Friday, June 3, 2016

NGÂN HÀNG ‘XIẾT NỢ” NGƯ DÂN – CHÓ CẮN ÁO RÁCH


‪#‎GNsP‬ (03.06.2016) – Đời sống của bà con ngư dân ở các tỉnh Miền Trung rơi vào bế tắc sau vụ thảm họa ô nhiễm môi trường biển do nhân tai gây ra. Cơ nghiệp của bà con ngư dân bị mất sạch, không chuyển đổi được nghề nghiệp khi nghề truyền thống của gia đình là ngư nghiệp. Rơi vào ngõ cụt, không hướng giải quyết, còn nhà chức trách vô cảm và phủi trách nhiệm.
Nhiều con thuyền phơi nắng dọc các bờ biển, nằm chết một chỗ. Trong những ánh mắt của người già, người cha, người mẹ là nỗi lo lắng cho tương lai của những đứa con khi gia đình mất “nghiệp”. Miếng ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, nơi sống bị ô nhiễm, không nghề không nghiệp thì việc cho con cái đi học là một chuyện ngoài tầm tay của nhiều bậc cha mẹ, và họ đã chua xót khi nghĩ đến chuyện cho con nghỉ học để tìm kế sinh nhai.
Đã nghèo nhưng lại khổ hơn khi nhiều gia đình ngư dân rơi vào tình trạng bị ngân hàng xiết nợ do họ vay mượn vốn đóng tàu thuyền ra khơi.
Đó là thực trạng của các ngư dân thuộc giáo xứ Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Mất “nghiệp”
Đa phần bà con giáo dân giáo xứ Cồn Sẻ sống chủ yếu là ngư nghiệp lâu đời. Giáo xứ Cồn Sẻ nằm ở giữa đất bồi ở hạ lưu Sông Gianh. Hằng năm, cứ vào tháng 10, họ gánh chịu những cơn bão, mưa giông đổ về làm ngập lụt cả giáo xứ và các vùng lân cận. Đã khốn khổ nay lại phải cam chịu lãnh tất cả các hậu quả ô nhiễm môi trường biển do nhân tai gây ra.
Quản xứ giáo xứ Cồn Sẻ là Lm Phêrô Maria Hoàng Anh Ngợi. Ngài là một trong những vị linh mục thao thức về người nghèo, dấn thân hết mình vì người nghèo và mạnh mẽ đấu tranh các quyền tối thiểu của người dân trong thời gian vừa qua.
Trong chuyến từ thiện chia sẻ gạo vào cuối tháng 05.2016 với mục đích thăm hỏi các gia đình ngư dân tại giáo xứ Cồn Sẻ của Nhóm Fiat do Lm Giuse Lê Quang Uy, DCCT thành lập, Nhóm đã có dịp trò chuyện và gặp gỡ nhiều ngư dân. Qua sự quan sát, Lm Giuse chia sẻ về đời sống của bà con ngư dân hiện tại:
“Ý chí của bà con rất mạnh nhưng gần như họ đang bị trói tay trói chân bởi vì biển bị nhiễm độc và cá đã chết, thậm chí bà con ngư dân đánh lưới xuống biển thì vớt lên chỉ còn có xương cá thôi. Nhiều bà con ở đây không phải là những ngư dân đi đánh bắt xa bờ nên không có những phương tiện hiện đại, họ chỉ có thuyền nhỏ và ghe. Đánh bắt gần bờ thì không còn cá, do đó họ phải liều lĩnh bằng những chiếc tàu nhỏ, những chiếc ghe để đi đánh bắt xa bờ nên họ sẽ gặp nguy hiểm rất nhiều nếu như gặp sóng lớn, hoặc gặp tàu Trung Cộng. Và, ngư dân ở đây cũng cho biết, khi đánh bắt xa bờ thì cá cũng không còn nhiều. Trong khi đó chi phí đánh bắt xa bờ rất cao mà lượng cá đánh bắt được ít quá thì sẽ lỗ, nhưng bản năng của người đánh cá họ không thể ngồi yên được, họ vẫn có niềm hy vọng nên họ muốn đi đánh bắt để được tí nào hay tí đó.”
