái kiểu nói một đằng, làm một nẻo đi. Cứ thỉnh thoảng lại có một vụ chiến sỹ công an quỳ trước xác người dân vì chạy nên tự chết, cán bộ ưu tú ôm nghìn tỉ ra nước ngoài, rồi việc công an thành phố HCM đàn áp một cách bẩn thỉu những người cất tiếng nói bảo vệ môi trường, mặc dù nạn nhân đã mệt mỏi, xin hứa tuyệt đối khâu miệng, có tai như điếc, có mắt như mù rồi nhưng vẫn quyết đuổi cùng diệt tận, trọ ở đâu là xúi bẩy, doạ nạt chủ nhà tống người ta ra đường, để cả giữa đêm. Không biết họ nghĩ gì khi làm thế, hay đã nghiện hành xử bẩn thỉu mất rồi?
Như vậy thì có thánh cũng bó tay. Mà khi thánh đã bó tay thì hót thật, hót giả, hót duyên dáng đến đâu thì dân cũng đều lắc đầu không thích, không chơi. Thế đấy, buồn không?
Chau Doan
No comments:
Post a Comment