Saturday, July 16, 2016

Đúng quy trình vẫn hỏng

Ông Trịnh Xuân Thanh có bề dày sai phạm trong trong thời gian dài nhưng vẫn được thăng chức, vụ việc chỉ bị vỡ lở khi chiếc siêu xe biển số xanh của ông bị tung lên mạng xã hội - Ảnh: CTV
Theo đúng chỉ đạo của Tổng bí thư và Bộ Chính trị, và cũng là nhiệm vụ thường xuyên thường kỳ, ngày 11.7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã công bố kết quả kiểm tra những vụ việc liên quan đến tiêu cực, tham nhũng, đến công tác cán bộ. Điều rõ ràng là không ít cán bộ lãnh đạo cấp cao, người đứng đầu tỉnh thành, thủ trưởng cơ quan đơn vị nhà nước đã có cả quá trình vi phạm nhưng vẫn được cơ cấu, bổ nhiệm vào bộ máy lãnh đạo, được thăng chức, được nhận những trọng trách cao hơn, quan trọng hơn so với lúc sai phạm.
Bản kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề cập đến một số trường hợp, trong đó có ông Trịnh Xuân Thanh – Tỉnh ủy viên, phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016; ông Dương Anh Điền – nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư ban Cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng. Lẽ dĩ nhiên những sai phạm của ông Thanh, ông Điền đều khi còn đương chức chứ không phải lúc “nguyên”, ông nào cũng có cả quá trình: quá trình sai phạm, quá trình lọt lưới, quá trình thăng quan tiến chức, và sau rốt mới là bị phát hiện và hạ cánh bay.
Cứ như những điều mà bản kết luận công bố thì ông Trịnh Xuân Thanh có bề dày, rất tiếc không phải thành tích mà là sai phạm. Ông là người đứng đầu cả về đảng và sự nghiệp một tổng công ty hàng đầu của kinh tế nhà nước, Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), thành viên lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của ông Thanh, theo như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đơn vị này “thua lỗ triền miên, thiệt hại kinh tế cực kỳ nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, làm giảm niền tin của nhân dân với Đảng và nhà nước”.Cụ thể, chỉ từ năm 2011-2013, PVC đã thua lỗ thiệt hại 3.298,27 tỉ đồng, nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.
Nhiều vụ việc liên quan đến sai phạm của cán bộ được phát hiện ra không phải do rà soát quy trình mà do tình cờ, do nhân dân tố cáo. Chẳng hạn, nếu không có thông tin về chiếc siêu xe biển số xanh của ông Trịnh Xuân Thanh trên mạng xã hội, có lẽ giờ đây ông vẫn là cán bộ lãnh đạo tốt, có uy tín, được tín nhiệm, lý lịch trong sạch, người trẻ giàu tiềm năng…
Là người đứng đầu, chắc chắn ông Thanh phải chịu trách nhiệm chính, không thể thoát kỷ luật. Nhưng đó là lý thuyết, bởi cuối cùng vị tổng này được đá hất lên, chuyển về Bộ Công Thương giữ trọng trách mới, nhận chức to hơn, quyền hành sâu rộng hơn. Và chưa dừng ở đó, “người lọt lưới” còn được điều chuyển (luân chuyển cán bộ), bổ nhiệm về tỉnh Hậu Giang, vào Ban Chấp hành đảng bộ, nhậm chức Phó chủ tịch UBND tỉnh. Tất cả đều đúng quy trình.
Ông Dương Anh Điền cũng tương tự. Hải Phòng là “đất dữ”, cần người chèo chống giỏi giang. Chả biết ông Điền có giỏi không, đất cảng có hiếm nhân tài không nhưng khi ông Điền giữ cương vị người đứng đầu chính quyền thành phố cảng, dư luận cán bộ và nhân dân đã sục sôi lắm. Nhiều việc ông làm liên quan đến đất đai, đầu tư, đến dự án này nọ ở Hải Phòng bị nghi ngờ, bàn tán, bộc lộ rõ tiêu cực, nhưng do ông còn đương quyền, ông còn giữ vai trò chỉ đạo nên nó chỉ ở dạng âm ỉ. Cái nhọt chỉ vỡ bung khi dự án nhạc nước do ông quyết, ông chỉ đạo có nhiều mờ ám, thất thoát lãng phí, không mang lại hiệu quả gì cho xã hội, “gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương” (theo bản kết luận).
Đáng lý ra, với “thành tích” tai tiếng sờ sờ như thế, ông Điền phải bị truất chức ngay bởi còn làm lãnh đạo ngày nào còn “gây dư luận xấu” ngày ấy, nhưng thật bất ngờ, ông lại được đảng bộ, chính quyền và cấp trên tín nhiệm đặt vào vị trí cao nhất, quyền lực nhất của Hải Phòng, Bí thư Thành ủy.