Tuy rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn đủ mọi bề sau vụ thảm họa, tiền thiếu trước hụt sau nhưng nhiều ngư dân ở đây kiên quyết từ chối những lời dụ ngon dụ ngọt của các thương lái khi họ đến hỏi mua số cá chết về để tiêu thụ. Lm Giuse nói:
“Nhiều thương lái đã dụ dỗ bà con bán lại cá ở đây kể cả cá đã chết và đang ngáp ngáp với giá rẻ, để về chế biến và bán như là cá tươi cho người ta làm nước nắm hoặc cá khô. Những người dân ở đây họ có lương tâm nên họ không tiếp tay với các thương lái này. Nếu nhà nước mà không mạnh tay thì các sản phẩm này sẽ trôi nổi và không chừng chúng ta sẽ ăn nhằm các loại sản phẩm này.”
Ngân hàng xiết nợ
Khi “nghiệp” đánh bắt thủy hải sản chết chân tại chỗ thì tất cả các dịch vụ vệ tinh khác xoay quanh nghề biển đều dừng lại và đứng yên như vá lưới, làm phao… Trong tình cảnh khốn đốn của các ngư dân không biết xoay sở công việc làm ăn thế nào, thì cơ hội mong manh duy nhất của họ là chỉ còn biết bám víu vào nhà chức trách với hy vọng có phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, để cuộc sống gia đình được ổn định hơn, nhưng niềm hy vọng ấy bị nhà cầm quyền chà đạp một cách nhẫn tâm khi họ dùng hệ thống ngân hàng xiết nợ các ngư dân. Linh mục Giuse cho hay:
“Cha xứ [giáo xứ Cồn Sẻ] chia sẻ rằng, UBND Huyện trong lúc này không cứu trợ cho bà con ngư dân mà lại dùng ngân hàng để xiết nợ. Đáng lẽ ra [họ] phải giảm nợ hoặc xóa nợ cho bà con ngư dân. Đời sống của bà con rất éo le, họ vay nợ ngân hàng rất nhiều nhưng số tiền đó không đủ để đóng một cái ghe, nhiều người hùn lại vẫn không đủ. Do đó, họ vay thêm tiền của nhà nước để xây nhà, sau đó thế chấp căn nhà để vay thêm một khoản khác thì mới có đủ vốn để đóng một con tàu, nhưng bây giờ con tàu nằm một chỗ, không làm ra tiền thì nhà nước đến siết nợ và chồng chất thêm những nỗi thống khổ cho ngư dân nơi đây.”
Trẻ em có nguy cơ thất học
Sự bế tắc ấy không có hướng giải quyết bởi vấn đề quá lớn, quá tầm tay của bà con ngư dân và trách nhiệm này thuộc về nhà cầm quyền buộc họ phải can đảm, mạnh mẽ dõng dạc công khai nguyên nhân dẫn đến biển bị ô nhiễm trầm trọng như hiện nay. Nếu nhà cầm quyền làm được điều đó thì bà con ngư dân sẽ chung tay góp sức giải quyết vấn đề, nếu không, sẽ là “án tử” cho đời sống bà con ngư dân và là một “tương lai chết” của cả dân tộc VN. Linh mục Giuse bật khóc và chia sẻ:
“Người dân họ chia sẻ với chúng tôi rằng, những đứa con của họ đang đi học sẽ bỏ học, một em học sinh lớp 4 một năm học phải đóng học phí 1,4 triệu. Bây giờ không có tiền ăn thì lấy tiền đâu đóng học phí cho con, thì chắc chắn cháu bé này nghỉ học sẽ tham gia vào lực lượng những đám trẻ không được học hành và có thể đi bán vé số, bưng bê, bán hàng… Những người trẻ [ở đây] đã nghĩ đến chuyện họ sẽ phải dời đi. Đây là một thảm họa cho những ngư dân đang gắn bó với biển, họ đang sống an lành… bây giờ bị đánh bật ra khỏi mảnh đất của họ, họ đi sang nơi khác thì dù là đồng bào có cưu mang, có che chở, có nâng đỡ thì họ vẫn là những người tha phương và nỗi đau không thể hàn gắn được các vết thương ấy về lâu về dài.”
Nhà nước hỗ trợ gạo xấu và ẩm
Sau khi xảy ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển, nhà chức trách hứa hẹn hỗ trợ 15kg gạo cho một người, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, họ chỉ hỗ trợ 10kg gạo xấu và ẩm cho một hộ gia đình, mỗi hộ có ít nhất 5 nhân khẩu nhiều nhất là 15 nhân khẩu. Linh mục Giuse cho hay:
“Nhà nước tuyên truyền, vận động và hứa hẹn có gạo cho dân. Theo như lời cha Sở kể, họ nói sẽ hỗ trợ 15 ký gạo cho một người, nhưng bây giờ họ chỉ hỗ trợ 10 ký gạo cho một hộ gia đình mà đây là gạo xấu và ẩm, họ không thể ăn được. Nhiều người dân Cồn Sẻ đang ở trong tình trạng rất khốn đốn, không biết nên đổi nghề gì đây, có lẽ họ phải bỏ quê đi tha phương cầu thực vào các thành phố lớn để làm ăn.”
Giải thoát nào cho ngư dân?
Lm Giuse cũng cho hay, từ lời kêu cứu “hết đường sống” của của Lm Phêrô Maria khi tàu về neo đậu kín cả sông và cho đến nay không được một lời giải thích nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt vào tháng 4.2016 từ phía nhà cầm quyền, thì Lm Giuse đã cấp tốc đưa ra lời kêu gọi cứu trợ cho bà con nơi đây.
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi vài ngày, Lm Giuse đã nhận được hơn 1 tỷ rưỡi của các tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước gửi về, đặc biệt trong số đó Hội Bác Ái Phanxicô đã chung sức đóng góp 20.000 USA (gần 500.000.000 VNĐ). Số tiền này, Lm Giuse đã chuyển hết cho Lm Phêrô Maria để mua gạo, phân phối cho bà con ngư dân đang thiếu thốn.
Lm Giuse mong muốn: “Khi trở về cùng lúc được biết Caritas của HĐGMVN đã bắt đầu nhập cuộc thì chắc chắn họ sẽ làm mạnh hơn, nhanh hơn nên tôi muốn mời gọi các Đức cha, Dòng tu, các giáo xứ và anh chị em giáo dân hướng lòng mình về Miền Trung, để hiểu được nỗi khổ của họ và giúp được họ cái nào hay cái đó. Chúng ta phải liên đới với nhau thì mới tạo được một sức mạnh và làm cho phía nhà nước phải rục rịch, phải thay đổi và phải làm một cái gì đó cho bà con ngư dân.”
Tuy nhiên, phương án cứu trợ gạo hoặc các nhu yếu phẩm không phải là kế hoạch dài lâu bởi người nghèo có lòng tự trọng, họ muốn tự lực cáng sinh và phát triển bằng ý chí, sức mạnh của họ. Lm Giuse băn khoăn:
“Chúng tôi băn khoăn một điều là chả lẽ chúng ta cứ tiếp tục quyên góp, chả lẽ chúng ta cứ tiếp tục giúp cho họ bát cơm bát gạo trong khi đó vấn đề là giải quyết là cái nghề của họ, họ có sức, có ý chí và có tay nghề nhưng tất cả đã sụp đổ hết thì bây giờ họ sẽ sống làm sao đây. Họ có lòng tự trọng để không tiếp tục ngửa tay xin chúng ta cứu trợ. Họ chờ đợi trước hết là nhà nước có phương án chuyển đổi nghề nghiệp cho họ. Đa số [ngư dân ở đây] là những người Công giáo và họ mong muốn Giáo hội Công giáo thay họ là tiếng nói đủ mạnh để nói chuyện với các cấp lãnh đạo cao hơn về nỗi thống khổ của họ.”
Nếu cứ cứu trợ mãi thì đất nước không thể phát triển. Đất nước chỉ hồi sinh khi người dân đứng trên đôi chân của họ làm chủ đất nước.
Nếu nhà cầm quyền xác định Fomosa có lỗi xả thải, họ sẽ phải bồi thường cho ngư dân. Đây là bài học của Vedan khi bị xác đinh xả thải gây ô nhiễm và phải bồi thường, phải chăng đây cũng là “động cơ” khiến nhà cầm quyền chưa thể “minh bạch” nguyên nhân cá chết?
Huyền Trang, GNsP

No comments:


Get paid to share your links!