Một người bạn tôi sống ở Hải Phòng nhận xét, chưa bao giờ thành phố cảng có vị đầu lĩnh mờ nhạt kém cỏi như vậy. Nếu nhận xét đó là đúng thì nó sẽ mâu thuẫn với quá trình thăng tiến của ông Điền khi hoạn lộ của ông ngày càng cao, càng rộng mở. Dù chưa biết tin vào đâu nhưng thực tế cho thấy quá trình thăng quan tiến chức của ông Điền cũng rất… đúng quy trình.
Hầu như ai cũng hiểu, bộ máy nhà nước, đảng, chính quyền khi sắp xếp vị trí cho cá nhân nào đó đều rất chặt chẽ. Công tác tổ chức cán bộ bài bản, thẩm định kỹ lưỡng, đánh giá cụ thể, nhiều lớp nhiều tầng săm soi, nói chung là rất đúng quy trình. Phải thừa nhận, rất nhiều trường hợp “việc chọn đúng người, người tìm đúng việc” mà có hiệu quả rõ rệt, uy tín của cán bộ lên rất cao. Chỉ tiếc, dù quy trình chặt chẽ vậy nhưng vẫn để xảy ra chuyện mới sửng sốt rằng còn quá nhiều lỗ hổng, sai sót, mờ ám (chạy chọt, con ông cháu cha, nể nang, tùy tiện, vô trách nhiệm…).
Đáng lý ra, với “thành tích” tai tiếng sờ sờ như thế, ông Điền phải bị truất chức ngay bởi còn làm lãnh đạo ngày nào còn “gây dư luận xấu” ngày ấy, nhưng thật bất ngờ, ông lại được đảng bộ, chính quyền và cấp trên tín nhiệm đặt vào vị trí cao nhất, quyền lực nhất của Hải Phòng, Bí thư Thành ủy.
Dù chưa biết tin vào đâu nhưng thực tế cho thấy, quá trình thăng quan tiến chức của ông Điền cũng rất… đúng quy trình.
Nhiều vụ việc liên quan đến sai phạm của cán bộ được phát hiện ra không phải do rà soát quy trình mà do tình cờ, do nhân dân tố cáo. Chẳng hạn, nếu không có thông tin về chiếc siêu xe biển số xanh của ông Trịnh Xuân Thanh trên mạng xã hội, có lẽ giờ đây ông vẫn là cán bộ lãnh đạo tốt, có uy tín, được tín nhiệm, lý lịch trong sạch, giàu tiềm năng…
Thực tế cho thấy, người trong nội bộ rất ngại vạch trần, tố cáo những sai trái của lãnh đạo, nhất là thủ trưởng. Quyền lợi người tố cáo sẽ bị ảnh hưởng ngay khi quyền hành trong tay người bị tố cáo. Tâm lý chung là “đấu tranh tránh đâu”, là mũ ni che tai, là tâm trạng của dân làng Vũ Đại, nó tiêu cực tham nhũng làm bậy nhưng “chắc nó chừa mình ra”… vậy nên chả mấy ai dám hó hé gì.
Để tránh sự đã rồi, khó xử như vậy thì phải làm tốt ngay từ khâu ban đầu, tức công tác nhân sự, chọn người cho chính xác, đừng để vàng thau, ngọc đá lẫn lộn. Cứ ỷ y vào quy trình rồi làm cốt cho có, làm lấy được, không đào xới phát hiện bản chất và hành vi con người được chọn thì tránh sao khỏi những vị quan chức đầy tai tiếng, bị dân chúng xem thường mà vẫn lọt lưới xét duyệt, thăng quan tiến chức.
Gần đây, những vụ được khui ra tình cờ khiến người ta không khỏi giật mỉnh về chuyện nhân sự, bổ nhiệm cán bộ. Ngoài chuyện ông Thanh, ông Điền đã nhắc ở trên, còn là ông Chủ tịch TP.Vũng Tàu Phan Hòa Bình (vừa bị công an khởi tố) lúc đương chức quá nhiều sai phạm về đất đai, lại được cử giữ chức Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy (cơ quan chuyên lo về nhân sự); ông Nguyễn Văn Hôn - Phó chủ tịch TP.Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) mắc nhiều sai phạm, bị kiểm điểm nhưng vừa rồi vẫn được giới thiệu bầu lại làm Phó chủ tịch; ông Vũ Quang Hải con trai Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, khi làm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Công đoàn dầu khí đã góp phần gây thiệt hại cho công ty nhà nước này gần 1.000 tỉ đồng vẫn được ưu ái đưa về Bộ, rồi sau đó được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp nhà nước cực kỳ lớn khác là Sabeco…
Nói đi nói lại, cuối cùng chỉ chốt lại một điều: Sao lúc nào cũng đúng quy trình mà cứ sai bét nhè như vậy ?
Nguyễn Thông/Thanh Niên Online

No comments:


Get paid to share your links!